Responsive image

Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 21/10

Thông tin báo chí chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 21/10

THÔNG TIN BÁO CHÍ

THÔNG TIN CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH CỦA CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

 

Tập trung ứng phó bão số 8 và cứu trợ khẩn cấp người dân vùng ngập lũ

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về ứng phó với bão số 8 và mưa lũ tại các tỉnh miền Trung.

Thông báo nêu rõ, những ngày qua, mưa lũ lớn đã gây thiệt hại hết sức nặng nề về người và tài sản của nhân dân và nhà nước tại các tỉnh miền Trung.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các ngành, các cấp, đặc biệt là Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cấp ủy, chính quyền các cấp ở địa phương đã tập trung chỉ đạo; các lực lượng vũ trang, thông tin, báo chí, các tổ chức, đoàn thể đã tích cực vào cuộc, cùng với sự chủ động ứng phó của người dân đã góp phần hạn chế thiệt hại do mưa lũ.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã trực tiếp đi kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ và tìm kiếm cứu nạn tại các tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình, đến kiểm tra công trình hồ Kẻ Gỗ, thăm hỏi, động viên những người dân vùng ngập lũ, người bị thương do mưa lũ và làm việc với lãnh đạo các địa phương nêu trên.

Ngày 21/10/2020, tại Trụ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai), Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng - Trưởng Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai đã chủ trì cuộc họp ứng phó với bão số 8 và mưa lũ miền Trung.

Không để người dân vùng lũ bị đói, rét

Phó Thủ tướng yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp ở địa phương, cùng với các bộ, ngành có liên quan tiếp tục chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với bão, lũ và khắc phục hậu quả mưa lũ nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản và ổn định cuộc sống cho người dân.

Trong đó, nhiệm vụ ưu tiên số 1 hiện nay là tập trung tiếp cận, cứu trợ khẩn cấp lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cho người dân vùng ngập lũ.

Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu cấp ủy, chính quyền, cùng với mặt trận tổ quốc các cấp, các cơ quan, đoàn thể ở địa phương tập trung triển khai cứu trợ khẩn cấp, bảo đảm đời sống cho người dân. Bằng mọi biện pháp phải tiếp cận, cung cấp trực tiếp lương thực, thực phẩm, nước uống, chất đốt, thuốc y tế và các nhu yếu phẩm khác cho người dân vùng ngập lũ với phương châm không để người dân bị đói, rét, ốm đau không được chữa bệnh. Cấp ủy, chính quyền cấp huyện, cấp xã chịu trách nhiệm xác định cụ thể đối tượng cần cứu trợ, chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động cứu trợ để điều phối, phân phối hàng cứu trợ, đảm bảo công tác cứu trợ kịp thời đến tất cả các đối tượng cần cứu trợ, trong đó lưu ý không để sót những hộ dân ở vùng sâu, vùng xa, hộ dân cư đơn lẻ.

Phó Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức hỗ trợ ngay xúc xích, thịt nguội và các thực phẩm khác cho người dân các tỉnh đang còn bị ngập lũ theo đề nghị của các địa phương; giao Bộ Quốc phòng chỉ đạo tăng cường lực lượng, phương tiện (kể cả máy bay trực thăng) để kịp thời vận chuyển, cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cứu trợ cho người dân ở các khu vực còn bị ngập sâu, chia cắt, nhất là các khu vực còn chưa tiếp cận được.

Các tổ chức, cá nhân tham gia cứu trợ cần chủ động phối hợp với chính quyền và các đoàn thể ở địa phương để tổ chức tốt công tác cứu trợ cho người dân tránh tập trung hỗ trợ ở một vài nơi, trong khi người dân ở những vùng sâu, vùng xa không được quan tâm hỗ trợ đầy đủ.

Các địa phương tiếp tục rà soát, chủ động sơ tán, di dời người và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, không bảo đảm an toàn, nhất là những khu vực bị ngập sâu, khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ ống, lũ quét; tổ chức giám sát chặt chẽ, vận hành an toàn các hồ đập thủy lợi, thủy điện.

Tập trung khắc phục hậu quả ngay sau khi lũ rút: Các địa phương tổ chức, huy động lực lượng, phương tiện hỗ trợ người dân dọn vệ sinh nhà cửa, trường lớp, xử lý môi trường, tiêu độc, khử trùng, phòng chống dịch bệnh; sửa chữa, khắc phục công trình hạ tầng bị hư hỏng, đặc biệt là công trình giao thông, thủy lợi, điện, nước, y tế, giáo dục để phục vụ sinh hoạt và khôi phục sản xuất cho người dân. Các Bộ: Quốc phòng, Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Công Thương, Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ngành khác theo chức năng quản lý nhà nước được giao chủ động phối hợp, hỗ trợ địa phương khắc phục hậu quả mưa lũ.

Chủ động ứng phó với bão số 8

Bão số 8 đang tiếp tục di chuyển hướng về phía vùng biển và đất liền nước ta. Theo dự báo, bão còn tiếp tục mạnh thêm (sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão trên biển có thể đạt cấp 12, giật cấp 14), có khả năng đổ bộ trực tiếp vào đất liền và gây mưa lớn tại các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ trong một vài ngày tới. Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, chủ động triển khai công tác ứng phó với bão theo phương châm bốn tại chỗ.

Trong đó, tập trung bảo đảm an toàn cho người và các hoạt động trên biển. Cụ thể, các địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,...) tiếp tục tập trung rà soát, hướng dẫn đảm bảo an toàn cho người, tàu, thuyền, phương tiện đang hoạt động trên biển (trong đó cần lưu ý hướng dẫn cả các tàu vận tải, tàu hoạt động vãng lai); chỉ đạo bảo đảm an toàn đối với các hoạt động dầu khí, du lịch, sản xuất, nuôi trồng thủy hải sản trên biển,...

Các địa phương khẩn trương rà soát, chuẩn bị phương án ứng phó, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai phương án bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân tại các khu vực nguy hiểm, nhất là tại các khu vực ven biển, cửa sông, trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản và các hoạt động sản xuất, kinh doanh ven biển, trên biển.

Bên cạnh đó, bảo đảm an toàn trên đất liền: Các địa phương tổ chức rà soát các khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu, nước chảy xiết, trong các công trình, nhà ở không bảo đảm an toàn để chủ động tổ chức sơ tán, di dời người và tài sản khi có tình huống nguy hiểm nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân và lực lượng khác; tổ chức kiểm soát, hướng dẫn bảo đảm an toàn giao thông khi bão, lũ.

Các địa phương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương chỉ đạo vận hành an toàn các hồ chứa thủy lợi, thủy điện; kiểm tra, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước, nhất là đối với các hồ đập nhỏ, xung yếu, công trình đang thi công hoặc đã đầy nước; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành có liên quan chủ động phối hợp với địa phương chỉ đạo triển khai phương án bảo vệ sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp để hạn chế thiệt hại do bão, lũ.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo theo dõi chặt chẽ tình hình bão, mưa lũ, dự báo, thông tin kịp thời đến các cơ quan và người dân biết để chủ động chỉ đạo, ứng phó.

Tăng cường chia sẻ thông tin chính xác liên quan đến an toàn hồ đập

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo cơ quan chức năng, cơ quan nghiên cứu khoa học tăng cường chia sẻ thông tin bảo đảm chính xác, khách quan với các cơ quan thông tấn, báo chí liên quan đến vấn đề an toàn hồ đập, vận hành điều tiết nước, xả lũ của các hồ chứa thủy lợi, thủy điện.

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí làm tốt công tác truyền thông, đưa tin kịp thời, đầy đủ, chính xác về tình hình bão, lũ và công tác chỉ đạo, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai của các cấp, các ngành, cấp ủy, chính quyền các địa phương.

Phó Thủ tướng giao Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai tổ chức theo dõi diễn biến bão số 8, chủ động chỉ đạo các ngành, các địa phương có liên quan triển khai ứng phó; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tổ chức các đoàn công tác hỗ trợ các địa phương trong công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; kịp thời làm tốt công tác khen thưởng, động viên những gương tốt trong công tác phòng chống thiên tai.

Quy định mới về hóa đơn, chứng từ

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ.

Nghị định này quy định việc quản lý, sử dụng hóa đơn khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ; việc quản lý, sử dụng chứng từ khi thực hiện các thủ tục về thuế, thu phí, lệ phí và quy định nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc quản lý, sử dụng hóa đơn, chứng từ.

Trong đó, về nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn, chứng từ, khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua (bao gồm cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất); xuất hàng hóa dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hóa) và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định, trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử thì phải theo định dạng chuẩn dữ liệu của cơ quan thuế.

Khi khấu trừ thuế thu nhập cá nhân, khi thu thuế, phí, lệ phí, tổ chức khấu trừ thuế, tổ chức thu phí, lệ phí, tổ chức thu thuế phải lập chứng từ khấu trừ thuế, biên lai thu thuế, phí, lệ phí giao cho người có thu nhập bị khấu trừ thuế, người nộp thuế, nộp phí, lệ phí và phải ghi đầy đủ các nội dung theo quy định. Trường hợp sử dụng biên lai điện tử thì phải định dạng chuẩn dữ liệu của cơ quan thuế. Trường hợp cá nhân ủy quyền quyết toán thuế thì không cấp chứng từ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân.

Đối với cá nhân không ký hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng thì tổ chức, cá nhân trả thu nhập được lựa chọn cấp chứng từ khấu trừ thuế cho mỗi lần khấu trừ thuế hoặc cấp một chứng từ khấu trừ cho nhiều lần khấu trừ thuế trong một kỳ tính thuế. Đối với cá nhân ký hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên, tổ chức, cá nhân trả thu nhập chỉ cấp cho cá nhân một chứng từ khấu trừ thuế trong một kỳ tính thuế.

Trước khi sử dụng hóa đơn, biên lai doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ cá nhân kinh doanh, tổ chức thu thuế, phí, lệ phí phải thực hiện đăng ký sử dụng với cơ quan thuế hoặc thực hiện thông báo phát hành theo quy định. Đối với hóa đơn, biên lai do cơ quan thuế đặt in, cơ quan thuế thực hiện thông báo phát hành theo quy định.

Tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh trong quá trình sử dụng phải báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn mua của cơ quan thuế, báo cáo tình hình sử dụng biên lại đặt in, tự in hoặc biên lai mua của cơ quan thuế theo quy định.

Dữ liệu hóa đơn, chứng từ khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, dữ liệu chứng từ khi thực hiện các giao dịch nộp thuế, khấu trừ thuế và nộp các khoản thuế, phí, lệ phí là cơ sở dữ liệu để phục vụ công tác quản lý thuế và cung cấp thông tin hóa đơn, chứng từ cho các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Người bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ là doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác được ủy nhiệm cho bên thứ ba lập hóa đơn điện tử cho hoạt động bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Hóa đơn được ủy nhiệm cho bên thứ ba lập vẫn phải thể hiện tên đơn vị bán là bên ủy nhiệm. Việc ủy nhiệm phải được xác định bằng văn bản giữa bên ủy nhiệm và bên nhận ủy nhiệm thể hiện đầy đủ các thông tin về hóa đơn ủy nhiệm (mục đích ủy nhiệm; thời hạn ủy nhiệm; phương thức thanh toán hóa đơn ủy nhiệm) và phải thông báo cho cơ quan thuế khi đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử. Trường hợp hóa đơn ủy nhiệm là hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế thì bên ủy nhiệm phải chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử đến cơ quan thuế thông qua tổ chức cung cấp dịch vụ. Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể nội dung này.

Hành vi bị cấm trong lĩnh vực hóa đơn, chứng từ

Nghị định quy định cụ thể hành vi bị cấm trong lĩnh vực hóa đơn, chứng từ:

- Đối với công chức thuế, gây phiền hà, khó khăn cho tổ chức, cá nhân đến mua hóa đơn, chứng từ; có hành vi bao che, thông đồng cho tổ chức, cá nhân để sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp; nhận hối lộ khi thanh tra, kiểm tra về hóa đơn.

- Đối với tổ chức, cá nhân bán, cung cấp hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan, thực hiện hành vi gian dối sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn; cản trở công chức thuế thi hành công vụ, cụ thể các hành vi cản trở gây tổn hại sức khỏe, nhân phẩm của công chức thuế khi đang thanh tra, kiểm tra về hóa đơn, chứng từ; truy cập trái phép, làm sai lệch, phá hủy hệ thống thông tin về hóa đơn, chứng từ; đưa hối lộ hoặc thực hiện hành vi khác liên quan đến hóa đơn, chứng từ nhằm mưu lợi bất chính.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/7/2022.

Trốn thuế sẽ bị phạt tiền từ 1 - 3 lần số thuế trốn

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 125/2020/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính về thuế, hóa đơn; trong đó quy định phạt tiền từ 1 đến 3 lần số thuế trốn đối với hành vi trốn thuế.

Cụ thể, phạt tiền 1 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế có từ một tình tiết giảm nhẹ trở lên khi thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau:

a- Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế hoặc nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày, kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc kể từ ngày hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế, trừ trường hợp quy định tại điểm b, c khoản 4 và khoản 5 Điều 13 Nghị định này.

b- Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp, không khai, khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, được miễn, giảm thuế, trừ hành vi quy định tại Điều 16 Nghị định này.

c- Không lập hoá đơn khi bán hàng hoá, dịch vụ, trừ trường hợp người nộp thuế đã khai thuế đối với giá trị hàng hóa, dịch vụ đã bán, đã cung ứng vào kỳ tính thuế tương ứng; lập hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ sai về số lượng, giá trị hàng hóa, dịch vụ để khai thuế thấp hơn thực tế và bị phát hiện sau thời hạn nộp hồ sơ khai thuế.

d- Sử dụng hoá đơn không hợp pháp; sử dụng không hợp pháp hoá đơn để khai thuế làm giảm số thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm.

đ- Sử dụng chứng từ không hợp pháp; sử dụng không hợp pháp chứng từ; sử dụng chứng từ, tài liệu không phản ánh đúng bản chất giao dịch hoặc giá trị giao dịch thực tế để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được miễn, giảm, số tiền thuế được hoàn; lập thủ tục, hồ sơ hủy vật tư, hàng hoá không đúng thực tế làm giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế được hoàn, được miễn, giảm.

e- Sử dụng hàng hoá thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng, khai thuế với cơ quan thuế.

g- Người nộp thuế có hoạt động kinh doanh trong thời gian xin ngừng, tạm ngừng hoạt động kinh doanh nhưng không thông báo với cơ quan thuế, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều 10 Nghị định này.

Nghị định nêu rõ, phạt tiền 1,5 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định ở trên mà không có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ; phạt tiền 2 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định ở trên mà có một tình tiết tăng nặng; phạt tiền 2,5 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định ở trên có hai tình tiết tăng nặng; phạt tiền 3 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định ở trên có từ ba tình tiết tăng nặng trở lên.

Vi phạm về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế phạt đến 25 triệu đồng

Nghị định cũng quy định cụ thể mức phạt đối với hành vi vi phạm về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế. Cụ thể, phạt cảnh cáo đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 1 - 5 ngày và có tình tiết giảm nhẹ.

Phạt tiền từ 2-5 triệu đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 1-30 ngày, trừ trường hợp quy định.

Đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 31-60 ngày thì bị phạt tiền từ 5-8 triệu đồng.

Phạt tiền từ 8-15 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 61-90 ngày; nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 91 ngày trở lên nhưng không phát sinh số thuế phải nộp; không nộp hồ sơ khai thuế nhưng không phát sinh số thuế phải nộp; không nộp các phụ lục theo quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết kèm theo hồ sơ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp.

Phạt tiền từ 15 – 25 triệu đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn trên 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế, có phát sinh số thuế phải nộp và người nộp thuế đã nộp đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước trước thời điểm cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế hoặc trước thời điểm cơ quan thuế lập biên bản về hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế theo quy định tại khoản 11 Điều 143 Luật Quản lý thuế. Trường hợp số tiền phạt nếu áp dụng lớn hơn số tiền thuế phát sinh trên hồ sơ khai thuế thì số tiền phạt tối đa đối với trường hợp này bằng số tiền thuế phát sinh phải nộp trên hồ sơ khai thuế nhưng không thấp hơn mức trung bình của khung phạt tiền.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 5/12/2020.

Quy định mới về khiếu nại và giải quyết khiếu nại

Chính phủ ban hành Nghị định số 124/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Khiếu nại. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10/12/2020 và thay thế Nghị định số 75/2012/NĐ-CP ngày 3/10/2012 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khiếu nại.

Nghị định số 124/2020/NĐ-CP quy định một số biện pháp thi hành Luật Khiếu nại gồm: hình thức khiếu nại; khiếu nại lần hai; đại diện thực hiện việc khiếu nại; trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại; xem xét việc giải quyết khiếu nại vi phạm pháp luật; xử lý hành vi vi phạm.

Về đại diện thực hiện việc khiếu nại, Nghị định quy định, người khiếu nại có thể tự mình khiếu nại hoặc ủy quyền cho luật sư, trợ giúp viên pháp lý hoặc ủy quyền cho người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thực hiện việc khiếu nại. Trường hợp người khiếu nại là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự thì người đại diện theo pháp luật của họ thực hiện việc khiếu nại. Việc xác định người đại diện được thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự.

Cơ quan, tổ chức thực hiện việc khiếu nại thông qua người đại diện theo pháp luật. Người đại diện của cơ quan, tổ chức được ủy quyền cho luật sư hoặc người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thực hiện việc khiếu nại.

Việc ủy quyền quy định nêu trên phải bằng văn bản và được chứng thực hoặc công chứng. Người ủy quyền được ủy quyền khiếu nại cho một người hoặc nhiều người về các nội dung ủy quyền khác nhau nhưng không được ủy quyền một nội dung cho nhiều người thực hiện.

Người khiếu nại đang thực hiện việc khiếu nại bị chết mà quyền, nghĩa vụ của người đó được thừa kế theo quy định của pháp luật thì người thừa kế có quyền khiếu nại; người thừa kế khi khiếu nại phải xuất trình với cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại giấy tờ để chứng minh quyền thừa kế của mình. Người thừa kế có thể tự mình khiếu nại hoặc ủy quyền cho luật sư, trợ giúp viên pháp lý hoặc người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thực hiện việc khiếu nại. Trường hợp có nhiều người thừa kế thì những người đó có quyền ủy quyền cho một trong những người thừa kế hoặc luật sư, trợ giúp viên pháp lý hoặc người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thực hiện việc khiếu nại.

Thẩm quyền giải quyết khiếu nại trong đơn vị sự nghiệp công lập

Nghị định nêu rõ, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của viên chức do mình quản lý trực tiếp.

Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập cấp trên trực tiếp có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính mà người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập cấp dưới đã giải quyết mà còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết.

Đối với đơn vị sự nghiệp công lập không có đơn vị sự nghiệp công lập cấp trên trực tiếp thì người đứng đầu cơ quan nhà nước quản lý đơn vị sự nghiệp công lập đó có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai.

Khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của đơn vị sự nghiệp công lập do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực là người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai.

Cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” cho 22 Liệt sĩ

Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định số 1628/QĐ-TTg cấp Bằng "Tổ quốc ghi công" cho 22 liệt sĩ thuộc Bộ Quốc phòng đã hy sinh ngày 18/10/2020 trong khi thực hiện nhiệm vụ giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ tại khu vực huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.

Cụ thể, 22 Liệt sĩ được cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” gồm:

1- Đại tá Lê Văn Quế - Chủ nhiệm Hậu cần, Phòng Hậu cần - Kỹ thuật, Đoàn 337, Quân khu 4 - Nguyên quán: Xã Hoằng Trinh, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

2- Trung tá Phùng Thanh Tùng - Trợ lý quân lực, Phòng Tham mưu - Kế hoạch, Đoàn 337, Quân khu 4 - Nguyên quán: Xã Nghi Hương, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.

3- Trung tá Phạm Ngọc Quyết - Trợ lý quân lực, Phòng Tham mưu - Kế hoạch, Đoàn 337, Quân khu 4 - Nguyên quán: Xã Quảng Văn, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình.

4- Thượng úy Lê Hải Đức - Trợ lý Kế hoạch, Phòng Tham mưu - Kế hoạch, Đoàn 337, Quân khu 4 - Nguyên quán: Xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.

5- Trung tá Quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Nguyễn Cao Cường - Nhân viên bảo mật, Phòng Tham mưu - Kế hoạch, Đoàn 337, Quân khu 4 - Nguyên quán: Xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.

6- Trung tá QNCN Bùi Đình Toản - Lái xe, Phòng Tham mưu - Kế hoạch, Đoàn 337, Quân khu 4 - Nguyên quán: Xã Quỳnh Thiện, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An.

7- Thiếu tá QNCN Nguyễn Cảnh Trung - Nhân viên văn thư, Phòng Tham mưu - Kế hoạch, Đoàn 337, Quân khu 4 - Nguyên quán: Xã Thượng Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An.

8- Đại úy QNCN Lê Đức Thiện - Quản lý, Phòng Tham mưu - Kế hoạch, Đoàn 337, Quân khu 4 - Nguyên quán: Xã Định Tăng, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.

9- Thượng úy QNCN Lê Hương Trà - Lái xe, Phòng Tham mưu - Kế hoạch, Đoàn 337, Quân khu 4 - Nguyên quán: Xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.

10 - Thượng úy QNCN Trần Văn Toàn - Lái xe, Phòng Tham mưu - Kế hoạch, Đoàn 337, Quân khu 4 - Nguyên quán: Xã Xuân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.

11- Thượng úy QNCN Nguyễn Văn Thu - Lái xe, Phòng Tham mưu - Kế hoạch, Đoàn 337, Quân khu 4 - Nguyên quán: Xã Tăng Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.

12- Thượng úy QNCN Trần Quốc Dũng - Nhân viên nuôi quân, Phòng Tham mưu - Kế hoạch, Đoàn 337, Quân khu 4 - Nguyên quán: Xã Cẩm Vĩnh, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.

13- Thượng úy QNCN Lê Cao Cường - Nhân viên xăng dầu, Phòng Hậu cần - Kỹ thuật, Đoàn 337, Quân khu 4 - Nguyên quán: Xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.

14- Thượng úy QNCN Ngô Bá Văn - Nhân viên nuôi quân, Phòng Tham mưu - Kế hoạch, Đoàn 337, Quân khu 4 - Nguyên quán: Xã Thạch Thắng, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.

15- Trung sĩ Cao Văn Thắng - Chiến sĩ, Phòng Tham mưu - Kế hoạch, Đoàn 337, Quân khu 4 - Nguyên quán: Xã Hương Đô, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh.

16- Trung sĩ Lê Tuấn Anh - Chiến sĩ, Phòng Tham mưu - Kế hoạch, Đoàn 337, Quân khu 4 - Nguyên quán: Xã Gio Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.

17- Trung sĩ Phạm Văn Thái - Chiến sĩ, Phòng Tham mưu - Kế hoạch, Đoàn 337, Quân khu 4 - Nguyên quán: Phường Hải Thành, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.

18- Trung sĩ Hồ Văn Nguyên - Chiến sĩ, Phòng Tham mưu - Kế hoạch, Đoàn 337, Quân khu 4 - Nguyên quán: Xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.

19- Trung sĩ Nguyễn Anh Duy - Chiến sĩ, Phòng Tham mưu - Kế hoạch, Đoàn 337, Quân khu 4 - Nguyên quán: Xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.

20- Trung sĩ Lê Sỹ Phiêu - Chiến sĩ, Phòng Tham mưu - Kế hoạch, Đoàn 337, Quân khu 4 - Nguyên quán: Xã Thuần Thiện, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.

21 - Trung sĩ Lê Thế Linh - Chiến sĩ, Phòng Tham mưu - Kế hoạch, Đoàn 337, Quân khu 4 - Nguyên quán: Xã Gio Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.

22- Trung sĩ Nguyễn Quang Sơn - Chiến sĩ, Phòng Tham mưu - Kế hoạch, Đoàn 337, Quân khu 4 - Nguyên quán: Xã Thái Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An.

Lập Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập Quy hoạch mạng lưới tổ chức KH&CN công lập

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thành lập Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập Quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ làm Chủ tịch Hội đồng. Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ làm Phó Chủ tịch Hội đồng.

Các thành viên Hội đồng gồm: Đại diện Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Nội vụ, Tư pháp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Giáo dục và Đào tạo; đại diện: Viện Hàn lâm và Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; chuyên gia quy hoạch: Chủ tịch Hội đồng thẩm định xem xét, quyết định lựa chọn mời chuyên gia về quy hoạch tham gia Hội đồng.

Vụ Định giá, Thẩm định và Giám định Công nghệ - Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan thường trực Hội đồng.

Hội đồng thẩm định có nhiệm vụ tổ chức thẩm định nhiệm vụ lập Quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của pháp luật về quy hoạch.

Hoạt động của Hội đồng thẩm định, nội dung thẩm định, thời gian thẩm định và báo cáo thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thực hiện theo quy định tại các Khoản 3, 5, 6 và 7 Điều 18 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 7/5/2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch.

Hội đồng hoạt động theo hình thức kiêm nhiệm; chấm dứt hoạt động và tự giải thể sau khi nhiệm vụ lập Quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu liên ngành về đồng bằng sông Cửu Long

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án “Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu liên ngành về đồng bằng sông Cửu Long phục vụ phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu” (Đề án).

Mục tiêu của Đề án nhằm tạo lập hạ tầng thông tin, dữ liệu và hạ tầng ứng dụng tri thức về đồng bằng sông Cửu Long trên quan điểm tiếp cận đa ngành, đa lĩnh vực với tầm nhìn dài hạn, giải quyết đồng bộ bài toán tổng thể phục vụ quản lý, điều hành, hoạch định chính sách, hỗ trợ ra quyết định, hướng tới người dân và doanh nghiệp, phát triển kinh tế-xã hội bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; góp phần phát triển Chính phủ điện tử tiến tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh.

Đề án đặt mục tiêu cụ thể xây dựng nền tảng số liên ngành về đồng bằng sông Cửu Long đa lĩnh vực, từ các cơ quan trung ương, địa phương, Ủy ban sông Mekong Việt Nam, Ủy hội sông Mekong quốc tế và các tổ chức có liên quan khác; thiết lập, vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu liên ngành về đồng bằng sông Cửu Long trên cơ sở triển khai các giải pháp tích hợp, kết nối, chia sẻ, liên thông các cơ sở dữ liệu của bộ, ngành trung ương, địa phương, Ủy ban sông Mekong Việt Nam, Ủy hội sông Mekong quốc tế và cơ quan, tổ chức có liên quan. Ban hành cơ chế hoạt động và duy trì vận hành lâu dài của hệ thống cơ sở dữ liệu liên ngành về đồng bằng sông Cửu Long.

Đồng thời, phát triển hệ sinh thái số, xây dựng tập dữ liệu về đồng bằng sông Cửu Long, cung cấp dữ liệu, các sản phẩm tri thức, hệ thống ứng dụng thông minh theo nhiều hình thức khác nhau, thông qua các kênh thông tin hiện đại, trực tuyến nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động công vụ, cung cấp dịch vụ công cho xã hội, hỗ trợ hoạch định các chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, phát triển kinh tế - xã hội bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, cộng đồng đóng góp, thu nhận, cập nhật và khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu; triển khai xây dựng hạ tầng dữ liệu số, cung cấp dịch vụ số phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Với mục tiêu trên, Đề án đặt ra nhiệm vụ: Hoàn thiện cơ chế chính sách và các quy định kỹ thuật; thiết lập, vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu liên ngành về đồng bằng sông Cửu Long (xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành trung ương và địa phương; vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu liên ngành về đồng bằng sông Cửu Long; phát triển hệ sinh thái số và các ứng dụng tri thức, hệ thống thông minh về đồng bằng sông Cửu Long); hợp tác quốc tế, đào tạo, chuyển giao công nghệ và truyền thông.

Kiểm tra, xử lý phản ánh về hàng giả, hàng nhái

Bản tin kinh kế xã hội ngày 12/10/2020 trích dẫn thông tin báo Tuổi trẻ Online (ngày 11/10/2020) phản ánh về việc Việt Nam được đánh giá là thị trường tiêu thụ mỹ phẩm tiềm năng ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, theo đại diện các hãng mỹ phẩm, có tới 90% mỹ phẩm ẩn danh dưới dạng hàng "xách tay" và hàng giả, hàng nhái rất nhiều. Mặt hàng này liên quan mật thiết đến sức khỏe con người, cần phải đảm bảo chất lượng.

Về việc này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính - Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Y tế và các cơ quan liên quan kiểm tra, xác minh thông tin báo chí phản ánh, có biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trong quý IV/2020.

Tổng kết Đề án đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân

Ban Chỉ đạo 896 ban hành Kế hoạch và Đề cương tổng kết thực hiện Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020 (Đề án 896).

Mục đích nhằm đánh giá toàn diện tình hình triển khai, kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án 896, trong đó xác định rõ các kết quả đã đạt được, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm. Đồng thời, xác định mục tiêu, phương hướng nhiệm vụ trọng tâm để đẩy mạnh thực hiện công tác cải cách TTHC, xây dựng Chính phủ điện tử trong thời gian tiếp theo.

Ban Chỉ đạo 896 yêu cầu quá trình tổng kết thực hiện Đề án cần bám sát các mục tiêu, yêu cầu, nội dung của Đề án theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch triển khai thực hiện đã được Ban Chỉ đạo 896 ban hành; đánh giá toàn diện, khách quan, có trọng tâm, trọng điểm và bám sát thực tiễn.

Thông qua tổng kết nhằm tiếp tục chỉ đạo, thực hiện cải cách TTHC trong lĩnh vực quản lý dân cư theo hướng đơn giản, công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong quá trình thực hiện các TTHC. Kịp thời biểu dương, khen thưởng và nhân rộng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, có nhiều kinh nghiệm hay, cách làm đổi mới trong thực hiện các nội dung của Đề án 896 tại các bộ, ban ngành và địa phương.

Việc tổng kết cần được thực hiện nghiêm túc, toàn diện ở tất cả các bộ, ban, ngành có liên quan ở trung ương và tại địa phương; nội dung tổng kết phải thiết thực, chất lượng, hiệu quả, phản ánh đúng thực tế tình hình kết quả đã triển khai thực hiện.

Các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào tình hình thực tế để tổ chức tổng kết ở các bộ, ngành, địa phương theo hình thức phù hợp, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm.

Văn phòng Ban chỉ đạo chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện; tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện của các bộ, ngành, địa phương xây dựng báo cáo chung của Ban Chỉ đạo 896./.

 

 

Print
1042 Rate this article:
No rating

Please login or register to post comments.

Close Copyright [2018] by TTTT
Back To Top