Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 06/12 06 Tháng Mười Hai 2018 THÔNG TIN BÁO CHÍ THÔNG TIN CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH CỦA CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ Thủ tướng chỉ thị tăng cường PCCC tại khu dân cư Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ thị yêu cầu tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tại khu dân cư. Thời gian qua, công tác PCCC đã được Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo và đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, tình hình cháy, nổ tại khu dân cư, hộ gia đình vẫn diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng cả về số vụ lẫn thiệt hại. Theo thống kê, trong 5 năm gần đây cả nước xảy ra khoảng 15.000 vụ cháy; trong đó, trên 50% số vụ xảy ra tại khu dân cư, hộ gia đình; đặc biệt nhiều vụ cháy gây thiệt hại lớn về người, tài sản, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và đời sống an sinh của người dân. Để phòng ngừa, ngăn chặn tình hình cháy, nổ, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy, nổ gây ra tại khu dân cư, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCCC và cứu nạn, cứu hộ cho người dân để từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm tham gia vào công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Thực hiện nghiêm quy chế dân chủ theo đúng phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" trong công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Gắn phong trào toàn dân tham gia PCCC với phong trào xây dựng khu dân cư, gia đình văn hóa; nhân rộng điển hình tiên tiến, kịp thời khen thưởng những tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát hiện và có biện pháp giải quyết, khắc phục kịp thời sơ hở, bất cập trong công tác PCCC nhằm phòng ngừa, ngăn chặn triệt để các nguyên nhân, điều kiện dẫn đến cháy, nổ trong khu dân cư. Bố trí nguồn kinh phí trong dự toán ngân sách hằng năm để bảo đảm cho công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Tổng rà soát khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về PCCC đối với khu dân cư, cơ sở thuộc phạm vi, thẩm quyền quản lý. Khi xảy ra cháy, nổ tại khu dân cư phải tập trung các lực lượng tổ chức chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ kịp thời, nhanh chóng khắc phục hậu quả do cháy, nổ gây ra. Chỉ đạo tổng rà soát, đánh giá, phân loại địa bàn trọng điểm, khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao cần tăng cường quản lý nhà nước về PCCC. Xây dựng quy định, biện pháp cụ thể xử lý đối với các nhà chuyển đổi công năng vừa ở, vừa sản xuất, kinh doanh, làm kho tàng, thu mua phế liệu..., nhưng không bảo đảm các điều kiện an toàn PCCC. Củng cố, xây dựng mới, duy trì hoạt động lực lượng dân phòng bảo đảm chế độ phụ cấp, phương tiện, dụng cụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ theo đúng quy định của pháp luật. Xác định đây là lực lượng nòng cốt trong công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ tại chỗ. Giao nhiệm vụ cụ thể cho lực lượng bảo vệ dân phố, dân quân tự vệ... trong việc phối hợp với lực lượng dân phòng bảo đảm an toàn PCCC tại địa phương. Hàng năm, 100% khu dân cư phải tổ chức thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ có sử dụng lực lượng chữa cháy tại chỗ. Đối với những khu dân cư có nguy hiểm cháy, nổ cao phải tổ chức thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ có huy động nhiều lực lượng, phương tiện ít nhất mỗi năm 1 lần. UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương rà soát quy hoạch khu dân cư, quy hoạch chỉnh trang đô thị, quy hoạch giải tỏa để có biện pháp hạn chế nguy cơ cháy, nổ; đặc biệt chú ý các điều kiện về giao thông, nguồn nước phục vụ công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Chỉ đạo giải quyết dứt điểm việc cơi nới chiếm dụng lối đi chung; câu, mắc đường dây dẫn điện, viễn thông không bảo đảm theo quy định. Tích cực vận động nhân dân tự nguyện di dời các cơ sở sản xuất nhỏ, lẻ có nguy hiểm cháy, nổ cao ra khỏi khu dân cư và đầu tư, mua sắm thiết bị, phương tiện PCCC và cứu nạn, cứu hộ tại chỗ. Trong quá trình cấp phép xây dựng, cải tạo đối với nhà ở riêng lẻ, nhà ở liên kế, nhà ở liên kế mặt phố... cần chú ý đến các điều kiện bảo đảm an toàn PCCC theo quy định. Rà soát quy hoạch đối với các làng nghề truyền thống hướng tới mục tiêu mỗi làng nghề, mỗi gia đình, hộ kinh doanh sản xuất đạt chuẩn về PCCC, bảo vệ môi trường. Tăng cường quản lý vũ khí, vật liệu nổ Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an chủ động điều tra cơ bản nắm tình hình, đánh giá, phân tích mức độ nguy hiểm của từng khu dân cư để hướng dẫn, áp dụng các biện pháp phòng ngừa cháy, nổ phù hợp, hiệu quả. Tăng cường công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, nhất là vận động thu hồi vũ khí, vật liệu nổ trong nhân dân, quản lý các cơ sở kinh doanh phế liệu liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ. Bộ Công an thường xuyên tổ chức, đổi mới phương pháp tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp PCCC bằng các hình thức phù hợp với thực tế từng địa bàn, khu dân cư; tăng cường hướng dẫn các kỹ năng thoát hiểm, thoát nạn cho người dân khi có cháy nổ, tai nạn, sự cố xảy ra, nhất là tại khu dân cư, chung cư lâu năm tồn tại nhiều nguy cơ cháy, nổ, sập, đổ công trình. Tổ chức tốt lực lượng, phương tiện thường trực để kịp thời xử lý các vụ cháy, nổ, sự cố, tai nạn, không để xảy ra cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng, nhất là thiệt hại về người. Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn có liên quan về PCCC cho nhà và công trình chưa phù hợp và có vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu xây dựng nội dung, thời lượng bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về PCCC để lồng ghép vào các hoạt động ngoại khóa trong nhà trường phù hợp với từng cấp học, bậc học. Định kỳ, tổ chức các hoạt động thực hành, diễn tập để hình thành kỹ năng ứng phó với các tình huống cháy, nổ, tai nạn, sự cố cho học sinh, sinh viên. Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị điện lực tiến hành tổng kiểm tra hệ thống, mạng lưới điện tại khu dân cư để phòng ngừa nguy cơ mất an toàn PCCC từ hệ thống, thiết bị điện. Hướng dẫn người dân các biện pháp sử dụng điện an toàn. Bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng với người chấp hành xong án phạt tù Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 33/CT-TTg về tăng cường các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù (bao gồm cả người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, người chấp hành xong quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng), Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành chức năng, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư tại Công văn số 1753-CV/VPTW ngày 13/10/2011 của Văn phòng Trung ương Đảng; xác định công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh, trật tự tại địa phương; đồng thời, tập trung thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể, Bộ Công an tiếp tục chủ trì giúp Chính phủ theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện có hiệu quả Nghị định số 80/2011/NĐ-CP phối hợp với các bộ, ngành, liên quan nghiên cứu, đề xuất ban hành cơ chế, chính sách pháp luật, giải quyết khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù; tăng cường phối hợp thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền về tái hòa nhập cộng đồng qua các phương tiện thông tin, trang thông tin điện tử (website), các ấn phẩm chuyên đề...; Bên cạnh đó, chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị định số 80/2011/NĐ-CP. Chú trọng công tác tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, phòng ngừa tái phạm tội và xây dựng, nhân rộng các mô hình, cá nhân điển hình trong công tác tái hòa nhập cộng đồng; tăng cường nguồn lực đầu tư, nâng cao chất lượng công tác giáo dục, tư vấn, hướng nghiệp, dạy nghề, truyền nghề cho phạm nhân trong các trại giam, trại tạm giam, nhà giam giữ, trại viên trong các cơ sở giáo dục bắt buộc, học sinh trong các trường giáo dưỡng. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương và địa phương, các hệ thống thông tin cơ sở tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức, đoàn thể xã hội và Nhân dân trong việc xóa bỏ định kiến, kỳ thị và quan tâm giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng; kịp thời tuyên truyền, biểu dương, khích lệ, nhân rộng những mô hình hiệu quả, cá nhân điển hình trong công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả đào tạo nghề nghiệp, tạo việc làm Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp phối hợp với cơ quan chức năng, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách đào tạo nghề nghiệp, tạo việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù. Phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng triển khai các hoạt động tư vấn, định hướng nghề nghiệp, nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm cho phạm nhân sắp chấp hành xong án phạt tù, người sắp chấp hành xong quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng; nghiên cứu, hướng dẫn việc đào tạo và cấp chứng chỉ đào tạo nghề cho phạm nhân trong các trại giam, trại tạm giam, nhà giam giữ, trại viên trong các cơ sở giáo dục bắt buộc, học sinh trong các trường giáo dưỡng. Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an và các cơ quan chức năng nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, phù hợp để thực hiện có hiệu quả các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Chỉ đạo Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp các địa phương cập nhật thông tin về tình hình án tích của người bị kết án và cấp Phiếu Lý lịch tư pháp khi có yêu cầu theo quy định của pháp luật; chỉ đạo cơ quan Thi hành án dân sự rà soát và lập hồ sơ đề nghị Tòa án xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự cho người chấp hành xong án phạt tù khi có đủ điều kiện theo luật định. Bộ Quốc phòng chỉ đạo các trại giam, trại tạm giam trực thuộc Bộ Quốc phòng tiếp tục thực hiện có hiệu quả các hoạt động giáo dục, dạy nghề, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để phạm nhân sắp chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng. Quan tâm thực hiện tốt công tác tiếp nhận, bố trí sử dụng và giải quyết chính sách đối với người trước khi bị phạt tù là quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng giúp họ ổn định cuộc sống tái hòa nhập cộng đồng. Các bộ, ngành khác có liên quan phối hợp thực hiện các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Nhân rộng các mô hình, cá nhân điển hình UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đoàn thể xã hội và Nhân dân trong công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Chú trọng quan tâm công tác tư vấn, đào tạo nghề nghiệp, giải quyết việc làm, xây dựng, nhân rộng các mô hình, cá nhân điển hình, các loại hình Quỹ xã hội để quản lý, giáo dục, hỗ trợ, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng. Chủ động nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp quy định của pháp luật và thực tiễn địa phương để khuyến khích các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù; lập dự toán chi thường xuyên hàng năm và đảm bảo kinh phí từ ngân sách, đồng thời huy động các nguồn lực khác của địa phương để thực hiện có hiệu quả các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Thực hiện các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù lồng ghép trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và công tác phòng, chống tội phạm tại địa phương; trong từng giai đoạn, tiến hành sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm và biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị định số 80/2011/NĐ-CP. Đề nghị Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì, phối hợp giữa các tổ chức thành viên, trước hết là các tổ chức chính trị - xã hội với Công an cùng cấp tăng cường thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, lồng ghép trong thực hiện các Đề án, chương trình, cuộc vận động, phong trào đang triển khai ở địa phương; thực hiện trách nhiệm giám sát và phản biện đối với các chính sách giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng kế hoạch cụ thể tổ chức triển khai thực hiện. Hằng năm, trước ngày 15 tháng 12 báo cáo đánh giá tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao về Bộ Công an để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Giao Bộ Công an giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Phê duyệt Đề án phát triển Giáo dục mầm non giai đoạn 2018 - 2025 Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định 1677/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển Giáo dục mầm non giai đoạn 2018 - 2025. Mục tiêu của Đề án nhằm củng cố, phát triển mạng lưới trường, lớp mầm non phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu đến trường của trẻ em, theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế. Đa dạng hóa các phương thức, nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em theo hướng đạt chuẩn chất lượng giáo dục mầm non trong khu vực và quốc tế; củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, chuẩn bị tốt cho trẻ em vào học lớp một; phát triển giáo dục mầm non cho trẻ em dưới 5 tuổi. Củng cố mạng lưới trường học Theo Đề án, trong giai đoạn 2018 - 2020, mạng lưới trường lớp được củng cố mở rộng, đủ năng lực huy động trẻ em đến trường, phát triển các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập; phấn đấu đến năm 2020, có ít nhất 30% trẻ em độ tuổi nhà trẻ, 92% trẻ em độ tuổi mẫu giáo, trong đó hầu hết trẻ mẫu giáo 5 tuổi được đến trường, tỷ lệ huy động trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập chiếm từ 25% trở lên. Về chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, phấn đấu đến năm 2020, có ít nhất 98,5% nhóm, lớp mầm non được học 2 buổi/ngày; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm trung bình 0,3%/năm, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm trung bình 0,2%/năm, tỷ lệ trẻ em thừa cân - béo phì được khống chế. Phấn đấu đến năm 2020, có ít nhất 70% giáo viên đạt trình độ từ cao đẳng sư phạm mầm non trở lên, 80% giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp mức độ khá trở lên. 100% trường mầm non hoàn thành tự đánh giá, trong đó có ít nhất 45% số trường mầm non được công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục. Giai đoạn 2021 - 2025 phát triển mạng lưới trường lớp mầm non, bảo đảm đến năm 2025, huy động được ít nhất 35% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ, 95% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo được đến trường. Tỷ lệ huy động trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập chiếm từ 30% trở lên. Phấn đấu đến năm 2025, có 99,5% nhóm, lớp mầm non được học 2 buổi/ngày; duy trì tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm trung bình 0,3%/năm, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm trung bình 0,2%/năm, tỷ lệ trẻ em thừa cân - béo phì được khống chế. Tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 80%, có ít nhất 50% trường mầm non đạt chuẩn quốc gia; có ít nhất 60% số trường mầm non được công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục. Nâng cao chất lượng giáo dục Để đạt các mục tiêu trên, từ nay đến năm 2025, Đề án sẽ thực hiện hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển giáo dục mầm non; huy động nguồn lực tài chính cho phát triển giáo dục mầm non; đổi mới công tác quản lý giáo dục mầm non; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giáo dục mầm non; đổi mới nội dung, chương trình giáo dục mầm non; nâng cao chất lượng chăm sóc, sức khỏe và dinh dưỡng cho trẻ mầm non; hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục mầm non; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục mầm non. Trong đó, Đề án thực hiện các giải pháp để đảm bảo điều kiện thực hiện chương trình giáo dục mầm non; phát triển các điều kiện và hoạt động của trường mầm non theo các tiêu chí của trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm; đặc biệt quan tâm xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, lấy trẻ làm trung tâm; đổi mới hoạt động chuyên môn trong nhà trường; vận dụng các phương pháp giáo dục mầm non tiên tiến của các nước trong khu vực và thế giới phù hợp với thực tiễn Việt Nam để nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ. Triển khai có hiệu quả việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số; tổ chức cho trẻ em làm quen với ngoại ngữ và tin học ở những nơi có điều kiện; hỗ trợ phòng chống suy dinh dưỡng đối với trẻ mầm non thông qua chế độ chăm sóc dinh dưỡng phù hợp, kết hợp với giáo dục phát triển vận động; lựa chọn, nhân rộng các mô hình phối hợp nhà trường, gia đình, cộng đồng trong chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non... Cơ cấu lại ngành du lịch Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn”. Phấn đấu là quốc gia có ngành du lịch phát triển hàng đầu Đông Nam Á Mục tiêu cơ cấu lại ngành du lịch nhằm khai thác tối đa lợi thế về sản phẩm, thị trường, các nguồn lực, hệ thống quản lý ngành, nâng cao hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam, lan tỏa các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc; phấn đấu là quốc gia trong nhóm nước có ngành du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Đề án phấn đấu đến năm 2025 tổng thu từ khách du lịch đạt 45 tỷ USD, giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 27 tỷ USD, ngành du lịch đóng góp trên 10% GDP; tạo ra 6 triệu việc làm, trong đó có 2 triệu việc làm trực tiếp; nâng dần tỷ lệ lao động trực tiếp phục vụ du lịch được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ và kỹ năng đạt 70%; đón và phục vụ 30 - 32 triệu lượt khách du lịch quốc tế, trên 130 triệu lượt khách du lịch nội địa. Hệ thống sản phẩm du lịch hình thành rõ nét, đặc sắc, đa dạng, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và có thương hiệu, nhất là tại các khu vực động lực phát triển du lịch; năng lực đón tiếp tại các khu, điểm du lịch được nâng cao, đặc biệt trong các khu du lịch phức hợp quy mô lớn; du lịch thông minh được áp dụng rộng rãi; từng bước cải thiện năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Phát triển các sản phẩm du lịch mới Để đạt được những mục tiêu trên, trong thời gian tới, ngành du lịch sẽ tập trung khai thác các thị trường khách du lịch có khả năng chi trả cao, nghỉ dưỡng dài ngày; đẩy mạnh thu hút phân khúc thị trường khách du lịch theo một số loại hình du lịch chuyên đề mà Việt Nam có lợi thế như du lịch cộng đồng, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch sự kiện, hội nghị, hội thảo (MICE), du lịch golf, du lịch ẩm thực; ưu tiên phát triển những sản phẩm du lịch có giá trị gia tăng cao và tăng cường trải nghiệm của khách du lịch; tiếp tục phát triển mạnh các dòng sản phẩm du lịch chủ đạo có lợi thế về tự nhiên và văn hóa, gắn với các khu vực động lực phát triển của du lịch Việt Nam; phát triển các sản phẩm du lịch mới, có tiềm năng như các sản phẩm du lịch sáng tạo, du lịch chuyên đề, du lịch mua sắm, du lịch cộng đồng. Cơ cấu lại doanh nghiệp du lịch theo hướng khuyến khích các doanh nghiệp du lịch quy mô lớn, có thương hiệu trong và ngoài nước phát triển thành lực lượng nòng cốt, giữ vai trò định hướng phát triển sản phẩm, thị trường du lịch, đặc biệt là các sản phẩm du lịch cao cấp, có giá trị cao; tập trung phát triển số lượng lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ gia đình, tăng cường tính kết nối trong chuỗi giá trị du lịch; thúc đẩy phát triển các mô hình doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp du lịch ứng dụng công nghệ thông tin, du lịch thông minh, du lịch sáng tạo, du lịch cộng đồng; xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, hệ thống doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch chuyên nghiệp, hiện đại, có năng lực cạnh tranh cao đáp ứng yêu cầu của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế... Thành phố Nam Định hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa ký Quyết định 1686/QĐ-TTg công nhận thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2018. Phó Thủ tướng giao UBND tỉnh Nam Định có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định. Thủ tướng Chính phủ chủ trì cuộc họp về tổ chức Đại lễ Vesak 2019 Hoạt động của các Phó Thủ tướng Chính phủ ngày 07/12 Print 1067 Rate this article: No rating Tags: Tin chính phủ Cùng chuyên mục Thủ tướng Chính phủ dự lễ công bố điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế mở Chu Lai Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 13/12 Thủ tướng Chính phủ gặp mặt đoàn đại biểu Hội Quy hoạch phát triển đô thị VN Hoạt động của các Phó Thủ tướng Chính phủ ngày 07/12 Thông cáo báo chí Thủ tướng Chính phủ chứng kiến ký kết hợp tác tư vấn và triển khai dự án “Phát triển du lịch ĐBSCL thích ứng biến...
Quyết định 147 - Bổ sung Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ của Viện Khoa học Thể dục thể thao 16 Tháng Chín 2024
Viện Khoa học TDTT tổ chức gặp mặt, tri ân nhân Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 18 Tháng Mười Một 2024
Quyết định về việc Quy định thu học phí đào tạo nghiên cứu sinh năm 2023 - 2024 08 Tháng Mười Một 2023
Việt Nam – Trung Quốc tăng cường hợp tác, trao đổi trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học TDTT 06 Tháng Chín 2024