Responsive image

Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 26/5

Thông tin báo chí chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 26/5

 

THÔNG TIN BÁO CHÍ

    THÔNG TIN CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH CỦA CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Thủ tướng chỉ thị tăng cường các giải pháp bảo đảm quyền trẻ em

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Chỉ thị số 23/CT-TTg về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em.

Trong những năm qua, việc thực hiện quyền trẻ em nói chung và bảo vệ trẻ em nói riêng đã được Đảng, Nhà nước quan tâm, lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo, điều hành và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Việc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em đã có những chuyển biến tích cực. Hệ thống chính sách, pháp luật về trẻ em, cơ chế bảo vệ trẻ em cơ bản được hoàn thiện; phần lớn các cấp, các ngành, toàn xã hội đã quan tâm và nhận thức về công tác trẻ em ngày một nâng cao; các quyền của trẻ em đã được thực hiện tốt hơn; những vấn đề phát sinh về trẻ em được quan tâm giải quyết.

Tuy nhiên, một số vấn đề về trẻ em vẫn còn tồn tại và diễn biến phức tạp như: bạo lực, xâm hại tình dục, xâm hại trên môi trường mạng, tử vong do tai nạn, thương tích, lạm dụng sức lao động trẻ em ở một số ngành nghề, lĩnh vực, suy dinh dưỡng trẻ em thể thấp còi, an toàn, vệ sinh trong trường học, trẻ em bỏ học, thiếu thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở cho trẻ em.

Xử lý nghiêm các hành vi xâm hại trẻ em

Để tăng cường bảo đảm thực hiện quyền, lợi ích của trẻ em và bảo vệ trẻ em, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, UBND các cấp thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về trẻ em, thường xuyên rà soát, kiến nghị, hoàn thiện chính sách, pháp luật về trẻ em; đổi mới công tác tuyên truyền, ưu tiên thời điểm, thời lượng phát sóng các chương trình về chính sách, pháp luật và bảo vệ trẻ em với nội dung, hình thức đa dạng, phong phú phù hợp với các nhóm đối tượng, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng địa phương.

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng trẻ em tử vong do tai nạn thương tích, vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em, bạo lực, xâm hại tình dục, trẻ em lang thang kiếm sống trên địa bàn hoặc không hỗ trợ, can thiệp, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm quyền trẻ em.

Xử lý nghiêm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân, kể cả cha mẹ, người chăm sóc trẻ em khi có hành vi vi pháp pháp luật về trẻ em, nhất là các hành vi xâm hại trẻ em, bao che, chậm chễ, cố tình kéo dài các vụ việc vi phạm quyền trẻ em với phương châm "đúng người, đúng việc, đúng thẩm quyền, đúng trách nhiệm".

Lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của trẻ em

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về trợ giúp xã hội đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; trực tiếp đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai chính sách pháp luật về trẻ em; tổ chức các hình thức phù hợp để lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của trẻ em trong quá trình xây dựng và thực hiện chương trình, chính sách, pháp luật về trẻ em bảo đảm thực chất, hiệu quả.

Đồng thời, xây dựng Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em; Chương trình phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em; triển khai các biện pháp phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, giảm thiểu tình trạng trẻ em tử vong do đuối nước; chỉ đạo hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em hoạt động hiệu quả, bảo đảm an toàn, thân thiện và phòng, chống xâm hại trẻ em; thường xuyên thanh tra, kiểm tra về trách nhiệm thực hiện quyền trẻ em, chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Bộ Y tế triển khai chính sách, giải pháp phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt là suy dinh dưỡng thể thấp còi, phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi; nghiên cứu, ban hành tiêu chí xác định mức độ tổn hại sức khỏe tâm thần đối với trẻ em bị xâm hại; quy trình giám định đặc thù đối với các vụ xâm hại tình dục trẻ em; xác định mức độ khuyết tật đối với trẻ em mắc hội chứng rối loạn phổ tự kỷ, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh phải điều trị dài ngày; xây dựng quy trình tiếp nhận khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục; chỉ đạo cơ quan giám định pháp y ưu tiên giám định đối với trẻ em là nạn nhân của các vụ xâm hại trẻ em.

Thực hiện phương pháp giáo dục tích cực

Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai chính sách, giải pháp giảm thiểu tình trạng trẻ em bỏ học, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số và miền núi; hướng dẫn việc thực hiện phương pháp giáo dục tích cực, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, năng lực, phẩm chất và đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của các cơ sở giáo dục;

Đồng thời, triển khai có hiệu quả công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong hoạt động giáo dục, đặc biệt là giáo dục lối sống văn hóa, rèn luyện đạo đức cho học sinh và phòng, chống bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em trong trường học; phổ biến, tuyên truyền về tác hại của ma túy, rượu bia, thuốc lá; phát hiện và ngăn chặn kịp thời việc học sinh sử dụng trái phép chất gây nghiện.

Thực hiện quyết liệt, cải thiện căn bản điều kiện vệ sinh, nước sạch, an toàn thực phẩm trong trường học; thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm bảo vệ trẻ em, phòng ngừa và xử lý kịp thời các vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục, tai nạn, thương tích trẻ em trong trường học.

Ưu tiên xây dựng điểm vui chơi cho trẻ em vùng khó khăn

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tuyên truyền, giáo dục về đạo đức, lối sống, cách ứng xử trong gia đình, trách nhiệm nêu gương của người lớn; giáo dục trẻ em gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam.

Hướng dẫn gia đình các biện pháp khắc phục, phòng, chống tình trạng cha mẹ, người thân xâm hại tính mạng, sức khỏe, tinh thần, nhân phẩm của trẻ em; trang bị kiến thức, kỹ năng thực hiện trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em.

Phòng ngừa bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em trong các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch; ưu tiên xây dựng điểm vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao cho trẻ em cấp xã, nhất là các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Bộ Công an thường xuyên triển khai các biện pháp phòng, chống hành vi bạo lực, xâm hại tình dục, mua bán trẻ em, đặc biệt là mua bán trẻ sơ sinh. Đẩy mạnh công tác điều tra, xử lý các đối tượng có hành vi xâm hại trẻ em.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bố trí ngân sách bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em, nhất là việc triển khai các hoạt động, chương trình, kế hoạch, đề án về trẻ em đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt; chỉ đạo, bố trí người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã trong số cán bộ, công chức hoặc người hoạt động không chuyên trách, có nhóm thường trực bảo vệ trẻ em hoạt động hiệu quả và có chính sách hỗ trợ hoạt động...

Chỉ thị đẩy mạnh các giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt

Thủ thướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 22/CT-TTg về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.

Chị thị nêu rõ, ngày 30/12/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2545/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 (Quyết định 2545/QĐ-TTg). Sau gần bốn năm triển khai Quyết định 2545/QĐ-TTg, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục phát triển tích cực.

Tuy nhiên, chỉ tiêu tỷ lệ tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán vẫn còn cao so với mục tiêu đã đề ra tại Quyết định 2545/QĐ-TTg (đến ngày 31/12/2019 là 11,33%); việc sử dụng tiền mặt vẫn còn khá phổ biến trong các giao dịch dân sự của người dân, nhất là ở địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa; thanh toán điện tử trong thương mại điện tử còn thấp; việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực y tế, giáo dục còn khiêm tốn; tội phạm trong lĩnh vực công nghệ cao, thanh toán điện tử gần đây có những diễn biến phức tạp với những hành vi, thủ đoạn mới, tinh vi hơn...

Để tiếp tục thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử đạt được các mục tiêu của Quyết định 2545/QĐ-TTg, đặc biệt trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành liên quan, các địa phương tích cực, khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định 2545/QĐ-TTg và các Nghị quyết của Chính phủ.

Trong đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương hoàn thành việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử, đáp ứng yêu cầu phát triển các mô hình, sản phẩm dịch vụ thanh toán mới; chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan có liên quan trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định thay thế Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt trước ngày 1/7/2020; tiếp tục nghiên cứu ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách thích hợp về phí dịch vụ thanh toán để khuyến khích tổ chức, cá nhân thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo hoàn thành xây dựng, phát triển Hệ thống bù trừ điện tử tự động cho các giao dịch thanh toán bán lẻ (ACH), chính thức đưa vào vận hành, triển khai dịch vụ hoàn thành trước ngày 15/12/2020; chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ việc triển khai các mô hình dịch vụ thanh toán mới để kịp thời đảm bảo công tác quản lý, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp xác thực, nhận biết khách hàng (KYC) bằng phương thức điện tử để thúc đẩy tiếp cận và sử dụng các dịch vụ thanh toán; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử, trung gian thanh toán, đảm bảo hoạt động an ninh, an toàn, hiệu quả.

Đẩy mạnh thanh toán điện tử trên mọi lĩnh vực

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trước ngày 1/7/2020, các Bộ liên quan phải hoàn thành một số nhiệm vụ.

Cụ thể, Bộ Công Thương phải hoàn thành việc ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích các cơ sở bán lẻ hàng hóa, dịch vụ chấp nhận và sử dụng các phương tiện thanh toán điện tử; khuyến khích thanh toán điện tử trong thương mại điện tử.

Bộ Tài chính có hướng dẫn cụ thể về cơ chế tài chính của các tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp trong việc chi trả phí dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt cho tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán đảm bảo áp dụng khả thi, thực hiện thống nhất..

Bộ Y tế hoàn thành việc chỉ đạo, hướng dẫn các bệnh viện phối hợp với các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán để thu phí dịch vụ y tế bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thành việc chỉ đạo, hướng dẫn các trường học phối hợp với các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán để thu phí dịch vụ giáo dục bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, xây dựng, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật kết nối, chia sẻ thông tin với tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán để thực hiện thu phí dịch vụ giáo dục bằng phương tiện thanh toán điện tử.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam hoàn thành việc xây dựng và ban hành theo thẩm quyền các hướng dẫn, tiêu chuẩn, lộ trình chuẩn hóa thông tin dữ liệu về người nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, các chế độ an sinh xã hội để có thể kết nối chia sẻ thông tin với tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán thực hiện chi trả các chế độ an sinh xã hội, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội qua ngân hàng.

Bộ Công an khẩn trương hoàn thành việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về đảm bảo an ninh, an toàn, phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thanh toán điện tử, trung gian thanh toán; hoàn thiện việc chủ trì xây dựng cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông; áp dụng thống nhất việc định danh các khoản thu phạt vi phạm hành chính; kết nối chia sẻ thông tin thu phạt với Kho bạc Nhà nước, các tổ chức tín dụng và các đơn vị có liên quan; ứng dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trong thu phạt vi phạm hành chính.

Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn thành việc nghiên cứu, ban hành chính sách khuyến khích phát triển các loại thẻ đa dụng, đa năng, thẻ không tiếp xúc, thẻ phi vật lý để thu phí cầu đường, mua vé tàu, xe...

Phát triển KHCN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 50-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ (KHCN) phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Có 6 nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Kế hoạch gồm: 1- Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền; 2- Rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật về đầu tư, tài chính và doanh nghiệp, bảo đảm đồng bộ với các quy định pháp luật về KHCN; 3- Tái cơ cấu các chương trình KHCN quốc gia, nâng cao năng lực ứng dụng KHCN; 4- Phát triển tiềm lực KHCN; 5- Tiếp tục thúc đẩy phát triển mạnh thị trường KHCN và hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; 6- Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về KHCN.

Hoàn thiện chính sách bảo đảm đồng bộ với quy định về KHCN

Trong đó, về nhiệm vụ rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật về đầu tư, tài chính và doanh nghiệp, bảo đảm đồng bộ với các quy định pháp luật về KHCN, các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm rà soát quy định pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý cần sửa đổi, bổ sung ban hành mới bảo đảm đồng bộ với các quy định pháp luật về KHCN. Tiếp tục đổi mới đồng bộ cơ chế, phương thức quản lý tổ chức, hoạt động KHCN phù hợp với đặc thù của lĩnh vực KHCN và nhu cầu phát triển của ngành, địa phương, đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm; trường đại học, viện nghiên cứu là chủ thể nghiên cứu chủ yếu của hệ thống khoa học quốc gia.

Đồng thời, hoàn thiện cơ chế nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động hỗ trợ, tài trợ cho hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo của Quỹ phát triển KHCN quốc gia và Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia; xây dựng cơ chế, chính sách quản lý, đãi ngộ, trọng dụng phù hợp nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả bộ máy và đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về KHCN và đổi mới sáng tạo.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ KH&CN và các bộ, ngành có liên quan phát huy quỹ phát triển KHCN của doanh nghiệp, khuyến khích nhiều doanh nghiệp thành lập và tăng quy mô các quỹ phát triển KHCN; thúc đẩy, khuyến khích khu vực tư nhân và doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ cho KHCN và đổi mới sáng tạo.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng cơ chế, chính sách để gắn kết hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục đại học.

Phát triển tiềm lực KHCN

Về nhiệm vụ phát triển tiềm lực KHCN, các bộ, ngành, địa phương trong phạm vi quản lý được giao, có trách nhiệm quan tâm đầu tư để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực KHCN; xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; khuyến khích phát triển doanh nghiệp KHCN đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới.

Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan triển khai thực hiện chính sách sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động KHCN và chính sách thu hút cá nhân hoạt động KHCN là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động KHCN tại Việt Nam.

Xây dựng và triển khai chính sách khuyến khích, thúc đẩy gắn kết viện, trường với doanh nghiệp đưa nhanh kết quả nghiên cứu vào phục vụ sản xuất kinh doanh; xây dựng các quy chuẩn về đạo đức nghề nghiệp trong nghiên cứu khoa học phù hợp thông lệ quốc tế.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về KHCN

Các bộ, ngành, trong phạm vi quản lý được giao, có trách nhiệm đa dạng hóa đối tác và đẩy mạnh hợp tác quốc tế về KHCN có trọng tâm, trọng điểm, theo lĩnh vực ưu tiên; chú trọng khai thác, chuyển giao công nghệ từ các địa bàn có công nghệ nguồn; gắn kết giữa hợp tác quốc tế về KHCN với hợp tác quốc tế về kinh tế.

Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tổ chức thực hiện tốt các hiệp định về KHCN và đổi mới sáng tạo đã ký, đồng thời ký kết và triển khai các hiệp định, thỏa thuận hợp tác mới theo hướng mở rộng và làm sâu sắc hơn hợp tác KHCN với các đối tác, đặc biệt là các nước đối tác chiến lược, các đối tác quan trọng có trình độ KHCN tiên tiến, sở hữu công nghệ nguồn; hỗ trợ giao lưu, trao đổi học thuật về KHCN tầm khu vực và quốc tế.

Hướng dẫn Luật Thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại

Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Thi hành án hình sự về thi hành án đối với pháp nhân thương mại. Trong đó, Nghị định số 55/2020/NĐ-CP hướng dẫn cụ thể trình tự, thủ tục thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại.

Tiếp nhận bản án, quyết định thi hành án

Nghị định hướng dẫn cơ quan thi hành án hình sự khi nhận được bản án, quyết định thi hành án phải kiểm tra đầy đủ các nội dung theo quy định tại Khoản 1 Điều 159 Luật Thi hành án hình sự. Trường hợp phát hiện những điểm chưa rõ trong bản án, quyết định, cơ quan thi hành án hình sự phải có ngay văn bản đề nghị Tòa án đã ra bản án, quyết định thi hành án giải thích, sửa chữa.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được bản án, quyết định thi hành án, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự phải ra quyết định phân công cán bộ thụ lý việc thi hành án để thực hiện thủ tục thi hành án đối với pháp nhân thương mại. Cơ quan thi hành án hình sự cũng phải có văn bản yêu cầu pháp nhân thương mại báo cáo về việc thực hiện các công việc, biện pháp để thi hành bản án, quyết định thi hành án, trừ trường hợp đã nhận được báo cáo của pháp nhân thương mại.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được bản án, quyết định thi hành án, pháp nhân thương mại phải thực hiện các công việc, biện pháp theo quy định của Luật Thi hành án hình sự và báo cáo bằng văn bản về kết quả thực hiện cho cơ quan thi hành án hình sự.

Xác định cơ quan quản lý đối với pháp nhân thương mại

Nghị định nêu rõ trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự phải ra quyết định về danh sách các cơ quan quản lý nhà nước đối với pháp nhân thương mại và gửi văn bản yêu cầu phối hợp tổ chức thi hành án đối với pháp nhân thương mại cho các cơ quan đó, kèm theo quyết định thi hành án.

Ngay sau khi nhận được yêu cầu của cơ quan thi hành án hình sự, cơ quan quản lý nhà nước đối với pháp nhân thương mại phải thực hiện các biện pháp quy định tại Khoản 1 Điều 164 Luật Thi hành án hình sự được nêu trong văn bản yêu cầu của cơ quan thi hành án hình sự.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu của cơ quan thi hành án hình sự, cơ quan quản lý nhà nước đối với pháp nhân thương mại phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan thi hành án hình sự về việc thực hiện yêu cầu trong thi hành án và việc chấp hành án của pháp nhân thương mại để theo dõi, lưu hồ sơ thi hành án.

Triệu tập người đại diện

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án, cơ quan thi hành án hình sự phải gửi giấy triệu tập đến người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại để thực hiện việc thông báo và yêu cầu thi hành án.

Trường hợp người được triệu tập không thể có mặt theo yêu cầu triệu tập vì lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì phải báo cáo bằng văn bản và được cơ quan thi hành án hình sự chấp thuận bằng văn bản. Trong trường hợp này, cơ quan thi hành án hình sự lùi buổi làm việc sang thời điểm khác nhưng không được quá thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án. Trường hợp người được triệu tập cố tình không có mặt theo đúng thời hạn triệu tập thì cơ quan thi hành án hình sự lập biên bản vắng mặt và vẫn tiếp tục tổ chức thi hành án.

Công bố quyết định thi hành án

Nghị định hướng dẫn trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án, cơ quan thi hành án hình sự đăng tải quyết định trên trang thông tin điện tử của cơ quan mình. Trường hợp cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh chưa có trang thông tin điện tử riêng thì đăng tải trên trang thông tin điện tử của Công an cấp tỉnh. Trường hợp chưa có trang thông tin điện tử của Công an cấp tỉnh thì đăng tải trên trang thông tin của Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an. Trường hợp cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu không có trang thông tin điện tử riêng thì đăng tải trên trang thông tin điện tử của Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng.

Đồng thời, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án, pháp nhân thương mại phải công bố quyết định thi hành án trên trang thông tin điện tử, ấn phẩm của pháp nhân thương mại và niêm yết công khai tại trụ sở chính và địa điểm kinh doanh của pháp nhân thương mại theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 160 Luật Thi hành án hình sự; thông báo việc chấp hành hình phạt, biện pháp tư pháp cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; báo cáo cơ quan thi hành án hình sự và cơ quan quản lý nhà nước đối với pháp nhân thương mại về kết quả thực hiện.

Cơ quan thi hành án hình sự có trách nhiệm kiểm tra, giám sát để đảm bảo duy trì việc công bố, niêm yết quyết định thi hành án. Trường hợp pháp nhân thương mại vi phạm, cơ quan thi hành án hình sự yêu cầu pháp nhân thương mại phải công bố, niêm yết; tùy theo mức độ có thể bị lập biên bản vi phạm, đề nghị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Đối với cơ quan quản lý nhà nước đối với pháp nhân thương mại thì trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của cơ quan thi hành án hình sự, các cơ quan quản lý nhà nước đối với pháp nhân thương mại được cơ quan thi hành án hình sự xác định theo quy định phải thực hiện việc công bố quyết định thi hành án trên Cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của cơ quan mình.

Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh thực hiện đăng tải, công bố quyết định thi hành án trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp thuộc địa bàn quản lý.

Việc công bố, niêm yết quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án hình sự, pháp nhân thương mại và cơ quan quản lý nhà nước đối với pháp nhân thương mại theo quy định trên phải được duy trì trong suốt thời gian thi hành án.

Xác định địa giới hành chính của 2 địa phương do lịch sử để lại

Chính phủ ban hành Nghị quyết số 77/NQ-CP về việc xác định địa giới hành chính giữa tỉnh Hòa Bình và tỉnh Thanh Hóa tại khu vực Vạn Mai do lịch sử để lại.

Cụ thể, đường địa giới hành chính giữa tỉnh Hòa Bình và tỉnh Thanh Hóa tại khu vực Vạn Mai, giáp ranh giữa xã Mai Hịch, xã Vạn Mai, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình và xã Phú Thanh, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa nằm trên 03 mảnh bản đồ địa hình tỷ lệ 1:10.000 hệ tọa độ quốc gia VN-2000 có phiên hiệu F-48-78-D-d-2, F-48-79-C-c-1 và F-48-79-C-c-2 do Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập năm 2011, là đường địa giới hành chính cấp tỉnh được tô bo màu hồng, khởi đầu từ điểm địa giới tỉnh Hòa Bình và tỉnh Thanh Hóa đã thống nhất tại giao điểm giữa suối Quên với quốc lộ 15A, theo hướng Nam - Tây Nam, đi giữa suối Quên đến ngã ba giữa suối Quên và sông Mã, chuyển hướng Đông - Đông Nam đi giữa sông Mã đến ngã ba giữa sông Mã với suối Co Bông, chuyển hướng Đông Bắc đi giữa suối Co Bông rồi theo khe đến đỉnh núi Thám Pùng có độ cao 322,0 m, theo hướng Đông - Đông Nam đi thẳng đến đỉnh núi có độ cao 343,5 m, tiếp tục theo sống núi qua các đỉnh núi có độ cao 365,7 m; 664,5 m; 506,8 m đến đỉnh núi có độ cao 788,0 m là điểm địa giới tỉnh Hòa Bình và tỉnh Thanh Hóa đã thống nhất.

Chính phủ giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị quyết này; theo dõi, kiểm tra và tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa căn cứ xác định địa giới hành chính trên xác định cụ thể đường địa giới hành chính trên thực địa và chuyển vẽ lên bản đồ địa giới hành chính hệ tọa độ quốc gia VN-2000 để quản lý.

Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hòa Bình và tỉnh Thanh Hóa có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết; tuyên truyền, vận động, thuyết phục, tạo sự thống nhất cao trong hệ thống chính trị và sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết.

Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa hoàn thành việc xác định địa giới hành chính tại khu vực Vạn Mai do lịch sử để lại trong quý III năm 2020.

Cấp thị thực điện tử cho công dân 80 nước

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 79/NQ-CP về danh sách các nước có công dân được cấp thị thực điện tử; danh sách các cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 79/NQ-CP về danh sách các nước có công dân được cấp thị thực điện tử; danh sách các cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử.

Xác định địa giới hành chính giữa tỉnh Hòa Bình và tỉnh Ninh Bình tại 2 khu vực

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết về việc xác định địa giới hành chính giữa tỉnh Hòa Bình và tỉnh Ninh Bình tại hai khu vực do lịch sử để lại.

Cụ thể, đường địa giới hành chính giữa tỉnh Hòa Bình và tỉnh Ninh Bình tại khu vực đền Cát Đùn, giáp ranh giữa xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình và xã Xích Thổ, huyện Nho Quan; xã Gia Hưng, xã Gia Hòa, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình được thể hiện trên 01 mảnh bản đồ địa hình tỷ lệ 1:10.000 hệ tọa độ quốc gia VN-2000 có phiên hiệu  F-48-92-B-a-4 do Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập năm 2011, là đường địa giới hành chính cấp tỉnh được tô bo màu hồng, khởi đầu từ điểm địa giới tỉnh Hòa Bình và tỉnh Ninh Bình đã thống nhất tại đỉnh núi Mặt Quỷ có độ cao 275,2 m, theo hướng Đông Nam, đi theo sống núi qua các đỉnh núi có độ cao 200,7 m; 251,4 m; 266,1 m, qua cửa Tráp rồi qua các đỉnh núi có độ cao 203,7 m; 239,6 m; 273,5 m, chuyển hướng Đông Bắc theo sống núi đến yên ngựa, chuyển hướng Bắc - Tây Bắc đi theo khe đến gặp suối, đi giữa suối đến gặp điểm thờ cúng tâm linh (điểm thờ cúng tâm linh do tỉnh Ninh Bình quản lý), tiếp tục đi giữa suối đến gặp đường tụ thủy, chuyển hướng Đông - Đông Bắc đi thẳng lên đỉnh núi có độ cao 384,9 m, chuyển hướng Nam - Đông Nam, Tây Nam và Đông Nam đi theo sống núi qua các đỉnh núi có độ cao 324,7 m; 322,3 m; 271,9 m; 283,3 m; 291,4 m; 285,9 m; 293,6 m; 303,7 m đến đỉnh 297,3 m là điểm địa giới tỉnh Hòa Bình và tỉnh Ninh Bình đã thống nhất.

Đường địa giới hành chính giữa tỉnh Hòa Bình và tỉnh Ninh Bình tại khu vực Chín quả đồi Lim, giáp ranh giữa xã Đoàn Kết, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình và xã Thạch Bình, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình nằm trên 01 mảnh bản đồ địa hình tỷ lệ 1:10.000 hệ tọa độ quốc gia VN-2000 có phiên hiệu F-48-92-A-b-4 do Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập năm 2011, là đường địa giới hành chính cấp tỉnh được tô bo màu hồng, khởi đầu từ điểm địa giới tỉnh Hòa Bình và tỉnh Ninh Bình đã thống nhất tại ngã ba giữa sông Lạng với nhánh của sông Lạng, phía Nam đồi cao 21,6 m, theo hướng Bắc - Tây Bắc, đi giữa sông Lạng đến điểm ngoặt của sông Lạng, chuyển hướng Đông Bắc đến bờ ao, đi theo phía Nam bờ ao đến giao điểm bờ ao với đường tụ thủy, theo khe đến đỉnh núi có độ cao 71,3 m, chuyển hướng Bắc - Đông Bắc, theo sống núi xuống chân núi gặp đường đất, theo hướng Tây Bắc đi giữa đường đất đến giao điểm giữa đường đất với tụ thủy, chuyển hướng Bắc - Đông Bắc đi theo khe đến đỉnh núi có độ cao 71,6 m, tiếp tục theo sống núi đến đỉnh núi có độ cao 71,3 m, chuyển hướng Bắc - Tây Bắc theo sống núi qua các đỉnh núi có độ cao 67,1 m; 61,0 m; 41,8 m; 51,3 m xuống gặp suối, đi giữa suối, khe, chuyển hướng Tây Nam đi giữa suối, rồi cắt thẳng ra đến giữa sông Lạng là điểm địa giới tỉnh Hòa Bình và tỉnh Ninh Bình đã thống nhất.

Chính phủ giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị quyết này; theo dõi, kiểm tra và tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình căn cứ Nghị quyết này xác định cụ thể đường địa giới hành chính trên thực địa và chuyển vẽ lên bản đồ địa giới hành chính hệ tọa độ quốc gia VN-2000 để quản lý.

Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hòa Bình và tỉnh Ninh Bình có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết; tuyên truyền, vận động, thuyết phục, tạo sự thống nhất cao trong hệ thống chính trị và sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết.

Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình hoàn thành việc xác định địa giới hành chính tại hai khu vực do lịch sử để lại trong quý IV năm 2020.

Phê duyệt kết quả pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật

Chính phủ phê duyệt kết quả pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật đối với các chủ đề: Bổ trợ tư pháp; Hình sự; Kế toán, kiểm toán; Thống kê và 24 đề mục.

Cụ thể, chủ đề Bổ trợ tư pháp với đề mục Đấu giá tài sản và Trợ giúp pháp lý; chủ đề Hình sự với đề mục Hình sự; chủ đề Kế toán, kiểm toán gồm đề mục Kế toán và đề mục Kiểm toán độc lập; chủ đề Thống kê với đề mục Thống kê.

24 đề mục thuộc 14 chủ đề khác gồm: 1- Biên giới quốc gia; 2- Phòng, chống khủng bố; 3- An toàn thông tin mạng; 4- Viên chức; 5- Điện lực; 6- Hợp tác xã; 7- Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài; 8- Thủy lợi; 9- Thú y; 10- Hải quan; 11- Đo đạc và bản đồ; 12- Khoáng sản; 13- Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; 14- Hoạt động viễn thám; 15- Báo chí; 16- Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; 17- Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; 18- Thể dục, thể thao; 19- Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; 20- Trưng cầu ý dân; 21- Dược; 22- Phòng, chống bệnh truyền nhiễm; 23- Điều kiện sản xuất mỹ phẩm; 24- Quản lý trang thiết bị y tế.         

Chính phủ yêu cầu Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan liên quan thực hiện việc sắp xếp các chủ đề: Bổ trợ tư pháp; Hình sự; Kế toán, kiểm toán; Thống kê và 24 đề mục nêu trên vào Bộ pháp điển; đăng tải kết quả pháp điển điện tử lên Cổng thông tin điện tử pháp điển; phổ biến, tuyên truyền về kết quả pháp điển.

Các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan liên quan trong phạm vi lĩnh vực quản lý nhà nước của cơ quan mình thực hiện phổ biến, tuyên truyền, giới thiệu kết quả pháp điển đến đối tượng chịu sự tác động của các quy phạm pháp luật thuộc các chủ đề: Bổ trợ tư pháp; Hình sự; Kế toán, kiểm toán; Thống kê và 24 đề mục nêu trên.

Trường hợp có văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới thuộc các chủ đề: Bổ trợ tư pháp; Hình sự; Kế toán, kiểm toán; Thống kê và 24 đề mục nêu trên, cơ quan thực hiện pháp điển phối hợp với Bộ Tư pháp kịp thời cập nhật quy phạm pháp luật mới và loại bỏ những quy phạm pháp luật hết hiệu lực ra khỏi Bộ pháp điển theo quy định./.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Print
1048 Rate this article:
No rating

Thư viện ảnh

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ - VIỆN KHOA HỌC THỂ DỤC THỂ THAO - TỔNG CỤC THỂ DỤC THỂ THAO
Người chịu trách nhiệm chính: PGS.TS. Nguyễn Danh Hoàng Việt
Địa chỉ: 141 Nguyễn Thái Học - Ba Đình - Hà Nội * Điện thoại: (84-4) 733 0286 * FAX: (84-4) 733 4419
Website: vkhtdtt.vn; Email: banbientap.vkhtdtt@gmail.com

 

Close Copyright [2018] by TTTT
Back To Top