Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 8/5 08 Tháng Năm 2020 Thông tin báo chí chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 8/5 THÔNG TIN BÁO CHÍ THÔNG TIN CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH CỦA CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ Bỏ quy định giãn cách đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, thương mại, dịch vụ Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho mở lại và bỏ quy định giãn cách đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, thương mại, dịch vụ với yêu cầu thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn như đeo khẩu trang, sát khuẩn tay; riêng đối với các cơ sở dịch vụ như nhà hàng, quán ăn thì chỉ yêu cầu sát khuẩn tay. Chưa cho mở lại vũ trường, dịch vụ karaoke. Đây là nội dung tại Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19. Cũng tại Thông báo này, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, các địa phương, đặc biệt là ngành y tế đã có nhiều cố gắng thực hiện công tác phòng, chống dịch đạt kết quả tích cực, cơ bản kiểm soát tốt dịch bệnh. Cả nước đã có 21 ngày liên tục không phát hiện thêm ca nhiễm mới trong cộng đồng, các ca nhiễm mới đều trong số người nhập cảnh đã được cách ly, không để lây lan trong cộng đồng. Tất cả các địa phương trên toàn quốc đều ở mức nguy cơ thấp, thậm chí rất thấp lây nhiễm dịch bệnh. Tuy nhiên, diễn biến dịch trên thế giới vẫn rất phức tạp; số người nhiễm, số người tử vong do dịch bệnh tại nhiều nước vẫn ở mức cao, đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương phải luôn đề cao cảnh giác, không lơ là, chủ quan, quyết không để dịch bệnh trở lại. Cả nước đã bước sang giai đoạn mới phòng, chống dịch bệnh đồng thời với khôi phục, phát triển nền kinh tế. Từ các cấp, các ngành cho đến từng người dân, doanh nghiệp đều cần xác lập tình trạng bình thường mới trong các hoạt động kinh tế - xã hội để dần đưa xã hội trở lại bình thường trên tinh thần tập trung đẩy mạnh các hoạt động phục hồi kinh tế. Kiên quyết ngăn chặn nguồn bệnh xâm nhập từ nước ngoài Tiếp tục thực hiện một số biện pháp phòng, chống dịch. Cụ thể, kiên quyết ngăn chặn nguồn bệnh xâm nhập từ nước ngoài. Tất cả người nhập cảnh đều phải được cách ly tập trung 14 ngày; trừ các trường hợp là nhà đầu tư, chuyên gia, lao động tay nghề cao thì có biện pháp cách ly phù hợp, chủ doanh nghiệp, cơ quan y tế địa phương chịu trách nhiệm giám sát việc cách ly các trường hợp này, tuyệt đối không để nguồn bệnh lây lan ra cộng đồng. Sẵn sàng ứng phó với các trường hợp dương tính tại cộng đồng. Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp phải duy trì nhóm phản ứng nhanh, kịp thời phát hiện, khoanh vùng, cách ly, dập dịch hiệu quả. Ngành y tế các địa phương dưới sự chỉ đạo của Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân các địa phương phải tổ chức ứng trực mức 100% bảo đảm xử lý kịp thời các tình huống dịch bệnh xảy ra. Không để dịch bệnh quay trở lại là nhiệm vụ hàng đầu của ngành y tế và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhất là tại các khu vực trung tâm, thành phố, đô thị lớn. Tiếp tục thực hiện các biện pháp bắt buộc đeo khẩu trang tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, trên các phương tiện giao thông công cộng; rửa tay sát khuẩn, bảo đảm vệ sinh cá nhân. Tiếp tục kiện toàn năng lực cho các phòng xét nghiệm xác định COVID-19, chuẩn bị sẵn sàng máy và sinh phẩm, bảo đảm đầy đủ các điều kiện cần thiết phục vụ xét nghiệm. Theo dõi, cập nhật tình hình dịch bệnh và các kỹ thuật, sinh phẩm chẩn đoán trên thế giới và tại Việt Nam để điều chỉnh hoạt động xét nghiệm phù hợp với công tác phòng, chống dịch. Tiếp tục nghiên cứu phác đồ điều trị, xây dựng các hướng dẫn và tập huấn cho y tế cơ sở để thực hiện theo dõi, giám sát sức khỏe cho người dân tại cộng đồng và hướng dẫn xử lý khi có các trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh, dương tính với COVID-19 hoặc nhiễm dịch bệnh khác (nếu có). Chuẩn bị sẵn sàng các bệnh viện, cơ sở thu dung điều trị và các điều kiện cần thiết phục vụ cho điều trị bệnh nhân COVID-19 và các dịch bệnh khác có thể xảy ra. Nới lỏng các hạn chế Về thực hiện nới lỏng các hạn chế, dỡ bỏ giãn cách và giới hạn số chỗ trên phương tiện giao thông công cộng (máy bay, xe khách, tàu thủy, tàu hỏa…). Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho mở lại và bỏ quy định giãn cách đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, thương mại, dịch vụ với yêu cầu thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn như đeo khẩu trang, sát khuẩn tay; riêng đối với các cơ sở dịch vụ như nhà hàng, quán ăn thì chỉ yêu cầu sát khuẩn tay. Chưa cho mở lại vũ trường, dịch vụ karaoke. Đồng ý tổ chức các hoạt động thể dục thể thao, hoạt động có tập trung đông người với yêu cầu phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn như đeo khẩu trang, sát khuẩn tay; đồng ý các cơ sở khám chữa bệnh trở lại hoạt động bình thường, bảo đảm phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân. Không bắt buộc giãn cách trong trường, lớp học; không bắt buộc học sinh đeo khẩu trang trong lớp học. Nhà trường tăng cường thực hiện các biện pháp lau khử khuẩn bề mặt, vệ sinh phòng, lớp học, nhà vệ sinh, bảo đảm phòng, lớp học thông thoáng, học sinh giữ gìn vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay sát khuẩn. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải có kế hoạch và tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học, bảo đảm kết quả trung thực, khách quan. Thường trực Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, Ủy ban nhân dân các địa phương nghiêm túc thực hiện các biện pháp, nhiệm vụ được giao, trong đó có các nhiệm vụ quan trọng như: tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh; các gói tài khóa, tiền tệ phải có hiệu lực trước khi khai mạc Hội nghị của Chính phủ với các doanh nghiệp vào ngày 09 tháng 5 tới đây; đặc biệt phải tập trung đẩy nhanh các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng, không để lợi dụng, trục lợi chính sách. Các Bộ, ngành có liên quan, nhất là các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,… và các địa phương đều phải tập trung chỉ đạo thu hút, xúc tiến mạnh mẽ hoạt động đầu tư từ các doanh nghiệp, tập đoàn trong và ngoài nước. Cho phép mở lại một số cửa khẩu phụ, lối mở Về thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu phụ trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép mở lại các cửa khẩu phụ, lối mở: Bình Nghi, Na Hình, Nà Nưa, Pò Nhùng theo đề xuất của Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn; Bắc Phong Sinh và lối mở Ka Long theo đề xuất của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh. Đối với các cửa khẩu phụ, lối mở khác, Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới căn cứ tình hình thực tế của địa phương, cân nhắc cẩn trọng, kỹ lưỡng, đảm bảo tối đa công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 để chủ động mở lại các cửa khẩu phụ, lối mở trên địa bàn theo nguyên tắc quy định tại Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21/11/2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền, Nghị định số 14/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới và bảo đảm quy trình kiểm soát, phòng chống dịch bệnh; chỉ khôi phục lại các cửa khẩu phụ, lối mở có lưu lượng hàng hóa lớn, đặc biệt là hàng nông sản, thủy hải sản xuất khẩu và hàng nguyên liệu cấp thiết nhập khẩu phục vụ sản xuất trong nước. Lưu ý: Chỉ mở để giao thương hàng hóa, không cho phép xuất nhập cảnh đối với người; không để lợi dụng việc mở các cửa khẩu phụ, lối mở này để buôn lậu, gian lận thương mại. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch khẩn trương chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch truyền thông về các điểm đến an toàn với những việc làm cụ thể, thiết thực, phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh trên từng địa bàn; đẩy mạnh du lịch nội địa; chủ động tổ chức thị trường và chuẩn bị phương án tái khởi động thị trường du lịch quốc tế vào thời điểm thích hợp. Các Bộ: Ngoại giao, Công an, Quốc phòng, Y tế, Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ đã được phân công, trong đó có việc đưa công dân Việt Nam đang bị kẹt ở nước ngoài về nước, bảo đảm trật tự, mức độ phù hợp năng lực tiếp nhận, cách ly trong nước. Bộ Tài chính tăng cường quản lý kinh phí và bảo đảm bổ sung kịp thời kinh phí phòng, chống dịch cho các Bộ, ngành, địa phương. Việc sử dụng kinh phí phải bảo đảm đúng quy định, không để tài sản nhà nước thất thoát; các sai phạm phải được xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế chủ động xử lý, chỉ đạo thường xuyên công tác phòng, chống dịch COVID-19, kịp thời báo cáo Ban chỉ đạo quốc gia, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định những vấn đề lớn, mới phát sinh; chuẩn bị tổng kết công tác phòng, chống dịch COVID-19, trong đó có việc động viên, khen thưởng các tổ chức, cá nhân điển hình có thành tích trong công tác phòng, chống dịch. Nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam. Ủy ban sông Mê Công Việt Nam là tổ chức phối hợp liên ngành, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, quản lý các hoạt động liên ngành, liên tỉnh, liên quốc gia nhằm quản lý và sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan trên Lưu vực sông Mê Công, bao gồm cả các Lưu vực sông Cửu Long và sông Sê San - Srêpốk của Việt Nam, theo quy định của Hiệp định Hợp tác Phát triển Bền vững Lưu vực sông Mê Công, Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản pháp luật có liên quan. Ủy ban sông Mê Công Việt Nam có trụ sở tại số 23 Hàng Tre, thành phố Hà Nội và Văn phòng đại diện tại thành phố Hồ Chí Minh. Ủy ban sông Mê Công Việt Nam có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành, liên quốc gia trên Lưu vực sông Mê Công, bao gồm cả các Lưu vực sông Cửu Long và sông Sê San - Srêpốk của Việt Nam. Bên cạnh đó, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hòa, phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, đối tác quốc tế, khu vực, trong nước và các cá nhân có liên quan trong theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các hoạt động liên ngành trên Lưu vực sông Mê Công, bao gồm cả các Lưu vực sông Cửu Long và sông Sê San - Srêpốk của Việt Nam. Đồng thời, giúp Thủ tướng Chính phủ đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân có liên quan: Thực hiện Hiệp định Hợp tác Phát triển Bền vững Lưu vực sông Mê Công và các quy chế, thủ tục liên quan; thực hiện các quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông liên tỉnh; quy hoạch môi trường và chuyên ngành có khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên các Lưu vực sông Cửu Long và sông Sê San - Srêpốk; thực hiện các chương trình, đề án, dự án đã được phê duyệt trên các Lưu vực sông Cửu Long và sông Sê San- Srêpốk. Tổ chức nghiên cứu khoa học công nghệ và đề xuất các giải pháp giảm thiểu tác động của các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia thượng nguồn tới các vùng lãnh thổ của Việt Nam thuộc Lưu vực sông Mê Công trong bối cảnh biến đổi khí hậu; tác động của các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong lưu vực sông Mê Công có tác động xuyên biên giới. Theo dõi, giám sát diễn biến tài nguyên nước, các hoạt động sử dụng, bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên nước và tài nguyên liên quan trên Lưu vực sông Mê Công nhằm đảm bảo sử dụng công bằng và hợp lý nguồn nước sông Mê Công, bảo vệ quyền lợi của Việt Nam thông qua quy hoạch tổng thể, các dự án hợp tác và nghiên cứu khoa học công nghệ cho lưu vực Mê Công, đặc biệt là các dự án trên dòng chính. Cơ cấu tổ chức Về cơ cấu tổ chức của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Ủy ban; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường làm Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Ủy viên Hội đồng Ủy hội sông Mê Công quốc tế của Việt Nam. Các Phó Chủ tịch Ủy ban gồm: Thứ trưởng các Bộ Ngoại giao, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Các Ủy viên Ủy ban là Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Thứ trưởng các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Xây dựng, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Quốc phòng, Công an; Chánh Văn phòng Ủy ban sông Mê Công Việt Nam kiêm Ủy viên Ủy ban Liên hợp Ủy hội sông Mê Công quốc tế của Việt Nam; Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước; Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường; Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi; Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai; Đại diện lãnh đạo của Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố thuộc lưu vực sông Cửu Long và lưu vực sông Sê San -Srêpốk gồm: An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau, Cần Thơ, Đắc Lắk, Đắc Nông, Đồng Tháp, Gia Lai, Hậu Giang, Kiên Giang, Kon Tum, Lâm Đồng, Long An, Sóc Trăng,Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long. Các đại diện lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam và một số tổ chức khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước với quy mô lớn hoặc có tác động lớn tới nguồn nước của lưu vực sông; các nhà khoa học; các tổ chức chính trị - xã hội có liên quan được mời tham gia các cuộc họp của Ủy ban và các Tiểu ban khi cần thiết. Ủy ban sông Mê Công Việt Nam có 2 tiểu ban: Tiểu ban lưu vực sông Cửu Long và Tiểu ban lưu vực sông Sê San - Srêpốk. Đề xuất giải pháp quản lý đấu thầu nhằm ngăn chặn tiêu cực, lợi ích nhóm Thời báo kinh tế Sài Gòn ngày 28/4/2020 có bài viết phản ánh việc Chính phủ đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, phục hồi và phát triển kinh tế ứng phó với tác động của đại dịch COVID-19 nhưng đây cũng là lúc dễ nảy sinh tiêu cực; nhiều bộ, ngành, địa phương rầm rộ "phong trào" xin cơ chế đặc thù như thay vì đấu thầu thì chuyển qua hình thức chỉ định thầu dẫn đến nguy cơ thất thoát, tiêu cực, lợi ích nhóm. Về việc này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có ý kiến như sau: Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất giải pháp trong công tác quản lý đấu thầu nhằm ngăn chặn thất thoát, tiêu cực, lợi ích nhóm; báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Nghiên cứu, đề xuất giải pháp đẩy mạnh quảng bá, phát triển du lịch Báo The LEADER điện tử ngày 02/5/2020 có bài viết “Du lịch làm gì để tăng tốc sau đại dịch”, trong đó thông tin: Các nước đang chuẩn bị kích cầu giành thị phần trong cuộc đua du lịch quốc tế. Việt Nam cần tận dụng tốt hình ảnh qua phòng chống COVID-19, đẩy mạnh quảng bá là điểm đến “An toàn, thân thiện, y tế bảo đảm”. Cải thiện chất lượng dịch vụ, đổi mới tinh thần phục vụ, có chính sách khuyến mại hợp lý. Cũng theo bài báo cần đặc biệt chú ý những du khách từng ở Việt Nam và được chăm sóc trong mùa dịch. Mời họ trở lại, làm đại sứ quảng bá du lịch trong thời kỳ mới, lột xác sau dịch. So với nhiều nước, Việt Nam thiệt hại tương đối nhẹ hơn nên hồi phục nhanh hơn. Đại dịch COVID-19 đảo lộn trật tự thế giới, làm nhiều nước kiệt quệ, nhưng là đòn bẩy phát triển cho các quốc gia biết chớp thời cơ, vượt qua khó khăn, khẳng định phẩm chất “vàng thật không sợ lửa”. Về việc này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, đề xuất giải pháp đẩy mạnh quảng bá, phát triển du lịch; báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Phê chuẩn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Tại Quyết định 609/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu bổ sung chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Lê Ngọc Khánh, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. * Tại Quyết định số 608/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Nguyễn Thành Long, để nghỉ hưu theo chế độ. Triển khai thực hiện Đề án tổng thể đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo 896 vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư năm 2020. Trong đó, tháng 5/2020, Văn phòng Ban Chỉ đạo; các bộ, ngành; Ban Chỉ đạo 896 các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án 896 năm 2020 theo các nhiệm vụ được giao. Về xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an chủ trì tổ chức đấu thầu và lựa chọn nhà thầu cho các gói thầu thuộc dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (thời gian thực hiện Quý II, III/2020); tiến hành kiểm tra, phúc tra dữ liệu thông tin dân cư (năm 2020). Quý IV/2020, Bộ Công an hoàn thành kết nối hệ thống Căn cước công dân, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành đã xây dựng xong với hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia để phục vụ cấp số định danh cá nhân, giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến; xây dựng Thông tư quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (năm 2020); đào tạo, chuyển giao công nghệ và sử dụng phần mềm hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (Quý IV/2020). Quý II/2020, các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Ngoại giao, Thông tin và Truyền thông, Quốc phòng, Khoa học và Công nghệ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân thuộc phạm vi chức năng quản lý của các bộ. Năm 2020, Văn phòng Ban Chỉ đạo 896, Ban Chỉ đạo 896 các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục triển khai công tác truyền thông về Luật Căn cước công dân, Chỉ thị 07/CT-TTg, Đề án 896 và dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Cũng trong năm 2020, Văn phòng Ban Chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Đề án 896; hướng dẫn, xử lý các khó khăn, vướng mắc của các bộ, ngành, địa phương trong quá trình triển khai thực hiện Đề án 896. Tăng cường quản lý, kiểm soát khí N2O Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm vừa có ý kiến chỉ đạo về việc tăng cường quản lý, kiểm soát khí N2O (khí cười). Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng khí N2O trong lĩnh vực y tế; nghiên cứu, đánh giá tác động của việc sử dụng khí N2O đối với sức khỏe con người để cung cấp cho các cơ quan truyền thông và kiến nghị các biện pháp quản lý, kiểm soát phù hợp. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), Bộ Y tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh, sử dụng khí N2O; khẩn trương rà soát, nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan để thống nhất biện pháp quản lý, quy định đầy đủ hành vi vi phạm và chế tài xử phạt hành chính bảo đảm tính răn đe. Bộ Công an nghiên cứu sửa đổi giải thích từ ngữ về Chất hướng thần trong quá trình xây dựng Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) để có cơ sở bổ sung khí N2O và các chất tương tự vào danh mục các chất ma túy và tiền chất trong Nghị định của Chính phủ; chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường quản lý địa bàn, phát hiện, xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh khí N2O; đôn đốc, phối hợp với các Bộ, cơ quan thực hiện các nhiệm vụ trên, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/12/2020. Nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Quảng Bình Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo quyết định, việc lập “Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” phải bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ với mục tiêu, định hướng của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 của cả nước; chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; các điều ước quốc tế mà Việt Nam là nước thành viên. Yêu cầu về nội dung lập quy hoạch cần định hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bố nguồn lực cho các hoạt động kinh tế - xã hội phải đồng bộ với quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững trên cả 3 trụ cột: Kinh tế, xã hội và môi trường; phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế, các cam kết trong các điều ước quốc tế đa phương và song phương mà Việt Nam là thành viên. Đồng thời, bảm bảo tính liên kết, đồng bộ, khai thác và sử dụng hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng hiện có giữa các ngành và các vùng liên huyện, các địa phương trên địa bàn tỉnh; xác định cụ thể các khu vực sử dụng cho mục đích quân sự, quốc phòng, an ninh ở cấp tỉnh, liên huyện và định hướng bố trí trên địa bàn cấp huyện. Bên cạnh đó, xây dựng và cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội; chú trọng thúc đẩy phát triển các khu vực có điều kiện khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đảm bảo sinh kế bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; phân bổ, khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên gắn với bảo tồn các giá trị lịch sử - văn hóa, di sản thiên nhiên cho các thế hệ hiện tại và tương lai. Ứng dụng công nghệ hiện đại, số hóa, kết nối, chia sẻ hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu trong quá trình lập quy hoạch; đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật và phù hợp với yêu cầu phát triển, hội nhập quốc tế và liên kết vùng. Phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Sơn La tầm nhìn đến năm 2050 Nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 624/QĐ-TTg. Quan điểm lập quy hoạch là đánh giá đúng thực trạng, xu hướng phát triển, tiềm năng, lợi thế, nhất là các lợi thế trong phát triển kinh tế tại các cửa khẩu quốc gia giao thương với các tỉnh vùng Đông Bắc của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và các nước ASEAN; đảm bảo sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường; đảm bảo tính khả thi và phù hợp với khả năng cân đối, huy động các nguồn lực bên trong, bên ngoài cho phát triển kinh tế - xã hội một cách đồng bộ, nhanh và bền vững; đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ giữa các ngành, phát triển hài hòa giữa các địa phương trên địa bàn tỉnh Sơn La. Quy hoạch sẽ là công cụ để chính quyền các cấp lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý toàn diện, thống nhất trên địa bàn tỉnh Sơn La; là căn cứ để hoạch định chính sách và kiến tạo động lực phát triển, tổ chức không gian phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo tính kết nối đồng bộ giữa quy hoạch quốc gia với quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; là cơ sở khoa học và thực tiễn để triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn trên địa bàn tỉnh Sơn La. Xây dựng kịch bản phát triển, ý tưởng và phương án tổng thể, bố trí hợp lý không gian nhằm giải quyết các vấn đề xung đột về không gian trong địa bàn tỉnh hiện nay và định hướng không gian cho các nhu cầu phát triển trong tương lai trên cơ sở huy động hợp lý các điều kiện bên trong và thu hút các nguồn lực từ bên ngoài. Đề xuất các định hướng, nhiệm vụ và giải pháp để đẩy nhanh việc thực hiện các khâu đột phát chiến lược; hướng tới phát triển nhanh và bền vững trong trung và dài hạn trên cả 4 trụ cột: phát triển kinh tế - phát triển văn hóa - bảo vệ môi trường - bảo đảm quốc phòng an ninh. Các nội dung chủ yếu của quy hoạch gồm: Phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của tỉnh Sơn La; đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội, hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng hệ thống đô thị và nông thôn; quan điểm, mục tiêu và lựa chọn phương án phát triển tỉnh; phương hướng phát triển các ngành quan trọng trên địa bàn tỉnh…/. Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 6/5 Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DN ngày 9/5/2020 Print 840 Rate this article: No rating
Quyết định 147 - Bổ sung Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ của Viện Khoa học Thể dục thể thao 16 Tháng Chín 2024
Viện Khoa học TDTT tổ chức gặp mặt, tri ân nhân Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 18 Tháng Mười Một 2024
Quyết định về việc Quy định thu học phí đào tạo nghiên cứu sinh năm 2023 - 2024 08 Tháng Mười Một 2023
Việt Nam – Trung Quốc tăng cường hợp tác, trao đổi trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học TDTT 06 Tháng Chín 2024