Responsive image

Hoạt động của các Phó Thủ tướng Chính phủ ngày 04/1

Thông tin báo chí hoạt động của các Phó Thủ tướng Chính phủ ngày 04/1

 

THÔNG CÁO BÁO CHÍ

HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

 

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát động Năm An toàn giao thông 2019

Ngày 4/1, tại Hà Nội, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và UBND thành phố Hà Nội tổ chức Lễ phát động ra quân Năm An toàn giao thông 2019.

Tham dự Lễ phát động có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia; Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể; Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và các lực lượng chuyên trách bảo đảm trật tự ATGT.

Phát biểu tại Lễ ra quân, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Chúng ta cùng khẳng định quyết tâm và cam kết mạnh mẽ thực hiện cho được mục tiêu đã nêu ra, đặc biệt là hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ của chủ đề Năm An toàn giao thông 2019 là “An toàn giao thông cho hành khách và người đi mô tô, xe máy”.

Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, các bộ, ngành, đoàn thể và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt và tổ chức triển khai quyết liệt các nhóm nhiệm vụ trọng tâm.

Một là, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa; Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24/8/2011 của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Hai là, hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông; lồng ghép mục tiêu an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông trong các đề án chiến lược, quy hoạch cấp quốc gia, cấp tỉnh, thành phố, các dự án đầu tư tạo ra nhu cầu giao thông, vận tải lớn.

Ba là, tiếp tục xây dựng văn hóa giao thông cho toàn xã hội với việc đẩy mạnh hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị; kiên trì xây dựng văn hóa giao thông an toàn và thân thiện môi trường cho mọi tầng lớp nhân dân.

 

Bốn là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo đảm an toàn giao thông, trong đó tập trung vào: Nâng cao năng lực, hiệu lực của lực lượng tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm; đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, thuyền viên; đăng kiểm phương tiện; an toàn, an ninh hàng không; quản lý quy hoạch - trật tự xây dựng.

Năm là, đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm gắn với duy tu, bảo đảm an toàn giao thông và khai thác có hiệu quả các công trình hạ tầng hiện hữu; nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa.

Sáu là, đẩy mạnh tái cơ cấu hệ thống dịch vụ vận tải nâng cao năng lực, chất lượng và giảm giá thu hút hành khách, hàng hoá sử dụng vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không; đẩy nhanh tiến độ đầu tư, phát triển hệ thống vận tải công cộng trong đô thị, vùng tỉnh và liên tỉnh.

Bảy là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, các thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với công tác quản lý, điều hành, tổ chức giao thông, hướng dẫn người tham gia giao thông cũng như hỗ trợ công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

Tám là, thực hiện đồng bộ các giải pháp hạn chế mức sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, kiểm soát chặt điều kiện về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của các phương tiện cơ giới, đặc biệt là trong các khu vực trung tâm đô thị, gắn với khuyến khích người dân sử dụng phương tiện vận tải công cộng.

Chín là, quản lý chặt chẽ hoạt động xây dựng bảo đảm việc đầu tư, xây dựng mới hoặc điều chỉnh, sắp xếp các khu công nghiệp, đô thị, các trung tâm thương mại, trường học, bệnh viện... trong các đô thị phù hợp với năng lực kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải công cộng.

“Tôi nhấn mạnh đến hai trọng tâm cần tăng cường tuyên truyền, vận động gắn với xử lý nghiêm hành vi vi phạm đó là vi phạm nồng độ cồn khi lái xe và không đội mũ bảo hiểm đi mô tô, xe máy, xe đạp điện. Đây là hai nguyên nhân chủ yếu gây tai nạn giao thông và làm tăng tỉ lệ thương vong trong các dịp cao điểm, lễ, Tết. Đề nghị không vì ngày Tết mà nể nang, xuê xoa, cần dừng xe, kiểm tra, xử phạt để ngăn không cho tai nạn xảy ra, không để thương vong xảy ra. Đó chính là món quà Tết có ý nghĩa nhất đối với người dân”, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.

 

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chủ trì Hội nghị về công tác an toàn giao thông

Ngày 4/1, tại trụ sở Chính phủ, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác ATGT.

Kết luận Hội nghị, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ biểu dương các bộ, ngành, đoàn thể, các cơ quan thông tấn, báo chí và Ban ATGT các địa phương đã nỗ lực triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp bảo đảm trật tự, ATGT trong năm 2018. Đặc biệt là Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và 44 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết vì TNGT giảm so với năm 2017, trong đó 17 địa phương giảm trên 10% số người chết.

Phó Thủ tướng Thường trực cũng chỉ ra các nguyên nhân dẫn đến hạn chế, yếu kém trong công tác bảo đảm trật tự ATGT. Đó là, nhu cầu vận tải, số lượng phương tiện, mật độ tham gia giao thông tăng cao trong khi năng lực kết cấu hạ tầng còn hạn chế; ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông còn yếu kém; hạn chế về hiệu lực, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành và thực thi pháp luật bảo đảm trật tự ATGT; bất cập trong các quy định pháp luật…

Năm 2019, mục tiêu đề ra là tiếp tục giảm tai nạn giao thông từ 5-10% về số vụ, số người chết, bị thương so với năm 2018; giảm 10% con số thương vong do tai nạn giao thông liên quan đến vận tải hành khách và xe mô tô, xe gắn máy; tiếp tục kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, các đầu mối giao thông trọng điểm và tại các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội và TPHCM.

Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh đến 8 nhiệm vụ trọng tâm năm 2019 và đề nghị các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ cũng như các nhiệm vụ cụ thể được giao trong Kế hoạch Năm ATGT 2019 của Ủy ban ATGT Quốc gia để quyết liệt, nghiêm túc triển khai thực hiện.

Đó là, hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách về bảo đảm trật tự ATGT, chống ùn tắc giao thông; lồng ghép mục tiêu ATGT, giảm ùn tắc giao thông trong các đề án chiến lược, quy hoạch cấp quốc gia, cấp tỉnh, thành phố, các dự án đầu tư tạo ra nhu cầu giao thông, vận tải lớn. Theo đó, ngay trong năm 2019, các bộ ngành cần tổng kết và xây dựng dự án Luật Giao thông đường bộ; sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định quy định bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự với chủ xe cơ giới, quy định pháp luật về thống kê tai nạn giao thông theo tiêu chuẩn quốc tế và các văn bản hướng dẫn.

Đề cập đến việc tiếp tục xây dựng văn hoá giao thông, Phó Thủ tướng Thường trực cho rằng, cần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự ATGT, trật tự đô thị; kiên trì xây dựng văn hoá giao thông an toàn và thân thiện môi trường cho mọi tầng lớp nhân dân.

Đối với nâng cao hiệu lực, hiệu quả công quản lý Nhà nước về bảo đảm ATGT, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị tập trung vào nâng cao năng lực, hiệu lực của lực lượng tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm; đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, thuyền viên; đăng kiểm phương tiện; an toàn, an ninh hàng không; quản lý quy hoạch - trật tự xây dựng.

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm gắn với duy tu, bảo đảm ATGT và khai thác có hiệu quả các công trình hạ tầng hiện hữu; nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ hành lang ATGT đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa.

Bộ Giao thông vận tải và UBND các tỉnh, thành phố phải có danh mục, con số cụ thể về xoá điểm đen tai nạn giao thông, xoá lối đi tự mở trái phép qua đường sắt trong năm 2019 và các năm tiếp theo để kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện. Có biện pháp bảo đảm an ninh trật tự và ATGT tại các trạm thu phí BOT theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng tại Công điện số 82/CĐ-TTg.

Bên cạnh đó, xử lý nghiêm một số phần tử xấu kích động biểu tình, gây rối ở các trạm BOT và xử lý hình sự việc gian lận tại các trạm BOT như Công ty Yên Khánh vừa qua.

“Đẩy mạnh tái cơ cấu hệ thống dịch vụ vận tải nâng cao năng lực, chất lượng và giảm giá thu hút hành khách, hàng hoá sử dụng vận tải đường sắt, đường thuỷ nội địa, hàng hải, hàng không; đẩy nhanh tiến độ đầu tư, phát triển hệ thống vận tải công cộng trong đô thị, vùng tỉnh và liên tỉnh”, Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ.

Thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với công tác quản lý, điều hành, tổ chức giao thông, hướng dẫn người tham gia giao thông cũng như hỗ trợ công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, kiểm soát chặt điều kiện về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của các phương tiện cơ giới, đặc biệt là trong các khu vực trung tâm đô thị, gắn với khuyến khích người dân sử dụng phương tiện vận tải công cộng.

“Quản lý chặt chẽ hoạt động xây dựng bảo đảm việc đầu tư, xây dựng mới hoặc điều chỉnh, sắp xếp các khu công nghiệp, đô thị, các trung tâm thương mại, trường học, bệnh viện... trong các đô thị phù hợp với năng lực kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải công cộng”, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.

 

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình dẫn đầu đoàn kiểm tra công tác phòng chống tham nhũng tại Yên Bái

Chiều ngày 4/1, tại Yên Bái, đồng chí Trương Hoà Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã làm việc với Tỉnh uỷ Yên Bái về kiểm tra công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn.

Phát biểu tại cuộc làm việc, đồng chí Trương Hoà Bình nêu rõ: Đây là hoạt động kiểm tra thường xuyên của Thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đối với địa bàn được giao quản lý, chỉ đạo theo sự phân công của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo.

Theo đồng chí Trương Hoà Bình, thời gian gần đây công tác phòng, chống tham nhũng đã được chỉ đạo quyết liệt, có bước tiến mạnh mẽ, đạt được kết quả toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt. Tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi, có chiều hướng thuyên giảm. Điều này đã tạo hiệu ứng tích cực, lan toả mạnh mẽ trong toàn xã hội, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển KT-XH, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân, được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Đồng chí Trương Hòa Bình cũng cho rằng tỉnh Yên Bái đã có sự tiến bộ qua từng năm trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là chỉ số cải cách hành chính, chỉ số năng lực cạnh tranh… Tuy nhiên, tỉnh cần tiếp tục cải thiện và nâng cao hơn nữa chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công.

Tuy vậy, tình hình tham nhũng vẫn còn biểu hiện và diễn biến phức tạp. Tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công vẫn xảy ra ở nhiều nơi, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp. Công tác phòng, chống tham nhũng ở một số địa phương, bộ, ngành chưa có chuyển biến rõ rệt, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.

Một số lĩnh vực như quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản, đấu thầu, mua sắm, quản lý tài sản công… còn để xảy ra tình trạng tham nhũng, lãng phí. Công tác tổ chức, cán bộ và quản lý cán bộ để phòng chống tham nhũng vẫn còn hạn chế. Một số bộ, ngành, địa phương còn tình trạng bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý nhiều trường hợp còn chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực, bố trí người thân vào vị trí việc làm hoặc để người thân kinh doanh vi phạm quy định về phòng chống tham nhũng. Chưa kiên quyết điều chuyển, thay thế cán bộ khi có dư luận hoặc có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, uy tín thấp. Số vụ việc, vụ án được phát hiện, xử lý chưa được phản ánh đúng thực trạng tham nhũng, nhất là công tác phát hiện, xử lý ở địa phương.

Theo đồng chí Trương Hòa Bình, để làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng ở địa phương thì trước hết phải là sự nỗ lực trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của cấp uỷ, chính quyền, các cơ quan chức năng của địa phương. Hoạt động kiểm tra, đôn đốc, chỉ  đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng là rất quan trọng và cần thiết nhưng không thể làm thay vai trò tổ chức thực hiện của các địa phương.

“Thông qua việc kiểm tra này, tôi mong rằng sẽ cùng địa phương  rà soát, đánh giá việc thực hiện, đánh giá tình hình, kết quả công tác phòng chống tham nhũng, phát huy ưu điểm, phát hiện những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, làm rõ nguyên nhân, có biện pháp chủ động chấn chỉnh, khắc phục hoặc kiến nghị với Ban Chỉ đạo Trung ương, Chính phủ để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác phòng chống tham nhũng. Qua công tác thanh tra, kiểm tra tìm ra nguyên nhân của tồn tại, yếu kém, sơ hở trong quản lý để có giải pháp chấn chỉnh, khắc phục”, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình nhấn mạnh.

 

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp về các chương trình mục tiêu quốc gia

Ngày 4/1, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp tổng kết năm 2018, đề ra nhiệm vụ giải pháp của Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Kết luận cuộc họp, đánh giá về kết quả thực hiện năm 2018, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng hai Chương trình mục tiêu quốc gia đã góp phần quan trọng giúp cả nước hoàn thành và hoàn thành vượt mức 12/12 chỉ tiêu kinh tế, xã hội mà Quốc hội giao.

“Đặc biệt với xây dựng nông thôn mới, nhân dân và chính quyền các cấp đã tập trung thực hiện và công nhận trên cơ sở siết chặt xét duyệt các tiêu chí cứng và 2 tiêu chí ‘mềm’ là bảo đảm 100% số xã, huyện không nợ đọng xây dựng cơ bản và trên 90% người dân bày tỏ hài lòng. Trên cả nước đã xuất hiện nhiều vùng quê đáng sống”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Trưởng Ban chỉ đạo cũng bày tỏ: “Tôi đến Nam Định rất ấn tượng trong xây dựng nông thôn mới. Là một tỉnh thuần nông, kinh tế chưa thực sự nổi bật nhưng thành công của Nam Định là đã kéo gần mức sống ở nông thôn và đô thị với nhau và tới nay 100% số xã đã đạt chuẩn nông thôn mới” và cho biết cuối năm 2019, Ban chỉ đạo sẽ tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016- 2020 sớm 1 năm tại tỉnh Nam Định.

Có được kết quả trên, theo Phó Thủ tướng là do Ban chỉ đạo đã có cách làm bài bản, khoa học, tổ chức các hội thảo toàn quốc liên quan tới xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng nông thôn mới ở cấp thôn bản, chương trình mỗi xã một sản phẩm và nông thôn mới gắn với phát triển du lịch. Sau các hội thảo, Ban chỉ đạo cũng thông qua một số Đề án để thống nhất triển khai trên toàn quốc.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng cho rằng Ban chỉ đạo đã bám sát các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và tổ chức thực hiện thành công 2 phong trào thi đua lớn là Toàn quốc cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và cuộc vận động Chung tay vì người nghèo, không ai bị bỏ lại phía sau, tạo ra sự vào cuộc lớn của cả hệ thống chính trị.

Trong năm 2019, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương quán triệt tinh thần bứt phá, toàn diện của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Nghị quyết số 01 của Chính phủ khi triển khai 2 Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Theo đó, hoàn thành và vượt 50% số xã của cả nước đạt chuẩn nông thôn mới, vượt chỉ tiêu 70 huyện và xem xét một số tỉnh, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; bảo đảm không có hộ gia đình người có công thuộc diện hộ nghèo.

Ngoài ra, các bộ ngành cụ thể hoá các chỉ tiêu giảm nghèo, các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, xây dựng nông thôn mới ở các vùng khó khăn; giải quyết dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản trong năm 2019. Bộ Tài chính, Ngân hàng chính sách xã hội sớm trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề xuất nâng mức cho vay hộ nghèo, tập trung khắc phục tình trạng tín dụng đen ở nông thôn.

Phó Thủ tướng cũng đồng tình và yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai ngay Chương trình áo ấm mùa đông cho người già và trẻ em ở vùng cao; tổ chức các hội thảo chuyên đề về công tác giảm nghèo trong năm 2019; đánh giá chuẩn nghèo đa chiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số và cho đối tượng là trẻ em.

Các bộ, ngành bắt tay xây dựng khung khổ thể chế cho giai đoạn sau nhất là giai đoạn 2021-2020 cho 2 chương trình với các quan điểm, khung khổ chiến lược, tích hợp các chính sách về dân tộc ở vùng cao vùng khó khăn.

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm

Ngày 4/1, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm (ATTP) chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo về công tác ATTP năm 2018, nhiệm vụ trọng tâm năm 2019.

Báo cáo của Ban Chỉ đạo cho biết, trong năm 2018, công tác ATTP đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các mặt: Chỉ đạo, xây dựng, ban hành các văn bản; xây dựng, triển khai các chương trình, đề án; thông tin, giáo dục truyền thông; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; kiểm nghiệm, giám sát, phân tích nguy cơ ô nhiễm thực phẩm; phòng chống ngộ độc và các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm…

Theo đó, Bộ Y tế đã xử lý vi phạm hành chính hơn 88 tỷ đồng, tăng 1,4 lần so với cùng kỳ năm 2017; các địa phương đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 673.490 cơ sở, phát hiện 116.258 cơ sở vi phạm về ATTP, đã xử lý 41.229 cơ sở, trong đó phạt tiền hơn 82 tỷ đồng; Bộ công an đã phát hiện 6176 vụ vi phạm pháp luật về ATTP. Trong đó đã chuyển cơ quan điều tra khởi tố 11 vụ, 15 bị can; đang điều tra, xử lý 184 vụ…

Bên cạnh đó, công tác thông tin truyền thông về ATTP đã được triển khai thực hiện với nhiều hình thức phong phú, đa dạng (nói chuyện, tập huấn, hội thảo, phát tờ rơi, xây dựng các chương trình truyền thông trên các kênh truyền hình, báo chí, Facebook,…), qua đó đã tạo chuyển biến tích cực trong thay đổi hành vi của người sản xuất, kinh doanh. Việc kết hợp giữa tuyên truyền mang tính khuyến khích, hướng dẫn với tuyên truyền mang tính răn đe đã phát huy hiệu quả trong công tác truyền thông về ATTP.

Báo cáo cũng nêu các tồn tại trong công tác ATTP cần tập trung khắc phục trong thời gian tới như: Việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kháng sinh, hóa chất trong sản xuất nông, thủy sản vẫn là vấn đề nhức nhối, nan giải; tình hình buôn lậu qua biên giới, tình trạng một số tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhưng không đăng ký bản công bố, bán hàng online, quảng cáo, tư vấn lừa dối người tiêu dùng còn diễn biến phức tạp;…

Sau khi nghe báo cáo của cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo và thảo luận của các thành viên, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá, trong năm 2018, các bộ ngành, địa phương đã vào cuộc tích cực, công tác ATTP đã có tiến bộ rõ rệt trên các mặt, từ công tác xây dựng ban hành văn bản… đến hoạt động thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm. Nổi bật là công tác thông tin, truyền thông về ATTP; xây dựng các chuỗi sản xuất, phân phối thực phẩm sạch gắn với truy xuất nguồn gốc…

Đối với những vấn đề còn tồn tại, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu thời gian tới các cơ quan chức năng phải tiếp tục kiên trì, siết chặt quản lý, từng bước đẩy lùi tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất nông sản, thủy sản; kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn tình trạng buôn lậu thực phẩm qua biên giới; kiểm soát các lò giết mổ gia súc, gia cầm; triển khai hiệu quả các chương trình phối hợp với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ….

Đặc biệt, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các cơ quan chức năng phải kiên quyết xử lý nghiêm các doanh nghiệp, cá nhân sai phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, thông tin, quảng cáo thực phẩm chức năng. Mọi hành vi “vàng thau lẫn lộn” giữa thực phẩm chức năng với thuốc chữa bệnh để đánh lừa người tiêu dùng đều phải bị nghiêm trị. Thậm chí cần tiến hành điều tra, truy tố xét xử nghiêm minh một số vụ việc nổi cộm để răn đe và cảnh tỉnh.

Đề nghị các bộ ngành, địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn thực phẩm giả, kém chất lượng, gian lận thương mại trong lưu thông, kinh doanh thực phẩm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm ATTP, đặc biệt là phải siết chặt công tác bảo đảm ATTP, nhất là tại các thành phố lớn trong dịp Tết Nguyên đán 2019 sắp tới…, Phó Thủ tướng cũng gợi mở các bộ, địa phương đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý ATTP.

Cụ thể là, nghiên cứu giải pháp hỗ trợ để doanh nghiệp đứng ra làm “đại lý” kiểm tra chất lượng thực phẩm, người sản xuất tự nguyện “xin được kiểm tra”, sau đó công khai các sản phẩm chất lượng trên website của cơ quan quản lý về ATTP, qua đó giúp người tiêu dùng nhận biết, truy xuất thông tin về chất lượng, nguồn gốc của sản phẩm; giúp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thực phẩm an toàn.

Nhấn mạnh, thông tin điều hành phải là những thông tin “sống”, được cập nhật thường xuyên và công khai để nhân dân giám sát, góp ý, phản ánh về công tác quản lý nhà nước về ATTP, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế phải xây dựng bằng được hệ thống thông tin báo cáo ATTP qua mạng với các biểu chuẩn để các bộ ngành, địa phương chủ động cập nhật thông tin một cách thuận lợi, qua đó "giải phóng" để các bộ ngành không còn “khổ” vì phải làm báo cáo.

Trước đó, ngày 21/11/2018, Văn phòng Chính phủ đã ban hành văn bản số 436/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp về xây dựng hệ thống thông tin an toàn thực phẩm.

 

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dự Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2019 của ngành xây dựng

Ngày 4/1, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dự Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019 của ngành xây dựng.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao và biểu dương cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành xây dựng trên cả nước đã đoàn kết, nỗ lực, khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ, góp phần quan trọng cùng cả nước thực hiện thắng lợi nhiều mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2018.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng chỉ ra những mặt tồn tại, hạn chế mà ngành xây dựng cần phải tập trung khắc phục trong thời gian tới. Mặc dù Bộ đã tập trung vào công tác hoàn thiện thể chế và đạt được nhiều kết quả quan trọng song một số nhiệm vụ trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật về xây dựng còn chậm so với yêu cầu.

Việc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch còn chậm so với yêu cầu phát triển. Chất lượng không ít đồ án quy hoạch còn thấp, thiếu tính kết nối, đồng bộ. Việc kiểm soát tầng cao, mật độ dân số tại các đô thị lớn chưa hiệu quả.

Công tác quản lý đầu tư xây dựng đã được triển khai tích cực song còn những tồn tại phải tiếp tục khắc phục. Công tác kiểm soát chất lượng xây dựng còn chưa hiệu quả, đặc biệt là các công trình sử dụng vốn Nhà nước. Tình trạng thất thoát lớn trong đầu tư xây dựng chưa được khắc phục triệt để.

Ghi nhận nhiều nỗ lực đáp ứng tối đa nhu cầu thị trường của các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, nhưng theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, việc kiểm soát phát triển vật liệu xây dựng có nơi còn thiếu chặt chẽ.

Nhấn mạnh năm 2019 được xác định là năm bứt phá về hoàn thiện thể chế, bứt phá về đổi mới sáng tạo, bứt phá về huy động nguồn lực để phát triển đất nước, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu ngành xây dựng phải thực hiện 3 nội dung bứt phá gồm bứt phá cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho đầu tư kinh doanh; bứt phá về chất lượng đô thị, công trình xây dựng, chất lượng các sản phẩm vật liệu xây dựng và bứt phá về nhà ở xã hội.

Để thực hiện được 3 nội dung bứt phá đã nêu, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ xây dựng cần dành ưu tiên cao cho việc hoàn thiện thể chế và các công cụ quản lý Nhà nước.

Cụ thể, cần tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Kiến trúc để trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV; tiếp tục nghiên cứu hoàn chỉnh Dự án Luật Quản lý phát triển đô thị; rà soát để sửa đổi bổ sung các quy định của các Luật Nhà ở, Xây dựng, Kinh doanh bất động sản... cho phù hợp.

Cùng với đó cần hoàn thiện quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật trong đầu tư xây dựng… Phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành liên quan xây dựng các chính sách về quản lý đầu tư, đấu thầu, các mô hình đầu tư, đặc biệt là hợp tác công tư PPP làm cơ sở để triển khai các công trình đầu tư xây dựng trong thời gian tới.

Yêu cầu thứ hai được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh với ngành xây dựng là tăng cường công tác quy hoạch xây dựng và bảo đảm quá trình thực hiện quy hoạch theo đúng quy định pháp luật… Cần rà soát, kiến nghị điều chỉnh các quy định pháp luật có liên quan đến công tác quy hoạch; nâng cao chất lượng các đồ án quy hoạch, đáp ứng tốt nhất các yêu cầu phát triển của các vùng, miền, địa phương, các cực tăng trưởng…

“Việc cải tạo các chung cư cũ còn chậm, chưa có lối ra”, Phó Thủ tướng nhận xét và yêu cầu Bộ Xây dựng đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ xuống cấp, gây nguy hiểm tại các đô thị, đặc biệt là tại Hà Nội và TPHCM.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Xây dựng phối hợp với các địa phương xây dựng các chương trình phát triển đô thị, kế hoạch phát triển đô thị để cân đối nguồn lực, lộ trình, kiểm soát quá trình phát triển các khu đô thị mới, chú ý các công trình dịch vụ thiết yếu.

Với mục tiêu nâng cao chất lượng công trình, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu ngành xây dựng nâng cao chất lượng phục vụ, kịp thời giải quyết các vướng mắc trong việc thẩm định, quản lý dự án, điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng.

Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền hợp lý, vừa bảo đảm hiệu lực quản lý Nhà nước, vừa tạo thuận lợi và sự chủ động tối đa cho các địa phương.

Ngành cũng phải làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành xây dựng trên các lĩnh vực để kịp thời phát hiện, hướng dẫn, xử lý các thiếu sót, sai phạm; qua đó hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách liên quan; tập trung công tác tái cơ cấu, nâng cao năng lực các doanh nghiệp ngành xây dựng; nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp (đặc biệt các viện nghiên cứu, trường đào tạo trọng điểm của ngành...).

Bộ Xây dựng phải có các giải pháp cụ thể để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội tại khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp; cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nhà cho thuê, nhà ở giá thấp; kiểm soát chặt chẽ việc quy hoạch và khai thác, sử dụng hiệu quả quỹ đất đô thị dành để phát triển nhà ở xã hội…/.

Print
837 Rate this article:
No rating

Thư viện ảnh

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ - VIỆN KHOA HỌC THỂ DỤC THỂ THAO - TỔNG CỤC THỂ DỤC THỂ THAO
Người chịu trách nhiệm chính: PGS.TS. Nguyễn Danh Hoàng Việt
Địa chỉ: 141 Nguyễn Thái Học - Ba Đình - Hà Nội * Điện thoại: (84-4) 733 0286 * FAX: (84-4) 733 4419
Website: vkhtdtt.vn; Email: banbientap.vkhtdtt@gmail.com

 

Close Copyright [2018] by TTTT
Back To Top