Bộ trưởng Bộ VHTT&DL: Mỗi hạn chế là một thách thức phải vượt qua 15 Tháng Năm 2018 Một cách tổng quát, xin Bộ trưởng nêu nhận định về những việc đã làm và chưa làm được của ngành văn hóa, thể thao và du lịch trong 6 tháng đầu năm qua? Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Trước hết phải thẳng thắn nhìn nhận, bối cảnh hoạt động 6 tháng đầu năm của ngành VHTT&DL hội tụ nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, tác động trực tiếp đến những kết quả đạt được cũng như những vấn đề còn hạn chế; đòi hỏi toàn ngành phải tiếp tục cố gắng, tìm giải pháp tháo gỡ. Có thể điểm qua một số kết quả nổi bật trên các lĩnh vực như công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa được quan tâm chỉ đạo; chuyển biến cơ bản trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội; các hoạt động văn học, nghệ thuật, triển lãm, tuyên truyền cổ động đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, góp phần vào thành công chung của các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước... Tiếp nối chủ trương đã được thực hiện trong năm 2016, những tháng đầu năm 2017, Bộ VHTT&DL tiếp tục tổ chức chuỗi chương trình biểu diễn các tác phẩm nghệ thuật chất lượng cao tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Những đêm diễn, sự đón nhận nhiệt huyết và hào hứng của công chúng đã và đang tạo thêm một nguồn động lực quan trọng cho một hướng đi đúng đắn của ngành VHTT&DL nhằm bảo tồn các loại hình văn hóa truyền thống trong giai đoạn hiện nay. Lĩnh vực thể dục thể thao cũng tiếp tục ghi những dấu ấn mới với nhiều thành tích cao tại các giải thể thao ở khu vực, châu lục và thế giới: 257 tấm huy chương Vàng, Bạc, Đồng không chỉ là những kết quả đáng tự hào mà còn là nguồn sức mạnh để các vận động viên, huấn luyện viên và những tên tuổi tài danh của nền thể thao nước nhà vững niềm tin tiến lên phía trước. Chúng ta luôn tự hào khi nhắc đến họ cùng với những tấm huy chương lấp lánh mồ hôi và nghị lực. Đó là vận động viên: Hoàng Xuân Vinh (bắn súng), Võ Thị Kim Phụng (cờ vua), Lê Thanh Tùng (thể dụng dụng cụ), Trần Lê Quốc Toàn (cử tạ), Lê Nguyễn Quốc Bảo (cử tạ), Hồ Thị Kim Ngân (Taekwondo); đội tuyển Bóng đá nữ Việt Nam thi đấu xuất sắc giành suất tham dự vòng chung kết Asian Cup 2018 tại Jordan... Kết quả tăng trưởng của ngành du lịch trong những tháng đầu năm 2017 cũng được ghi nhận có nhiều dấu ấn đột phá. Con số ước đón 5,2 triệu lượt khách quốc tế; lượng khách du lịch nội địa ước đạt 34,2 triệu lượt khách; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 219.300 tỷ đồng... là minh chứng sống động cho những chuyển động ấn tượng của ngành du lịch trong những tháng đầu năm; khẳng định vị trí của ngành kinh tế mũi nhọn trong nền kinh tế quốc gia. Chuyển biến tích cực trong lĩnh vực du lịch còn được thể hiện ở những nỗ lực của toàn ngành nhằm thanh lọc, khắc phục những hạn chế làm ảnh hưởng đến hình ảnh của du lịch Việt Nam. Công tác quản lý hoạt động kinh doanh lữ hành được thực hiện nghiêm túc; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý dứt điểm, quyết liệt tình trạng người nước ngoài lợi dụng vào Việt Nam đi du lịch để tổ chức kinh doanh lữ hành quốc tế, tổ chức hướng dẫn khách trái phép... Những vấn nạn như tình trạng “chặt chém”, cướp giật tài sản của du khách, gây mất an ninh trật tự tại các điểm, khu du lịch được chấn chỉnh…, qua đó tạo môi trường du lịch an toàn, thân thiện. Cũng trong lĩnh vực du lịch, tại Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 2/6 về thực hiện giải pháp thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra chỉ tiêu đối với ngành du lịch: phấn đấu đạt mục tiêu 13-15 triệu lượt khách du lịch quốc tế trong năm 2017. Đây thực sự là một thách thức, đồng thời thể hiện niềm tin của Chính phủ đối với tiềm năng phát triển của du lịch Việt Nam; là cơ hội để ngành du lịch khẳng định vai trò và những đóng góp trong nền kinh tế quốc dân. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác văn hóa, thể thao và du lịch trong những tháng qua cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như hệ thống văn bản pháp luật còn khuyết thiếu; đầu tư cho hoạt động văn học nghệ thuật còn hạn chế; chưa có nhiều chương trình, tác phẩm nghệ thuật có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của công chúng... Ngành thể thao cũng đứng trước nhiều khó khăn khi mức đầu tư cho thể dục thể thao còn thấp; cơ sở vật chất chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế; đội ngũ cán bộ, hướng dẫn viên thể dục, thể thao ở cơ sở còn thiếu; chế độ, chính sách đối với huấn luyện viên, vận động viên còn thấp; trang thiết bị tập luyện, thi đấu cho các vận động viên còn gặp nhiều khó khăn... Những tồn tại trong lĩnh vực du lịch là chất lượng dịch vụ tại một số khu, điểm du lịch còn chưa bảo đảm, chưa tạo được những sản phẩm du lịch chủ lực đặc thù. Việc liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương trong vùng và liên vùng còn thiếu chủ động. Tình trạng người nước ngoài lợi dụng vào Việt Nam du lịch để tổ chức kinh doanh lữ hành trái phép, hướng dẫn viên người nước ngoài hoạt động “chui” tại một số địa bàn du lịch trọng điểm còn phức tạp... Với vai trò người đứng đầu ngành, tôi xin chia sẻ và thẳng thắn thừa nhận những hạn chế trên từng lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của ngành. Cũng phải nói rằng, mỗi hạn chế đó chính là một yêu cầu, mỗi nhiệm vụ là một thách thức đòi hỏi toàn ngành phải chủ động, nỗ lực để vượt qua. Bộ trưởng có thể cho biết những nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong 6 tháng cuối năm cũng như các giải pháp để thực hiện những nhiệm vụ đó như thế nào? Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Nhiệm vụ của ngành trong 6 tháng cuối năm sẽ dựa trên nền tảng là kết quả đã có được cũng như những nhiệm vụ đặt ra từ các hạn chế cần khắc phục. Cụ thể, một số nhiệm vụ trọng tâm sẽ được toàn ngành tập trung thực hiện có thể kể đến như: Đẩy mạnh triển khai thực hiện Chương trình hành động của Ngành thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; Triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2017. Bên cạnh việc tập trung xây dựng, hoàn thiện các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, các đề án trình Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, toàn ngành sẽ tập trung triển khai thực hiện những nội dung trọng tâm của kế hoạch phát triển sự nghiệp ngành văn hóa, thể thao và du lịch 5 năm 2016-2020, Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa giai đoạn 2016-2020 và các dự án thành phần về văn hóa của Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững... Xây dựng các đề án, chương trình về đẩy lùi sự xuống cấp của đạo đức xã hội; xây dựng và phát huy nhân tố con người trong các lĩnh vực hoạt động... cũng được xác định là một nội dung trọng tâm được toàn ngành tập trung thực hiện trong thời gian tới. Trong đó, các đơn vị chức năng thuộc Bộ sẽ tập trung thực hiện kế hoạch hành động về nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ giai đoạn 2016-2020... Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trên các lĩnh vực “nóng” như lễ hội, di sản, biểu diễn nghệ thuật, du lịch, thể thao... ; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng gắn với thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Điểm nhấn trong các mục tiêu thời gian tới là Bộ VHTT&DL đã đề xuất Chính phủ nhiều nhóm giải pháp để đưa du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đạt mục tiêu tăng trưởng 30% trong năm 2017. Trong đó, nhóm giải pháp cụ thể trước mắt là đẩy mạnh hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch với việc tiếp tục tận dụng cơ hội của Năm APEC Việt Nam 2017; tiếp tục tạo điều kiện về thủ tục nhập cảnh, mở rộng danh sách các nước được thí điểm áp dụng cấp thị thực điện tử (e-visa); tiếp tục miễn thị thực cho công dân 5 nước Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Italy... Với vai trò là người đứng đầu ngành VHTT&DL, ông đánh giá như thế nào về vai trò của văn hóa trong giai đoạn hội nhập hiện nay? Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Văn hóa là tất cả những gì còn lại. Ở bất kỳ xã hội nào, bất kỳ thời đại nào thì văn hóa luôn là khái niệm, phạm trù có ý nghĩa bao trùm nhất. Mỗi người dân Việt Nam chúng ta đều luôn luôn tự hào, tiến về phía trước với niềm tin mãnh liệt được hun đúc từ bề dầy văn hóa truyền thống đã được bao thế hệ ông cha vun đắp, dựng xây. Đảng, Nhà nước ta trong mọi giai đoạn lịch sử đều hết sức quan tâm đến yếu tố văn hóa trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội, xác định văn hóa là nền tảng, là mục tiêu, động lực để phát triển bền vững xã hội. Từ Đề cương Văn hóa Việt Nam (1943) đến Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, gần đây là Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, Văn hóa đều luôn được xác định là một yếu tố nền tảng. Nghị quyết 33-NĐ/TW đã khẳng định mục tiêu: “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân-thiện-mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Nghị quyết 33-NĐ/TW cũng như báo cáo chính trị tại Đại hội XII của Đảng cũng khẳng định vị trí, vai trò của văn hóa ngày càng được nâng cao, với trục quan điểm xuyên suốt: “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với chính trị, kinh tế, xã hội”. Đây cũng là quan điểm phù hợp nhằm khẳng định vị trí, vai trò của văn hóa trong xu thế hội nhập hiện nay. Đã đến lúc cần có thêm những góc nhìn mở về văn hóa. Xã hội không thể nhìn nhận văn hóa chỉ là ngành “tiêu tiền” như trước mà ngược lại, văn hóa đang tồn tại và phát triển một cách đĩnh đạc trong guồng quay của thời đại mới, song hành và bao trùm lên nhiều lĩnh vực quan trọng khác của đời sống xã hội. Ở một khía cạnh khác, trong xu thế hội nhập, vai trò của văn hóa trong việc mở rộng mối quan hệ hợp tác với các nước trên thế giới có một vai trò đặc biệt quan trọng. Văn hóa vừa như một sứ giả để quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với bè bạn quốc tế; vừa đóng vai trò là chất xúc tác để thẩm thấu, tiếp thu có chọn lọc những thành tựu của nền văn hóa nhân loại. Trách nhiệm của ngành VHTT&DL trong giai đoạn hiện nay vì thế càng được đòi hỏi phải nỗ lực, sáng tạo và tăng cường tính chủ động trong thực hiện đa dạng các hình thức văn hóa đối ngoại, đưa các quan hệ quốc tế về văn hóa đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực. Văn hóa Việt Nam đang bước vào một giai đoạn chuyển động nhanh và mạnh mẽ, trong đó, vừa cần chủ động đón nhận cơ hội phát triển, vừa cần nỗ lực vượt qua các thách thức để giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng thời, cũng phải tỉnh táo để hạn chế, khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực, mặt trái của toàn cầu hóa về văn hóa. Xin cảm ơn Bộ trưởng! Print 1649 Rate this article: No rating Tags: quản lý lý luận Cùng chuyên mục Thủ tướng Chính phủ dự Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng và khánh thành Cụm công trình Trung tâm Bệnh viện 108 Hoạt động của các Phó Thủ tướng Chính phủ ngày 18/12 Tạo nguồn tài chính của Bóng đá nhà nghề Sự ra đời Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam Năm 2018: TTVN tập trung xây dựng các nhiệm vụ mang tính đột phá
Quyết định 147 - Bổ sung Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ của Viện Khoa học Thể dục thể thao 16 Tháng Chín 2024
Viện Khoa học TDTT tổ chức gặp mặt, tri ân nhân Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 18 Tháng Mười Một 2024
Quyết định về việc Quy định thu học phí đào tạo nghiên cứu sinh năm 2023 - 2024 08 Tháng Mười Một 2023
Việt Nam – Trung Quốc tăng cường hợp tác, trao đổi trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học TDTT 06 Tháng Chín 2024