Responsive image

Sự ra đời Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam

Xét thấy môn bóng đá là môn được nhân dân ưa thích, thu hút nhiều khán giả nên có thể đi đầu ngành thể dục thể thao để thực hiện theo Nghị định 73/1999/NĐ-CP của Chính phủ, Bộ trưởng Hà Quang Dự đã yêu cầu làm đề án xã hội hóa hoạt động bóng đá (đỉnh cao). Vậy là, ông Mai Văn Muôn, ông Phạm Ngọc Viễn và tôi (GS Dương Nghiệp Chí) được giao nhiệm vụ này. Đây là vấn đề cấp thiết phục vụ nhiệm vụ chính trị, nhưng quá khó, nên chúng tôi chỉ có thể làm đề án sơ bộ, nêu ra mục tiêu, nội dung, một số bước tiến hành ban đầu. Trong đó, bước quan trọng là sớm tổ chức giải bóng đá “bán chuyên nghiệp” của nước ta. Chúng tôi phân vân, bóng đá nước ta trình độ thấp, chưa thể dùng cụm từ “bóng đá nhà nghề” hay bóng đá “bán nhà nghề” như vài quốc gia Đông Nam Á khi ấy.

1/ Đề án này rất quan trọng vì phải sớm thực hiện nghị định của Chính phủ về xã hội hóa hoạt động Thể dục thể thao, trước tiên là hoạt động bóng đá đỉnh cao của nước ta.

2/ Ta có khả năng thực hiện xã hội hóa hoạt động bóng đá, huy động nguồn kinh phí từ doanh nghiệp chi cho giải bóng đá đỉnh cao, chi cho các câu lạc bộ bóng đá đỉnh cao. Nguồn ngân sách nhà nước sẽ không trực tiếp chi cho các hoạt động này như hiện nay. Tuy nhiên, tôi đồng ý với các anh, nhà nước vẫn có thể tìm mọi cách hỗ trợ cho các doanh nghiệp để họ kinh doanh có lãi, trích tiền lãi chi cho bóng đá. Vả lại, chắc các doanh nghiệp cũng mong muốn quảng bá hình ảnh của mình qua bóng đá.

3/ Tôi đồng ý, trình độ của ta chưa thể coi là bóng đá nhà nghề, nhưng nên gọi là bóng đá chuyên nghiệp, không nên gọi là bán chuyên nghiệp. Cứ mạnh dạn như vậy, rồi dần từng bước ta sẽ phát triển thành chuyên nghiệp, thành nhà nghề, mặc dù cần quá trình dài. Ta cứ mạnh dạn làm, vừa làm vừa định ra lộ trình theo từng giai đoạn, ngay bây giờ khó mà có lộ trình hoàn chỉnh.

4/ Trước mắt, tôi sẽ trình đề án này và đề nghị Chính phủ sớm cho tổ chức giải bóng đá chuyên nghiệp đầu tiên của Việt Nam.

Kết luận của Bộ trưởng Hà Quang Dự đều đúng, giúp cho ngành ta tích cực thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động thể dục thể thao của Chính phủ. Chủ trương này thích hợp với đặc điểm nước ta, chuyển hoạt động thể dục thể thao trong nền kinh tế tập trung bao cấp của nhà nước sang hoạt động trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Khởi đầu của sự chuyển đổi này là hoạt động bóng đá chuyên nghiệp, mà chưa thể nhận thức đầy đủ ngay trong giai đoạn đầu. Vậy là giải bóng đá chuyên nghiệp và bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đã ra đời.

Sự ra đời bóng đá chuyên nghiệp là cần thiết, nhưng cần thiết hơn nữa là vừa làm, vừa xác định rõ lộ trình phát triển của bóng đá chuyên nghiệp mà cái đích là bóng đá nhà nghề như các quốc gia tiên tiến khác. Như vậy, ta có khởi đầu, có đích đến, nhưng chưa rõ lộ trình phát triển đến đích. Tôi chỉ xin dẫn chứng một khâu trong lộ trình phát triển-khâu tạo tài sản cho bóng đá nhà nghề.

Khoảng 100 năm trước, nhà nước Anh đã quyết định cấp hoặc bán rẻ các sân thi đấu bóng đá cho các câu lạc bộ bóng đá nhà nghề của Anh theo hợp đồng. Trong hợp đồng, nhà nước yêu cầu các câu lạc bộ bóng đá nhà nghề của Anh phải bắt buộc kinh doanh (với tư cách một doanh nghiệp) và phải nộp thuế cho nhà nước.

Ta thấy rõ, nhà nước có trách nhiệm tạo tài sản, thậm chí tạo vốn cho bóng đá nhà nghề trong giai đoạn đầu. Sự nghiệp của bóng đá nhà nghề gắn liền với sự nghiệp của nhà nước. Nếu bóng đá nhà nghề thiếu các chính sách hỗ trợ thiết thực của nhà nước, khó mà hình thành và phát triển. Ta có thể thấy chính sách hỗ trợ của Nhà nước quyết định tới sự nghiệp phát triển bóng đá nhà nghề. Khi nước ta chưa có nền kinh tế thị trường đầy đủ, nhà nước còn có điều kiện giúp gián tiếp cho doanh nghiệp làm ăn có lãi để tài trợ cho hoạt động bóng đá. Sau này, sự tài trợ của doanh nghiệp ngày càng khó khăn, vì vậy bóng đá chuyên nghiệp nước ta phải kết hợp giữa nhận tài trợ của doanh nghiệp với tự thân cố gắng kinh doanh có lãi, dần tới mức trở thành bóng đá nhà nghề. Có lẽ, đây là bước đi cần thiết trong lộ trình phát triển của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.

Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đã ra đời cách đây 17 năm, có tiến bộ, nhưng khi nghiên cứu “chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” theo quyết định 419/QĐ-TTg ngày 8/3/2013 ta chưa rõ lộ trình phát triển của bóng đá chuyên nghiệp. Chẳng hạn, bóng đá chuyên nghiệp nước ta là doanh nghiệp nhưng không rõ các tiền đề để kinh doanh như: tài sản, vốn, phương thức và tổ chức quản lý kinh doanh. Lộ trình và phương thức đạt trình độ thi đấu cao so với quốc tế, đạt trình độ kinh doanh có lãi đều không rõ trong chiến lược dài hạn.

Sự ra đời bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam là cần thiết, nhưng không có nghĩa mặc nhiên chuyên nghiệp sẽ trở nên thành thạo tới mức nhà nghề. Bóng dá nước ta nếu chậm phát triển, mãi không có trình độ nhà nghề, sẽ khiến cả ngành thể dục thể thao khó có uy tín đối với xã hội.

GS.TS. Dương Nghiệp Chí

Print
1578 Rate this article:
No rating

Thư viện ảnh

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ - VIỆN KHOA HỌC THỂ DỤC THỂ THAO - TỔNG CỤC THỂ DỤC THỂ THAO
Người chịu trách nhiệm chính: PGS.TS. Nguyễn Danh Hoàng Việt
Địa chỉ: 141 Nguyễn Thái Học - Ba Đình - Hà Nội * Điện thoại: (84-4) 733 0286 * FAX: (84-4) 733 4419
Website: vkhtdtt.vn; Email: banbientap.vkhtdtt@gmail.com

 

Close Copyright [2018] by TTTT
Back To Top