Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 01/3 05 Tháng Ba 2019 Thông tin báo chí chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 01/3 THÔNG TIN BÁO CHÍ THÔNG TIN CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH CỦA CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ Quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân Chính phủ đã ban hành Nghị định 22/2019/NĐ-CP quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân. Nghị định này quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, đơn vị, cán bộ, chiến sĩ Công an trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ; tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực an ninh, trật tự; trách nhiệm của Thủ trưởng, cán bộ, chiến sĩ Công an trong việc bảo vệ người tố cáo; quản lý công tác giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân. Theo đó, cá nhân có quyền tố cáo với cơ quan, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền trong Công an nhân dân về hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, đơn vị, cán bộ, chiến sĩ Công an trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Cơ quan, đơn vị, cá nhân trong Công an nhân dân có thẩm quyền giải quyết tố cáo trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm giải quyết tố cáo theo đúng quy định của pháp luật; áp dụng biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn thiệt hại có thể xảy ra; bảo đảm an toàn cho người tố cáo, người thân của người tố cáo; xử lý nghiêm minh cơ quan, đơn vị, cán bộ, chiến sĩ Công an, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có hành vi vi phạm pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình. Đồng thời, phải bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố cáo trong Công an nhân dân khi chưa có kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo. Nghị định nêu rõ: Cơ quan, đơn vị, cá nhân trong Công an nhân dân có thẩm quyền giải quyết tố cáo mà không giải quyết tố cáo theo đúng quy định của pháp luật, thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết tố cáo hoặc giải quyết tố cáo trái pháp luật thì phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật và quy định của Bộ Công an; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường, bồi hoàn theo quy định của pháp luật. Nghị định cũng quy định cụ thể về tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực an ninh, trật tự. Phải công khai kết luận nội dung tố cáo Theo Nghị định, trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày ra kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo, người giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân có trách nhiệm công khai kết luận nội dung tố cáo, người có thẩm quyền xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính trong Công an nhân dân có trách nhiệm công khai quyết định xử lý hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo. Căn cứ tình hình thực tế, tính chất vụ việc, yêu cầu của việc giải quyết tố cáo, người giải quyết tố cáo, người có thẩm quyền xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính quyết định việc công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo bằng một hoặc một số hình thức được quy định tại khoản 2 Điều 40 Luật Tố cáo và Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo. Việc công khai phải đảm bảo bí mật về thông tin người tố cáo và những nội dung thuộc bí mật nhà nước. Chấn chỉnh công tác quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị 05/CT-TTg yêu cầu tăng cường chấn chỉnh công tác quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt. Thời gian qua, các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan liên quan đã nghiêm túc thực hiện và triển khai nhiều giải pháp thiết thực, tạo được sự chuyển biến rõ nét và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác lập, quản lý quy hoạch đô thị, góp phần thúc đẩy phát triển đô thị, phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương và cả nước. Tuy nhiên, công tác quy hoạch xây dựng và quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập. Việc lập quy hoạch đô thị chưa đồng bộ; chất lượng một số quy hoạch chưa cao, thiếu tính khả thi; công tác điều chỉnh quy hoạch, nhất là điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung, điều chỉnh quy hoạch chi tiết tại các đô thị lớn, tập trung đông dân cư còn tùy tiện, có xu hướng gia tăng dân số, tầng cao, mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất, gây quá tải hạ tầng đô thị... Hoàn thành lập Cổng TTĐT quốc gia về quy hoạch xây dựng, đô thị Để tăng cường chấn chỉnh công tác quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng khẩn trương xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị, Luật Kiến trúc trong Chương trình xây dựng pháp luật đã được Quốc hội, Chính phủ quyết định. Đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật Xây dựng, Quy hoạch đô thị, Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở và các Nghị định, Thông tư liên quan bảo đảm tính minh bạch, thống nhất, loại bỏ các mâu thuẫn, chồng chéo, đáp ứng yêu cầu phát triển của thực tiễn và hội nhập, hoàn thành trong năm 2019. Đồng thời sửa đổi, bổ sung hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan tới phát triển đô thị, nhà ở bảo đảm yêu cầu sử dụng đất hiệu quả, phù hợp với thực tiễn phát triển, hoàn thành trước năm 2020. Nghiên cứu đổi mới phương pháp quy hoạch đô thị, quản lý phát triển đô thị nhằm nâng cao chất lượng công tác quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị, đảm bảo tính khoa học, hội nhập, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, hoàn thành trong năm 2019. Bên cạnh đó, chú trọng xây dựng các khung hướng dẫn, quy chuẩn, tiêu chuẩn cụ thể về đô thị tăng trưởng xanh, công trình xanh, công trình tiết kiệm năng lượng và quy định việc thực hiện bắt buộc đối với các công trình sử dụng vốn đầu tư công. Bộ Xây dựng đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền hợp lý, đảm bảo hiệu lực quản lý nhà nước, đồng thời tạo sự chủ động tối đa cho các địa phương; đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về đầu tư phát triển đô thị; hoàn thành việc lập cổng thông tin điện tử quốc gia về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị trong năm 2019. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương tăng cường kiểm tra, thanh tra kế hoạch, chương trình, dự án và các nhiệm vụ quản lý nhà nước về đầu tư công, đảm bảo gắn kết giữa kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch đô thị, các chương trình, dự án phát triển đô thị được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch có đủ năng lực UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương lập, thẩm định, phê duyệt đồng bộ các quy hoạch đô thị, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị và cụ thể hóa quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và dự án đầu tư cụ thể; đảm bảo phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Tăng cường kiểm soát quá trình phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch, đặc biệt đối với khu vực đô thị mở rộng; rà soát, cắt bỏ các thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng và phát triển đô thị nhằm loại bỏ cơ chế xin cho. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nâng cao chất lượng công tác đấu thầu để đảm bảo lựa chọn được đơn vị tư vấn lập quy hoạch có đủ năng lực; thực hiện nghiêm túc việc đấu thầu dự án, đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo quy định pháp luật. Đồng thời, cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra công tác lập, quản lý quy hoạch, quản lý hoạt động xây dựng. Xử lý nghiêm, kịp thời, dứt điểm các vi phạm tại địa phương. Phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch phân khu xây dựng Đại học Đà Nẵng Nhiệm vụ quy hoạch phân khu xây dựng Đại học Đà Nẵng, tỷ lệ 1/2000 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với quy mô khoảng 286,5 ha, gồm 96,5 ha thuộc phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng và 190 ha thuộc phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Đây là khu chức năng đặc thù, là trung tâm giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học đa ngành, đa lĩnh vực cấp quốc gia và quốc tế. Về quy mô đào tạo và các khu chức năng, Quyết định nêu rõ, tổng quy mô phục vụ đến năm 2035 là 66.000 người gồm 60.000 sinh viên và khoảng 6.000 giảng viên, cán bộ. Các chức năng cơ bản gồm: Khu trung tâm (trung tâm điều hành khu đại học, công trình dịch vụ công cộng và một số tiện ích chung); Khu học tập và các cơ sở nghiên cứu thuộc Đại học Đà Nẵng dự kiến bố trí cho 11 trường đã được xác định tại Chiến lược phát triển Đại học Đà Nẵng; Khu thể dục thể thao và giáo dục quốc phòng; Khu nghiên cứu - phát triển - ươm tạo; Khu quảng trường, công viên cây xanh; Khu ký túc xá sinh viên gồm nhà ở và các công trình phục vụ sinh hoạt; Khu nhà ở công vụ; Đất giao thông, đầu mối hạ tầng kỹ thuật của toàn khu; tại các khu chức năng còn bố trí quỹ đất cho giao thông nội bộ, sân bãi của từng dự án; bố trí quỹ đất thương mại dịch vụ (để huy động vốn đầu tư)… Quyết định cũng nêu rõ, quy hoạch Đại học Đà Nẵng theo hướng đô thị thông minh, đô thị xanh, sử dụng năng lượng tái tạo phù hợp xu hướng công nghệ 4.0. Tổ chức không gian quy hoạch kiến trúc trên cơ sở lấy sinh viên làm trung tâm, tạo thuận lợi và tiện nghi cho sinh viên; tạo môi trường giáo dục nhân cách, kỹ năng sống cho sinh viên; quản lý vận hành thuận lợi, an toàn. Phân khu chức năng, tổ chức không gian, quy hoạch cơ sở hạ tầng kỹ thuật đảm bảo sự đa dạng, sự hài hoà giữa khu vực đã đầu tư xây dựng và khu vực phát triển mới trong một tổng thể thống nhất, kết nối liên tục bên trong và bên ngoài khu đại học. Các phương án bố trí khu học tập và cơ sở nghiên cứu theo hướng mở, đảm bảo việc sử dụng cơ sở vật chất một cách hiệu quả và có thể sử dụng chung lẫn nhau giữa các trường. Tổ chức không gian cây xanh, mặt nước và quảng trường tạo hình ảnh đặc trưng cho từng khu vực. Đến 2035, tuyển chọn, đào tạo 3.700 vận động viên đội tuyển quốc gia Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án “Tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao và nhân lực thể thao thành tích cao đến năm 2035”. Mục tiêu nhằm phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng vận động viên tài năng, có năng khiếu đặc biệt ở một số môn thể thao thành tích cao, thế mạnh của Việt Nam đạt trình độ và dành được thứ hạng cao tại các kỳ thi đấu khu vực, châu lục, thế giới và Olympic; các huấn luyện viên tài năng, có trình độ chuyên môn giỏi, giàu kinh nghiệm, có khả năng đặc biệt trong việc hoạch định chiến lược huấn luyện vận động viên thi đấu đạt thành tích huy chương tại các đấu trường trong nước và quốc tế. Đồng thời, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên, kỹ thuật viên, cán bộ quản lý thể thao thành tích cao có trình độ chuyên môn giỏi, đáp ứng yêu cầu của quy trình tuyển chọn, đào tạo vận động viên, huấn luyện viên tài năng để phấn đấu đưa Việt Nam đến năm 2035 trở thành quốc gia có nền thể thao chuyên nghiệp phát triển ở châu lục. Đề án phấn đấu đến năm 2035, tuyển chọn và đào tạo, huấn luyện vận động viên tài năng, đào tạo, bồi dưỡng huấn luyện viên tài năng của các môn thể thao được xác định theo Đề án. Cụ thể, tuyển chọn và đào tạo, huấn luyện khoảng 3.700 vận động viên đội tuyển quốc gia; trong đó khoảng 400 vận động viên đạt thành tích quốc tế; tuyển chọn và đào tạo, bồi dưỡng khoảng 600 huấn luyện viên tài năng, trong đó khoảng 60 huấn luyện viên cao cấp. Cùng với đó, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên, kỹ thuật viên, cán bộ quản lý thể thao thành tích cao như: Tuyển chọn và đào tạo khoảng 400 cử nhân, 300 thạc sĩ, 150 tiến sĩ và bồi dưỡng, tập huấn ngắn hạn cho khoảng 680 người. Theo kế hoạch, Đề án sẽ triển khai đào tạo, huấn luyện dài hạn ở trong nước cho vận động viên được tuyển chọn từ các Trung tâm huấn luyện thể thao trên toàn quốc đã giành huy chương vàng giải trẻ quốc gia hoặc vô địch quốc gia một trong số các môn thể thao của Đề án và đào tạo, huấn luyện dài hạn ở nước ngoài cho vận động viên có trình độ cấp kiện tướng hoặc dự bị kiện tướng đã đạt huy chương vàng tại 2 kỳ SEA Games; Châu lục, Thế giới, Olympic hoặc đạt chuẩn Olympic (tùy thuộc đặc điểm môn thể thao). Đối với các huấn luyện viên tài năng, Nhà nước sẽ đào tạo, bồi dưỡng dài hạn ở trong nước cho vận động viên cấp 1, kiện tướng, vận động viên đang tham gia thi đấu hoặc không còn khả năng thi đấu đã từng đạt huy chương tại các giải trẻ quốc gia và quốc tế hoặc giải vô địch quốc gia và quốc tế, các giải đấu SEA Games; Asiad, Thế giới hoặc đạt chuẩn Olympic, từ 25 đến 35 tuổi. Đào tạo, bồi dưỡng dài hạn ở nước ngoài cho cho huấn luyện viên có vận động viên trực tiếp huấn luyện đạt huy chương tại các giải vô địch quốc gia, giải đấu SEA Games; Asiad, Thế giới, Olympic hoặc đạt chuẩn Olympic. Độ tuổi từ 35 đến 45 tuổi, đáp ứng yêu cầu về ngoại ngữ, tin học theo quy định của Đề án. Các bộ môn đào tạo, tập huấn vận động viên, huấn luyện viên Đề án lựa chọn các môn thể thao trong tổng số 32 môn thể thao trọng điểm hiện nay gồm: Điền kinh, Bơi lội, Cử tạ, Taekwondo, Bắn súng, Bắn cung, Vật, Đấu kiếm, Boxing, Thể dục dụng cụ, Xe đạp, Đua thuyền, Karatedo, Pencak Silat, Bóng đá, Wushu. Số lượng các môn thể thao được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét điều chỉnh, bổ sung định kỳ 2 năm một lần theo chu kỳ SEA Games hoặc tùy thuộc vào tình hình thực tế. Tập trung đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nhân lực thể thao thành tích cao ở 03 ngành: Y sinh học thể thao, Quản lý thể thao và Huấn luyện thể thao; ưu tiên các ngành, chuyên ngành trong nước chưa có khả năng đào tạo hoặc chất lượng đào tạo còn thấp so với nước ngoài trong khi có nhu cầu cấp thiết về nhân lực. Giao kế hoạch vốn tín dụng đầu tư phát triển cho Ngân hàng Chính sách Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định giao kế hoạch vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước năm 2019 cho Ngân hàng Chính sách xã hội. Theo đó, kế hoạch tín dụng chính sách của Nhà nước như sau: Tốc độ tăng tổng dư nợ tín dụng kế hoạch năm 2019 so với năm 2018 là 8%. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch theo đúng mức vốn được giao. Công nhận 9 xã An toàn khu tại Sóc Trăng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc quyết định công nhận 9 xã An toàn khu tại tỉnh Sóc Trăng. Cụ thể, Thủ tướng quyết định công nhận 9 xã, thị trấn gồm: Xã Ngọc Tố (huyện Mỹ Xuyên), xã Long Đức, xã Hậu Thạnh, thị trấn Long Phú (huyện Long Phú), xã Mỹ Phước, xã Long Hưng, xã Mỹ Tú (huyện Mỹ Tú), xã An Thạnh 2 (huyện Cù Lao Dung) và xã Mỹ Quới (thị xã Ngã Năm) là xã An toàn khu của Trung ương trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Các xã, thị trấn nêu trên được thực hiện các chính sách ưu đãi do cấp có thẩm quyền phê duyệt. Theo quy định, xã An toàn khu phải có 3 trong 5 tiêu chí sau: 1- Được cấp ủy đảng từ Khu ủy, Quân khu ủy trở lên chỉ đạo xây dựng An toàn khu cách mạng (nơi có các điều kiện về địa hình, địa thế, chính trị, quân sự, kinh tế - xã hội, dân cư và bảo đảm an toàn cho các hoạt động lãnh đạo cách mạng của Đảng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ). 2- Nơi ở (nuôi, giấu, giữ bí mật), làm việc và hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng phong trào cách mạng trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của các đồng chí cán bộ của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội từ cấp Khu và Quân khu trở lên. 3- Nơi diễn ra các sự kiện đặc biệt quan trọng, có các quyết sách chiến lược của Đảng mang tính chất bước ngoặt trong các giai đoạn của 02 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ hoặc nơi đóng trụ sở các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội từ cấp Khu và Quân khu trở lên, trụ sở ngoại giao (Sứ quán, Tổng Lãnh sự quán,…) của nước ngoài, cơ quan Bộ Chỉ huy Mặt trận cấp chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. 4- Nơi đóng quân, đào tạo, huấn luyện, tập kết, trung chuyển của các lực lượng vũ trang (quân đội, công an) từ cấp đại đội trở lên; nơi có kho cất trữ lương thực, thực phẩm, vũ khí, khí tài, quân trang, quân dụng,… trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ phục vụ cho Mặt trận cấp chiến dịch hoặc cấp Quân khu trở lên. 5- Nơi có cơ sở và phong trào cách mạng vững mạnh trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ; đồng thời, lực lượng vũ trang của địa phương đã chủ động hoặc phối hợp với lực lượng vũ trang chính quy tổ chức các trận đánh địch để bảo vệ an toàn cho cán bộ, cơ quan, tổ chức của Đảng và Nhà nước đóng trên địa bàn hoặc là nơi đã diễn ra trận đánh thắng lợi quan trọng góp phần tạo ra cục diện chiến trường lợi thế cho cách mạng và kháng chiến tại địa bàn và khu vực lân cận. Quyết định của Thủ tướng về nhân sự Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa phê chuẩn kết quả miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Đặng Minh Thông để nhận nhiệm vụ mới. Thủ tướng Chính phủ cũng ký Quyết định số 237/QĐ-TTg về việc ông Trương Văn Phước, Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, nghỉ hưu theo quy định từ ngày 1/3/2019. Chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên Thủ tướng Chính phủ đồng ý UBND tỉnh Thái Nguyên quyết định chuyển mục đích sử dụng 15,7 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật về đất đai, Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ và ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Bộ Tài nguyên và Môi trường theo dõi và hướng dẫn thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nêu trên theo đúng quy định./. Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tháng 02/2019 và chính sách mới của Chính phủ có hiệu lực từ tháng 3/2019 Thủ tướng dự lễ kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng Print 1576 Rate this article: No rating
Quyết định 147 - Bổ sung Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ của Viện Khoa học Thể dục thể thao 16 Tháng Chín 2024
Viện Khoa học TDTT tổ chức gặp mặt, tri ân nhân Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 18 Tháng Mười Một 2024
Quyết định về việc Quy định thu học phí đào tạo nghiên cứu sinh năm 2023 - 2024 08 Tháng Mười Một 2023
Việt Nam – Trung Quốc tăng cường hợp tác, trao đổi trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học TDTT 06 Tháng Chín 2024