Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 01/3 02 Tháng Ba 2021 Thông tin báo chí chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 01/3 THÔNG TIN BÁO CHÍ THÔNG TIN CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH CỦA CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ Thông qua đề nghị quản lý hải quan hàng xuất, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử Chính phủ vừa thông qua đề nghị xây dựng Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử. Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng Nghị định theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản pháp luật có liên quan, trình Chính phủ trong quý IV năm 2021. Bộ Tài chính cho biết, thương mại điện tử là xu hướng tất yếu trong giai đoạn hiện nay ở Việt Nam cũng như của các nước trên thế giới. Tuy nhiên, do tốc độ tăng trưởng cao của thương mại điện tử nên đòi hỏi các cơ chế chính sách quản lý phải thay đổi phù hợp với hoạt động của thương mại điện tử đặc biệt là thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Qua nghiên cứu, Bộ Tài chính nhận thấy việc cần thiết xây dựng Nghị định quy định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử xuất phát từ các yêu cầu cơ bản sau: Một là, yêu cầu từ sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử trên toàn thế giới và Việt Nam cũng không thể nằm ngoài sự phát triển này. Theo đánh giá của Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam tại báo cáo về Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam (EBI) trong 05 năm gần đây thì tốc độ tăng trưởng trung bình năm của Việt Nam từ 25-30%. Nếu Việt Nam vẫn duy trì mức độ tăng trưởng này thì quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2025 đứng thứ ba Đông Nam Á sau Indonesia và Thái Lan. Với tốc độ tăng trưởng cao như trên cần thiết phải có những biện pháp quản lý mới phù hợp với hoạt động giao dịch thương mại điện tử qua biên giới. Các biện pháp quản lý của nhà nước phải đảm bảo việc quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử nhưng không ảnh hưởng đến sự phát triển của hoạt động thương mại điện tử qua biên giới. Hai là, yêu cầu từ công tác phòng ngừa, đấu tranh đối với hành vi buôn lậu hàng hóa qua biên giới đất liền. Do thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu đối với hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử được thực hiện như đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thông thường, vì vậy, trong một số trường hợp hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử không có đủ hồ sơ chứng từ chứng minh trị giá giao dịch với cơ quan hải quan, nên số hàng hóa này không được cơ quan hải quan tính thuế theo trị giá giao dịch thực mà tính toán theo các phương pháp tính trị giá khác nên trị giá tính thuế thường cao hơn so với trị giá thực của hàng hóa. Ngoài ra, một số mặt hàng phải chịu sự kiểm soát của các cơ quan chuyên ngành, trong khi đó nếu cá nhân mua hàng với số lượng nhỏ thì không thể có đủ hồ sơ chứng từ để xuất trình cho các cơ quan quản lý chuyên ngành để thực hiện thủ tục hải quan. Vì vậy, hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử khi nhập khẩu vào Việt Nam tiềm ẩn rủi ro về gian lận thương mại, gian lận thuế, vi phạm về sở hữu trí tuệ, xuất xứ hàng hóa,… Ba là, vướng mắc khi thực hiện thủ tục hải quan theo các quy định hiện hành. Theo quy định hiện hành thì đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử hay xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch theo phương thức truyền thống thủ tục hải quan được thực hiện giống nhau. Tuy nhiên, đặc điểm của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử là hàng hóa nhỏ lẻ, trị giá thấp, hàng hóa của cá nhân, thời gian giao dịch để mua bán hàng hóa đơn giản, nhanh chóng nên số lượng các lô hàng trị giá nhỏ tăng nhanh. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử khi thực hiện thủ tục hải quan gặp nhiều vướng mắc. Vì vậy, Bộ Tài chính nhận thấy cần thiết phải xây dựng một Nghị định bao gồm các nội dung nhằm đảm bảo việc tháo gỡ các vướng mắc nêu trên. Việc xây dựng Nghị định nhằm tạo hành lang pháp lý để các cá nhân, tổ chức khi tham gia vào hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thực hiện thủ tục hải quan chủ động, thuận lợi. Đổi mới toàn diện QLNN trong phát triển kinh tế tư nhân Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về Đề án đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế. Thủ tướng đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghiêm túc nghiên cứu, tổng hợp, tiếp thu ý kiến các bộ, ngành, địa phương để xây dựng và hoàn thiện Đề án, trong đó đã đưa ra nhiều nội dung, giải pháp về đổi mới quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến các đại biểu dự họp, chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, hoàn thiện Đề án, trong đó lưu ý phạm vi, nội dung của Đề án cần bám sát yêu cầu phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo tinh thần Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; xác định lại tên của Đề án là “Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam”. Làm rõ hơn các kết quả đạt được và rào cản, hạn chế trong phát triển kinh tế tư nhân của giai đoạn 2016-2020, xác định cụ thể các nguyên nhân và trách nhiệm của các cơ quan, địa phương trong phát triển kinh tế tư nhân thời gian vừa qua, nhất là những vấn đề chậm triển khai thực hiện theo yêu cầu đặt ra. Bám sát các quan điểm, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước tại các văn kiện, Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2020, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 và các quan điểm, định hướng lớn về phát triển kinh tế tư nhân của Đảng và Nhà nước; phù hợp với bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế (biến động nhanh, phức tạp; tác động của thiên tai, dịch bệnh; sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ…). Bảo đảm mục tiêu, yêu cầu phát triển kinh tế tư nhân trong tình hình mới, tôn trọng quy luật khách quan của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo đảm các quyền về tài sản, quyền kinh doanh hợp pháp, quyền con người, bảo đảm tính liên tục, kế thừa và khuyến khích đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ dám làm của khu vực kinh tế tư nhân, tạo động lực, niềm tin cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ hơn. Các giải pháp, nhiệm vụ cần bám sát Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, đồng thời cụ thể hóa phương hướng, nhiệm vụ và các đột phá chiến lược xác định tại các văn kiện và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong đó lưu ý vai trò của Nhà nước trong việc tạo lập môi trường thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân trong phát triển nguồn nhân lực, đổi mới khoa học công nghệ; tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn, giải phóng nguồn lực, thúc đẩy phát triển và nâng cao tính năng động của kinh tế tư nhân trong thực hiện các đột phá chiến lược, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước nhanh và bền vững. Thủ tướng Chính phủ đồng ý đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc lồng ghép các quan điểm, nội dung và giải pháp của Đề án vào các Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trình Chính phủ xem xét, quyết định. Các Bộ, cơ quan, địa phương nghiên cứu, tham khảo nội dung của Đề án (sau khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện theo yêu cầu nêu trên) trong quá trình xây dựng các Chương trình, kế hoạch hành động triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm trình Đề án này lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20 tháng 3 năm 2021. Cơ chế tài chính đặc thù Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế tài chính đặc thù của Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Theo quy định, nguồn tài chính của Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội gồm kinh phí do ngân sách nhà nước cấp; các nguồn thu sự nghiệp; các khoản tài trợ, viện trợ, quà biếu, tặng của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước và viện trợ phi chính phủ nước ngoài; nguồn tài chính khác. Trong đó, Ngân sách nhà nước đảm bảo hỗ trợ 50% kinh phí hoạt động thường xuyên trong giai đoạn 2021 - 2025 (không tính phần hỗ trợ của phía Cộng hòa Pháp). Mức hỗ trợ của ngân sách nhà nước trong các năm tiếp theo sẽ được xem xét dựa trên hiệu quả hoạt động của giai đoạn 2021 - 2025, sự cần thiết và cân đối chung với Trường Đại học Việt Đức và Trường Đại học Việt Nhật. Mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho hoạt động thường xuyên của Trường được tính toán căn cứ mức thu học phí, giá dịch vụ đào tạo và tổng quy mô đào tạo hàng năm của Trường. Trường được tự chủ xây dựng và quy định các mức thu (học phí, lệ phí tuyển sinh) phù hợp với chất lượng đào tạo, dịch vụ. Căn cứ chi phí đào tạo tính toán dựa trên định mức kinh tế - kỹ thuật, Hiệu trưởng Trường tổ chức xây dựng các mức thu, trình Hội đồng Trường thông qua và báo cáo Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam xem xét, phê duyệt. Trường có trách nhiệm công khai mức thu học phí và lệ phí tuyển sinh theo quy định. Đối với các khoản thu học phí, lệ phí tuyển sinh và thu sự nghiệp khác, Trường quản lý và sử dụng theo quy định hiện hành. Trường được quyết định sử dụng các khoản thu này để chi cho các hoạt động của Trường trên cơ sở Quy chế chi tiêu nội bộ, đảm bảo công khai, minh bạch và hiệu quả. Tự chủ trong sử dụng nguồn tài chính Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội được tự chủ các khoản: Chi thường xuyên (chi tiền lương, tiền công, chi hoạt động chuyên môn, chi quản lý); chi nhiệm vụ không thường xuyên; chi học bổng khuyến khích học tập; miễn, giảm học phí phần chênh lệch giữa mức hỗ trợ của Nhà nước theo quy định với mức học phí của Trường; chi hỗ trợ sinh viên có cha mẹ thuộc hộ nghèo, cận nghèo và gia đình sinh viên có khó khăn về kinh tế; thực hiện chính sách miễn, giảm, hỗ trợ chi phí học tập cho sinh viên, các hoạt động hỗ trợ khác cho sinh viên từ các Quỹ hỗ trợ sinh viên…. Hình thành mạng lưới tổ chức KHCN công lập theo hướng mở Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu lập quy hoạch nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về định hướng phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; kết nối các ngành, các vùng có liên quan theo quy hoạch tổng thể quốc gia. Bên cạnh đó, hình thành mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập theo hướng mở, linh hoạt, có quy mô và cơ cấu hợp lý, đáp ứng mục tiêu đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đồng thời, làm cơ sở để xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn trên địa bàn cả nước thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ, bảo đảm tính khách quan, khoa học, công khai, minh bạch và hiệu quả; đồng thời là cơ sở huy động nguồn lực của cộng đồng, xã hội phát triển mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ; hướng tới mục tiêu tự chủ hoàn toàn của các tổ chức khoa học và công nghệ công lập. Nội dung lập quy hoạch thực hiện theo quy định tại Luật Quy hoạch và Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 7/5/2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật quy hoạch, gồm các nội dung chủ yếu: Phân tích, đánh giá yếu tố, điều kiện tự nhiên, nguồn lực, bối cảnh và thực trạng phân bổ, sử dụng không gian của mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ trên phạm vi cả nước; dự báo xu thế phát triển và xây dựng các kịch bản phát triển ảnh hưởng trực tiếp đến kết cấu mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập trong thời kỳ quy hoạch. Đánh giá về liên kết ngành, liên kết vùng trong việc phát triển mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập; xác định yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội đối với lĩnh vực khoa học và công nghệ; những cơ hội và thách thức đối với quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập. Xác định các quan điểm, mục tiêu và nguyên tắc phát triển mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập trong thời kỳ quy hoạch; phương án phát triển mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập trên phạm vi cả nước và các vùng lãnh thổ; danh mục dự án quan trọng quốc gia, dự án ưu tiên đầu tư của ngành và thứ tự ưu tiên thực hiện trong hệ thống tổ chức khoa học và công nghệ công lập. Chủ trương đầu tư xây dựng hạ tầng 2 khu công nghiệp Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư: Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp (KCN) Mỹ Thuận và Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN Thái Hòa – Liễn Sơn – Liên Hòa (Khu vực II – giai đoạn 1). Cụ thể, Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN Mỹ Thuận do Công ty cổ phần xây dựng hạ tầng Đại Phong làm chủ đầu tư. Dự án được thực hiện với tổng vốn đầu tư là 1.621,236 tỷ đồng có quy mô 158,48 ha ở huyện Mỹ Lộc và huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN Thái Hòa – Liễn Sơn – Liên Hòa được thực hiện tại thị trấn Hoa Sơn, xã Liên Hòa, xã Liễn Sơn, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc có quy mô 145,27 ha với nguồn vốn 774,827 tỷ đồng; trong đó vốn góp Nhà đầu tư Công ty cổ phần đầu tư Amane là 120 tỷ đồng. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Nam Định và tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo Ban quản lý các khu công nghiệp 2 tỉnh hướng dẫn Nhà đầu tư cập nhật và cụ thể tiến độ thực hiện Dự án theo quy định tại điểm d khoản 8 Điều 33 Luật Đầu tư năm 2014, trong đó lưu ý tiến độ góp vốn chủ sở hữu của Nhà đầu tư để thực hiện Dự án phải đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai. Đề xuất giải pháp thích ứng chu kỳ tăng giá nguyên liệu thô Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đánh giá và đề xuất giải pháp thích ứng với “nguyên liệu thô đứng trước siêu chu kỳ tăng giá”. Trang điện tử Financial Time ngày 17/2/2021 có đưa thông tin: Theo giới chuyên gia, nguyên liệu thô toàn cầu đang đứng trước siêu chu kỳ tăng giá, nhờ sức bật của kinh tế toàn cầu ở thời kỳ hậu COVID–19. Về thông tin nêu trên, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đánh giá và đề xuất giải pháp thích ứng. Nghiên cứu phản ánh về cơ chế đấu thầu dự án điện mặt trời quy mô lớn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Công Thương nghiên cứu và xử lý thông tin Báo Lao động điện tử phản ánh về cơ chế đấu thầu đối với các dự án điện mặt trời quy mô lớn. Báo điện tử Lao động ngày 17/2/2021 có phản ánh thông tin: “Theo chuyên gia, đây là thời điểm chuyển sang cơ chế đấu thầu đối với các dự án điện mặt trời quy mô lớn, đảm bảo tính hội nhập, cạnh tranh và thị trường; đồng thời giúp giảm chi phí sản xuất kinh doanh, người dân được mua điện giá rẻ, đòi hỏi nhà đầu tư tính toán để có nguồn phát hấp dẫn nhất. Có ý kiến cho rằng không nên kéo dài cơ chế FIT bởi thời gian qua đã bộc lộ nhiều bất cập”. Về thông tin Báo Lao động phản ánh nêu trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Công Thương nghiên cứu, xử lý và thực hiện. Nghiên cứu, đánh giá việc hợp tác với Indonesia trong lĩnh vực thủy sản Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Ngoại giao nghiên cứu, thu thập thêm thông tin về khả năng hợp tác với Indonesia trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, đặc biệt về công nghệ nuôi tôm hùm. Ngày 5/2/2021, Báo điện tử Vietnamplus có bài viết "Indonesia muốn hợp tác nuôi trồng thủy sản với Việt Nam", trong đó phản ánh: Bộ trưởng Bộ Biển và Nghề cá Indonesia đánh giá Việt Nam có kinh nghiệm thành công trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là về công nghệ nuôi tôm hùm, do đó Chính phủ Indonesia đang hướng tới việc hợp tác với Việt Nam để phát triển lĩnh vực này. Về việc này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có ý kiến như sau: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Ngoại giao nghiên cứu, thu thập thêm thông tin về khả năng hợp tác với Indonesia trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, đặc biệt về công nghệ nuôi tôm hùm. Trên cơ sở đó, xây dựng định hướng, chính sách hợp tác với phía Indonesia nhằm hợp tác bền vững và toàn diện trong lĩnh vực biển và nghề cá; đẩy mạnh các giải pháp để thúc đẩy quản lý khai thác hải sản có trách nhiệm và chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Đầu tư dự án khu công nghiệp Hoàng Mai I (Nghệ An) Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký quyết định chủ trương đầu tư dự án khu công nghiệp Hoàng Mai I, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An. Mục tiêu của Dự án là xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp (không bao gồm mục tiêu xây dựng nhà ở thương mại, công trình thương mại, dịch vụ, công trình đa năng, tổ hợp đa năng cho mục đích kinh doanh). Địa điểm thực hiện Dự án tại thị xã Hoàng Mai thuộc khu kinh tế Đông Nam Nghệ An, tỉnh Nghệ An với quy mô sử dụng đất của Dự án là 264,77 ha. Tổng vốn đầu tư của Dự án là 750 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 225 tỷ đồng, vốn vay của các tổ chức tài chính, tín dụng là 525 tỷ đồng. Thời hạn thực hiện Dự án là 50 năm kể từ ngày quyết định chủ trương đầu tư (26/2/2021). UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo Ban quản lý khu kinh tế Đông Nam Nghệ An yêu cầu Nhà đầu tư tiếp thu ý kiến của các cơ quan; ký quỹ để đảm bảo thực hiện Dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư; hoàn thiện các thủ tục về xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng, đảm bảo tỷ lệ sử dụng đất của Dự án phù hợp với quy định của pháp luật về xây dựng và môi trường; cam kết đảm bảo góp đủ số vốn chủ sở hữu để thực hiện Dự án, bao gồm cả trường hợp doanh nghiệp đầu tư các dự án và hoạt động kinh doanh khác ngoài dự án này;... Bên cạnh đó, chỉ đạo Ban quản lý khu kinh tế Đông Nam Nghệ An và các cơ quan liên quan tổ chức giám sát, đánh giá việc thực hiện Dự án theo quy định của pháp luật, đảm bảo không sử dụng đất vào mục đích thương mại, dịch vụ;.../. Thủ tướng Chính phủ làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Phú Yên Một số văn bản chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tháng 02/2021 và chính sách mới của Chính phủ có hiệu lực từ tháng 3/2021 Print 738 Rate this article: No rating
Quyết định 147 - Bổ sung Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ của Viện Khoa học Thể dục thể thao 16 Tháng Chín 2024
Viện Khoa học TDTT tổ chức gặp mặt, tri ân nhân Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 18 Tháng Mười Một 2024
Quyết định về việc Quy định thu học phí đào tạo nghiên cứu sinh năm 2023 - 2024 08 Tháng Mười Một 2023
Việt Nam – Trung Quốc tăng cường hợp tác, trao đổi trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học TDTT 06 Tháng Chín 2024