Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 03/06/2021 03 Tháng Sáu 2021 Thông tin báo chí chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 03/06/2021 THÔNG TIN BÁO CHÍ MỘT SỐ VĂN BẢN CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH CỦA CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRONG THÁNG 5/2021 VÀ CHÍNH SÁCH MỚI CỦA CHÍNH PHỦ CÓ HIỆU LỰC TỪ THÁNG 6/2021 I. MỘT SỐ VĂN BẢN CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH CỦA CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRONG THÁNG 5/2021 - Thủ tướng chỉ đạo tổng tiến công toàn lực, thần tốc để chặn đứng dịch COVID-19 Trong tháng 5/2021, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có những chỉ đạo kịp thời, quyết liệt về phòng, chống dịch bệnh COVID-19. * Tại Thông báo 137/TB-VPCP ban hành ngày 30/05/2021 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống dịch COVID-19 nêu rõ, kiên định tinh thần “Chống dịch như chống giặc”; tổng tiến công toàn lực, thần tốc để chặn đứng, đẩy lùi sự lây lan của dịch bệnh COVID-19, nhanh chóng dập dịch, ổn định tình hình và khôi phục sản xuất, kinh doanh. Quyết liệt hơn nữa trong triển khai Chiến lược vaccine tổng thể, toàn diện, hiệu quả; đẩy nhanh tiến độ tiếp cận các nguồn cung vaccine đa dạng thông qua các biện pháp ngoại giao, kinh tế, quần chúng và các biện pháp đặc biệt khác. Giao các Bộ: Y tế, Công an, Quốc phòng, Khoa học và Công nghệ và Ngoại giao đẩy nhanh hơn nữa việc tìm nguồn, mua vaccine và tiến độ nghiên cứu, sản xuất vaccine ở trong nước, tìm phương án tiếp nhận, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine của nước ngoài. Tăng cường tuyên truyền, tổ chức tiêm vaccine theo thứ tự ưu tiên một cách hợp lý, hiệu quả, trước hết ưu tiên cho các lực lượng tuyến đầu và các địa bàn trọng điểm như Bắc Ninh, Bắc Giang, thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, một số địa phương có nguy cơ cao và công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp, khu kinh tế có mật độ cao, dễ lây nhiễm; chủ động tuyên truyền để người dân hiểu, tự giác, tích cực tham gia việc tiêm vaccine. * Tại văn bản số 98/TB-VPCP ngày 8/5/2021, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch. Quan điểm của Chính phủ là: Ghi nhận, biểu dương, kịp thời động viên, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích trong phòng, chống dịch; đồng thời xử lý nghiêm theo đúng quy định, kể cả xem xét xử lý hình sự các trường hợp vi phạm, lơ là, thiếu trách nhiệm, không nể nang, né tránh. * Chính phủ ban hành Nghị quyết về mua vaccine COVID-19, thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19 Ngày 18/5/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về việc mua vaccine phòng COVID-19. Tại Nghị quyết này, Chính phủ giao Bộ Y tế khẩn trương tổ chức thực hiện mua vaccine một cách nhanh nhất để có thể triển khai tiêm vaccine trên diện rộng cho nhân dân. Ngày 26/05/2021, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Nghị quyết 53/NQ-CP thông qua chủ trương thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng đã ký ban hành Quyết định 779/QĐ-TTg thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19. Quyết định nêu rõ, thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19 Việt Nam để tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng tự nguyện bằng tiền, vaccine của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác cho hoạt động mua, nhập khẩu vaccine, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước và sử dụng vaccine phòng COVID-19 cho người dân. * Bảo đảm an toàn COVID-19 trong các khu công nghiệp Ngày 24/05/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện 680/CĐ-TTg về việc bảo đảm an toàn COVID-19 trong các khu công nghiệp nêu rõ: Để tập trung phòng chống, dập dịch hiệu quả, có phương án bảo đảm hoạt động tránh đứt gãy chuỗi sản xuất tại các khu công nghiệp, nhất là của các tập đoàn lớn, đa quốc gia, ảnh hưởng đến kinh tế địa phương và cả nước, bảo đảm thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm, cảnh giác, tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm, quyết liệt chỉ đạo của Ban Bí thư, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo tất cả các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp phải thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch, tự đánh giá mức độ an toàn, cập nhật lên bản đồ an toàn COVID-19. Kiên quyết dừng hoạt động khi không bảo đảm an toàn và không cập nhật mức độ an toàn lên hệ thống. Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn việc cách ly, xét nghiệm đối với người lao động trong các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp phù hợp với đặc điểm của từng khu vực và diễn biến tình hình dịch bệnh để nếu có tình huống dịch xâm nhập, có thể duy trì hoặc sớm khôi phục sản xuất kinh doanh, thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ… Tại Thông báo 120/TB-VPCP ngày 24/05/2021, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 yêu cầu UBND hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang chủ động, sáng tạo trong tổ chức, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp, đúc kết thành bài học kinh nghiệm để phổ biến cho các địa phương có khu công nghiệp trên cả nước vận dụng vào thực tiễn khi có dịch xảy ra. * Tháo gỡ khó khăn tiêu thụ nông sản cho Bắc Giang Tại văn bản 3545/VPCP-KTTH ban hành ngày 28/05/2021 và văn bản 3491/VPCP-NN ban hành ngày 26/05/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã có chỉ đạo tháo gỡ khó khăn tiêu thụ nông sản cho Bắc Giang, trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương tập trung chỉ đạo, tổ chức hướng dẫn, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho tỉnh Bắc Giang trong việc lưu thông, tiêu thụ nông sản. - Tăng cường truyền thông, báo chí phục vụ nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Ngày 12/05/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg về tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng hoạt động truyền thông, báo chí phục vụ nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; kịp thời chấn chỉnh và xử lý các vi phạm trong hoạt động báo chí, truyền thông. Chỉ thị nêu rõ, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước và của cả hệ thống chính trị. Để tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng hoạt động báo chí, truyền thông phục vụ nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; kịp thời chấn chỉnh và xử lý các vi phạm trong hoạt động báo chí, truyền thông, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan báo chí, truyền thông tăng cường các hoạt động thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao về tư tưởng, hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan, bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao trong công tác thông tin, tuyên truyền, bảo đảm kịp thời, thông suốt; kịp thời nắm bắt thông tin dư luận, chủ động cung cấp tài liệu, thông tin chính thống cho các cơ quan báo chí và các phương tiện truyền thông bằng nhiều hình thức. Các cơ quan báo chí chủ động thích ứng với các phương tiện truyền thông mới, đa dạng hóa phương thức và nội dung thông tin, tuyên truyền, bảo đảm phục vụ hiệu quả nhiệm bảo vệ Tổ quốc, nâng cao vị thế quốc tế của đất nước; kết hợp chặt chẽ giữa thông tin đối nội và thông tin đối ngoại trên báo chí và các phương tiện truyền thông phù hợp với lợi ích của đất nước và nhân dân; bảo đảm lượng thông tin tốt, tích cực về đời sống xã hội là dòng chảy chính. - Đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng xây dựng Kế hoạch đầu tư công Tại Chỉ thị số 13/CT-TTg ban hành ngày 23/05/2021 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu kiên quyết khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả; từng bộ, cơ quan, địa phương phải tập trung rà soát kỹ, giảm mạnh số lượng dự án, nhất là các dự án khởi công mới; kiên quyết xóa bỏ cơ chế “xin-cho” và chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm; siết chặt kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân công, phân nhiệm đi đôi với tăng cường giám sát, kiểm tra, đánh giá thực hiện và khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhất là về thể chế, thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng. Vốn đầu tư công phải thực sự đóng vai trò dẫn dắt, là vốn mồi để thu hút tối đa các nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác theo phương châm “đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư” để phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng theo phương thức đối tác công tư. - Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dạy và học Theo Chỉ thị 14/CT-TTg ban hành ngày 25/05/2021 về đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030, để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị Bộ Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục và đào tạo; chú trọng nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo từ xa, xây dựng các khóa học trực tuyến mở, đại chúng trong các cơ sở giáo dục đại học; đa dạng hóa nội dung giáo dục, đào tạo, đổi mới phương thức học tập và tăng cường sử dụng các phương tiện và công nghệ hiện đại hỗ trợ học tập, nhất là các phương tiện truyền thông xã hội trong tổ chức các hoạt động của các cơ sở giáo dục thường xuyên. Nghiên cứu áp dụng các mô hình quản lý giáo dục theo hướng tiếp cận công nghệ, quản lý nhà trường theo hướng mở, kết nối, dùng chung hạ tầng công nghệ, cơ sở dữ liệu lớn. - Quy định về đánh giá sơ bộ tác động môi trường Ngày 21/05/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 54/2021/NĐ-CP quy định về đánh giá sơ bộ tác động môi trường. Đối tượng phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường bao gồm dự án đầu tư thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường quy định tại Phụ lục II, Mục I, Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường thuộc một trong các trường hợp: + Dự án đầu tư công (trừ các dự án đầu tư công khẩn cấp, dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, dự án thành phần thuộc dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch). + Dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (dự án PPP). + Dự án đầu tư thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư. + Dự án đầu tư thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trừ trường hợp cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo yêu cầu của nhà đầu tư. - Xây dựng cầu qua sông có đê phải bảo đảm thoát lũ Ngày 26/05/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 19/2021/QĐ-TTg quy định về bảo đảm thoát lũ, thông thoáng dòng chảy, an toàn đê điều đối với việc xây dựng cầu qua sông có đê. Theo đó, việc xây dựng, sửa chữa, cải tạo cầu qua sông có đê phải bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật về giao thông, xây dựng và các nguyên tắc: Phù hợp với quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều; phương án phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, phương án phát triển hệ thống đê điều trong quy hoạch tỉnh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp quy hoạch tỉnh chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt thì phải có ý kiến đồng ý bằng văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với công trình ảnh hưởng đến hai tỉnh trở lên hoặc của UBND cấp tỉnh đối với công trình chỉ ảnh hưởng trong phạm vi tỉnh. Việc xây dựng, sửa chữa, cải tạo cầu qua sông có đê phải bảo đảm thoát được lũ thiết kế và lũ lịch sử của tuyến sông, thông thoáng dòng chảy, an toàn đê điều và giao thông đường thủy theo quy định của pháp luật. Lựa chọn kết cấu và bố trí các trụ cầu phù hợp, xuôi thuận với hướng dòng chảy để hạn chế co hẹp lòng dẫn, thay đổi chế độ dòng chảy của sông. - Xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân ban hành văn bản trái luật Theo văn bản 3517/VPCP-TH ban hành ngày 27/05/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải tăng cường trách nhiệm giải trình của cơ quan chủ trì soạn thảo, đặc biệt là đối với ý kiến thẩm định của cơ quan tư pháp; kịp thời xử lý văn bản trái pháp luật, xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân liên quan đến việc ban hành văn bản trái pháp luật. - Giáo dục và đào tạo phải lấy học sinh làm trung tâm, nhà trường là nền tảng, giáo viên là động lực Tại văn bản 104/TB-VPCP ban hành ngày 13/05/2021, kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp với Bộ Giáo dục và Đào tạo về những vấn đề, nội dung cấp bách cần giải quyết và kiến nghị, đề xuất, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tư tưởng chỉ đạo giáo dục và đào tạo là phải lấy học sinh làm trung tâm, nhà trường là nền tảng, giáo viên là động lực; đổi mới mạnh mẽ tư duy từ trang bị kiến thức sang trang bị năng lực, phẩm chất toàn diện cho học sinh. Để thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ được giao, bên cạnh việc chỉ đạo làm tốt công tác xây dựng luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch... Bộ cần chủ động thiết kế, xây dựng và ban hành các tiêu chí, tiêu chuẩn, quy trình phù hợp làm cơ sở để tiếp tục phân cấp mạnh hơn cho địa phương và đơn vị, đi đôi với việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là những vi phạm làm ảnh hưởng đến hình ảnh và chất lượng của ngành như "chạy trường, chạy lớp", "học giả, bằng thật", “chạy chức, chạy quyền” trong ngành giáo dục; tuyệt đối không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, các trường hợp nhũng nhiễu, quan liêu ở ngay trong cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục… - Xóa bỏ tư duy xin cho trong xây dựng cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách Tại văn bản 119/TB-VPCP ban hành ngày 22/05/2021, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính xây dựng cơ chế, chính sách tài chính-ngân sách nhà nước phải phát huy tinh thần tự lực, tự cường và tính chủ động, sáng tạo của các cấp, các ngành; dứt khoát xóa bỏ quan liêu bao cấp, tư duy xin cho. Chi ngân sách tiết kiệm, hiệu quả, đúng hướng, tăng cường phân cấp. - Đẩy mạnh phát triển thị trường lao động Theo văn bản 130/TB-VPCP ban hành ngày 28/05/2021, kết luận buổi làm việc với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt là: Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, phải nghĩ thật, nói thật, làm thật, có hiệu quả thật, người dân được thụ hưởng thật; suy nghĩ phải kỹ lưỡng, tư tưởng phải thông suốt, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó. Một trong các nội dung Bộ cần triển khai trong thời gian tới là đẩy mạnh phát triển thị trường lao động. Phát triển giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, liên thông; chú trọng đầu tư để duy trì và phát triển các trường chất lượng cao và ngành nghề trọng điểm, tiếp cận trình độ của các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia; tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ cơ chế phối hợp ba bên: Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp. Nâng cao năng lực dự báo nhu cầu thị trường lao động; thúc đẩy chuyển dịch lao động, phân bổ hợp lý lao động. - Chuyển nông nghiệp sản lượng cao sang nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái Theo văn bản 132/TB-VPCP ban hành ngày 29/05/2021, kết luận buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan điểm, định hướng phát triển ngành nông nghiệp là tập trung chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp, từ chuỗi liên kết cung ứng nông sản sang liên kết giá trị ngành hàng, chuyển từ nền nông nghiệp sản lượng cao sang nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái... Thực hiện đồng bộ, hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo 3 nhóm trục sản phẩm chủ lực, theo các ngành, lĩnh vực và cơ cấu lại sản xuất theo vùng; đẩy mạnh thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để góp phần xóa đói giảm nghèo, làm giàu và thúc đẩy sản xuất lớn trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng. Tổ chức lại sản xuất, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả gắn với quá trình chuyển đổi số, kinh tế số, phát triển mạnh mẽ, hợp lý, phù hợp hệ thống hợp tác xã, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tổng kết, sơ kết để xây dựng lý luận và thực tiễn về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, bám sát thực tiễn, nhu cầu thị trường, nhân rộng các mô hình hiệu quả cao, cách làm hay để góp phần điều chỉnh sản xuất phù hợp nhằm mang lại giá trị gia tăng và thu nhập cho người sản xuất…. - Tiếp tục điều hành giá thận trọng, linh hoạt, hỗ trợ thực hiện mục tiêu kép Tại văn bản 3025/VPCP-KTTH ngày 08/05/2021, theo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái về định hướng công tác điều hành giá những tháng còn lại năm 2021, các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan theo chức năng nhiệm vụ được giao tiếp tục thực hiện công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát năm 2021 một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động, tập trung vào việc hỗ trợ thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ, vừa giữ ổn định mặt bằng giá để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, vừa hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, chủ động, phối hợp chặt chẽ nghiêm túc triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá; tăng cường kiểm tra chuyên ngành, chuyên đề về giá, giám sát giá cả thị trường, kịp thời tham mưu cho các cấp có thẩm quyền điều hành giá phù hợp với nguyên tắc thị trường và điều hành kinh tế vĩ mô. Các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu, nhất là đối với một số mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao vào dịp nghỉ lễ, cao điểm du lịch. Chủ động chuẩn bị các nguồn hàng dự trữ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng để tránh tình trạng khan hiếm, đẩy giá tăng... II- MỘT SỐ CHÍNH SÁCH MỚI CỦA CHÍNH PHỦ CÓ HIỆU LỰC TỪ THÁNG 6/2021 - Điều kiện hoạt động của trung tâm, doanh nghiệp Dịch vụ việc làm Có hiệu lực từ 1/6/2021, Nghị định số 23/2021/NĐ-CP ban hành ngày 19/03/2021 của Chính phủ quy định chi tiết khoản 3 Điều 37 và Điều 39 của Luật Việc làm về trung tâm dịch vụ việc làm, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm. Theo quy định, Trung tâm dịch vụ việc làm muốn thành lập phải đảm bảo các điều kiện sau: - Có mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công về việc làm; - Phù hợp với quy hoạch mạng lưới trung tâm dịch vụ việc làm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; - Có trụ sở làm việc hoặc đề án cấp đất xây dựng trụ sở làm việc đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (trường hợp xây dựng trụ sở mới); - Có trang thiết bị để thực hiện các nhiệm vụ theo quy định phù hợp với tiêu chuẩn, định mức máy móc, thiết bị chuyên dùng do cấp có thẩm quyền ban hành; - Có ít nhất 15 người làm việc là viên chức; - Cơ quan có thẩm quyền thành lập đảm bảo kinh phí cho các hoạt động dịch vụ sự nghiệp công về việc làm theo quy định của pháp luật. - Quảng cáo thuốc lá, rượu từ 15 độ trở lên bị phạt tới 70 triệu đồng Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ban hành ngày 29/03/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo có hiệu lực từ ngày 01/06/2021. Trong đó, về lĩnh vực quảng cáo, Nghị định quy định phạt tiền từ 50 - 70 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: 1- Quảng cáo thuốc lá; 2- Quảng cáo rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên; 3- Quảng cáo sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi; thức ăn bổ sung dùng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi; bình bú và vú ngậm nhân tạo; 4- Quảng cáo thuốc kê đơn; thuốc không kê đơn nhưng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khuyến cáo hạn chế sử dụng hoặc sử dụng có sự giám sát của thầy thuốc; thuốc không còn thời hạn đăng ký lưu hành; 5- Quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo khác. - Tổ chức, cá nhân được phép khai thác, sử dụng thông tin bảo hiểm của mình Nghị định số 43/2021/NĐ-CP ban hành ngày 31/03/2021của Chính phủ quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm có hiệu lực từ 01/06/2021. Theo đó, Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm là cơ sở dữ liệu của Chính phủ được xây dựng thống nhất trên toàn quốc, dùng chung cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm cung cấp chính xác, kịp thời thông tin về bảo hiểm phục vụ công tác quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu chính đáng của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Cơ quan, tổ chức và cá nhân được phép khai thác và sử dụng thông tin của mình; thông tin cá nhân của người khác nếu được người đó đồng ý theo quy định của pháp luật. Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 02/6 Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 04/6 Print 667 Rate this article: No rating
Quyết định 147 - Bổ sung Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ của Viện Khoa học Thể dục thể thao 16 Tháng Chín 2024
Viện Khoa học TDTT tổ chức gặp mặt, tri ân nhân Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 18 Tháng Mười Một 2024
Quyết định về việc Quy định thu học phí đào tạo nghiên cứu sinh năm 2023 - 2024 08 Tháng Mười Một 2023
Việt Nam – Trung Quốc tăng cường hợp tác, trao đổi trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học TDTT 06 Tháng Chín 2024