Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 03/4 03 Tháng Tư 2020 Thông tin báo chí chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 03/4 THÔNG TIN BÁO CHÍ THÔNG TIN CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH CỦA CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ Hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg về cách ly xã hội Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 2601/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19. Ngày 31/3/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19. Các ngành, các cấp, các địa phương đã nghiêm túc triển khai theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng. Tuy nhiên, một số nội dung của Chỉ thị còn chưa được hiểu và thực hiện thống nhất. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: 1. Thực hiện nghiêm việc cách ly xã hội theo đúng yêu cầu của Chỉ thị số 16/CT-TTg, bảo đảm giãn cách xã hội, giữ khoảng cách giữa người với người, cộng đồng với cộng đồng. Nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cộng đồng, yêu cầu người dân ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài, trừ các trường hợp thật sự cần thiết: a) Mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác; b) Các trường hợp khẩn cấp như: cấp cứu, khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn,… c) Làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước, lực lượng vũ trang, cơ quan ngoại giao và tại các cơ sở nêu tại mục 2 văn bản này. Trường hợp ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; không tập trung quá 2 người trở lên tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và phải giữ khoảng cách tối thiểu 2m. 2. Nhà máy, cơ sở sản xuất; công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (như: lương thực, thực phẩm, dược phẩm; xăng, dầu; điện; nước; nhiên liệu,…); cơ sở giáo dục, ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm...), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ... được tiếp tục hoạt động. Người đứng đầu các cơ sở nêu trên chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn tuyệt đối và thực hiện đầy đủ các biện pháp chống dịch, trong đó có các biện pháp: a) Thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư phòng, chống dịch theo quy định, khuyến cáo của cơ quan y tế; b) Yêu cầu người lao động khai báo y tế, tuân thủ các biện pháp hạn chế di chuyển, tiếp xúc, giao tiếp; c) Tạm dừng các hoạt động không cấp bách, giảm mức độ tập trung người lao động; d) Tổ chức, quản lý chặt chẽ việc đưa đón người lao động (nếu có) đến nơi làm việc bảo đảm ngăn ngừa rủi ro lây nhiễm dịch bệnh. Trường hợp không bảo đảm các yêu cầu nêu trên thì phải dừng hoạt động. Cơ quan y tế địa phương hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc phòng, chống dịch tại các cơ sở nêu trên. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định và công bố công khai loại hình cơ sở sản xuất, kinh doanh, công trình phải tạm đình chỉ hoạt động. 3. Cơ bản dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng, trừ các trường hợp vì lý do công vụ, xe đưa đón công nhân, chuyên gia, người cách ly, xe chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa. Hạn chế tối đa hoạt động của các phương tiện cá nhân. Bảo đảm vận hành thông suốt việc vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất. Các địa phương bãi bỏ ngay các biện pháp dừng, ngăn cấm người và phương tiện qua lại địa phương mình không đúng với Chỉ thị số 16/CT-TTg. 4. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp chịu trách nhiệm tổ chức làm việc tại nhà phù hợp với điều kiện cụ thể của mình, không để đình trệ công việc, nhất là các công việc có thời hạn, thời hiệu theo quy định của pháp luật, các dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp. 5. Các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan, chủ động điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm phù hợp với các nội dung nêu trên; phối hợp, giải quyết các vấn đề phát sinh theo thẩm quyền; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề vướng mắc phát sinh. Xuất cấp vật tư, trang thiết bị phòng, chống dịch COVID-19 Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định xuất cấp vật tư, trang thiết bị từ nguồn dự trữ quốc gia cho Bộ Quốc phòng để trang bị cho các đơn vị quân đội thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID–19. Thủ tướng Chính phủ quyết định xuất cấp không thu tiền vật tư, trang thiết bị từ nguồn dự trữ quốc gia cho Bộ Quốc phòng để trang bị cho các đơn vị quân đội thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19, cụ thể: Bộ Quốc phòng xuất cấp 04 danh mục trang bị hóa học, gồm: 06 xe tiêu tẩy đa năng; 08 xe tiêu tẩy ARS-14; vật tư máy báo độc RAID-M 100 (gồm 100 chiếc màng lọc sạch, 100 chiếc màng lọc bụi, 190 chiếc nguồn điện 12 VDC kết hợp với cổng R232); vật tư máy đo phóng xạ hóa học RAID-XP (gồm 60 chiếc màng lọc sạch, 60 chiếc màng lọc bụi, 50 chiếc pin sạc lại). Bộ Tài chính xuất cấp 2.600 bộ nhà bạt các loại, gồm: 350 bộ loại 60m2; 800 bộ loại 24,75m2; 350 bộ loại 24,5 m2 và 1.100 bộ loại 16,5 m2. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm về thông tin, số liệu báo cáo. Việc phân bổ, tiếp nhận và sử dụng số vật tư, trang thiết bị nêu trên thực hiện theo quy định hiện hành. Điều kiện cấp phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài Chính phủ vừa ban hành Nghị định 38/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong đó nêu rõ điều kiện cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Vốn pháp định 5 tỷ đồng Cụ thể, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (doanh nghiệp dịch vụ) là công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần và công ty hợp danh được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, đáp ứng các điều kiện sau đây về vốn: Vốn pháp định không thấp hơn 5 tỷ Việt Nam đồng; có chủ sở hữu, tất cả các thành viên, cổ đông là nhà đầu tư trong nước theo quy định của Luật Đầu tư. Theo Nghị định, doanh nghiệp dịch vụ phải có Đề án hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Nội dung của Đề án hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và nước tiếp nhận lao động, được thực hiện theo Mẫu số 02 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này. Bộ máy chuyên trách để bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài và hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của doanh nghiệp dịch vụ (bộ máy) bao gồm: 1- Trung tâm bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài gồm bộ phận đào tạo và bộ phận quản lý học viên; 2- Các phòng nghiệp vụ thực hiện hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với nhiệm vụ khai thác thị trường ngoài nước, tuyển chọn lao động, quản lý lao động làm việc ở nước ngoài, hỗ trợ lao động về nước, tài chính; 3- Trung tâm bồi dưỡng kiến thức cần thiết và các phòng nghiệp vụ phải đảm bảo số lượng nhân viên nghiệp vụ để thực hiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Cơ sở vật chất để tổ chức bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động thuộc sở hữu của doanh nghiệp dịch vụ hoặc được doanh nghiệp dịch vụ thuê ổn định theo hợp đồng phù hợp với quy định của pháp luật và phải đáp ứng điều kiện tối thiểu sau: Có đủ phòng học và phòng ở cho 100 lao động tại một thời điểm; diện tích phòng học trung bình 1,4 m2/học viên và phòng ở trung bình 3,5 m2/học viên, có trang thiết bị cơ bản bảo đảm phục vụ học tập và sinh hoạt nội trú. Doanh nghiệp dịch vụ lần đầu được cấp Giấy phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải thực hiện phương án tổ chức bộ máy chuyên trách để bồi dưỡng kiến thức cần thiết và hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy phép. Điều kiện nhân viên nghiệp vụ và lãnh đạo điều hành hoạt động Nghị định nêu rõ, nhân viên nghiệp vụ thực hiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện sau: Ký hợp đồng lao động xác định thời hạn hoặc không xác định thời hạn với doanh nghiệp dịch vụ; không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành bản án hình sự của toà án, không trong thời hạn cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc công việc; trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên; nhân viên nghiệp vụ khai thác thị trường ngoài nước, tuyển chọn lao động, quản lý lao động làm việc ở nước ngoài và bồi dưỡng kiến thức cần thiết phải tốt nghiệp một trong các chuyên ngành luật, kinh tế/quản trị kinh doanh, ngoại ngữ và có ít nhất 1 năm làm việc trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Người lãnh đạo điều hành hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, đáp ứng điều kiện tại khoản 3 Điều 9 của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành bản án hình sự của toà án, không trong thời hạn cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc công việc. Ký quỹ 1 tỷ đồng Theo Nghị định, doanh nghiệp thực hiện ký quỹ 1 tỷ Việt Nam đồng tại ngân hàng thương mại được phép hoạt động tại Việt Nam. Tiền ký quỹ của doanh nghiệp dịch vụ được sử dụng theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 22 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Nghị định có hiệu lực từ ngày 20/5/2020. Thủ tướng phê chuẩn nhân sự 3 địa phương Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định phê chuẩn kết quả bầu bổ sung, miễn nhiệm nhân sự UBND 3 tỉnh, thành phố: Cao Bằng, Vĩnh Long, Đà Nẵng. * Tại Quyết định số 450/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu bổ sung chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Lê Hải Hòa, Tinh ủy viên, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Cao Bằng. Trước đó, tại kỳ họp lần thứ 12, Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng đã bầu ông Lê Hải Hòa giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng nhiệm kỳ 2016 – 2021 với số phiếu tín nhiệm 79% (39/45 số phiếu bầu). Ông Lê Hải Hòa, sinh năm 1980, quê quán Nghệ An. Trình độ chuyên môn: Tiến sĩ kinh tế. Trình độ lý luận chính trị: Cao cấp. * Tại Quyết định số 455/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu bổ sung chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Đại biểu Quốc hội Khóa XIV. Ngày 16/3, tại Kỳ họp thứ 16 Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Long khóa IX đã bầu bổ sung chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long nhiệm kỳ 2016-2021 đối với bà Nguyễn Thị Quyên Thanh với số phiếu 40/45, đạt 88,89%. Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh sinh ngày 19/10/1978, quê quán xã Phú Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long; trình độ chuyên môn cử nhân ngoại ngữ, thạc sỹ phương pháp giảng dạy tiếng Anh và đang là nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. * Tại Quyết định số 454/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Đặng Việt Dũng, để nghỉ hưu theo chế độ. Tập trung ứng dụng CNTT giải quyết công việc, thủ tục hành chính Thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc, thủ tục hành chính thời kỳ phòng, chống dịch COVID-19. Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự chung tay vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương và người dân, cộng đồng doanh nghiệp, việc triển khai cung cấp dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước đã đạt được những kết quả bước đầu tích cực. Sau gần bốn tháng đi vào hoạt động (từ ngày 9/12/2019), đến nay đã có 226 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 được cung cấp trên Cổng, với trên 103 nghìn tài khoản đăng ký, 4,3 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái và 27,5 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin, dịch vụ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Việc gửi, nhận văn bản điện tử trên Trục liên thông văn bản quốc gia, sau một năm hoạt động, đã có 1,6 triệu văn bản điện tử được gửi, nhận giữa Văn phòng Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương giúp thay đổi phương thức làm việc, giảm thiểu văn bản giấy, tiết kiệm chi phí và thúc đẩy việc xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng. Thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 và để phát huy tối đa lợi thế từ các hệ thống thông tin Chính phủ điện tử do Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan, địa phương triển khai thời gian qua, hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm, bảo đảm hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước và đáp ứng yêu cầu cấp thiết liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân, Văn phòng Chính phủ đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Thành viên Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ tập trung triển khai một số việc sau đây: Đối với các bộ, ngành, địa phương, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh để hạn chế việc người dân, doanh nghiệp đi lại, tiếp xúc trực tiếp. Căn cứ chỉ tiêu về cung cấp dịch vụ công trực tuyến được giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2020 của Chính phủ và Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 24/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ xây dựng kế hoạch trong năm 2020 hoàn hành việc tích hợp, cung cấp 30% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 của bộ, ngành, địa phương trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Ưu tiên nguồn lực triển khai ngay các dịch vụ công này để phục vụ người dân, doanh nghiệp. Thực hiện kết nối, tích hợp dùng chung hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng Dịch vụ công quốc gia để đẩy mạnh thanh toán trực tuyến phí, lệ phí, thuế, nộp phạt xử lý vi phạm hành chính, đóng bảo hiểm tự nguyện, bảo hiểm y tế và các nghĩa vụ tài chính khác trong giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh. Tại Bộ phận một cửa các cấp, căn cứ vào tình hình thực tiễn của bộ, ngành, địa phương bố trí nhân sự hợp lý và các điều kiện cần thiết cho việc phòng, chống lây nhiễm để phục vụ hiệu quả, thuận lợi đối với các trường hợp tổ chức, cá nhân có yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính trực tiếp. Hoàn thành việc gửi, nhận văn bản điện tử 4 cấp trước ngày 30/6 Bên cạnh đó, thực hiện triệt để việc gửi, nhận văn bản điện tử và xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng theo Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12/7/2018 và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2020, Công văn số 8363/VPCP-KSTT ngày 17/9/2019, Công văn số 11796/VPCP-KSTT ngày 26/12/2019); bảo đảm hoàn thành việc gửi, nhận văn bản điện tử 4 cấp chính quyền trước ngày 30/6/2020 và chỉ tiêu xử lý hồ sơ công việc (trừ hồ sơ mật) trên môi trường mạng (80% đối với cấp bộ; 60% đối với cấp tỉnh và 30% đối với cấp huyện). Tổ chức họp, làm việc trực tuyến đối với các cuộc họp của bộ, cơ quan, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định tại khoản 3 Điều 33 và khoản 2 Điều 34 Quyết định số 45/2018/QĐ-TTg ngày 9/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định chế độ họp trong hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan thuộc hệ thống hành chính nhà nước. Các bộ, ngành phối hợp với Văn phòng Chính phủ để triển khai mở rộng phạm vi triển khai Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet) tới điểm cầu của các bộ, ngành. Đối với các Thành viên Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, tuyên truyền tới các thành viên của tổ chức mình về Cổng Dịch vụ công quốc gia và khuyến khích các doanh nghiệp đăng ký, sử dụng các dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Tham gia ý kiến với Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương để tiếp tục hoàn thiện các dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp./. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp BCĐ phòng chống dịch bệnh Covid-19 Chống dịch COVID-19: Những việc cần làm ngay Print 816 Rate this article: No rating
Quyết định 147 - Bổ sung Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ của Viện Khoa học Thể dục thể thao 16 Tháng Chín 2024
Viện Khoa học TDTT tổ chức gặp mặt, tri ân nhân Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 18 Tháng Mười Một 2024
Quyết định về việc Quy định thu học phí đào tạo nghiên cứu sinh năm 2023 - 2024 08 Tháng Mười Một 2023
Việt Nam – Trung Quốc tăng cường hợp tác, trao đổi trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học TDTT 06 Tháng Chín 2024