Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 08/10 10 Tháng Mười 2019 Thông tin báo chí chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 08/10 THÔNG TIN BÁO CHÍ THÔNG TIN CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH CỦA CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất 5 địa phương Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) tại 5 địa phương: Quảng Nam, Cà Mau, Bến Tre, Đà Nẵng, Hải Dương. Cụ thể, theo quy hoạch, đến năm 2020 tỉnh Quảng Nam có 940.453 ha đất nông nghiệp, chiếm 88,93% diện tích đất toàn tỉnh; đất phi nông nghiệp 106.915 ha, chiếm 10,11%; đất khu kinh tế 58.100 ha; đất đô thị 88.615 ha. Với tỉnh Cà Mau, đến năm 2020 Cà Mau có 458.683 ha đất nông nghiệp, chiếm 87,85% diện tích đất toàn tỉnh; đất phi nông nghiệp là 58.853 ha, chiếm 11,27%; đất khu kinh tế 10.802 ha; đất đô thị 37.715 ha. Đến năm 2020 tỉnh Bến Tre có 175.562 ha đất nông nghiệp, chiếm 73,31% diện tích đất toàn tỉnh; đất phi nông nghiệp 63.558 ha, chiếm 26,54%; đất đô thị 18.571 ha. Đối với thành phố Đà Nẵng, đến năm 2020 Đà Nẵng có 67.507 ha đất nông nghiệp, chiếm 52,54% diện tích đất toàn tỉnh; đất phi nông nghiệp là 60.420 ha, chiếm 47,02%; đất khu công nghệ cao 1.130 ha; đất đô thị 25.059 ha. Tại tỉnh Hải Dương đến năm 2020 có 94.418 ha đất nông nghiệp, chiếm 56,6% diện tích đất toàn tỉnh; đất phi nông nghiệp 72.361 ha, chiếm 43,38%; đất đô thị 28.438 ha. Chính phủ yêu cầu UBND 5 địa phương điều chỉnh Hồ sơ quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) của địa phương (gồm bản đồ, bảng biểu, số liệu và báo cáo thuyết minh tổng hợp) theo chỉ tiêu các loại đất đã được Chính phủ phê duyệt; tổ chức thực hiện điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020), trong đó rà soát điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch của các ngành, lĩnh vực có sử dụng đất cho thống nhất với điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối của địa phương; việc tổ chức thực hiện điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải thống nhất, chặt chẽ, đáp ứng quỹ đất cho mục đích quốc phòng, an ninh, phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng, an ninh lương thực và bảo vệ môi trường trên địa bàn địa phương. Bên cạnh đó, quản lý, sử dụng đất theo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhất là khu vực sẽ chuyển mục đích sử dụng đất để tập trung cho phát triển kinh tế và chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển dịch vụ, đô thị để tăng nguồn thu cho ngân sách; đẩy mạnh việc đấu giá quyền sử dụng đất; khuyến khích sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, khắc phục tình trạng bỏ hoang đất đã giao và đã cho thuê; tổ chức quản lý, giám sát chặt chẽ quỹ đất được quy hoạch phát triển đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đất cơ sở sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp nhằm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả quỹ đất, khắc phục tình trạng mất cân đối trong cơ cấu sử dụng đất giữa đất ở với đất xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và các yêu cầu về bảo vệ môi trường... Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất đai ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm trong thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; kiên quyết không giải quyết giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất đối với các trường hợp không có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; kiểm tra, xử lý các trường hợp đã được giao đất, cho thuê đất nhưng không sử dụng, sử dụng sai mục đích theo quy định của pháp luật đất đai. Thủ tướng chỉ thị tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành chỉ thị số 24/CT-TTg về việc tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 447/CT-TTg ngày 25/3/2011 về tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều và quản lý việc khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát sỏi gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều, từ đó công tác quản lý, bảo vệ đê điều đã có những chuyển biến nhất định. Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng đất đai, vật liệu xây dựng cho phát triển kinh tế, xã hội ngày càng cao nên tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều vẫn xảy ra ở nhiều địa phương, nhất là vi phạm hành lang bảo vệ đê điều, tập kết vật liệu với quy mô lớn trên bãi sông và trong hành lang bảo vệ đê, xây dựng công trình, nhà xưởng trái phép trên bãi sông và lấn chiếm lòng sông gây cản trở thoát lũ; số vụ vi phạm xảy ra giảm dần qua từng năm nhưng nhiều vụ có mức độ và quy mô vi phạm tăng; việc ngăn chặn, xử lý vi phạm còn hạn chế, số vụ vi phạm tồn đọng chưa xử lý hoặc xử lý chưa dứt điểm còn nhiều (trên 70% số vụ vi phạm). Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, ngăn chặn, xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật về đê điều, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về đê điều và các quy định pháp luật khác có liên quan. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường quản lý đê điều, chỉ đạo cơ quan chức năng và cấp ủy đảng, chính quyền các cấp ở địa phương thực hiện đầy đủ trách nhiệm ngăn chặn, xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện hành vi vi phạm, ngăn chặn ngay từ khi mới phát sinh; xử lý nghiêm, kiên quyết, dứt điểm từng vụ vi phạm; gắn trách nhiệm của người đứng đầu, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc để xảy ra các vụ vi phạm và kết quả xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn. Đồng thời tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, xử lý thường xuyên, đột xuất; mở các đợt cao điểm xử lý vi phạm, nhất là các vụ vi phạm nổi cộm, trường hợp xác định đủ điều kiện cấu thành hành vi phạm tội cần xử lý hình sự theo quy định của pháp luật hình sự; tổ chức lập, rà soát nội dung phương án phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, phương án phát triển hệ thống đê điều thuộc phạm vi quản lý của địa phương trong quy hoạch tỉnh theo quy định của pháp luật về quy hoạch, trong đó xác định cụ thể phương án quản lý, sử dụng đất ở bãi sông, số lượng công trình, nhà ở trong phạm vi bảo vệ đê điều, bãi sông phải di dời và xây dựng phương án, lộ trình di dời đảm bảo khả thi để tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, tổ chức quản lý chặt chẽ công trình đê điều, đất trong hành lang bảo vệ đê điều, bãi sông theo đúng quy định pháp luật về đê điều và các quy định pháp luật khác có liên quan; chỉ đạo, tổ chức hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến đê điều tuân thủ nghiêm các quy định liên quan đến việc cấp phép đối với các hoạt động phải được cấp phép theo quy định của pháp luật về đê điều và giám sát việc thực hiện bảo đảm đúng quy định; tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đê điều và phòng, chống thiên tai đến cộng đồng, nhất là các tổ chức, doanh nghiệp và hộ gia đình ven đê. Chủ động bố trí ngân sách địa phương để thực hiện di dời công trình, nhà ở trong phạm vi bảo vệ đê điều, bãi sông phải di dời theo quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều được cấp thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật Luật Đê điều và Luật Ngân sách nhà nước. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục rà soát đề xuất sửa đổi Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều (sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và đê điều được Quốc hội thông qua) nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý và xử lý vi phạm pháp luật về đê điều. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Công an tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đê điều, phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm, kiến nghị chính quyền các cấp xử lý theo quy định của pháp luật; thường xuyên tổng hợp tình hình vi phạm và chỉ đạo, đôc đốc các địa phương tăng cường quản lý, ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều. Bộ Công an chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương phối hợp cơ quan chức năng kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều, đặc biệt là đối với các vụ việc vi phạm nghiêm trọng, nổi cộm. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính căn cứ khả năng cân đối của ngân sách trung ương xem xét, ưu tiên bố trí kinh phí để tăng cường đầu tư củng cố, nâng cấp, duy tu hệ thống đê điều, nhất là các tuyến đê từ cấp III trở lên và xử lý các trọng điểm đê điều xung yếu nhằm đảm bảo an toàn chống lũ cho các tuyến đê. 36 TTHC được giải quyết theo ngành dọc tại cấp tỉnh, huyện, xã Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 1291/QĐ-TTg phê duyệt Danh mục thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan trung ương được tổ chức theo ngành dọc đóng tại địa phương đưa ra tiếp nhận tại Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh, Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cấp huyện, xã. Theo đó, 36 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Việt Nam được tổ chức theo ngành dọc đóng tại địa phương đưa ra tiếp nhận tại Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh, Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cấp huyện, xã thuộc các lĩnh vực như: Cấp, quản lý chứng minh nhân dân, căn cước công dân; Đăng ký, quản lý con dấu; Quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện; Nghĩa vụ quân sự; thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội;... Cụ thể, một số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Công an như: Cấp thẻ Căn cước công dân khi đã có thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; cấp thẻ Căn cước công dân khi chưa có thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; cấp lại, đổi thẻ căn cước công dân;... được thực hiện tại cấp tỉnh, cấp huyện. Các thủ tục: Giải quyết thủ tục làm con dấu mới và cấp giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu dấu; giải quyết thủ tục làm con dấu thứ hai và cấp giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu dấu; giải quyết thủ tục làm lại con dấu và cấp giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu dấu;... được thực hiện tại cấp tỉnh. Với thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Quốc phòng: Giải quyết chế độ hưu trí hằng tháng đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhập ngũ ngày 30/4/1975 trở về trước, có đủ 20 năm trở lên phục vụ trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ trước ngày 1/4/2000; trợ cấp đối với dân quân bị ốm hoặc đối với thân nhân khi dân quân bị ốm dẫn đến chết; trợ cấp đối với quân nhân bị tai nạn hoặc đối với thân nhân khi dân quân bị tai nạn dẫn đến chết; đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu; đăng ký phục vụ trong ngạch dự bị;... được thực hiện tại cấp xã. Với thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bảo hiểm xã hội Việt Nam: Giải quyết hưởng tiếp lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng đối với người chấp hành xong hình phạt tù, người xuất cảnh trái phép trở về nước định cư hợp pháp, người được Tòa án hủy quyết định tuyên bố mất tích; giải quyết hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 613/QĐ-TTg; giải quyết hưởng trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu theo Quyết định số 52/2013/QĐ-TTg được thực hiện tại cấp tỉnh. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, ngoài những thủ tục hành chính được phê duyệt trong Danh mục, căn cứ vào điều kiện thực tiễn của địa phương, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Chủ tịch UBND cấp tỉnh) thống nhất với Bộ, cơ quan ngang Bộ để đưa ra tiếp nhận tại Bộ phận Một cửa các cấp những thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan trung ương được tổ chức theo ngành dọc nhằm tạo điều kiện thuận lợi, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính. Trường hợp không thống nhất được với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; xử lý theo thẩm quyền cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan, tổ chức không thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm việc giải quyết thủ tục hành chính theo quy định tại Quyết định này; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị ngành dọc báo cáo tình hình, kết quả giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền tại địa phương với Chủ tịch UBND cùng cấp. Chủ tịch UBND cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị chức năng bảo đảm cơ sở vật chất và điều kiện làm việc cho cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan ngành dọc được cử ra làm việc tại Bộ phận Một cửa các cấp; tổ chức thực hiện có hiệu quả việc giải quyết thủ tục hành chính; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những bộ, ngành thực hiện không nghiêm, không đúng quy định tại Quyết định này. Thủ tướng chốt 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý với phương án nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất. Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội sẽ được nghỉ Tết Nguyên đán 2020 là 7 ngày, từ thứ Năm ngày 23/1/2020 đến hết thứ Tư ngày 29/1/2020 (tức từ ngày 29 tháng Chạp năm Kỷ Hợi đến hết mùng 5 tháng Giêng năm Canh Tý). Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện lịch nghỉ trên cần lưu ý thực hiện bố trí, sắp xếp các bộ phận làm việc hợp lý để giải quyết công việc liên tục, bảo đảm tốt công tác phục vụ tổ chức, cá nhân. Các cơ quan, đơn vị không thực hiện nghỉ cố định thứ Bảy và Chủ Nhật hàng tuần, sẽ căn cứ vào chương trình, kế hoạch cụ thể của đơn vị để bố trí lịch nghỉ cho phù hợp. Thủ tướng ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thông báo việc thực hiện nghỉ lễ, tết. Triển khai kết luận của UBTVQH tại Phiên họp thứ 37 Trên cơ sở kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 37, Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ hoàn thiện một số dự án luật, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, báo cáo của Chính phủ. Về dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi), Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của UBTVQH tại Thông báo, hoàn thiện dự thảo Luật; trường hợp còn có ý kiến khác nhau về các nội dung quan trọng thì Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ có báo cáo gửi UBTVQH trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8. Về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), Thủ tướng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục phối hợp với Ủy ban các Vấn đề xã hội của Quốc hội tiếp thu, giải trình theo Kết luận về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) tại phiên họp thứ 36 của UBTVQH để kịp thời báo cáo xin ý kiến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những vấn đề lớn khác với chủ trương của Chính phủ; trong đó cần lưu ý đối với các nội dung đã thể hiện trong dự thảo Báo cáo của UBTVQH trình Quốc hội và các ý kiến UBTVQH phát biểu tại phiên họp thứ 37. Cần tiếp tục tăng cường công tác thông tin, truyền thông để Nhân dân cả nước và dư luận xã hội hiểu rõ, tạo sự đồng thuận cao về các chính sách mới của dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp với Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8. Về dự án Luật Thanh niên (sửa đổi), Thủ tướng giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu giải trình ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn thiện dự thảo Luật, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8. Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Thủ tướng giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nghiên cứu, nghiêm túc tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để hoàn thiện hồ sơ dự án Luật trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của UBTVQH, hoàn thiện dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8. Bộ Tư pháp nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo đầy đủ hơn về thực tiễn thi hành Luật Giám định tư pháp; xác định rõ những vướng mắc do tổ chức thực hiện và những vướng mắc do quy định của Luật không còn phù hợp hoặc chưa có quy định. Trên cơ sở đó đề xuất sửa đổi, bổ sung những vấn đề thực sự cấp bách phục vụ giải quyết án tham nhũng, kinh tế; hoàn thiện hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8. Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ; Tư pháp, Ngoại giao và Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nghiên cứu, giải trình, tiếp thu ý kiến của UBTVQH tại Phiên họp, hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình một kỳ họp tại kỳ họp thứ 8. Về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp; phối hợp với Bộ Tư pháp khẩn trương tiến hành đầy đủ các thủ tục, trình tự, bảo đảm hồ sơ trình theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc bổ sung dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 đồng thời với việc cho ý kiến về 02 dự án Luật này tại phiên họp thứ 38 của UBTVQH. Về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025, Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến kết luận của UBTVQH tại Phiên họp; hoàn thiện hồ sơ Đề án trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 8. Về kết luận không ban hành Nghị quyết của Quốc hội về quản lý, sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính đề xuất cụ thể để triển khai kết luận của UBTVQH và xử lý các vấn đề vướng mắc trường hợp không ban hành Nghị quyết của Quốc hội về quản lý, sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10/2019. Báo cáo sơ kết 05 năm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của UBTVQH tại Phiên họp, trên cơ sở đó, hoàn thiện Báo cáo trước khi gửi đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, tập trung bổ sung, làm rõ các nội dung: đánh giá khái quát những đóng góp quan trọng, nổi bật của Hiến pháp năm 2013 trong việc thực hiện công cuộc đổi mới, trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế; tiếp tục rà soát, đánh giá về tính toàn diện, thống nhất của hệ thống pháp luật, những nội dung nào của Hiến pháp chưa được cụ thể hóa, chưa được bảo đảm thực thi; những lĩnh vực, nội dung nào còn chưa có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoặc có quy định nhưng không khả thi; những nội dung nào còn mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản trong hệ thống pháp luật cần được xử lý; đánh giá về việc bảo đảm các điều kiện như về nhân lực, nguồn lực tài chính, các điều kiện cần thiết khác để đáp ứng việc triển khai thực hiện Hiến pháp năm 2013. Các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an, Bộ Tư pháp và Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của UBTVQH tại Phiên họp; trên cơ sở đó hoàn thiện các Báo cáo trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8. Báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2019, Thủ tướng Chính phủ giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ tại Phiên họp, hoàn thiện Báo cáo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, trong đó cần tập trung vào nội dung: yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả những nội dung, yêu cầu và tập trung tiến hành các giải pháp đã nêu tại các nghị quyết, kết luận của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chủ động có các biện pháp cụ thể, phù hợp với tình hình mới để làm tốt hơn nữa công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thời gian tới, đặc biệt là trong năm 2020, thời điểm diễn ra Đại hội đảng bộ các cấp chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2025. Về dự thảo Nghị định quy định thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa quá cảnh thông qua Hệ thống quá cảnh Hải quan ASEAN để thực hiện Nghị định thư 7 về Hệ thống quá cảnh Hải quan, Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiêm túc tiếp thu ý kiến UBTVQH tại phiên họp, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách tại Báo cáo số 1701/BC-UBTCNS14 ngày 13/9/2019, ý kiến của Ủy ban Pháp luật tại Báo cáo số 2464/BC-UBPL14 ngày 25/7/2019 để hoàn chỉnh dự thảo Nghị định, đảm bảo các nguyên tắc, trình tự theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó, lưu ý việc ban hành Nghị định phải đảm bảo nguyên tắc tại Thông báo số 160/KL-UBTVQH14 ngày 14/7/2017 của UBTVQH là không áp dụng trực tiếp toàn bộ Nghị định thư 7 mà thực hiện thông qua nội luật hóa vào quy định của pháp luật Việt Nam, đồng thời phải đảm bảo chủ quyền, lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân của Việt Nam; xác định thời điểm hiệu lực thi hành của Nghị định để đảm bảo phù hợp với thời điểm Nghị định thư 7 và Nghị định thư 2 có hiệu lực. Nghiên cứu, có thể thực hiện thí điểm, rút kinh nghiệm trước khi thực hiện toàn diện như dự thảo Nghị định này và Nghị định thư 7. Tiếp tục nâng cao năng lực của ngành Hải quan, thực hiện hải quan điện tử đảm bảo an toàn, tính kết nối, thông suốt và tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát để chống buôn lậu, gian lận thương mại, lợi dụng quá cảnh để gian lận thương mại, buôn lậu./. Hoạt động của các Phó Thủ tướng Chính phủ ngày 01/10 Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 17/10 Print 1595 Rate this article: No rating
Quyết định 147 - Bổ sung Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ của Viện Khoa học Thể dục thể thao 16 Tháng Chín 2024
Viện Khoa học TDTT tổ chức gặp mặt, tri ân nhân Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 18 Tháng Mười Một 2024
Quyết định về việc Quy định thu học phí đào tạo nghiên cứu sinh năm 2023 - 2024 08 Tháng Mười Một 2023
Việt Nam – Trung Quốc tăng cường hợp tác, trao đổi trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học TDTT 06 Tháng Chín 2024