Responsive image

Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 10/12

THÔNG TIN BÁO CHÍ

THÔNG TIN CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH CỦA CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Hoàn thiện quy định của pháp luật về bắt giữ tàu biển

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan tổ chức rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật về bắt giữ tàu biển; báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

Trong khi chờ các cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoàn thiện các quy định của pháp luật về bắt giữ tàu biển, Bộ Giao thông vận tải chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bắt giữ tàu biển, không để xảy ra hoặc giảm thiểu các trường hợp bắt giữ tàu biển trái pháp luật.

Điều chỉnh, mở rộng Quy hoạch chung xây dựng KKT Nghi Sơn

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt điều chỉnh, mở rộng Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế (KKT) Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo quy hoạch, phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích huyện Tĩnh Gia (12 xã trong KKT Nghi Sơn cũ và các xã còn lại của huyện Tĩnh Gia); 3 xã: Yên Mỹ, Công Bình, Công Chính (thuộc huyện Nông Cống) và 3 xã: Thanh Tân, Thanh Kỳ, Yên Lạc (thuộc huyện Như Thanh).

Quy hoạch chung xây dựng KKT Nghi Sơn là KKT biển đa ngành, đa lĩnh vực với trọng tâm là công nghiệp nặng và công nghiệp cơ bản, gắn liền với việc xây dựng và khai thác có hiệu quả cảng biển Nghi Sơn; vận hành theo cơ chế ưu đãi đặc biệt; là động lực phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Thanh Hóa và khu vực Bắc miền Trung; là cụm đô thị công nghiệp, dịch vụ, du lịch, đồng bộ và hiện đại với trung tâm là thành phố công nghiệp Nghi Sơn và các đô thị Hải Ninh, Yên Mỹ, Thanh Tân, được phát triển theo mô hình đô thị thông minh-xanh-bền vững.

Là đầu mối giao thông quan trọng, cửa ngõ giao lưu trao đổi hàng hóa, kết nối vùng Bắc Lào, Đông Bắc Thái Lan, vùng phụ cận Thanh Hóa với tuyến hàng hải quốc gia và quốc tế thông qua hệ thống đường bộ và cảng biển Nghi Sơn.

Hình thành mạng lưới kế nối các khu vực đô thị

Quy hoạch không gian tổng thể KKT Nghi Sơn được triển khai theo phân khu và mạng lưới, hình thành mạng lưới kết nối các khu vực đô thị, lấy khu vực đô thị trung tâm huyện Tĩnh Gia làm trung tâm tổng hợp của KKT Nghi Sơn.

Hình thành 2 vành đai xanh dựa trên hệ thống núi rừng hiện hữu trong KKT. Vành đai thứ nhất là vùng đồi núi bao quanh vùng lõi KKT gồm: Khu vực KKT cũ và khu vực đô thị trung tâm Tĩnh Gia; vành đai thứ 2 là vùng đồi núi bao quanh khu vực phía Tây và phía Đông Bắc của khu kinh tế mở rộng.

Hình thành trục cảnh quan đô thị chủ đạo của KKT theo hướng Tây Bắc - Đông Nam từ đỉnh núi Các Sơn (là đỉnh núi cao nhất trong khu vực) nối thẳng vị trí quy hoạch ga đường sắt trung tâm, hướng tới đảo Mê. Các không gian chính và điểm nhấn đô thị được tổ chức xoay quanh trục chủ đạo này.

Phân vùng đất liền KKT Nghi Sơn thành 5 khu vực: Khu vực Cảng Nghi Sơn, khu phía Nam, khu đô thị trung tâm, khu Đông Bắc và khu phía Tây.

Về các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư trong lĩnh vực du lịch, hình thành các trung tâm dịch vụ du lịch ven biển khu vực từ sông Ghép đến hết xã Hải Thanh, đảo Biện Sơn, đảo Hòn Mê; đầu tư xây dựng các công trình có tính chất tạo động lực nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển của đô thị Yên Mỹ; kêu gọi, thu hút đầu tư các dự án du lịch, sân gofl tại khu vực hồ Yên Mỹ và hồ Hao Hao...; quảng bá hình ảnh du lịch gắn với các tour du lịch tại KKT và các khu du lịch lân cận.

Về đô thị: Thực hiện các dự án phát triển nhà ở gắn với hệ thống hạ tầng xã hội cũng như hạ tầng kỹ thuật cho từng khu đô thị, đáp ứng việc cải tạo, sắp xếp tái định cư, nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu của người dân và hình thành đô thị; xây dựng, cải tạo và bổ sung các trung tâm chuyên ngành như trung tâm thương mại, hội chợ triển lãm, trung tâm văn hóa, công viên vui chơi giải trí và thể dục thể thao.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Thanh Hóa công bố điều chỉnh, mở rộng Quy hoạch chung xây dựng KKT Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, tổ chức việc thực hiện quy hoạch theo các quy định của pháp luật hiện hành.

Xuất cấp gạo cho tỉnh Thanh Hóa

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền 2.399,205 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Thanh Hóa để cứu đói cho nhân dân bị ảnh hưởng do mưa, lũ gây ra năm 2018.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung và số liệu báo cáo.

UBND tỉnh Thanh Hóa tiếp nhận và sử dụng số gạo được cấp, bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng theo quy định.

Cao Bằng tập trung đột phá phát triển 3 thế mạnh

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Cao Bằng.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Cao Bằng tập trung đột phá phát triển 3 thế mạnh đó là dịch vụ du lịch; nông- lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao; kinh tế biên mậu.

Định hướng phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Cao Bằng. Xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng mang đậm bản sắc Cao Bằng, là thương hiệu du lịch miền núi cho Việt Nam, trong đó, du lịch lịch sử, tâm linh, sinh thái, địa hình được khai thác trên sự tương tác bền vững với những yếu tố độc đáo của Cao Bằng; gắn du lịch với đặc sản và ẩm thực độc đáo của địa phương.

Thu hút, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược xây dựng Khu du lịch thác Bản Giốc trở thành Khu du lịch trọng điểm, kiểu mẫu về du lịch qua biên giới, du lịch xanh, du lịch thông minh. Phát triển du lịch bền vững gắn với tuyên truyền, quảng bá Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng đã được UNESCO công nhận để du khách trong, ngoài nước biết tới và chiêm ngưỡng di sản đặc biệt này.

Chú trọng phát triển kinh tế cửa khẩu

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Cao Bằng tập trung khai thác thế mạnh của các loại cây ăn quả, giống lúa quý, đặc sản của địa phương và các loại cây dược liệu. Thu hút đầu tư, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất theo mô hình hữu cơ sạch gắn với chế biến sâu; liên kết chuỗi giá trị và liên kết cụm ngành. Xây dựng thương hiệu nông sản truyền thống nổi tiếng, phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu, nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp của địa phương, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Trồng rừng và phát triển các nghề dưới rừng, trong đó chú trọng chế biến gỗ xuất khẩu. Phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp tầm cỡ về chế biến gỗ rừng trồng, sản xuất các mặt hàng đồ gỗ gia dụng phục vụ xuất khẩu.

Đồng thời chú trọng phát triển kinh tế cửa khẩu; nâng cao hiệu quả các khu kinh tế cửa khẩu; xây dựng chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), xã hội hóa mạnh mẽ các nguồn lực cho các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm có tính lan tỏa, liên vùng kết nối với cửa khẩu; phát triển dịch vụ hậu cần, logistic khu kinh tế cửa khẩu; nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa chính ngạch; áp dụng các biện pháp, giảm chi phí, thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.

Cao Bằng cần tiếp tục hoàn thiện công tác quy hoạch các ngành theo hướng chiến lược ổn định, có tầm nhìn xa, không mâu thuẫn cản trở nhau trong phát triển kinh tế - xã hội. Thu hút nhà đầu tư chiến lược triển khai và hoàn thành tuyến cao tốc từ Tân Thanh (Lạng Sơn) đến thành phố Cao Bằng trong giai đoạn 2019-2022, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng.

Tái cơ cấu mạnh mẽ ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Thúc đẩy sản xuất hàng hóa theo cơ chế thị trường; tuyên truyền thay đổi tư duy sản xuất nhỏ lẻ, tự cung, tự cấp của người dân sang phát triển sản xuất hàng hóa; đẩy lùi tư duy tiểu nông, nhằm nâng cao mức sống của người dân, xóa đói giảm nghèo. Tăng cường các mô hình liên kết, hợp tác sản xuất, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất. Củng cố, nâng cao hiệu quả của kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác xã.  Động viên ý chí khởi nghiệp, vươn lên trong mọi người dân, mọi cộng đồng dân tộc thiểu số, xem đây là lực lượng phát triển không phải chỉ là đối tượng chính sách.

Tăng cường các giải pháp thu hút đầu tư

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Cao Bằng quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (phấn đấu đưa chỉ số PCI của tỉnh thuộc nhóm trung bình cả nước). Tăng cường thực hiện các giải pháp thu hút đầu tư, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất - kinh doanh; coi kinh tế tư nhân là động lực phát triển bền vững của Tỉnh. Khuyến khích đổi mới sáng tạo, phát động tinh thần sáng tạo khởi nghiệp, đặc biệt trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Phấn đấu đến năm 2020 số doanh nghiệp của Tỉnh tăng gấp 2-3 lần hiện nay.

Phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trên tất cả các lĩnh vực góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Bên cạnh hạ tầng cứng được nhà nước đầu tư, cần phát huy nguồn lực mềm, các yếu tố hạ tầng thông minh như năng lực kỹ năng, nghiệp vụ cán bộ, công chức, sự gắn kết xã hội giữa các cộng đồng dân tộc, chất lượng quản trị Nhà nước, khả năng kết nối thông tin, phổ cập internet; ứng dụng công nghệ số, thành tựu khoa học kỹ thuật vào nâng cao năng suất và hiệu quả quản lý Nhà nước. Cao Bằng không đứng ngoài lề xu hướng toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tỉnh Cao Bằng cũng cần tăng cường phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người có công; bảo đảm an sinh xã hội, trợ giúp hiệu quả đối tượng bảo trợ xã hội và hộ nghèo. Tiếp tục quan tâm đến các lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp giảm nghèo bền vững, đặc biệt tại huyện và các xã đặc biệt khó khăn. Quan tâm nâng cao mức sống của người dân nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Đói nghèo chính là một trong những căn nguyên và thách thức phức tạp nhất đối với các mối đe dọa về an ninh, trật tự.

Điều chỉnh quy hoạch các khu công nghiệp tỉnh Long An

Thủ tướng Chính phủ đồng ý điều chỉnh quy hoạch phát triển các khu công nghiệp tỉnh Long An đến năm 2020.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ chưa xem xét bổ sung vào quy hoạch và mở rộng các khu công nghiệp (KCN): KCN Anh Hồng 2, diện tích 181,19 ha tại thị trấn Hiệp Hòa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An; KCN Hòa Bình mở rộng, diện tích 49 ha tại xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An; KCN Tân Đức 2, diện tích 200 ha tại xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức, tỉnh Long An.

Đồng thời, chưa xem xét dịch chuyển vị trí KCN Long Hậu 3 (giai đoạn 2) với diện tích 90 ha từ xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc về vị trí tại xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.

Thủ tướng Chính phủ đồng ý điều chỉnh giảm diện tích các KCN gồm: KCN Đức Hòa I (giảm 16,62 ha, từ 274,23 ha xuống 257,61 ha); KCN Đức Hòa III (giảm 49,11 ha, từ 1.787,66 ha xuống 1.738,55 ha, trong đó KCN Đức Hòa III - Việt Hóa giảm 38,74 ha, Đức Hòa III - Anh Hồng giảm 10,37 ha) và KCN Cầu Tràm (giảm 16,74 ha).

Bên cạnh đó, bổ sung KCN Thịnh Phát mở rộng với diện tích 112,87 ha tại xã Lương Bình, huyện Bến Lức, tỉnh Long An vào quy hoạch phát triển KCN đến năm 2020.

Đồng thời, bổ sung 3 KCN mới vào quy hoạch phát triển KCN của tỉnh Long An gồm: KCN Prodezi với diện tích 400 ha tại xã Lương Hòa và xã Tân Hòa, huyện Bến Lức, tỉnh Long An; KCN Tandoland với diện tích 250 ha tại xã Lương Hòa và Tân Hòa, huyện Bến Lức, tỉnh Long An; KCN Hoàng Lộc với diện tích 152,21 ha tại xã Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.

Các KCN khác nằm trong quy hoạch các KCN trên địa bàn tỉnh Long An được thực hiện theo các Công văn số 463/TTg-KTN ngày 28/3/2013; số 875/TTg-KTN ngày 27/5/2016; số 1797/TTg-KTN ngày 11/10/2016 và số 968/TTg-CN ngày 7/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ không thay đổi.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Long An thực hiện điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối (2016 - 2020) của tỉnh Long An cho phù hợp theo quy định của pháp luật; tiếp thu ý kiến của các Bộ, tổ chức thực hiện quy hoạch đã được duyệt; chỉ đạo các cơ quan liên quan xây dựng quy hoạch chi tiết, thành lập, mở rộng KCN phù hợp với khả năng thu hút đầu tư, tuân thủ chặt chẽ các điều kiện và trình tự theo quy định hiện hành; thực hiện giám sát chặt chẽ việc tuân thủ pháp luật về môi trường tại các KCN; thực hiện đúng mục đích sử dụng đất được chuyển đổi theo các quy định hiện hành; có giải pháp ổn định đời sống và có phương án hỗ trợ việc làm, đào tạo nghề cho người dân bị thu hồi đất; triển khai xây dựng nhà ở công nhân và các công trình phúc lợi xã hội tại các KCN để đảm bảo điều kiện sống, làm việc của người lao động.

Print
1106 Rate this article:
No rating

Thư viện ảnh

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ - VIỆN KHOA HỌC THỂ DỤC THỂ THAO - TỔNG CỤC THỂ DỤC THỂ THAO
Người chịu trách nhiệm chính: PGS.TS. Nguyễn Danh Hoàng Việt
Địa chỉ: 141 Nguyễn Thái Học - Ba Đình - Hà Nội * Điện thoại: (84-4) 733 0286 * FAX: (84-4) 733 4419
Website: vkhtdtt.vn; Email: banbientap.vkhtdtt@gmail.com

 

Close Copyright [2018] by TTTT
Back To Top