Responsive image

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 10/5

Thông tin báo chí chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 10/5

 

THÔNG TIN BÁO CHÍ

    THÔNG TIN CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH CỦA CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

 

Tăng lương cơ sở từ ngày 1/7/2019

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 38/2019/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Theo đó, từ ngày 1/7/2019, mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng/tháng.

Nghị định này quy định mức lương cơ sở áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp và người lao động (người hưởng lương, phụ cấp) làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động ở trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (cấp huyện), ở xã, phường, thị trấn (cấp xã), ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và lực lượng vũ trang.

Theo Nghị định, từ ngày 1/7/2019, mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng/tháng thay cho mức lương cũ là 1.390.000 đồng/tháng.

Mức lương cơ sở này dùng để làm căn cứ cho việc tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định 38/2019/NĐ-CP; tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật; tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.

Người hưởng lương, phụ cấp trên gồm:

1. Cán bộ, công chức từ trung ương đến cấp huyện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 4 Luật cán bộ, công chức năm 2008.

2. Cán bộ, công chức cấp xã quy định tại khoản 3 Điều 4 Luật cán bộ, công chức năm 2008

3. Viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Luật viên chức năm 2010

4. Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, gồm: Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các cơ quan, đơn vị của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp và Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thặng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

5. Người làm việc trong chỉ tiêu biên chế trong các hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động quy định tại Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội.

6. Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ và công nhân, viên chức quốc phòng, lao động hợp đồng thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam.

7. Sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ, công nhân công an và lao động hợp đồng thuộc Công an nhân dân.

8. Người làm việc trong tổ chức cơ yếu.

9. Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn và tổ dân phố.

Kinh phí thực hiện

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương sử dụng nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên dự toán năm 2019 tăng thêm so với dự toán năm 2018 được cấp có thẩm quyền giao; một phần nguồn thu được để lại theo chế độ của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2018 chưa sử dụng hết chuyển sang (nếu có).

Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sử dụng nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên (không kể các khoản chi tiền lương, phụ cấp theo lương, các khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ) dự toán năm 2019 tăng thêm so với dự toán năm 2018 được cấp có thẩm quyền giao; sử dụng nguồn 50% tăng thu ngân sách địa phương (không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết) thực hiện so với dự toán năm 2018 do Thủ tướng Chính phủ giao; sử dụng 50% phần ngân sách nhà nước giảm chi hỗ trợ hoạt động thường xuyên trong lĩnh vực hành chính và các đơn vị sự nghiệp công lập; sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2018 chưa sử dụng hết chuyển sang (nếu có).

Bên cạnh đó sử dụng nguồn còn dư (nếu có) sau khi đảm bảo nhu cầu điều chỉnh tiền lương đến mức lương cơ sở 1.390.000 đồng/tháng, từ các nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên (không kể các khoản chi tiền lương, phụ cấp theo lương, các khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ) dự toán năm 2017 được cấp có thẩm quyền giao; tiết kiệm 10% chi thường xuyên (không kể các khoản chi tiền lương, phụ cấp theo lương, các khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ) dự toán năm 2018 tăng thêm so với dự toán năm 2017 được cấp có thẩm quyền giao; 50% tăng thu ngân sách địa phương dự toán năm 2018 so với năm 2017 do Thủ tướng Chính phủ giao; 50 tăng thu ngân sách địa phương dự toán năm 2019 so với năm 2018 do Thủ tướng Chính phủ giao; một phần nguồn thu được để lại theo chế độ năm 2019 của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập.

Ngân sách trung ương bổ sung nguồn kinh phí còn thiếu do điều chỉnh mức lương cơ sở năm 2019 cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sau khi đã thực hiện các quy định.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2019.

Nghị định này thay thế Nghị định số 72/2018/NĐ-CP  ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang hết hiệu lực kể tử ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

TPHCM nghiên cứu, xử lý phản ánh về đất vàng ven sông bị lấn chiếm

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu chuyển thông tin phản ánh của báo chí về tình trạng Thành phố Hồ Chí Minh chưa có hướng khai thác phát triển lợi thế quỹ đất vàng ven sông nên một số nơi bị lấn chiếm vô tội vạ đến Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh để nghiên cứu, xử lý.

Trước đó, báo Thanh niên phản ánh: Thành phố Hồ Chí Minh hơn nhiều đô thị lớn trên thế giới nhờ hệ thống sông ngòi trong nội đô, tài nguyên quý, nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, làm cảnh quan đẹp hơn, thu hút khách du lịch.

Tuy nhiên, cũng theo bài báo, nhiều năm qua, Thành phố chỉ đưa ra tiêu chí bảo vệ mà chưa có hướng khai thác phát triển lợi thế kinh tế quỹ đất vàng ven sông, chưa có thiết kế đô thị cụ thể, nên một số nơi bị lấn chiếm vô tội vạ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu chuyển thông tin nêu trên đến Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh để nghiên cứu, xử lý.

Khẩn trương thực hiện các biện pháp ngăn chặn TNGT do uống rượu, bia

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương trên toàn quốc với nòng cốt là lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường tuần tra, kiểm soát theo chuyên đề gắn với các hành vi uy hiếp nghiêm trọng đến trật tự an toàn giao thông (TTATGT), đặc biệt là hành vi vi phạm quy định về ma túy và nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ.

Trong thời gian qua, tình hình trật tự an toàn giao thông đường bộ có nhiều diễn biến phức tạp, liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông do lái xe vi phạm các quy định về nồng độ cồn; điển hình là ba vụ tai nạn giao thông tại tỉnh Bình Định, thành phố Hà Nội trong tháng 4/2019 đều do lái xe ô tô đã vi phạm rất nghiêm trọng quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện, làm chết và bị thương nhiều người, gây bức xúc trong nhân dân.

Để ngăn chặn kịp thời, giảm và chấm dứt các vụ tại nạn giao thông do các hành vi vi phạm nồng độ cồn và bảo đảm trật tự an toàn giao thông, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương trên toàn quốc với nòng cốt là lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường tuần tra, kiểm soát theo chuyên đề gắn với các hành vi uy hiếp nghiêm trọng đến trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là hành vi vi phạm quy định về ma túy và nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ; ra quân thực hiện các đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với lái xe trong các dịp nghỉ lễ dài ngày, các thời kỳ cao điểm về hoạt động lễ hội, du lịch tại từng địa phương; cương quyết xử lý, trấn áp các hành vi chống đối lực lượng thi hành công vụ; bảo đảm các điều kiện trang thiết bị, vật dụng phục vụ công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn và chất ma túy; chủ động phối hợp với cơ quan báo chí để tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm quy định pháp luật và ủng hộ lực lượng chức năng làm nhiệm vụ bảo đảm TTATGT.

Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phối hợp với các bộ, ngành, đoàn thể và địa phương tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động người dân chấp hành quy định pháp luật về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông; phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức sự kiện đi bộ kêu gọi hành động "Đã uống rượu bia - Không lái xe" với sự tham gia của đông đảo các lực lượng và người dân tại khu vực Hồ Gươm.

UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, chỉ đạo tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động người dân chấp hành quy định pháp luật về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông, thực hiện thông điệp "Đã uống rượu bia - Không lái xe"; đồng thời thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, các kế hoạch của địa phương về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.

75 DN được tặng Giải thưởng Chất lượng Quốc gia

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định tặng Giải Vàng Chất lượng Quốc gia năm 2018 cho 22 doanh nghiệp và tặng Giải thưởng Chất lượng Quốc gia năm 2018 cho 53 doanh nghiệp.

Giải Vàng Chất lượng Quốc gia được trao cho 22 doanh nghiệp gồm:

- 9 doanh nghiệp sản xuất lớn: Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Y tế DOMESCO; Tổng công ty VIGLACERA; Công ty Cổ phần nhựa và môi trường xanh An Phát; Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Tân Hiệp Phát; Công ty Cổ phần Cao su Đồng Phú; Công ty cổ phần Bia Thanh Hóa; Công ty Cổ phần TRAPHACO; Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam; Công ty Cổ phần Hữu hạn VEDAN Việt Nam.

- 8 doanh nghiệp sản xuất nhỏ và vừa gồm: Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phú Đạt; Công ty TNHH XNK Thương mại Công nghệ Dịch vụ Hùng Duy; Công ty TNHH Giống Thủy sản Dương Hùng; Trung tâm sản xuất thiết bị đo điện tử điện lực miền Trung - Chi nhánh Tổng công ty điện lực miền Trung; Công ty Cổ phần Kim loại màu và nhựa Đồng Việt; Công ty TNHH Vĩnh Hiệp; Công ty Cổ phần Tôn mạ VNSTEEL Thăng Long; Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Năm Căn.

- 5 doanh nghiệp dịch vụ nhỏ và vừa gồm: Công ty Cổ phần KIZUNA JV; Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch Hoàn Mỹ; Công ty Cổ phần Sao Mai; Công ty TNHH Tập đoàn Vàng bạc đá quý Kim Tín; Công ty Xăng dầu Lào Cai.

Trong 53 doanh nghiệp nhận Giải thưởng Chất lượng Quốc gia, có 20 doanh nghiệp sản xuất lớn; 21 doanh nghiệp sản xuất nhỏ và vừa; 1 doanh nghiệp dịch vụ lớn; 11 doanh nghiệp dịch vụ nhỏ và vừa.

Giải thưởng Chất lượng Quốc gia là một hình thức tôn vinh, khen thưởng hằng năm ở cấp quốc gia của Thủ tướng Chính phủ cho các tổ chức, doanh nghiệp đạt thành tích xuất sắc về chất lượng trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ; nâng cao vị thế các sản phẩm, hàng hoá và dịch vụ của Việt Nam, tăng cường năng lực, khả năng cạnh tranh và hội nhập trên thị trường trong nước và quốc tế; xây dựng văn hoá, phong trào năng suất, chất lượng trong tổ chức, doanh nghiệp nhằm đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế-xã hội của đất nước.

Việc tham dự Giải thưởng Chất lượng Quốc gia giúp doanh nghiệp có điều kiện học hỏi, đánh giá và cải tiến một cách toàn diện các hoạt động quản lý, chất lượng sản phẩm… Đây cũng là cơ hội tốt để các doanh nghiệp đạt giải thưởng quảng bá thương hiệu sản phẩm, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.

Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng KKT Nhơn Hội

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nhơn Hội, tỉnh Bình Định đến năm 2040.

Phạm vi lập quy hoạch diện tích khoảng 14.308 ha, gồm phần hiện hữu trên bán đảo Phương Mai có diện tích khoảng 12.000 ha, trên địa giới hành chính phường Hải Cảng và các xã Nhơn Hội, Nhơn Lý, Nhơn Hải thuộc thành phố Quy Nhơn; các xã Cát Tiến, Cát Hải, Cát Chánh thuộc huyện Phù Cát; các xã Phước Hòa, Phước Sơn thuộc huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định; có giới hạn địa lý phía Bắc giáp Núi Bà, xã Cát Hải, huyện Phù Cát; phía Đông và Nam giáp Biển Đông; phía Tây giáp Đầm Thị Nại.

Phần mở rộng trên địa giới hành chính xã Canh Vinh, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định có diện tích khoảng 2.308 ha; có giới hạn địa lý phía Bắc, phía Tây và phía Nam giáp đất đồi núi huyện Vân Canh; phía Đông giáp khu dân cư hiện hữu xã Canh Vinh.

Đến năm 2030, tổng dân số khu kinh tế khoảng 120.000 - 140.000 người; nhu cầu sử dụng quỹ đất xây dựng khoảng 8.461 ha; đến năm 2040, tổng dân số khoảng 200.000 - 250.000 người; nhu cầu sử dụng quỹ đất xây dựng khoảng 10.746 ha.

Khu kinh tế được chia thành 8 phân khu chức năng: Phân khu 1 - Khu đô thị, du lịch Tân Thanh, Vĩnh Hội; Phân khu 2 -  Khu đô thị cửa ngõ Cát Tiến; Phân khu 3 - Khu đô thị Nhơn Hội; Phân khu 4 - Khu công nghiệp đô thị Nhơn Hội; Phân khu 5 - Khu đô thị du lịch Phương Mai; Phân khu 6 - Đầm Thị Nại; Phân khu 7 - Khu công nghiệp - đô thị Becamex; Phân khu 8 - Khu đô thị - dịch vụ Becamex B, trong đó Phân khu 1 - 6 nằm tại Phần hiện hữu và Phân khu 7, 8 nằm tại Phần mở rộng.

Trong đó, khu đô thị, du lịch Tân Thanh, Vĩnh Hội là khu đô thị - du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp, phát triển các khu dân cư sinh thái, khu du lịch - dịch vụ với mật độ thấp, gắn với bảo vệ các giá trị tự nhiên hiện hữu hai thung lũng núi  hướng biển có bãi tắm đẹp; dân số dự kiến khoảng 23.000 người; diện tích đất tự nhiên khoảng 1.164 ha;.. Khu đô thị du lịch Nhơn Hội là khu đô thị dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng biển, trung tâm vui chơi giải trí lớn; phát triển với mật độ trung bình; cung cấp cơ sở đào tạo nghề, bệnh viện phục vụ toàn bán đảo; khai thác tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo;...Phát triển khu công nghiệp Nhơn Hội, khu cảng biển Nhơn Hội; khu đô thị Mai Hương trở thành trung tâm đô thị - thương mại - dịch vụ hỗn hợp phục vụ toàn bán đảo; bảo tồn Vịnh Mai Hương; phát triển các khu dịch vụ, vui chơi giải trí, không gian thưởng ngoạn, bến du lịch ven bờ Vịnh;...

Về hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, xây mới khu trung tâm hành chính Khu kinh tế, quy mô khoảng 11 ha; xây mới khu trung tâm đào tạo nghề, quy mô khoảng 19 ha; xây mới hệ thống trường trung học phổ thông tại các cơ sở khám chữa bệnh tại các khu đô thị; khuyến khích phát triển và quản lý hệ thống y tế tư nhân đạt chuẩn; xây mới khu Trung tâm văn hóa nghệ thuật biểu diễn, quy mô khoảng 5 ha; xây mới mạng lưới nhà văn hóa, các câu lạc bộ, thư viện tại các khu đô thị; xây mới khu trung tâm thể dục thể thao, quy mô khoảng 8 ha; xây mới các công trình luyện tập thể thao cấp đô thị tại các khu đô thị.

Khuyến khích phát triển các công viên chuyên đề phục vụ du lịch; xây dựng công viên vui chơi giải trí tại các khu đô thị, bố trí đủ quỹ đất và vị trí thuận lợi để phát triển hệ thống cây xanh, vườn hoa đô thị; liên kết chia sẻ chức năng linh hoạt giữa các hệ thống cây xanh và các khu vực cây xanh, mặt nước dự trữ.

Tạo điều kiện phát triển dịch vụ phân phối lưu thông tại cảng Nhơn Hội xứng tầm một trung tâm dịch vụ logistics của Miền Trung; tập trung phát triển các khu trung tâm hỗn hợp trong các khu đô thị mới, đặc biệt ở khu đô thị Mai Hương; phát triển mạng lưới trung tâm thương mại gắn với mạng lưới giao thông công cộng.

Kiểm tra, xử lý phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu UBND tỉnh Trà Vinh chủ trì, phối hợp với các Bộ Tư pháp, Tài Nguyên và Môi trường kiểm tra, xử lý phản ánh của Công ty TNHH SEOTRA về việc thu hồi đất của Công ty.

Công ty TNHH SEOTRA (14 Đặng Văn Ngữ, phường 10, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh) có đơn gửi Văn phòng Chính phủ phản ánh, kiến nghị việc UBND tỉnh Trà Vinh ban hành Quyết định số 1690/QĐ-UBND ngày 17/8/2016 về việc thu hồi đất của Công ty.

Về việc này, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu UBND tỉnh Trà Vinh chủ trì, phối hợp với các Bộ Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, xử lý các nội dung đơn phản ánh của Công ty TNHH SEOTRA về việc UBND tỉnh Trà Vinh có Quyết định số 1690/QĐ-UBND ngày 17/8/2016 thu hồi diện tích 322.565,7m2 đất của Công ty tại huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh; đề xuất biện pháp giải quyết theo đúng quy định pháp luật; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/2019.

Trước 1/6 phải hoàn thành GPMB cao tốc Bến Lức - Long Thành

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến về việc xử lý vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai khẩn trương tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc, hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trước ngày 1/6/2019 để bàn giao cho đơn vị thi công, không làm ảnh hưởng đến tiến độ Dự án nêu trên.

Dự án đường cao tốc Bến Lức-Long Thành có tổng chiều dài toàn tuyến 57,1 km, đi qua địa phận Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Long An và Đồng Nai.

Dự án là công trình quan trọng, nằm trong hệ thống đường cao tốc Bắc-Nam, khi hoàn thành, tuyến đường sẽ giúp giao thông giữa các tỉnh Tây và Đông Nam Bộ không phải qua trung tâm của TPHCM, rút ngắn thời gian lưu thông, vận chuyển hàng hóa giữa các tỉnh trong vùng.

Tuyến đường còn tạo thành một phần của tuyến hành lang kinh tế phía Nam thuộc Tiểu vùng sông Mekong mở rộng, từ Bangkok (Thái Lan) qua Phnom Penh (Campuchia) đến TPHCM-Vũng Tàu. Đồng thời kết nối mạng cao tốc và quốc lộ với các cảng biển lớn của khu vực như Cái Mép-Thị Vải, Sao Mai-Bến Đình, sân bay quốc tế Long Thành..., qua đó sẽ khai thác hiệu quả các các dự án hạ tầng lớn của quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, thu hút đầu tư, du lịch của các địa phương vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng, và cả nước nói chung.

Đầu tư xây đường bộ ven biển, đoạn qua tỉnh Thanh Hóa

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến chỉ đạo về đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa, đoạn Hoằng Hóa - Sầm Sơn và đoạn Quảng Xương - Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa theo hình thức đối tác công tư, hợp đồng BOT.

Cụ thể, đối với Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển, đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất cơ quan thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án theo đúng quy định của Luật Đầu tư công, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Đối với Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn Hoằng Hóa - Sầm Sơn và đoạn Quảng Xương - Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa theo hình thức đối tác công tư, hợp đồng BOT, Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ có liên quan thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn đối với phần vốn ngân sách trung ương; đồng thời hướng dẫn tỉnh Thanh Hóa hoàn thiện hồ sơ trình theo đúng quy định./.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Print
1126 Rate this article:
No rating

Thư viện ảnh

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ - VIỆN KHOA HỌC THỂ DỤC THỂ THAO - TỔNG CỤC THỂ DỤC THỂ THAO
Người chịu trách nhiệm chính: PGS.TS. Nguyễn Danh Hoàng Việt
Địa chỉ: 141 Nguyễn Thái Học - Ba Đình - Hà Nội * Điện thoại: (84-4) 733 0286 * FAX: (84-4) 733 4419
Website: vkhtdtt.vn; Email: banbientap.vkhtdtt@gmail.com

 

Close Copyright [2018] by TTTT
Back To Top