Responsive image

Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 10/6

Thông tin báo chí chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 10/6

 

THÔNG TIN BÁO CHÍ

    THÔNG TIN CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH CỦA CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

 

Từng bước mở lại các chuyến bay thương mại quốc tế

Về việc mở lại các chuyến bay thương mại quốc tế, Thủ tướng Chính phủ giao Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 công bố các vùng, địa bàn an toàn (với tiêu chí cụ thể như trong vòng 30 ngày qua không có ca nhiễm mới trong cộng đồng) để từng bước mở lại các chuyến bay thương mại quốc tế một cách chắn chắn và có hướng dẫn cụ thể việc cách ly các đối tượng nhập cảnh qua các chuyến bay này.

Đây là nội dung tại Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 sáng ngày 9/6/2020.

Thông báo nêu rõ, trong thời gian qua, Việt Nam đã có thành công lớn, đáng được trân trọng trong công cuộc phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Chúng ta đã kiểm soát tốt dịch bệnh, đã gần 2 tháng qua cả nước không còn ca bệnh trong cộng đồng, phần lớn các ca bệnh đã được điều trị khỏi, các ca bệnh nặng cũng có tiến triển tốt về sức khỏe. Đây là kết quả rất đáng mừng, được nhân dân và cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Thắng lợi này rất cần được tổng kết, biểu dương, khen thưởng, đồng thời rút ra những bài học để thực hiện tốt hơn công tác phòng, chống dịch bệnh nói chung trong tương lai.

Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao, biểu dương các cấp, các ngành, các địa phương, đặc biệt là các lực lượng quân đội, trong đó có lực lượng bộ đội biên phòng, công an, đội ngũ y bác sĩ, các thành viên Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã nỗ lực, cố gắng, ngày đêm bám trụ, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Cả nước tiếp tục bước vào giai đoạn phát triển mới

Trong thời gian tới đây, cả nước tiếp tục bước vào giai đoạn phát triển mới với các quan điểm phát triển chủ yếu sau:

Bảo đảm môi trường an toàn để phát triển và phát triển bền vững trong điều kiện bình thường mới. Trong phát triển phải xem xét, nghiên cứu tình hình thế giới, liên hệ điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh nước ta đã hội nhập rất sâu rộng.

Quán triệt sâu sắc chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Thông báo số 77-TB/TW ngày 5/6/2020 là khai thác tối đa thị trường trong nước. Phải thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các hoạt động kinh tế - xã hội. Từng bộ, ngành, địa phương phải có kế hoạch phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ, nhất là trong các hoạt động như giải ngân đầu tư công, phát triển kinh tế số...

Chuẩn bị sẵn sàng, tốt nhất trong tương lai gần để hội nhập, xây dựng Việt Nam là điểm đến an toàn của thế giới, không chỉ là nhằm các mục tiêu phát triển kinh tế mà còn vì các mục tiêu chính trị, đối ngoại của đất nước, nhất là với các đối tác quan trọng, các quốc gia đã kiểm soát tốt dịch bệnh.

Tiếp tục phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ xâm nhập dịch bệnh từ bên ngoài,  kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập cảnh trên các tuyến biên giới đường bộ, đường biển, đường hàng không, tuyệt đối không chủ quan, lơ là; thực hiện biện pháp cách ly phù hợp đối với người nhập cảnh, không để lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Tạo điều kiện và thực hiện một cách nhân văn việc nhập cảnh của các chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật cao, công dân Việt Nam, nhưng phải bảo đảm không để nguồn bệnh xâm nhập, lây nhiễm vào Việt Nam.

Thực hiện tốt việc bảo đảm an sinh xã hội, chú ý bảo đảm việc làm, hỗ trợ đối với người nghèo, không để bất cứ người dân nào bị đói, đứt bữa, “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Tiếp tục cho phép các chuyên gia, nhà đầu tư nhập cảnh làm việc

Thủ tướng Chính phủ đồng ý tiếp tục cho phép các chuyên gia, nhà đầu tư, nhà quản lý doanh nghiệp, công nhân tay nghề cao nhập cảnh làm việc và khảo sát các cơ hội đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Giao các Bộ: Công an, Ngoại giao, Giao thông vận tải xem xét, giải quyết nhanh các thủ tục về thị thực nhập cảnh, về các chuyến bay và các thủ tục liên quan cho các đối tượng này; Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố liên quan chỉ đạo, hướng dẫn, bố trí địa điểm cách ly phù hợp, linh hoạt đối với từng đối tượng, có thu phí, tổ chức việc đón tiếp, xét nghiệm nhanh, tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ  các thủ tục cấp mới và gia hạn giấy phép lao động cho lao động nước ngoài và bảo đảm an toàn không lây nhiễm dịch bệnh.

Tạo điều kiện cho doanh nhân, trí thức là người Việt Nam, công dân Việt Nam là học sinh, sinh viên, người già, người đi thăm thân, du lịch hết hạn, bị kẹt ở nước ngoài và các trường hợp đặc biệt khác… về nước. Giao Bộ Ngoại giao chỉ đạo, có tiêu chí cụ thể để cho về nước, mở kênh đăng ký để tiếp nhận nhu cầu về nước. Bộ Ngoại giao làm việc với Bộ Quốc phòng, Giao thông vận tải để xác định các chuyến bay, điểm đón; Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các hãng hàng không tổ chức các chuyến bay, tăng tần suất các chuyến bay thương mại để đưa công dân Việt Nam về nước phù hợp với tình hình cách ly trong nước.

Về việc mở lại các chuyến bay thương mại quốc tế, Thủ tướng Chính phủ giao Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 công bố các vùng, địa bàn an toàn (với tiêu chí cụ thể như trong vòng 30 ngày qua không có ca nhiễm mới trong cộng đồng) để từng bước mở lại các chuyến bay thương mại quốc tế một cách chắn chắn và có hướng dẫn cụ thể việc cách ly các đối tượng nhập cảnh qua các chuyến bay này. Về các địa điểm mở lại chuyến bay, giao các Bộ: Ngoại giao, Y tế, Giao thông vận tải cân nhắc cụ thể, trước mắt lựa chọn một số địa điểm để mở sớm như Quảng Châu, Đài Loan, Seoul, Tokyo, Lào… trên cơ sở tình hình chung, có phương thức quản lý cụ thể song không nên mở ồ ạt. Các chuyến bay này cũng phải thực hiện các yêu cầu phòng, chống dịch, không để lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Cần sơ kết thường xuyên việc này. Giao  Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh chủ trì cùng Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chỉ đạo cụ thể, đạt kết quả tốt nhất.

Giao Bộ Tài chính thống nhất với Bộ Y tế để báo cáo Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 trình Thủ tướng Chính phủ quyết định phân bổ nguồn kinh phí huy động cho phòng, chống dịch theo nguyên tắc hỗ trợ cho công tác cách ly và cho các địa phương khó khăn; không chia đều; đảm bảo sử dụng hợp lý nhất cho phòng, chống dịch.

Báo cáo toàn bộ chi phí cần thiết cho phòng, chống dịch; trên cơ sở quy định của pháp luật, thống nhất với Bộ Y tế, xem xét đề xuất việc thu phí cách ly, đặc biệt phí điều trị, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật. Cần có vận dụng quy định về vấn đề thu phí cách ly tại Nghị định số 101/2010/NĐ-CP ngày 30/9/2010 một cách chặt chẽ, phù hợp, có định mức thu chi hợp lý, tiết kiệm chi cho ngân sách.

Thủ tướng đồng ý cho mở lại các dịch vụ vũ trường, karaoke

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các địa phương triển khai Chương trình kích cầu du lịch nội địa.  Thủ tướng đồng ý cho mở lại các dịch vụ vũ trường, karaoke. Bộ Công an lưu ý có biện pháp ngăn ngừa, chấn chỉnh một số hành vi lệch lạc, vi phạm pháp luật có nguy cơ cao xảy ra khi mở lại các dịch vụ này (như sử dụng ma túy).

Thủ tướng Chính phủ đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục chỉ đạo thực hiện cuộc vận động ủng hộ nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch để tạo nguồn kinh phí cho phòng, chống dịch, chia sẻ với ngân sách nhà nước.

Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đặc biệt là Bộ Y tế tiếp tục quan tâm chỉ đạo công tác phòng, chống dịch, không để gián đoạn, lơ là, chủ quan, nhất là ngăn ngừa nguy cơ xâm nhập dịch bệnh tại các tuyến biên giới; báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo về những vấn đề phát sinh; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Bộ Quốc phòng  tiếp tục chuẩn bị các cơ sở cách ly tập trung, bố trí các doanh trại quân đội, các trường của quân đội và cơ sở phù hợp làm nơi cách ly tập trung đối với người nhập cảnh.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quan tâm chỉ đạo thúc đẩy việc đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tại các nước, địa bàn an toàn, sẵn sàng tiếp nhận lao động là người Việt Nam.

Đề xuất giải pháp quản lý phù hợp bảo đảm an ninh năng lượng

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất giải pháp quản lý phù hợp đảm bảo an ninh quốc gia và an ninh năng lượng.

Báo Diễn đàn doanh nghiệp ngày 3/6/2020 có phản ánh nội dung:  Tập đoàn Super Energy (Thái Lan) thông qua mua cổ phần của các công ty trung gian thâu tóm các dự án điện mặt trời tại Bình Phước (Lộc Ninh 1, 2, 3, 4) tại khu vực biên giới với Campuchia. Giới đầu tư điện mặt trời trong nước đặt câu hỏi, nếu không đủ năng lực để triển khai dự án vì sao không chuyển nhượng trong nước mà bán cho nước ngoài.

Về thông tin Báo Diễn đàn doanh nghiệp phản ánh nêu trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất giải pháp quản lý phù hợp đảm bảo an ninh quốc gia và an ninh năng lượng.

Tiêu chí sản phẩm công nghiệp an ninh

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 63/2020/NĐ-CP  quy định về công nghiệp an ninh.

Nghị định này quy định chi tiết thi hành Điều 34 Luật Công an nhân dân năm 2018 về công nghiệp an ninh, bao gồm nguyên tắc xây dựng và phát triển công nghiệp an ninh; nhiệm vụ, tổ chức hoạt động công nghiệp an ninh; chính sách, cơ chế đặt thù và chương trình, kế hoạch xây dựng, phát triển công nghiệp an ninh; hợp tác quốc tế về công nghiệp an ninh; quản lý nhà nước về công nghiệp an ninh;....

Trong đó, Nghị định quy định tiêu chí sản phẩm công nghiệp an ninh chuyên dụng, gồm:

1- Sản phẩm có tính năng đặc thù phù hợp với tính chất, đặc điểm, yêu cầu nghiệp vụ của lực lượng Công an nhân dân và lực lượng thực thi pháp luật khác.

2- Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đặt hàng, giao kế hoạch hoặc giao nhiệm vụ sản xuất, cung ứng theo quy định của pháp luật.

3- Được pháp luật quy định cụ thể về đối tượng được sử dụng, trường hợp sử dụng.

Tiêu chí sản phẩm công nghiệp an ninh lưỡng dụng gồm:

1- Sản phẩm phục vụ công tác đảm bảo an ninh, an toàn, phòng chống cháy, nổ, cứu nạn, cứu hộ của lực lượng Công an nhân dân, lực lượng thực thi pháp luật khác và nhu cầu hợp pháp khác của xã hội.

2- Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đặt hàng, giao kế hoạch, giao nhiệm vụ sản xuất, cung ứng hoặc đấu thầu theo quy định của pháp luật.

Nghị định cũng ban hành danh mục sản phẩm công nghiệp an ninh, trong đó có sản phẩm công nghiệp an ninh chuyên dụng như: Công cụ hỗ trợ đặc biệt, chuyên dùng phục vụ an ninh; vũ khí, vật liệu nổ phục vụ quốc phòng, an ninh; khí tài phục vụ quốc phòng, an ninh; phương tiện cơ động đặc chủng, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ chuyên dùng phục vụ an ninh;...

Nghị định quy định cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm: Tiết lộ bí mật nhà nước về chương trình, kế hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp an ninh, kết quả khoa học, công nghệ có liên quan đến công nghiệp an ninh, nhiệm vụ sản xuất sản phẩm phục vụ công tác, chiến đấu của lực lượng Công an nhân dân; khai thác, sử dụng trái phép thiết bị và tài sản do Nhà nước giao cho cơ sở công nghiệp an ninh; mua, bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép sản phẩm công nghiệp an ninh chuyên dụng; sử dụng và chuyển giao trái phép thông tin, tài liệu, sáng chế, quy trình và bí quyết công nghệ thuộc bí mật nhà nước về công nghiệp an ninh; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi trái pháp luật trong hoạt động công nghiệp an ninh.

Nghị định có hiệu lực từ 1/8/2020.

Chuẩn bị sẵn sàng mở cửa du lịch quốc tế khi đủ điều kiện

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan chuẩn bị sẵn sàng để có thể mở cửa du lịch quốc tế ngay khi đủ điều kiện.

Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước với tỷ lệ đóng góp trực tiếp vào GDP là 9,2%; với hơn 40 ngàn doanh nghiệp du lịch, đã tạo ra khoảng 4,5 triệu việc làm trực tiếp và hàng triệu lao động phụ thuộc và liên quan khác. Trong thời gian phòng chống dịch COVID-19, du lịch là ngành chịu tác động tiêu cực, nặng nề nhất. Đến nay, đã hơn 53 ngày, nước ta không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn đang diễn biến rất phức tạp và có thể kéo dài.

Để có thể đạt được mục tiêu kép là tiếp tục phòng chống dịch hiệu quả và từng bước phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh cho nền kinh tế nói chung và ngành du lịch nói riêng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần quán triệt và thực hiện nghiêm quan điểm “kiên quyết ngăn chặn nguồn lây nhiễm từ bên ngoài để giữ ổn định cho bên trong phát triển”, chia sẻ, hỗ trợ và đồng hành cùng ngành du lịch vượt qua khó khăn bằng những giải pháp, hành động cụ thể, thiết thực và kịp thời.

Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và xử lý công việc hàng ngày; khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp đã được Chính phủ quyết nghị thông qua tại Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Phó Thủ tướng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ động phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, đề xuất kế hoạch nghỉ lễ và kế hoạch nghỉ hè của học sinh cho phù hợp với mục tiêu kích cầu du lịch, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/6/2020.

Phó Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan có văn bản đề nghị các địa phương chia sẻ, đồng hành cùng doanh nghiệp du lịch, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ, các hộ kinh doanh du lịch cộng đồng ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, với giải pháp thiết thực, kịp thời như cắt giảm các khoản phí, lệ phí, giá vé tham quan, du lịch trên địa bàn; xây dựng để kịp thời triển khai Chương trình Kích cầu du lịch nội địa; điều chỉnh giải pháp về truyền thông, quảng bá du lịch phù hợp với tình hình mới; chuẩn bị sẵn sàng để có thể mở cửa du lịch quốc tế ngay khi đủ điều kiện.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị du lịch toàn quốc vào khoảng đầu tháng 8/2020.

Lập hồ sơ các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu trình UNESCO

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đồng ý Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan lập hồ sơ các di sản văn hoá phi vật thể: Mo Mường (tỉnh Hòa Bình) và Lễ hội Vía Bà chúa Xứ Núi Sam (tỉnh An Giang), trình Thủ tướng Chính phủ cho phép đệ trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Kiểm tra phản ánh doanh nghiệp kêu vướng thủ tục hải quan

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính kiểm tra, xử lý phản ánh của báo Đấu thầu điện tử qua bài viết: "Doanh nghiệp kêu vướng nhiều thủ tục hải quan".

Trước đó, báo Đấu thầu điện tử ngày 4/6/2020 có bài viết "Doanh nghiệp kêu vướng nhiều thủ tục hải quan", trong đó nêu: Nhiều doanh nghiệp phản ánh vẫn phải nộp hồ sơ bản giấy dù đã nộp bản điện tử trên Cổng thông tin điện tử một cửa quốc gia. Nguyên nhân là do các văn bản pháp luật quy định về thủ tục hành chính được thiết kế dành cho hồ sơ giấy, chứ không tính đến việc thực hiện trực tuyến. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đề nghị Tổng cục Hải quan phối hợp với các bộ, ngành có liên quan rà soát, đưa ra danh mục các thủ tục phải nộp hồ sơ giấy, nếu không thì chỉ nộp bản điện tử.

Bài báo cũng nêu, theo phản ánh của doanh nghiệp, hệ thống quản lý của cơ quan hải quan chưa tự động xoá nợ với trường hợp doanh nghiệp đã nộp phí hải quan cho một lần làm thủ tục đối với hàng tạm nhập tái xuất hoặc tạm xuất tái nhập, khiến nhiều doanh nghiệp bị hệ thống báo nợ phí hải quan. Do vậy, cần nâng cấp hệ thống quản lý thu phí hải quan để phân biệt được doanh nghiệp đã nộp, không bị báo nợ như hiện nay.

Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính kiểm tra, xử lý nội dung báo nêu.

Tăng cường phân phối, tiêu thụ nội địa mặt hàng thủy sản

Bộ Công Thương nghiên cứu và có giải pháp tăng cường phân phối, tiêu thụ nội địa đối với mặt hàng thủy sản; kiên quyết xử lý các hành vi trục lợi, ép giá, gian lận thương mại.

Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến về đề xuất giải pháp hỗ trợ tiêu thụ hải sản cho ngư dân.

Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục theo dõi, bám sát tình hình khai thác, sản xuất thủy sản tại các địa phương; tình hình dịch COVID–19 tại các nước trên thế giới, đặc biệt là các thị trường chính, truyền thống; kịp thời có chỉ đạo, hướng dẫn, tạo điều kiện để các doanh nghiệp có thể tiến hành xuất khẩu, giao kết hợp đồng mới ngay khi các thị trường này mở cửa trở lại.

Thủ tướng lưu ý trong thời gian này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức rà soát, đánh giá hoạt động của chuỗi liên kết sản xuất thủy sản để có giải pháp tăng cường đối với các khâu còn chưa đáp ứng yêu cầu như bảo quản, dự trữ…

Bộ Công Thương nghiên cứu và có giải pháp tăng cường phân phối, tiêu thụ nội địa đối với mặt hàng thủy sản; kiên quyết xử lý các hành vi trục lợi, ép giá, gian lận thương mại; chỉ đạo các cơ quan đại diện thương mai ở nước ngoài kịp thời thông tin công khai về tình hình mở cửa trở lại của các thị trường cũng như nhu cầu về sản phẩm thủy sản của các thị trường.

Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động làm việc, phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nghiên cứu, cân nhắc việc áp dụng Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID–19 đối với các trường hợp chủ tàu, ngư dân đăng ký tạm dừng khai thác hoặc bị ảnh hưởng do không đi khai thác trong thời gian dịch COVID–19.

Tiêu chí cần đạt tối thiểu trong đánh giá, phân hạng sản phẩm

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký Quyết định 781/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số Phụ lục Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 21/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ Tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Theo đó, sửa đổi tên nhóm sản phẩm "Dịch vụ du lịch - truyền thống - lễ hội tại Mục 1, Phần VI, Phụ lục I thành nhóm: "Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch".
Bên cạnh đó, bổ sung Mục 6, Phụ lục II nội dung: "6. Yêu cầu về một số tiêu chí cần đạt tối thiểu trong đánh giá, phân hạng sản phẩm". Áp dụng đối với các nhóm sản phẩm (trừ nhóm sản phẩm Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch).
Cụ thể, có 3 nhóm tiêu chỉ gồm: 1- Sản phẩm và sức mạnh cộng đồng; 2- Khả năng tiếp thị; 3- Chất lượng sản phẩm. Các nhóm tiêu chí này phân hạng từ 1 sao đến 5 sao.
Trong đó, với nhóm tiêu chí chất lượng sản phẩm, tiêu chí cần đạt tối thiểu theo từng phân hạng sản phẩm OCOP như sau:

- Hạng 2 sao: Hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm nhóm 4 và 5, có bản mô tả về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.

- Hạng 3 sao: 1- Hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm có công bố tiêu chuẩn sản phẩm theo quy định; 2- Bảo đảm chất lượng sản phẩm: Nhóm 1, 2, 3 và 4: Có kế hoạch kiểm soát nội bộ gắn với truy suất nguồn gốc theo quy định của pháp luật; 3- Mức độ tinh xảo/sắc nét: Nhóm 5: Có giá trị mỹ thuật, kỹ thuật.

- Hạng 4 sao: 1- Đáp ứng các yêu cầu của hạng 3 sao; 2- Tính độc đáo: Nhóm 1, 2, 3 và 4: Chất lượng sản phẩm độc đáo, mang tính đặc trưng; 3- Mức độ tinh xảo/sắc nét: Nhóm 5: Chất lượng sản phẩm tinh xảo; 4- Bảo đảm chất lượng sản phẩm: Nhóm 1, 2, 3 và 4: Có chứng nhận quản lý chất lượng tiên tiến của Việt Nam.

- Hạng 5 sao: 1- Đáp ứng các yêu cầu của hạng 4 sao; 2- Bảo đảm chất lượng sản phẩm: Có chứng nhận quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng các tiêu chuẩn thị trường đích./.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Print
717 Rate this article:
No rating

Thư viện ảnh

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ - VIỆN KHOA HỌC THỂ DỤC THỂ THAO - TỔNG CỤC THỂ DỤC THỂ THAO
Người chịu trách nhiệm chính: PGS.TS. Nguyễn Danh Hoàng Việt
Địa chỉ: 141 Nguyễn Thái Học - Ba Đình - Hà Nội * Điện thoại: (84-4) 733 0286 * FAX: (84-4) 733 4419
Website: vkhtdtt.vn; Email: banbientap.vkhtdtt@gmail.com

 

Close Copyright [2018] by TTTT
Back To Top