Responsive image

Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 10/8

Thông tin báo chí chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 10/8

THÔNG TIN BÁO CHÍ

THÔNG TIN CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH CỦA CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

7 giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ. Mục tiêu đến năm 2030, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp; có khoảng 2.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.

Mục tiêu cụ thể trong lĩnh vực linh kiện phụ tùng, phát triển linh kiện phụ tùng kim loại, linh kiện phụ tùng nhựa - cao su và linh kiện phụ tùng điện - điện tử, đáp ứng mục tiêu đến hết năm 2025 cung ứng được 45% nhu cầu sản phẩm linh kiện phụ tùng cho các ngành công nghiệp trên lãnh thổ Việt Nam. Đến năm 2030, cung ứng được 65% nhu cầu trong nước, đẩy mạnh sản xuất các lĩnh vực sản phẩm phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao.

Lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may - da giày: phát triển nguyên vật liệu và phụ liệu phục vụ ngành dệt may - da giày, đáp ứng mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ cung cấp trong nước của ngành công nghiệp dệt may đạt 65%, ngành da giày đạt 75 - 80%, với các sản phẩm có giá trị gia tăng cao phục vụ sản xuất xuất khẩu.

Lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao: phát triển sản xuất vật liệu, thiết bị hỗ trợ chuyên dụng, phần mềm và dịch vụ phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao; phát triển hệ thống doanh nghiệp cung cấp thiết bị hỗ trợ chuyên dụng, hỗ trợ chuyển giao công nghệ trong công nghiệp công nghệ cao. Hình thành các doanh nghiệp bảo trì, sửa chữa máy móc đạt tiêu chuẩn quốc tế, làm tiền đề phát triển doanh nghiệp sản xuất thiết bị, phần mềm phục vụ các ngành này. Hình thành hệ thống nghiên cứu phát triển và sản xuất vật liệu mới, đặc biệt là vật liệu điện tử.

Để đạt được các mục tiêu trên, Chính phủ đề ra 7 giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ.

1- Hoàn thiện cơ chế, chính sách: Xây dựng, hoàn thiện và triển khai hiệu quả, đồng bộ các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển công nghiệp hỗ trợ và các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển (được Nhà nước ưu đãi và hỗ trợ theo quy định tại Luật Đầu tư) đảm bảo điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghiệp hỗ trợ, đồng thời xây dựng và triển khai các chính sách hiệu quả cho các ngành công nghiệp vật liệu và phát triển thị trường cho các ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh, tạo nền tảng cơ bản cho công nghiệp hóa theo hướng hiện đại và bền vững.

2- Đảm bảo và huy động hiệu quả nguồn lực phát triển công nghiệp hỗ trợ: Bố trí, đảm bảo và huy động nguồn lực hiệu quả để triển khai thực hiện chính sách đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ và các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển. Nâng cao vai trò và khuyến khích các địa phương đầu tư các nguồn lực để triển khai các chính sách, chương trình và hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển trên cơ sở căn cứ các quy định của pháp luật và bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương đó.

3- Giải pháp về tài chính, tín dụng: Tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi về lãi suất đối với doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển khi vay vốn ngắn hạn tại tổ chức tín dụng; Nhà nước thực hiện cấp bù chênh lệch lãi suất đối với các khoản vay trung và dài hạn của các doanh nghiệp để thực hiện dự án sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển bằng nguồn vốn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài.

4- Phát triển chuỗi giá trị trong nước: Tạo cơ hội hình thành và phát triển chuỗi giá trị trong nước thông qua thu hút đầu tư hiệu quả và thúc đẩy kết nối kinh doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp đa quốc gia, các công ty sản xuất, lắp ráp trong nước và nước ngoài; xây dựng các khu công nghiệp hỗ trợ tập trung để tạo cụm liên kết ngành; phát triển các ngành công nghiệp vật liệu nhằm tăng cường tính tự chủ về nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, nâng cao giá trị gia tăng nội địa, sức cạnh tranh của sản phẩm và vị trí của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Đồng thời, thúc đẩy sự phát triển của các ngành sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh, hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm các doanh nghiệp Việt Nam trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển trở thành các Tập đoàn có tầm cỡ khu vực, tạo hiệu ứng lan tỏa và dẫn dắt các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển theo tinh thần Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

5- Phát triển và bảo vệ thị trường: Thúc đẩy phát triển thị trường nội địa và thị trường ngoài nước để tạo điều kiện phát triển công nghiệp hỗ trợ và các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển. Cụ thể, bảo đảm quy mô thị trường nội địa thông qua các giải pháp phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển trên nguyên tắc đảm bảo hiệu quả kinh tế; xây dựng và thực thi hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật trong ngành công nghiệp phù hợp để bảo vệ sản xuất và người tiêu dùng trong nước; tăng cường công tác kiểm tra chất lượng hàng công nghiệp nhập khẩu và sử dụng các hàng rào kỹ thuật để bảo vệ hợp lý thị trường nội địa phù hợp với các cam kết và thông lệ quốc tế. Đồng thời, tìm kiếm, mở rộng các thị trường ngoài nước trên cơ sở tận dụng các hiệp định FTA đã ký kết; triển khai các biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển tham gia hiệu quả các hiệp định thương mại tự do; tích cực tháo gỡ các rào cản, chống các hành vi độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh; phát triển các loại hình và phương thức kinh doanh thương mại hiện đại.

6- Nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ: Xây dựng và vận hành hiệu quả các Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp vùng và địa phương từ vốn đầu tư trung hạn của Trung ương và địa phương trên cơ sở nhu cầu, mục tiêu phát triển và nguồn lực sẵn có nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển (R&D), chuyển giao công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh, tạo cơ hội tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Hình thành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi về tài chính, cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất nhằm nâng cao năng lực của các trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp vùng. Các trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp vùng có vai trò kết nối các trung tâm tại địa phương, hình thành hệ sinh thái chung về công nghệ và sản xuất công nghiệp.

Bên cạnh đó, cần tập trung nâng cao năng lực khoa học công nghệ cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển nhằm tạo sự bứt phá về hạ tầng công nghệ, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế trong nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ, mua bán, chuyển giao các sản phẩm khoa học, công nghệ; đẩy mạnh thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu khoa học, công nghệ; tăng cường cơ chế hợp tác công tư trong việc triển khai các dự án đổi mới công nghệ, nghiên cứu và phát triển.

Đồng thời, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo thông qua các chương trình, kế hoạch quốc gia về nâng cao tay nghề, thúc đẩy liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động, phát triển hệ thống quản lý và đảm bảo chất lượng giáo dục nghề nghiệp, triển khai mô hình quản lý theo hướng hiện đại, tinh gọn, chuyên nghiệp, áp dụng theo các tiêu chuẩn quốc tế và ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, phát triển hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, đặc biệt đối với các kỹ năng nghề quan trọng trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

7- Thông tin truyền thông, thống kê và cơ sở dữ liệu: Xây dựng và hoàn thiện hệ thống thống kê, cơ sở dữ liệu công nghiệp hỗ trợ và các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển nhằm thúc đẩy kết nối giữa nhà cung cấp Việt Nam và các tập đoàn đa quốc gia; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và xây dựng chính sách về công nghiệp hỗ trợ; nâng cao chất lượng công tác thống kê, bảo đảm thông tin kịp thời, đầy đủ và chính xác. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng về công nghiệp hỗ trợ và các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển nhằm thu hút sự quan tâm, thay đổi, và nâng cao nhận thức, trách nhiệm thực hiện của lãnh đạo các cấp, các ngành, các địa phương và toàn xã hội về phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ.

Thủ tướng phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt xây dựng Kế hoạch thực hiện EVFTA nhằm phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cho các cơ quan, tổ chức liên quan, quyết định biện pháp chỉ đạo, điều hành và các biện pháp khác triển khai thực hiện đầy đủ và có hiệu quả Hiệp định này.

Để đạt được mục tiêu nêu trên, trong thời gian tới, bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện những nhiệm vụ cơ bản như: Tuyên truyền, phổ biến thông tin về EVFTA và thị trường của các nước EU; xây dựng pháp luật, thể chế; nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực; chủ trương và chính sách đối với tổ chức công đoàn và các tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp; chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Về công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về EVFTA và thị trường của các nước EU, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường phổ biến về EVFTA cho các đối tượng có liên quan, đặc biệt là các đối tượng có thể chịu tác động như nông dân, ngư dân, cơ quan quản lý cấp trung ương và địa phương, hiệp hội ngành nghề, hợp tác xã, cộng đồng doanh nghiệp, công nhân, các thành phần lao động khác thông qua các phương tiện truyền thông, trang thông tin điện tử…

Đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại – đầu tư tại các nước EU nhằm thông tin cho cộng đồng doanh nghiệp các nước về cơ hội và lợi thế môi trường kinh doanh đầu tư của Việt Nam, qua đó phát triển quan hệ thương mại, thu hút đầu tư nước ngoài vào những lĩnh vực trọng điểm.

Cùng với đó là xây dựng các chương trình hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành hàng, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, nông dân, phù hợp với cam kết quốc tế; đồng thời, chuẩn bị những giải pháp ứng phó, phù hợp với cam kết quốc tế; đồng thời, chuẩn bị những giải pháp ứng phó, hỗ trợ đối với những ngành hàng, mặt hàng chịu tác động lớn, trực tiếp từ việc thực thi Hiệp định; hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Tập trung cơ cấu lại công nghiệp, tạo nền tảng cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo mô hình sản xuất tiên tiến, ứng dụng khoa học – công nghệ, an toàn, thân thiện với môi trường; tăng cường các biện pháp, cơ chế khuyến khích, định hướng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kết nối với doanh nghiệp nội địa, góp phần vào việc hình thành và phát triển chuỗi cung ứng…

Phê duyệt chủ trương đầu tư cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) theo hình thức đối tác công tư.

Mục tiêu đầu tư dự án nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải kết nối trung tâm kinh tế, chính trị với các tỉnh miền núi phía Đông Bắc, các khu kinh tế, khu du lịch quốc gia, khu công nghiệp, phục vụ cho mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh và giữ vững chủ quyền biên giới Quốc gia. Tạo ra một tuyến cao tốc đối ngoại huyết mạch mới kết nối giao thương hàng hóa từ cảng Quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng) đi Trùng Khánh – Urumqi (Trung Quốc) - Khorgos (Kazakhstan) sang các nước châu Âu, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Cao Bằng; thay đổi tình trạng quốc lộ 4A là đường độc đạo nối giữa hai tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng.

Theo phê duyệt, tuyến cao tốc có chiều dài khoảng 115 km. Trong đó, trên địa phận tỉnh Lạng Sơn khoảng 52 km, đi qua huyện Văn Lãng, huyện Tràng Định và trên địa phận tỉnh Cao Bằng khoảng 63 km, đi qua huyện Thạch An, huyện Quảng Hoà (huyện Phục Hòa và huyện Quảng Uyên cũ), huyện Trùng Khánh (huyện Trà Lĩnh cũ), huyện Hòa An và thành phố Cao Bằng. Tuyến nối đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh vào thành phố Cao Bằng có chiều dài khoảng 15,5 km đi qua các huyện Quảng Hoà (huyện Quảng Uyên cũ), huyện Hòa An và thành phố Cao Bằng. Điểm đầu tại nút giao khu vực cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng kết nối vào đoạn nối cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng với cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam tỉnh Lạng Sơn. Điểm cuối tại nút giao đường vào khu kinh tế cửa khẩu Trà Lĩnh và quốc lộ 34, thuộc khu kinh tế cửa khẩu Trà Lĩnh tỉnh Cao Bằng.

Quy mô dự án là đường ô tô theo tiêu chuẩn đường cao tốc (TCVN5729-2012). Tốc độ thiết kế Vtk = 80 km/h, đối với đoạn địa hình khó khăn cho phép thiết kế với vận tốc 60km/h.

Dự án được triển khai trong 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (năm 2020-2024): Đầu tư khoảng 93 km (từ Km0+00 tại nút giao khu vực cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng đến Km93+00 nút giao với quốc lộ 3 tại lý trình Km307+650 quốc lộ 3, xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa) với quy mô nền đường 17 m, mặt đường rộng 14 m với 4 làn xe (4 x 3,5 m), lề gia cố rộng 0,5 m (2 x 0,25 m), dải phân cách và dải an toàn rộng 1,5 m (0,5 m + 2 x 0,5 m), lề đất rộng 1,0 m (2 x 0,5 m). Trong bước tiếp theo cần nghiên cứu châm trước về quy mô và hướng tuyến để phù hợp với các đoạn tuyến đi qua khu vực có điều kiện tự nhiên đặc biệt khó khăn trên nguyên tắc vòng tránh các khu vực có nguy cơ cao về sụt trượt hay chịu ảnh hưởng lớn của hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu, giữ gìn cảnh quan non nước Cao Bằng, đảm bảo an toàn, tiết kiệm và phù hợp về kinh tế - kỹ thuật.

Giai đoạn 2 (hoàn thiện) thực hiện sau năm 2025: Đầu tư tiếp khoảng 22 km (từ Km93+00 nút giao với quốc lộ 3 tại lý trình Km307+650 quốc lộ 3 xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa đến Km115+00 tại cửa khẩu Trà Lĩnh) với quy mô bề rộng nền đường 17 m, mặt đường rộng 14 m với 4 làn xe (4 x 3,5 m), lề gia cố rộng 0,5 m (2 x 0,25 m), dải phân cách và dải an toàn rộng 1,5 m (0,5 m + 2 x 0,5 m), lề đất rộng 1,0 m (2 x 0,5 m) làn dừng xe khẩn cấp không liên tục.

Đây là dự án nhóm A với tổng mức đầu tư dự kiến là 20.939 tỷ đồng.

Kiểm tra thông tin báo nêu về quản lý nguyên liệu bổ sung thức ăn chăn nuôi

Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, ngày 2/8/2020, có bài viết "Doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu bổ sung thức ăn chăn nuôi lao đao vì cấp phép", trong đó nêu: Theo Công ty GFC Omega Việt Nam, có sự chồng chéo trong quản lý gây khó khăn cho doanh nghiệp, cụ thể khi Doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu có chứa Acid Formic từ 10-30%, tuân thủ theo quy định của Chính phủ về quản lý thức ăn chăn nuôi và được thẩm định hồ sơ có giấy phép của Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tuy nhiên, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan cho rằng phải xin phép Cục Hóa chất, Bộ Công Thương và xử phạt Doanh nghiệp do thiếu giấy phép.

Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra thông tin báo nêu, xử lý theo quy định và công khai các thủ tục hành chính để không xảy ra trường hợp tương tự.

Nghiên cứu phản ánh liên quan đến quy định về điện mặt trời mái nhà

Báo Diễn đàn Doanh nghiệp ngày 3/8/2020 có phản ánh nội dung: Điện mặt trời mái nhà có vai trò quan trọng  trong việc giảm áp lực về nguồn điện. Nhưng Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam lại quy định dự án điện mặt trời mái nhà có công suất không quá 1 MW, trong khi ở các Khu công nghiệp, trang trại có diện tích mái vài ha. Câu hỏi đặt ra là quy định  khống chế dự án điện mặt trời mái nhà dưới 1 MW có đi ngược định hướng đầu tư?

Về thông tin Báo Diễn đàn Doanh nghiệp phản ánh nêu trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có ý kiến chỉ đạo Bộ Công Thương nghiên cứu, xử lý.

Giải quyết dứt điểm các vụ khiếu nại, tố cáo đông người

Xét báo cáo của Thanh tra Chính phủ về tình hình khiếu nại, tố cáo đông người, kéo dài trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức tiếp công dân, tuyên truyền, vận động, có biện pháp cần thiết hữu hiệu để công dân trở về địa phương giải quyết. Trường hợp cần thiết, phối hợp với địa phương tổ chức đối thoại với công dân tại địa phương nhằm hạn chế việc công dân tập trung khiếu kiện ở Trung ương.

Phó Thủ tướng giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung các biện pháp cần thiết để giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài. Trong quá trình thực hiện gặp khó khăn vướng mắc, chủ động báo cáo, phối hợp với Thanh tra Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan để có biện pháp giải quyết kịp thời.

Khi có công dân tập trung khiếu kiện ở các cơ quan Trung ương phải đề cao trách nhiệm, phối hợp với Thanh tra Chính phủ và các cơ quan có liên quan tổ chức tiếp dân, có biện pháp cần thiết, hữu hiệu không để công dân tập trung khiếu kiện đông người, kéo dài ở các cơ quan Trung ương, nhất là trong thời gian diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước.

Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng và công an các tỉnh, thành phố tăng cường các biện pháp nghiệp vụ bảo đảm tuyệt đối an toàn các mục tiêu bảo vệ và ổn định tình hình an ninh trật tự, có biện pháp xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật những người có hành vi lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo gây rối an ninh, trật tự, xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Hòa Bình cần phát huy, khai thác các thế mạnh của tỉnh

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hòa Bình.

Trong thời gian qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hòa Bình đã nỗ lực phấn đấu, đạt được thành tựu quan trọng. Kinh tế liên tục đạt tăng trưởng khá (năm 2018 đạt 8,36%, năm 2019 đạt 6,75%), cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng thị trường và đi đầu trong một số lĩnh vực như dịch vụ du lịch, sân golf...

Trong 6 tháng đầu năm 2020, tỉnh Hòa Bình vừa tích cực triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm khác, vừa nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh đã và đang tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho đầu tư, cho sản xuất kinh doanh của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; tạo môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, phấn đấu đạt kết quả cao nhất trong năm 2020.

Bên cạnh kết quả đạt được, tỉnh Hòa Bình cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Quy mô nền kinh tế còn nhỏ, GRDP bình quân đầu người thấp hơn mức trung bình của cả nước; chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa đạt yêu cầu; gặp nhiều khó khăn và còn nhiều điểm nghẽn trong việc khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế vốn có. Tình hình thiên tai (lũ quét, sạt lở đất ...), thời tiết, dịch bệnh diễn biến phức tạp, cực đoan ảnh hưởng không nhỏ tới phát triển kinh tế - xã hội; đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn.

Để phát huy, khai thác các tiềm năng, thế mạnh của địa phương, phấn đấu đạt kết quả cao trong năm 2020 và phát triển kinh tế - xã hội toàn diện trong các năm tới, tỉnh Hòa Bình cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 có thể còn kéo dài và diễn biến khó lường, Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Hòa Bình tuyệt đối không được chủ quan, luôn đề cao cảnh giác, theo dõi sát tình hình; thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, kiên quyết không để dịch bệnh quay trở lại và lây lan trong cộng đồng.

Đồng thời, tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công cũng như vốn đầu tư xã hội.

Tỉnh Hòa Bình cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch trên địa bàn; triển khai lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch chuyên ngành (xây dựng, giao thông, đô thị, dân cư, phòng chống thiên tai, sử dụng đất rừng, … ), đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Hòa Bình phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan trong việc xây dựng các kế hoạch để triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh như kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, kế hoạch huy động các nguồn vốn đầu tư (ngân sách nhà nước, ODA, FDI, tư nhân …); trong đó chú trọng, tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu, đặc biệt là hệ thống giao thông (đối nội và đối ngoại) để tháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Chủ động làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư và chuẩn bị quỹ đất để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư theo quy hoạch, kế hoạch./.

Print
873 Rate this article:
No rating

Thư viện ảnh

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ - VIỆN KHOA HỌC THỂ DỤC THỂ THAO - TỔNG CỤC THỂ DỤC THỂ THAO
Người chịu trách nhiệm chính: PGS.TS. Nguyễn Danh Hoàng Việt
Địa chỉ: 141 Nguyễn Thái Học - Ba Đình - Hà Nội * Điện thoại: (84-4) 733 0286 * FAX: (84-4) 733 4419
Website: vkhtdtt.vn; Email: banbientap.vkhtdtt@gmail.com

 

Close Copyright [2018] by TTTT
Back To Top