Responsive image

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 13/2/2020

Thông tin báo chí chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 13/2/2020

THÔNG TIN BÁO CHÍ

THÔNG TIN CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH CỦA CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

 

Điều kiện sản xuất rượu có độ cồn dưới 5,5 độ

Chính phủ đã ban hành Nghị định 17/2020/NĐ-CP trong đó sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 105/2017/NĐ-CP ngày 14/9/2017 của Chính phủ về kinh doanh rượu.

Trong đó, Nghị định bổ sung Chương IIa vào sau Chương II kinh doanh rượu có độ cồn dưới 5,5 độ. Cụ thể, bổ sung quy định điều kiện sản xuất rượu có độ cồn dưới 5,5 độ gồm:

1- Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật.

2- Tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.

3- Đăng ký với Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng thuộc UBND cấp huyện nơi thương nhân đặt cơ sở sản xuất. Trường hợp có thay đổi nội dung đã đăng ký phải thực hiện đăng ký bổ sung.

Nghị định cũng bổ sung quy định điều kiện nhập khẩu rượu có độ cồn dưới 5,5 độ: Đáp ứng các điều kiện quy định tại (1), (2) nêu trên; rượu chỉ được nhập khẩu vào Việt Nam qua các cửa khẩu quốc tế; phải đăng ký với Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng thuộc UBND cấp huyện nơi thương nhân đặt trụ sở chính trước khi tiến hành hoạt động kinh doanh. Trường hợp có thay đổi nội dung đã đăng ký phải thực hiện đăng ký bổ sung.

Ngoài ra, Nghị định quy định điều kiện bán rượu có độ cồn dưới 5,5 độ gồm: Đáp ứng các điều kiện (1) (2) nêu trên; đăng ký với Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng thuộc UBND cấp huyện nơi thương nhân đặt cơ sở kinh doanh trước khi tiến hành hoạt động kinh doanh. Trường hợp có thay đổi nội dung đã đăng ký phải thực hiện đăng ký bổ sung.

* Nghị định 17/2020/NĐ-CP nêu rõ: Thương nhân sản xuất rượu công nghiệp, sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, phân phối rượu, bán buôn rượu, bán lẻ rượu có độ cồn từ 5,5 độ trở lên phải có giấy phép; thương nhân bán rượu có độ cồn từ 5,5 độ trở lên tiêu dùng tại chỗ, thương nhân kinh doanh rượu có độ cồn dưới 5,5 độ phải đăng ký với Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng cấp huyện; hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu thủ công có độ cồn từ 5,5 độ trở lên bán cho cơ sở có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại phải đăng ký với UBND cấp xã nơi đặt cơ sở sản xuất.

 

Thủ tướng bổ nhiệm 2 Thứ trưởng

Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Cụ thể, tại quyết định số 242/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ điều động, bổ nhiệm ông Phạm Ngọc Thưởng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn nhiệm kỳ 2016 – 2021 giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ông Phạm Ngọc Thưởng sinh năm 1968, là Tiến sỹ Ngữ văn; đã đảm nhiệm các chức vụ: Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn, Bí thư huyện ủy Chi Lăng – tỉnh Lạng Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn.

Tại Quyết định số 243/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ điều động, bổ nhiệm ông Lê Minh Ngân, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nhiệm kỳ 2016 – 2021, giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Ông Lê Minh Ngân sinh năm 1969, là Thạc sỹ Kinh tế. Trước khi được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Ngân đã từng đảm nhiệm các chức vụ: Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình.

 

Thành lập Tổ công tác rà soát văn bản QPPL

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật. Bộ trưởng Bộ Tư pháp làm Tổ trưởng Tổ công tác.

Các Tổ phó Tổ công tác gồm: Thứ trưởng Bộ Tư pháp (Tổ phó thường trực); Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Các thành viên Tổ công tác là đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Nội vụ, Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông, Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ; Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Ủy ban Dân tộc.

Mời đại diện lãnh đạo các cơ quan: Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp - Tổ trưởng Tổ công tác giao đơn vị thuộc Bộ Tư pháp thực hiện nhiệm vụ Bộ phận thường trực Tổ công tác; thành lập Tổ giúp việc Tổ công tác. Các Bộ, cơ quan liên quan cử từ 1-2 đại diện là cán bộ có chuyên môn chuyên sâu, kinh nghiệm về công tác xây dựng, rà soát, hoàn thiện pháp luật tham gia Tổ giúp việc Tổ công tác.

Tổ công tác hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về thực hiện nhiệm vụ được giao.

Tổ công tác có chức năng tham mưu, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hành công tác rà soát pháp luật, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật trong phạm vi nhiệm vụ được giao và nhiệm vụ khác theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Tổ công tác thực hiện nhiệm vụ rà soát các quy định của pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn, gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển; kiến nghị sửa đổi, bổ sung để giải phóng nguồn lực tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế xã hội.

Bên cạnh đó, tham mưu, giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo thực hiện Kế hoạch thực hiện rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan ngang bộ; có ý kiến độc lập về các Báo cáo kết quả rà soát văn bản thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan ngang bộ, Báo cáo của Chính phủ về rà soát văn bản thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước.

Đồng thời, tham mưu, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan liên quan thực hiện công tác rà soát vướng mắc, bất cập của hệ thống pháp luật; chủ động tổ chức rà soát độc lập, chuyên sâu theo nhóm văn bản quy phạm pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn, gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển; kịp thời kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các biện pháp, chỉ  đạo sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Tổ công tác làm việc theo chế độ tập thể, kiêm nhiệm, đề cao trách nhiệm cá nhân của Tổ trưởng, thành viên Tổ công tác trước Thủ tướng Chính phủ.

 

Xem xét, xử lý phản ánh "không siết xe tự lái, họa còn dài"

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Giao thông vận tải xem xét, xử lý phản ánh của báo chí qua bài viết "Không siết xe tự lái, họa còn dài".

Trước đó, báo Người Lao động điện tử ra ngày 5/2/2020 có bài "Không siết xe tự lái, họa còn dài" phản ánh việc cho thuê xe tự lái đang diễn ra tràn lan, mỗi nơi mỗi kiểu với những ràng buộc, cam kết riêng; tiềm ẩn nhiều rủi ro về an toàn giao thông và an ninh trật tự, không được cơ quan chức năng kiểm soát. Nếu không siết chặt công tác quản lý, giám sát hình thức kinh doanh này thì còn tiềm ẩn tai họa, rủi ro.

Về vấn đề trên, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải xem xét, xử lý và trả lời cho báo Người lao động biết.

 

Tăng cường đối thoại tại nơi xảy ra vụ việc khiếu nại, tố cáo

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại buổi làm việc với Trụ sở Tiếp công dân Trung ương tại Hà Nội.

Trong năm 2019, Ban Tiếp công dân Trung ương và cán bộ, công chức các cơ quan Trung ương tham gia tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương đã phối hợp với các cơ quan chức năng của Trung ương và các địa phương thực hiện tốt trách nhiệm tiếp công dân, xử lý đơn, thư, nhất là trong thời gian diễn ra các kỳ họp Quốc hội, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương và các sự kiện chính trị quan trọng khác của đất nước, góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự ở thủ đô Hà Nội.

Năm 2020, đất nước ta có nhiều sự kiện chính trị quan trọng, đặc biệt là diễn ra Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; nước ta thực hiện trách nhiệm Chủ tịch ASEAN. Để làm tốt công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo, Phó Thủ tướng yêu cầu Thanh tra Chính phủ, các Bộ, cơ quan Trung ương tham gia tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ.

Cụ thể, Phó Thủ tướng giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng của Trung ương và các cơ quan trực tiếp tham gia tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ với các địa phương tổ chức chu đáo việc tiếp công dân theo đúng quy định, chủ động xử lý các tình huống phức tạp phát sinh, nhất là trong thời gian diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, góp phần tổ chức thành công Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Đồng thời tổ chức thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 115/TTg - V.I ngày 20/01/2020 về việc tiếp nhận, xử lý đơn thư của công dân, tổ chức gửi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Thông qua việc tiếp nhận, xử lý đơn thư, tăng cường theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các cấp trong việc xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Bên cạnh đó, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các bộ, ngành, địa phương thực hiện kế hoạch kiểm tra, rà soát, tập trung giải quyết cơ bản, dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài. Chỉ đạo Ban Tiếp công dân Trung ương thông qua việc tiếp công dân, nắm chắc tình hình, đề xuất Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ và yêu cầu các địa phương tập trung rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài đến các cơ quan Trung ương.

Giải quyết dứt điểm các vụ khiếu nại, tố cáo đông người

Phó Thủ tướng giao Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Công an thành phố Hà Nội và Công an thành phố Hồ Chí Minh tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn Trụ sở Tiếp công dân và cán bộ, công chức tham gia tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân; phối hợp Công an các địa phương xử lý nghiêm những người lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo vi phạm pháp luật, gây mất trật tự, an ninh, xúc phạm, chống người thi hành công vụ.

Bộ Công an phối hợp với Thanh tra Chính phủ, các cơ quan chức năng của Trung ương và các địa phương xử lý tình trạng khiếu kiện đông người tại các cơ quan Trung ương, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn tuyệt đối Trụ sở các cơ quan Trung ương và các sự kiện chính trị quan trọng.

UBND các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương tập trung kiểm tra, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài; tăng cường đối thoại tại nơi xảy ra vụ việc. Khi có công dân tập trung khiếu kiện đông người, kéo dài ở các cơ quan Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phải phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an và các cơ quan chức năng của Trung ương trao đổi thông tin, tình hình giải quyết vụ việc, tổ chức tiếp công dân, vận động, thuyết phục, có biện pháp để công dân trở về địa phương giải quyết, không để công dân lưu trú dài ngày ở Hà Nội gây phức tạp về an ninh, trật tự, nhất là trong thời gian diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng.

 

Xem xét việc cấp lại Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Bamboo Airways

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến về việc cấp lại Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của Công ty cổ phần hàng không Tre Việt (Bamboo Airways).

Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải tiếp thu ý kiến của các Bộ, làm rõ các nội dung đề nghị thay đổi có làm thay đổi chủ trương đầu tư hoặc điều kiện kinh doanh vận chuyển hàng không của nhà đầu tư hay không; trên cơ sở đó, thực hiện thủ tục đối với dự án theo đúng trách nhiệm và thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Trước đó, Bamboo Airways đã nộp hồ sơ đề nghị Bộ Giao thông vận tải cấp lại giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không do các thay đổi: ông Trịnh Văn Quyết thay ông Đặng Tất Thắng làm người đại diện theo pháp luật; tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp; tăng đội bay từ 10 lên 30 chiếc cho tới năm 2023; bổ sung các chi nhánh của hãng…

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 11 của Nghị định số 92/2016/NĐ-CP, Bamboo Airways thực hiện thủ tục xin cấp lại Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không trong trường hợp thay đổi một trong các nội dung của Giấy phép là thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Theo Bộ Giao thông vận tải, việc cấp lại Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Bamboo Airways với các thay đổi thông tin về doanh nghiệp sẽ dẫn tới việc thông tin của doanh nghiệp không còn phù hợp với các Quyết định số 836/QĐ-TTg và 1014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, Bộ Giao thông vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những thay đổi nêu trên và xin ý kiến chỉ đạo trước khi Bộ Giao thông vận tải cấp lại Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Bamboo Airways./.

Print
988 Rate this article:
No rating

Thư viện ảnh

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ - VIỆN KHOA HỌC THỂ DỤC THỂ THAO - TỔNG CỤC THỂ DỤC THỂ THAO
Người chịu trách nhiệm chính: PGS.TS. Nguyễn Danh Hoàng Việt
Địa chỉ: 141 Nguyễn Thái Học - Ba Đình - Hà Nội * Điện thoại: (84-4) 733 0286 * FAX: (84-4) 733 4419
Website: vkhtdtt.vn; Email: banbientap.vkhtdtt@gmail.com

 

Close Copyright [2018] by TTTT
Back To Top