Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 14/2/2020 17 Tháng Hai 2020 Thông tin báo chí chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 14/2/2020 THÔNG TIN BÁO CHÍ THÔNG TIN CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH CỦA CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ Phân công công tác của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định số 235/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1527/QĐ-TTg ngày 1/8/2016 về việc phân công công tác của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ. Theo Quyết định số 235/QĐ-TTg, bổ sung phân công công tác đối với Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ như sau: 1. Thủ tướng Chính phủ: - Trực tiếp chỉ đạo, điều hành Khối kinh tế tổng hợp gồm: Kế hoạch; tài chính, giá cả; tiền tệ, ngân hàng; thị trường vốn, thị trường chứng khoán; các nguồn đầu tư tài chính; dự trữ Nhà nước; dự báo và chính sách điều hành kinh tế vĩ mô. - Theo dõi và chỉ đạo: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Bảo hiểm Tiền gửi. - Làm nhiệm vụ: Chủ tịch Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia; Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công. 2. Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình: - Giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực công tác: Sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước. - Theo dõi và chỉ đạo: Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Ngân hàng Phát triển Việt Nam. - Làm nhiệm vụ: Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp; Trưởng Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương. 3. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: - Giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực công tác: Hội nhập kinh tế quốc tế; theo dõi, chỉ đạo đàm phán và thực hiện các Hiệp định kinh tế song phương và đa phương; cơ chế một cửa ASEAN, cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại. - Làm nhiệm vụ: Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại. 4. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: - Giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực công tác: Chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội; xóa đói giảm nghèo. - Theo dõi và chỉ đạo: Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội. - Làm nhiệm vụ: Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công. 5. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: - Giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực công tác: Phát triển các loại hình doanh nghiệp; kinh tế hợp tác, hợp tác xã. - Làm nhiệm vụ: Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. * Trước đó, Bộ Chính trị đã có Quyết định số 1818-QĐNS/TW ngày 7/2/2020 điều động đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ thôi tham gia Ban Cán sự Đảng Chính phủ, phân công tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Thành ủy Hà Nội nhiệm kỳ 2015-2020. Quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, kiên định mục tiêu ổn định kinh tế Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01/2020 trong đó nêu rõ: Chính phủ thống nhất quan điểm chỉ đạo, điều hành là vừa thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh nCoV, vừa tiếp tục kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, nỗ lực phấn đấu cao nhất để đạt được mục tiêu tăng trưởng và các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đề ra. Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thể hiện quyết tâm chính trị, khẩn trương triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 với tinh thần chủ động, tích cực hơn, năng động, sáng tạo, nhạy bén hơn, có đối sách phù hợp, kịp thời để phòng, chống dịch bệnh và giảm thiểu, bù đắp được những thiệt hại do dịch bệnh gây ra trên các lĩnh vực. Phòng, chống dịch bệnh nCoV: Chủ động, tích cực ứng phó trên tất cả mọi phương diện Về công tác phòng, chống dịch bệnh nCoV: Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương coi công tác phòng, chống dịch bệnh nCoV là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, không được chủ quan nhưng cũng không hoang mang, dao động, cần chủ động, tích cực ứng phó trên tất cả mọi phương diện, sẵn sàng chấp nhận thiệt hại một phần kinh tế để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân. Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh nCoV, Ban Chỉ đạo các địa phương, các bộ, cơ quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm, đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo đúng chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng tại công văn số 79-CV/TW ngày 29/01/2020, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Chỉ thị số: 05/CT-TTg ngày 28/01/2020, 06/CT-TTg ngày 31/01/2020; Công điện số 156/CĐ-TTg ngày 02/02/2020…huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; coi việc phòng, chống dịch như “chống giặc”; có phương án, kịch bản ứng phó với mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ, không để dịch bệnh lây lan. Chính phủ giao Bộ Y tế là đầu mối đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện các chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; chú trọng thông tin, truyền thông, khuyến cáo cách phòng, chống dịch bệnh nhằm nâng cao hiểu biết, ổn định tâm lý của người dân; xây dựng, cập nhật các phương án để chủ động ứng phó với các tình huống dịch bệnh xảy ra. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế có văn bản hướng dẫn thực hiện một số chế độ đặc thù và nguồn kinh phí đảm bảo cho công tác phòng, chống dịch bệnh nCoV theo hướng ngân sách nhà nước đảm bảo theo phân cấp để chi trả theo đúng quy định của pháp luật. Chủ trì, thống nhất với Bộ Y tế, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 197/TTg-KTTH về việc miễn thuế nhập khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế, nước rửa tay sát trùng; nguyên liệu để sản xuất khẩu trang, nước sát trùng, các vật tư, thiết bị cần thiết khác phục vụ việc phòng, chống dịch bệnh nCoV, bảo đảm chặt chẽ, không để xảy ra việc lợi dụng chính sách nhằm trục lợi. Bộ Ngoại giao chủ trì cùng Bộ Y tế, các cơ quan liên quan hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc, các quốc gia, đối tác quốc tế, WHO để cập nhật tình hình quốc tế trong triển khai các biện pháp phòng, chống dịch đồng bộ, đạt hiệu quả cao và hài hòa với các quan hệ đối ngoại, đồng thời tạo thuận lợi cho trao đổi thương mại, đầu tư… Ứng phó tác động của dịch bệnh nCoV đối với phát triển kinh tế - xã hội Chính phủ yêu cầu từng bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình, đánh giá và lượng hóa các tác động của dịch bệnh nCoV đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và tăng trưởng của từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa bàn, nhất là xuất nhập khẩu, nông nghiệp, công nghiệp, du lịch, vận tải, dịch vụ để cập nhật kịch bản tăng trưởng theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 733/VPCP-KTTH ngày 03/02/2020; thúc đẩy mạnh mẽ sản xuất, kinh doanh, nỗ lực phấn đấu đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế -xã hội đề ra. Đồng thời đề xuất giải pháp, đối sách phù hợp để hạn chế các tác động do dịch bệnh nCoV gây ra, trong đó lưu ý các giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là nguồn vốn đầu tư công còn lại của năm 2019, thúc đẩy tiến độ triển khai thực hiện các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án công trình lớn như: Dự án đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận, đường bộ cao tốc Bắc-Nam, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh...; giải quyết nhanh thủ tục đầu tư các dự án FDI, ODA, các dự án đầu tư trong nước và việc thành lập các doanh nghiệp mới, thúc đẩy đầu tư xã hội, phấn đấu đạt mục tiêu một triệu doanh nghiệp trong năm 2020, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, không để công việc trì trệ Nghị quyết nêu rõ, các cấp, các ngành, các cơ quan hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, tập trung cao độ thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, không để công việc trì trệ; thực hiện nghiêm Công điện số 122a/CĐ-TTg ngày 30/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục theo dõi sát diễn biến, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối; tiếp tục tập trung tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, sản xuất, kinh doanh; chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới để ổn định sản xuất kinh doanh, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân vay vốn bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch bệnh nCoV… Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương phân bổ, giao chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020; đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn đầu tư công năm 2020 ngay từ đầu năm, nhất là các công trình hạ tầng bị thiệt hại do thiên tai, các dự án lớn, dự án quan trọng, chương trình mục tiêu quốc gia, dự án sử dụng nguồn vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài, bảo đảm thực hiện và giải ngân hết nguồn vốn còn lại của năm 2019 và nguồn vốn được giao năm 2020; đẩy mạnh triển khai việc đấu thầu qua mạng. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế và các địa phương có cửa khẩu tăng cường đàm phán với các đối tác, kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, nhất là hàng nông sản, các nguyên liệu cho hoạt động sản xuất vật tư, thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch; chủ động tìm kiếm thị trường mới, thúc đẩy tiêu thụ, chế biến trong nước các mặt hàng nông thủy sản, trái cây xuất khẩu giảm sút do tác động của dịch bệnh nCoV. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động kiểm soát tốt dịch bệnh gia súc, gia cầm, đặc biệt dịch tả lợn Châu Phi, dịch cúm gia cầm. Chủ động phối hợp với Bộ Công Thương đẩy mạnh công tác xúc tiến, phát triển thị trường trọng điểm, tiềm năng và thị trường ngách. Chủ trì, phối hợp với các địa phương bị thiệt hại bởi thiên tai tổng hợp báo cáo, gửi Bộ Tài chính để hỗ trợ kinh phí cho người dân theo quy định. Bộ Giáo dục và Đào tạo tích cực triển khai thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục; tổ chức vệ sinh, tẩy trùng 100% trường lớp học; có kế hoạch học bù để đảm bảo chương trình đào tạo theo quy định. Lập Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 09/NQ-CP về thành lập Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Hội đồng thẩm định). Nhiệm vụ của Hội đồng thẩm định là tổ chức thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến 2050 trước khi trình Chính phủ xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật về quy hoạch. Cơ cấu tổ chức của Hội đồng thẩm định gồm: Chủ tịch Hội đồng, các thành viên Hội đồng và cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm Chủ tịch Hội đồng thẩm định. Thành viên Hội đồng thẩm định là Bộ trưởng các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan và một số chuyên gia về quy hoạch. Chủ tịch Hội đồng quyết định việc lựa chọn các chuyên gia về quy hoạch tham gia Hội đồng thẩm định. Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định. Cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định được sử dụng con dấu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong quá trình hoạt động. Hội đồng thẩm định hoạt động theo hình thức kiêm nhiệm và tự giải thể sau khi nhiệm vụ lập quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ thông qua. Kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính Chính phủ vừa ban hành Nghị định 19/2020/NĐ-CP kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Nghị định này quy định về kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật người có thẩm quyền, trách nhiệm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Mục đích kiểm tra nhằm xem xét, đánh giá tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; động viên, khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; phát hiện những hạn chế, vướng mắc, bất cập, sai sót, vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính để kịp thời chấn chỉnh, xử lý, khắc phục. Bên cạnh đó, phòng, chống, ngăn chặn các vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong việc tổ chức thực hiện, áp dụng pháp luật nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Đồng thời, phát hiện các quy định chưa thống nhất, đồng bộ hoặc chưa phù hợp với thực tiễn để kịp thời sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hoặc các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Việc kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính phải bảo đảm nguyên tắc khách quan, công khai, minh bạch, đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục pháp luật quy định. Đồng thời, phải bảo đảm sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan, không trùng lặp với hoạt động thanh tra, kiểm tra khác đối với một đơn vị trong cùng thời gian; không gây cản trở, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đối tượng được kiểm tra. Kết hợp giữa việc tự kiểm tra của đối tượng được kiểm tra với việc kiểm tra của cơ quan, người có thẩm quyền. Kết luận kiểm tra phải được đối tượng được kiểm tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan chấp hành đầy đủ và đúng thời hạn. Các sai phạm, kiến nghị, yêu cầu trong kết luận kiểm tra phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng việc và tương ứng với tính chất, mức độ vi phạm. Kết luận kiểm tra phải được người có thẩm quyền kiểm tra theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện. Chủ thể có thẩm quyền kiểm tra và đối tượng được kiểm tra được xác định trên cơ sở nguyên tắc của hoạt động quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực và theo địa bàn, lãnh thổ. Xử lý vật tư thu hồi từ bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về xử lý vật tư thu hồi từ thực hiện nhiệm vụ công ích trong lĩnh vực quản lý, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư. Để đảm bảo an toàn, hiệu quả trong chạy tàu và quản lý, sử dụng vật tư thu hồi trong bảo trì công trình đường sắt quốc gia, trong giai đoạn chuyển tiếp từ ngày Nghị định số 46/2018/NĐ-CP ngày 14/3/2018 của Chính phủ có hiệu lực đến thời điểm Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc cho phép giao Tổng công ty Đường sắt Việt Nam xử lý vật tư thu hồi từ thực hiện nhiệm vụ công ích trong lĩnh vực quản lý, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư theo đúng quy định pháp luật quản lý, sử dụng tài sản công và pháp luật chuyên ngành về đường sắt. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chịu trách nhiệm hướng dẫn Bộ Giao thông vận tải và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 46/2018/NĐ-CP ngày 14/3/2018 của Chính phủ. Thủ tướng chỉ đạo thực hiện nghiêm việc cách ly người nghi nhiễm COVID-19 Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu Bộ Công an, Bộ Quốc phòng tăng cường kiểm soát đối với đối tượng cách ly bảo đảm theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Để thực hiện nghiêm việc cách ly người nghi nhiễm COVID-19 (nCoV), tránh việc tự ý rời khỏi nơi cách ly trái quy định về phòng, chống dịch, tại văn bản 1145/VPCP-KGVX vừa ban hành hôm nay (14/2/2020), Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an, Bộ Quốc phòng tăng cường kiểm soát đối với đối tượng cách ly bảo đảm theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo các địa phương kiên quyết rút Giấy phép lao động của công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc diện cách ly mà không thực hiện cách ly hoặc tự ý rời khỏi nơi cách ly. Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh việc đưa tin lên án những trường hợp không chấp hành các giải pháp của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, nhất là tự ý rời khỏi nơi cách ly. Thủ tướng thúc tiến độ ban hành văn bản quy định chi tiết Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về việc ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, pháp lệnh đã có hiệu lực và các luật, pháp lệnh sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2020. Cụ thể, đối với 20 văn bản quy định chi tiết đang nợ thuộc trách nhiệm soạn thảo của các Bộ: Công an, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Tư pháp, Y tế, Thanh tra Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ này khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ các nghị định chậm nhất trước ngày 1/3/2020 để hoàn thiện thủ tục ban hành trước ngày 15/4/2020. Riêng Bộ Công an (đối với một số văn bản phức tạp) trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chậm nhất trước ngày 15/3/2020; ban hành thông tư trước ngày 15/3/2020. Đối với 59 văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, pháp lệnh có hiệu lực từ ngày 1/7/2020, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ 32 nghị định chậm nhất trước ngày 15/4/2020 để hoàn thiện thủ tục ban hành trước ngày 15/5/2020; các Bộ chịu trách nhiệm ban hành theo thẩm quyền đối với 27 thông tư trước ngày 15/5/2020. Thủ tướng lưu ý, Bộ chủ trì khi xin ý kiến các Bộ, cơ quan khác phải nêu rõ nội dung cần xin ý kiến và hạn trả lời. Trường hợp còn ý kiến khác nhau phải tích cực chủ động trao đổi, làm việc để thống nhất trước khi trình Chính phủ. Bộ phối hợp phải trả lời đúng hạn những vấn đề được lấy ý kiến, đặc biệt là vấn đề liên quan đến ngành, lĩnh vực phụ trách. Lồng ghép, giảm thiểu ban hành nhiều văn bản quy định chi tiết một luật Thủ tướng cũng giao Bộ Tư pháp chủ động tăng cường theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc soạn thảo, trình các văn bản quy định chi tiết của các Bộ, cơ quan; ưu tiên thẩm định nhanh hồ sơ các văn bản quy định chi tiết, đặc biệt là các văn bản đang nợ đọng. Bộ Tư pháp rà soát, đề xuất Thủ tướng phân công các Bộ chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết ngay khi các luật, pháp lệnh được thông qua. Trong đó, cần lồng ghép nhiều nội dung trong một văn bản, giảm thiểu tối đa việc ban hành nhiều văn bản quy định chi tiết thi hành một luật. Thủ tướng yêu cầu Văn phòng Chính phủ tập trung xử lý nhanh hồ sơ khi các Bộ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo đúng Quy chế làm việc của Chính phủ; chủ trì tổ chức họp để Bộ chủ trì soạn thảo cùng các Bộ, cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ, rút ngắn thời gian ban hành văn bản. Bộ trưởng phải giải trình nếu để chậm tiến độ văn bản Bộ trưởng các Bộ chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo tiến độ xây dựng, trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết, chịu trách nhiệm giải trình trước Quốc hội, trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nếu để chậm tiến độ. Thủ tướng nhấn mạnh: Tiến độ và chất lượng các dự án luật, pháp lệnh trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội và văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh là một trong các tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, là tiêu chuẩn xét các danh hiệu thi đua, khen thưởng đối với Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ và các cá nhân, tổ chức liên quan năm 2020. Từng Bộ, cơ quan quán triệt nghiêm túc để thực hiện. Các đồng chí Phó Thủ tướng trực tiếp đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là các vấn đề các Bộ, cơ quan còn ý kiến khác nhau thuộc lĩnh vực được giao phụ trách; chỉ đạo việc ban hành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng các văn bản. Tạo thuận lợi cho hoạt động chuyên chở hàng hóa đường hàng không Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản tuyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động chuyên chở hàng hóa bằng đường hàng không. Công ty FedEx Express có Thư đề ngày 12/02/2020 gửi Văn phòng Chính phủ đề nghị cho đội bay (công dân của Hoa Kỳ, không lưu trú tại Trung Quốc đại lục) được tiếp cận khu vực nghỉ ngơi trong hoặc ngoài sân bay khi tàu dừng đỗ tại các sân bay của Việt Nam, trong đó đề xuất một trong các giải pháp sau để bắt đầu lại các chuyến bay chuyên chở hàng hóa: (i) Loại trừ đội bay (2-3 người) khỏi các hạn chế hiện tại; (ii) Cho phép các đội bay đi qua khu nhập cảnh để vào một khách sạn được chỉ định để nghỉ ngơi; (iii) Cho phép các đội bay được rời tàu bay và nghỉ ngơi tại một cơ sở của FedEx tại khu vực riêng trong sân đỗ (trên xe buýt hoặc phương tiện khác). Về việc này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam giao các Bộ: Giao thông vận tải, Y tế phối hợp với các cơ quan liên quan, khẩn trương có biện pháp giải quyết ngay các kiến nghị của Công ty FexEd tại Thư trên, bảo đảm công tác phòng chống dịch không làm gián đoạn, ảnh hưởng tới hoạt động chuyên chở hàng hóa bằng đường hàng không theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 808/VPCP-KTTH ngày 05/01/2020 về hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới. Xuất cấp trang thiết bị ứng phó các tình huống sự cố, thiên tai Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền trang thiết bị từ nguồn dự trữ quốc gia cho Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn để trang bị cho các Bộ, ngành, địa phương sẵn sàng ứng phó với các tình huống sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Cụ thể, xuất cấp xuồng cao tốc các loại 78 bộ, trong đó 3 bộ DT4 (ST-1.200), 17 bộ DT3 (ST-750); 27 bộ DT2 (ST-660) và 31 bộ DT1 (ST-450); thiết bị chữa cháy đồng bộ (máy bơm nước chữa cháy) 103 bộ; máy phát điện loại 30KVA 46 bộ, máy khoan cắt bê tông (thiết bị khoan cắt) 35 bộ. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm về thông tin và số liệu báo cáo. Việc xuất cấp, quản lý và sử dụng số trang thiết bị nêu trên thực hiện theo quy định hiện hành./. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 16/2/2020 Print 1113 Rate this article: No rating
Quyết định 147 - Bổ sung Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ của Viện Khoa học Thể dục thể thao 16 Tháng Chín 2024
Viện Khoa học TDTT tổ chức gặp mặt, tri ân nhân Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 18 Tháng Mười Một 2024
Quyết định về việc Quy định thu học phí đào tạo nghiên cứu sinh năm 2023 - 2024 08 Tháng Mười Một 2023
Việt Nam – Trung Quốc tăng cường hợp tác, trao đổi trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học TDTT 06 Tháng Chín 2024