Responsive image

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 15/7

Thông tin báo chí chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 15/7

THÔNG TIN BÁO CHÍ

THÔNG TIN CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH CỦA CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng

Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện 849/CĐ-TTg đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống thu phí giao thông đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng.

Công điện nêu rõ, trong thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai hệ thống thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng, đạt kết quả bước đầu. Tuy nhiên, tiến độ triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng còn rất chậm, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Để sớm chuyển sang thực hiện thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia giao thông và minh bạch trong hoạt động thu phí, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp:

- Khẩn trương thực hiện các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống thu phí điện tử tự động không dừng theo đúng quy định tại Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 ngày 21/10/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg ngày 27/3/2017 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 27 tháng 02 năm 2018; bảo đảm chậm nhất trước ngày 31/12/2019 chuyển sang thu phí tự động đối với tất cả các trạm thu phí trên toàn quốc.

- Yêu cầu nhà đầu tư dừng hoạt động thu phí đối với các dự án có trạm thu phí không chuyển sang thu tự động không dừng theo đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 27/3/2018.

2. Bộ Giao thông vận tải

- Tăng cường giám sát, kiểm tra, đảm bảo hệ thống thu phí tự động không dừng hoạt động tin cậy, không có sự cố, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật, quy chuẩn và các quy định của pháp luật trong quá trình đầu tư và sử dụng hệ thống.

- Chỉ đạo các cơ sở đăng kiểm và các đơn vị có liên quan thực hiện dán thẻ đầu cuối (Etag) đối với tất cả các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ thuộc đối tượng thu phí giao thông đường bộ; phối hợp dán thẻ Etag đối với các phương tiện của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng.

- Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức phân luồng giao thông tại các trạm thu phí; hướng dẫn người tham gia giao thông đi đúng làn đường đối với từng cửa thu phí của các trạm (cửa thu tự động, cửa thu hỗn hợp); có biện pháp xử lý nghiêm đối với lái xe cố tình đi không đúng làn đường, gây ùn tắc giao thông và mất an ninh trật tự tại các trạm thu phí.

- Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg ngày 27/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thu phí sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng, bảo đảm phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới.

3. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các Ngân hàng thương mại kết nối tài khoản ngân hàng với tài khoản phục vụ công tác thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng của chủ phương tiện giao thông, đảm bảo liên thông, thuận lợi, an toàn.

4. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng.

5. Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương chuyển sang thu phí điện tử tự động không dừng; trong đó tập trung tuyên truyền về quy định của pháp luật đối với việc thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng (Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 27/2/2018 và Công điện này.

6. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về tiến độ chuyển sang thu phí điện tử tự động không dừng đối với các trạm thu phí thuộc phạm vi quản lý; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trước ngày 30/11/2019.

7. Giao Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sau khi hoàn thành chuyển sang thu phí tự động không dừng đối với tất cả các trạm thu phí trên toàn quốc (chậm nhất ngày 31/12/2019), khẩn trương rà soát, đánh giá và có báo cáo tổng kết gửi Thủ tướng Chính phủ trong tháng 01 năm 2020. Nêu rõ những mặt được, chưa được và hướng xử lý đảm bảo chất lượng, hiệu quả, phù hợp lòng dân.

Tổ chức vi phạm trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí bị phạt tới 200 triệu đồng

Chính phủ ban hành Nghị định 63/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước.

Theo Nghị định, hình thức xử phạt chính quy định tại Nghị định này bao gồm: Cảnh cáo và phạt tiền. Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước là 50.000.000 đồng đối với cá nhân và 100.000.000 đồng đối với tổ chức; trong lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là 100.000.000 đồng đối với cá nhân và 200.000.000 triệu đồng đối với tổ chức.

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính.

Cụ thể, trong lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Nghị định quy định phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng phương tiện thông tin liên lạc, điện, nước, xăng, dầu, sách báo, văn phòng phẩm, tổ chức hội nghị, hội thảo, chi phí tiếp khách, đi công tác trong và ngoài nước bằng kinh phí ngân sách nhà nước vượt tiêu chuẩn, định mức do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Đối với hành vi vi phạm quy định của pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng quỹ có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, Nghị định quy định phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với các hành vi: Sử dụng quỹ có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước sai mục đích, tôn chỉ của quỹ do cấp có thẩm quyền ban hành; sử dụng quỹ có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước không đúng quy chế hoạt động, cơ chế tài chính của quỹ được cấp có thẩm quyền ban hành.

Đối với hành vi gây lãng phí trong sử dụng vốn đầu tư không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn, vượt định mức, đơn giá theo quy định của pháp luật bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng.

Xử phạt vi phạm tại Công ty TNHH một thành viên vốn nhà nước

Đối với hành vi vi phạm quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản công tại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên vốn nhà nước nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, Nghị định quy định mức phạt như sau:

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định về trích lập và quản lý, sử dụng các quỹ trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên vốn nhà nước không đúng mục đích, vượt định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng vốn trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên vốn nhà nước gây lãng phí và hành vi mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản, vật tư trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên vốn nhà nước không đúng với quy định của pháp luật về quản lý tài chính, tài sản công, quản lý đầu tư xây dựng.

Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản cố định, vật tư và các tài sản khác trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên vốn nhà nước vượt định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi quản lý, sử dụng các khoản chi phí trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên vốn nhà nước không đúng định mức, đơn giá, tiêu chuẩn, chế độ quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Nghị định nêu rõ tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định này không được sử dụng tiền ngân sách nhà nước hoặc tiền có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước để nộp phạt và khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm của mình gây ra. Trường hợp xử phạt tổ chức thì sau khi chấp hành quyết định xử phạt, tổ chức bị xử phạt xác định cá nhân có lỗi gây ra vi phạm hành chính để xác định trách nhiệm pháp lý, bao gồm cả việc nộp lại khoản tiền phạt và khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm của mình gây ra tương ứng với mức độ vi phạm của cá nhân đó theo quy định của pháp luật và Quy chế quản lý, sử dụng tài sản công của tổ chức.

Quy định mới về quản lý, sử dụng đất trồng lúa

Chính phủ ban hành Nghị định số 62/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa.

Cụ thể, Nghị định số 62/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung điều kiện chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản:

a- Không làm mất đi các điều kiện phù hợp để trồng lúa trở lại; không gây ô nhiễm, thoái hóa đất trồng lúa; không làm hư hỏng công trình giao thông, công trình thủy lợi phục vụ trồng lúa.

b- Phù hợp với kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản trên đất trồng lúa của cấp xã, đảm bảo công khai, minh bạch.

c- Chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng cây lâu năm phải theo vùng, để hình thành các vùng sản xuất tập trung và khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng sẵn có; phù hợp với định hướng hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp của địa phương.

d- Trường hợp trồng lúa đồng thời kết hợp nuôi trồng thủy sản, cho phép sử dụng tối đa 20% diện tích đất trồng lúa để hạ thấp mặt bằng cho nuôi trồng thủy sản, độ sâu của mặt bằng hạ thấp không quá 120cm, khi cần thiết phải phục hồi lại được mặt bằng để trồng lúa trở lại.

Quy định thủ tục đăng ký chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Nghị định số 62/2019/NĐ-CP bổ sung quy định thủ tục đăng ký chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa. Theo quy định, đối tượng có nhu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa, gửi 1 bản đăng ký đến UBND cấp xã theo mẫu gồm: các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng đất trồng lúa hợp pháp (người sử dụng đất) có nhu cầu chuyển đổi sang trồng cây hàng năm, trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản; hộ gia đình, cá nhân trong nước sử dụng đất trồng lúa hợp pháp có nhu cầu chuyển sang trồng cây lâu năm.

Trường hợp bản đăng ký chuyển đổi không hợp lệ, trong thời gian 3 ngày làm việc, UBND cấp xã phải hướng dẫn cho người sử dụng đất, chỉnh sửa, bổ sung bản đăng ký.

Trường hợp bản đăng ký chuyển đổi hợp lệ và phù hợp với kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa của UBND cấp xã, trong thời gian 5 ngày làm việc, UBND cấp xã có ý kiến "Đồng ý cho chuyển đổi", đóng dấu vào Bản đăng ký, vào sổ theo dõi và gửi lại cho người sử dụng đất. Trường hợp không đồng ý, UBND cấp xã phải trả lời bằng văn bản.

Sử dụng kinh phí hỗ trợ

Nghị định số 62/2019/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ để bảo vệ và phát triển đất trồng lúa; trong đó sửa đổi, bổ sung quy định sử dụng kinh phí hỗ trợ.

Theo đó, UBND các cấp sử dụng kinh phí do người được nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa nước nộp và nguồn kinh phí hỗ trợ theo quy định để thực hiện bảo vệ, phát triển đất trồng lúa. Tùy thuộc vào điều kiện cụ thể, địa phương sẽ quyết định thực hiện hỗ trợ cho người trồng lúa: sử dụng không thấp hơn 50% kinh phí dùng hỗ trợ cho người trồng lúa để áp dụng giống mới, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất lúa; hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Phần kinh phí còn lại để thực hiện các việc: a- Phân tích chất lượng hóa, lý tính của các vùng đất chuyển trồng lúa nước có năng suất, chất lượng cao định kỳ 10 năm để sử dụng hiệu quả và có biện pháp cải tạo phù hợp; b- Cải tạo nâng cao chất lượng đất chuyên trồng lúa nước hoặc đất trồng lúa nước còn lại: tăng độ dày của tầng canh tác; tôn cao đất trồng lúa trũng, thấp; tăng độ bằng phẳng mặt ruộng; thau chua, rửa mặn đối với đất bị nhiễm phèn, mặn và các biện pháp cải tạo đất khác; c- Đầu tư xây dựng, duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn xã, trong đó ưu tiên đầu tư hệ thống giao thông, thủy lợi trên đất trồng lúa; d- Khai hoang, phục hóa đất chưa sử dụng thành đất chuyên trồng lúa nước hoặc đất trồng lúa nước còn lại.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2019.

Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Mỹ Lộc, Nam Định đạt chuẩn NTM

Thủ tướng Chính phủ vừa công nhận huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2018.

UBND tỉnh Nam Định có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định.

Huyện Mỹ Lộc nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam đồng bằng sông Hồng. Huyện có thế mạnh về đất đai, hạ tầng giao thông và nguồn lao động dồi dào, đây là những yếu tố tiền đề để huyện Mỹ Lộc phát triển toàn diện 3 lĩnh vực: nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ.

Với lợi thế nêu trên, khi thực hiện phong trào xây dựng NTM kết thúc giai đoạn 2011-2015, Mỹ Lộc có 02 xã đạt chuẩn NTM; 01 xã đạt chuẩn NTM năm 2016, 04 xã đạt chuẩn NTM năm 2017 và 04 xã đạt chuẩn NTM năm 2018. 100% số xã không còn nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM. Các xã sau khi được công nhận đạt chuẩn NTM tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng các tiêu chí, trong đó tập trung vào các tiêu chí về sản xuất, cơ sở vật chất, văn hóa, y tế và môi trường.

Quá trình xây dựng NTM tại huyện, xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế có mức thu nhập cao từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng, tham gia giải quyết được nhiều việc làm cho lao động ở nông thôn. Hạ tầng kinh tế - xã hội hoàn thiện cơ bản theo tiêu chí NTM. Các trục đường xã, đường dong ngõ xóm rộng rãi được bê tông hóa. Nhà văn hóa ở các thôn xóm được xây dựng, chỉnh trang khang trang, sạch, đẹp. Văn hóa, y tế, giáo dục phát triển toàn diện, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Hệ thống chính trị vững mạnh; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn  xã hội; trình độ sản xuất được nâng cao; khôi phục và phát huy các hoạt động văn hóa truyền thống. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện...

Print
1176 Rate this article:
No rating

Thư viện ảnh

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ - VIỆN KHOA HỌC THỂ DỤC THỂ THAO - TỔNG CỤC THỂ DỤC THỂ THAO
Người chịu trách nhiệm chính: PGS.TS. Nguyễn Danh Hoàng Việt
Địa chỉ: 141 Nguyễn Thái Học - Ba Đình - Hà Nội * Điện thoại: (84-4) 733 0286 * FAX: (84-4) 733 4419
Website: vkhtdtt.vn; Email: banbientap.vkhtdtt@gmail.com

 

Close Copyright [2018] by TTTT
Back To Top