Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 29/12 29 Tháng Mười Hai 2020 Thông tin báo chí chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 29/12 THÔNG TIN BÁO CHÍ THÔNG TIN CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH CỦA CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ Đề án Phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh đến năm 2030 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Phạm vi Đề án bao gồm 03 phân ngành năng lượng (than, khí và điện lực) giữ vai trò quan trọng, chủ chốt trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ năng lượng tại Việt Nam. Chuyển đổi ngành năng lượng sang cơ chế thị trường cạnh tranh Mục tiêu tổng quát nhằm xây dựng, hình thành và phát triển thị trường năng lượng (than, khí, điện) cạnh tranh lành mạnh, theo từng giai đoạn và có sự điều tiết của Nhà nước, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia góp phần đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế - xã hội và thực hiện các mục tiêu, chính sách của Đảng và Nhà nước, tăng cường hội nhập quốc tế. Mục tiêu cụ thể chuyển đổi ngành năng lượng sang hoạt động theo cơ chế thị trường cạnh tranh có sự điều tiết của nhà nước, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, bình đẳng, không phân biệt đối xử, thu hút và đa dạng hóa phương thức đầu tư và kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng; đồng thời khai thác và sử dụng hợp lý, có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước. Phát triển thị trường năng lượng đồng bộ, liên thông giữa các phân ngành than, khí và điện lực; bảo đảm giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định. Thị trường than, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ đối với việc cung cấp than cho sản xuất điện (đặc biệt là các nhà máy nhiệt điện BOT được Chính phủ bảo lãnh hợp đồng cung cấp than) và xuất khẩu than; từng bước chuyển đổi thị trường than theo hướng thị trường cạnh tranh hoàn chỉnh, các chủ thể tham gia thị trường thực hiện giao dịch, mua bán than, cung cấp các dịch vụ cho việc giao dịch, mua bán than tuân thủ quy định và thông lệ của thị trường. Thị trường khí, từng bước xây dựng khung pháp lý làm cơ sở để triển khai mô hình kinh doanh cạnh tranh đối với hoạt động kinh doanh khí CNG, LPG và LNG; xây dựng lộ trình, vận hành thị trường cạnh tranh phân phối khí hạ nguồn với việc đưa vào áp dụng quy định quyền được thuê và sử dụng hạ tầng của bên thứ ba; tiếp tục thực hiện các cam kết của Chính phủ và cam kết thương mại đã ký đối với các hệ thống thu gom, phân phối khí phát triển trên cơ sở các dự án khai thác khí trong nước. Thị trường điện, củng cố phát triển mở rộng thị trường bán buôn điện cạnh tranh, tạo tiền đề vững chắc để chuyển đổi sang giai đoạn thị trường bán lẻ điện cạnh tranh hoàn chỉnh theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Lộ trình phát triển Đối với thị trường khí, giai đoạn từ năm 2021 đến hết năm 2025 duy trì mô hình thị trường khí như hiện tại đối với việc cạnh tranh khâu khai thác và nhập khẩu khí tự nhiên (bằng đường ống) với một đầu mối thu mua tại thượng nguồn đối với mỗi hệ thống khai thác, phân phối khí (trừ các dự án được Chính phủ phê duyệt cơ chế khác trong hợp đồng mua bán khí); cạnh tranh kinh doanh nhập khẩu và phân phối trên thị trường nội địa (không dùng đường ống) đối với LPG, CNG; cho phép các nhà thầu, chủ đầu tư của dự án khai thác khí mới lựa chọn đàm phán bán khí trực tiếp đến các loại hộ tiêu thụ hoặc bán buôn cho PVN/PVGas. Triển khai vận hành mô hình kinh doanh mới đối với các dự án LNG nhập khẩu (các thành phần tham gia nhập khẩu LNG bán khí trực tiếp đến các khách hàng)… Thị trường than, giai đoạn từ năm 2021 đến hết năm 2025 duy trì mô hình các doanh nghiệp nhà nước giữ vai trò nòng cốt trong việc khai thác, sản xuất, kinh doanh than trong nước; tăng cường thu hút các doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực kinh doanh than, đặc biệt là nhập khẩu than; duy trì mô hình cấp than cho các hộ tiêu thụ như hiện nay. Với thị trường điện, giai đoạn từ năm 2021 đến hết năm 2025 củng cố, hoàn thiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh; triển khai xây dựng và đưa vào vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh theo tiến độ quy định tại Quyết định số 63/2013/QĐ-TTg ngày 08 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định về lộ trình, các điều kiện và cơ cấu ngành điện để hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực tại Việt Nam. Để đạt được những định hướng trên, Đề án đưa ra những giải pháp tổng quát về: Tổ chức, quản lý đối với ngành năng lượng; quy hoạch phát triển ngành năng lượng; giá năng lượng… Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 76-KL/TW ngày 4/6/2020 của Bộ Chính trị khóa XII về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Theo Kế hoạch, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì xây dựng: Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Phòng chống bạo lực gia đình; Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030; Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030; Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam chủ trì xây dựng Chương trình "Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, văn nghệ dân gian các tộc người thiểu số rất ít người có nguy cơ mai một";... Có 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch gồm: 1- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; 2- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; 3- Tập trung xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; 4- Đẩy mạnh xây dựng môi trường, đời sống văn hóa lành mạnh; 5- Tăng cường xây dựng văn hóa chính trị và văn hóa kinh tế; 6- Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động văn hóa, nghệ thuật; 7- Tăng cường bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; 8- Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và giới thiệu, quảng bá hình ảnh Việt Nam và văn hóa Việt Nam ra thế giới. Cụ thể, tập trung đẩy mạnh các hoạt động giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống trong gia đình, nhà trường và xã hội với các đặc tính "yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trọng đạo lý, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo". Tăng cường giáo dục nâng cao ý thức, ứng xử và hành vi chuẩn mực văn hóa trong nhân dân, đặc biệt cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng. Phát huy vai trò của văn học, nghệ thuật trong việc định hướng thị hiếu, thẩm mỹ, bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm, trí tuệ, kỹ năng sống, hướng tới sự hoàn thiện nhân cách của mỗi cá nhân và xã hội; xây dựng và phát huy lối sống có ý thức tự chủ, tự giác, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, ý thức bảo vệ môi trường; đề cao trách nhiệm cá nhân đối với bản thân, gia đình và xã hội. Khẳng định, tôn vinh cái đúng, cái tốt đẹp, tích cực, cao thượng; nhân rộng các giá trị cao đẹp, nhân văn. Về nhiệm vụ, giải pháp tăng cường xây dựng văn hóa chính trị và văn hóa kinh tế, trong đó, chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng, đạo đức của Đảng; coi trọng xây dựng văn hóa từ trong Đảng, trong bộ máy nhà nước; đẩy mạnh việc "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"; tăng cường giáo dục tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp. Xây dựng văn hóa công vụ và văn hóa công sở lành mạnh, dân chủ, đoàn kết, nhân văn; đẩy lùi bệnh quan liêu, bè phái, chủ nghĩa cơ hội và thực dụng. Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; thực hiện nghiêm các quy định về nêu gương đối với cán bộ, đảng viên, nhất là với cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu, đội ngũ những người làm công tác giáo dục, văn nghệ sĩ và những người có tầm ảnh hưởng lớn trong cộng đồng và xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, hướng đến Chính phủ số, cải cách hành chính, công khai quy trình giải quyết thủ tục hành chính phục vụ doanh nghiệp và người dân; triển khai các cơ chế phản biện xã hội nhằm minh bạch hóa hoạt động của cả hệ thống chính trị. Bổ sung 3 KCN tỉnh Đồng Nai vào Quy hoạch Thủ tướng Chính phủ đồng ý đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc bổ sung các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai vào Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam đến năm 2020. 3 Khu công nghiệp được bổ sung vào Quy hoạch gồm: 1- Khu công nghiệp Long Đức 3 với diện tích 253 ha tại xã Long Đức, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai; 2- Khu công nghiệp Bàu Cạn - Tân Hiệp với diện tích 2.627 ha tại xã Bàu Cạn và xã Tân Hiệp, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai; 3- Khu công nghiệp Xuân Quế - Sông Nhạn với diện tích 3.595 ha tại xã Xuân Quế và xã Sông Nhạn, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai. Các khu công nghiệp khác trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nằm trong Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2020 được phê duyệt tại công văn số 2628/TTg-KTN ngày 22 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ không thay đổi. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu báo cáo, quy mô diện tích, vị trí đề xuất điều chỉnh quy hoạch khu công nghiệp; đảm bảo sự phù hợp, tính khả thi, liên kết, đồng bộ, kế thừa và khả năng tích hợp của phương án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong nội dung quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 theo quy định của pháp luật về quy hoạch. Không để xảy ra các tranh chấp, khiếu kiện trong quá trình triển khai thực hiện. Đồng thời, chịu trách nhiệm về việc điều chỉnh, bổ sung các khu công nghiệp này trong điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) tỉnh Đồng Nai được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 74/NQ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2017 và điều chỉnh bổ sung theo mục 18 Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 14 tháng 7 năm 2020 theo quy định của pháp luật về đất đai. Có trách nhiệm điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện tương ứng với chỉ tiêu diện tích đất khu công nghiệp được điều chỉnh tại văn bản số 1005/TTg-NN ngày 01 tháng 7 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ. Phân kỳ thực hiện quy hoạch 03 khu công nghiệp nêu trên theo các giai đoạn trên cơ sở đảm bảo: phù hợp với khả năng thu hút đầu tư, tính đồng bộ với đầu tư kết nối hạ tầng, hạ tầng xã hội (nhà ở, thiết chế văn hóa, xã hội, thể thao cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp), bảo vệ môi trường; xác định hợp lý diện tích các khu công nghiệp trong giai đoạn quy hoạch tỉnh Đồng Nai chưa được phê duyệt để đảm bảo tính khả thi; không ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác quỹ đất xung quanh cảng hàng không quốc tế Long Thành. Thực hiện thủ tục đầu tư, thành lập, xây dựng khu công nghiệp theo từng giai đoạn, phù hợp với khả năng thu hút đầu tư và tuân thủ các điều kiện, trình tự, thủ tục quy định tại Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng và pháp luật có liên quan. Chỉ đạo việc cho thuê đất và cho phép chuyển mục đích sử dụng đất phù hợp quy mô, tiến độ và lộ trình triển khai dự án đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng khu công nghiệp; chỉ đề xuất mở rộng khu công nghiệp trong trường hợp đáp ứng điều kiện về tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp và đảm bảo sự đồng bộ với kết nối giao thông, đầu tư cho môi trường và xã hội; tránh tình trạng để đất hoang hóa, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân trong khu vực bị thu hồi đất, phát sinh khiếu nại, khiếu kiện. Thực hiện đồng bộ việc quy hoạch, phát triển khu công nghiệp với các công trình nhà ở, xã hội và văn hóa thể thao cho người lao động trong khu công nghiệp; đảm bảo việc cung cấp hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội ngoài hàng rào phục vụ cho hoạt động của khu công nghiệp. Cùng với đó, xây dựng định hướng thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp theo hướng hạn chế hoặc không thu hút dự án sử dụng nhiều lao động kỹ năng thấp, chiếm đất lớn, tiêu tốn nước và năng lượng; tập trung thu hút dự án đầu tư sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; phát triển theo hướng cụm liên kết ngành. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp trong đó xác định nhà đầu tư có năng lực theo quy định của pháp luật có liên quan; sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai và đảm bảo tính khả thi của quy hoạch phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn. Phê duyệt phương án cổ phần hóa EVNGENCO2 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2229/QĐ-TTg phê duyệt Phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Phát điện 2 - EVNGENCO2 (Công ty con của Tập đoàn Điện lực Việt Nam). Theo Quyết định phê duyệt, EVNGENCO2 được cổ phần hóa theo hình thức bán bớt một phần vốn nhà nước (vốn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam) hiện có tại Công ty mẹ - Tổng công ty Phát điện 2; Tập đoàn Điện lực Việt Nam nắm giữ 51% vốn điều lệ tại EVNGENCO2. Thời điểm thực hiện bán đấu giá công khai ra công chúng (IPO) của EVNGENCO2 không muộn hơn ngày 17/2/2021 mà không phải tổ chức xác định lại giá trị doanh nghiệp. Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, EVNGENCO2 nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các bộ, cơ quan liên quan chịu trách nhiệm triển khai phương án cổ phần hóa EVNGENCO2 bảo đảm công khai, minh bạch, tuân thủ theo đúng quy định pháp luật và lợi ích Nhà nước. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và EVNGENCO2 có trách nhiệm hoàn thành các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước về việc kiểm toán kết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi EVNGENCO2 chính thức chuyển sang công ty cổ phần theo quy định của pháp luật./. Thủ tướng dự Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2021 Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 30/12 Print 723 Rate this article: No rating
Quyết định 147 - Bổ sung Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ của Viện Khoa học Thể dục thể thao 16 Tháng Chín 2024
Viện Khoa học TDTT tổ chức gặp mặt, tri ân nhân Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 18 Tháng Mười Một 2024
Quyết định về việc Quy định thu học phí đào tạo nghiên cứu sinh năm 2023 - 2024 08 Tháng Mười Một 2023
Việt Nam – Trung Quốc tăng cường hợp tác, trao đổi trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học TDTT 06 Tháng Chín 2024