Responsive image

Hoạt động của các Phó Thủ tướng Chính phủ ngày 01/12

Thông cáo báo chí hoạt động của các Phó Thủ tướng Chính phủ ngày 01/12

THÔNG CÁO BÁO CHÍ

HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình dự Hội nghị về phòng chống HIV/AIDS

Ngày 1/12, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 30 năm phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam và mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS (1/12). Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dự và phát biểu tại Hội nghị.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 2020 là năm thứ 12 liên tiếp, dịch HIV/AIDS ở Việt Nam được kiểm soát và liên tục đà giảm trên cả 3 tiêu chí, đó là: Giảm số người nhiễm mới HIV được phát hiện, giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong liên quan đến AIDS. Tỉ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư luôn ở mức dưới 0,3% và theo ước tính của các chuyên gia, chỉ tính riêng trong vòng 15 năm qua Việt Nam chúng ta đã tránh cho khoảng nửa triệu người không bị nhiễm HIV và cứu được khoảng 200.000 người không bị tử vong do AIDS. Chương trình điều phối của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) đánh giá Việt Nam là một trong 4 quốc gia cùng với Anh, Đức và Thụy Sĩ có chất lượng điều trị HIV/AIDS đứng hàng đầu thế giới.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh, trong 30 năm qua, Đảng, Nhà nước đã lãnh đạo, chỉ đạo cùng với sự vào cuộc của chính quyền các cấp, sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể và của nhân dân, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Nổi bật là, trong 30 năm qua, với một bệnh dịch mà Ban Bí thư đã ban hành 2 Chỉ thị, Chỉ thị số 52-CT/TW về lãnh đạo công tác phòng, chống AIDS và Chỉ thị số 54/2005/CT-TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới. Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới theo đó mục tiêu của Việt Nam là chấm dứt cơ bản dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Khi vừa có dịch xảy ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp Lệnh quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và tiếp tục nâng lên thành Luật Phòng, chống HIV/AIDS vào năm 2006 và Việt Nam cũng là một trong những nước đầu tiên trên thế giới có Luật riêng về HIV/AIDS và tiếp tục được sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian vừa qua.

Nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước, Chính phủ cũng đã 3 lần ban hành Chiến lược quốc gia Phòng, chống HIV/AIDS (mà mỗi Chiến lược là định hướng cho giai đoạn thường là 10 năm), gần nhất là Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành vào ngày 14/8/2020. Đồng thời, ban hành nhiều nghị định, chỉ thị, quyết định liên quan đến công tác phòng chống HIV/AIDS.

Cùng với khuôn khổ pháp lý dần được hoàn thiện, một hệ thống phòng chống HIV/AIDS hoàn chỉnh từ Trung ương đến địa phương cũng được thiết lập. Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy mại dâm được thành lập nhằm chỉ đạo, cùng với hệ thống của ngành y tế, triển khai thực hiện các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, cùng sự tham gia của các bộ, ngành, các tổ chức xã hội tham gia phòng, chống HIV/AIDS.

Việt Nam cũng là quốc gia sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ của quốc tế cho công tác phòng, chống HIV/AIDS trong rất nhiều năm.

“Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tôi nhiệt liệt biểu dương các địa phương, các bộ, ngành, đoàn thể, các cơ quan thông tin đại chúng, các cá nhân, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian qua đã nỗ lực, đóng góp nhiều công sức vào công cuộc phòng, chống HIV/AIDS”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng cho rằng, mặc dù đạt được nhiều kết quả trong thời gian qua, song công tác phòng, chống HIV/AIDS ở nước ta trong thời gian tới còn đối diện nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, dịch HIV vẫn tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp. Mỗi năm nước ta vẫn có gần 10.000 trường hợp nhiễm HIV mới được phát hiện; khoảng 2.000 người tử vong. Vẫn còn khoảng 40.000 người nhiễm HIV sống trong cộng đồng mà chưa biết tình trạng nhiễm HIV của mình. Tình trạng kỳ thị, phân biệt, đối xử liên quan đến HIV tuy đã giảm nhưng vẫn còn khá phổ biến, đó sẽ là rào cản cho những người nghi ngờ nhiễm HIV tiếp cận công bằng các dịch vụ y tế…

Cho biết, Việt Nam đã chọn chủ đề cho Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam năm 2020 là: “30 năm ứng phó và cơ hội chấm dứt đại dịch AIDS tại Việt Nam”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh, việc lựa chọn chủ đề này mang nhiều ý nghĩa, nó nhắc nhở mỗi chúng ta không quên rằng Việt Nam đã trải qua 30 năm phòng, chống HIV, là thời điểm để nhìn nhận lại công cuộc ứng phó với đại dịch AIDS và có những điều chỉnh phù hợp trong chặng đường sắp tới; nhắc nhở chúng ta rằng dịch HIV/AIDS từng bước được kiểm soát ở Việt Nam nhưng cũng nhiều khó khăn trước mắt đang chờ đợi và cũng để chúng ta nhìn thấy cơ hội và tin tưởng rằng Việt Nam sẽ chấm dứt cơ bản đại dịch AIDS vào năm 2030.

Về nhiệm vụ thời gian tới, đối với lãnh đạo các cấp, các ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nêu rõ: Chúng ta đã đạt được nhiều kết quả trong chặng đường 30 năm qua nhưng chúng ta không được phép chủ quan, lơ là. Dịch HIV/AIDS có thể bùng phát trở lại nếu chúng ta chủ quan, lơ là và nó không thể tự mất đi nếu không được đầu tư và can thiệp.

Đầu tư cho phòng, chống HIV/AIDS không chỉ mang lại hiệu quả lớn về sức khỏe, mà còn góp phần ổn định an ninh trật tư và phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và của cả nước. Quốc hội đã ban hành Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật phòng, chống HIV/AIDS; Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Bây giờ là thời điểm các địa phương cần chủ động xây dựng và trình cấp thẩm quyền phê duyệt kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS cho đến năm 2030, trước mắt cho giai đoạn trung hạn 2021-2025. Tăng cường đầu tư, phân bổ ngân sách, bảo đảm tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS; lồng ghép nội dung phòng, chống HIV/AIDS vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đối với ngành y tế, cần phát huy mọi nguồn lực hiện có, kết hợp với ứng dụng tiến bộ vượt bậc của cách mạng công nghiệp 4.0, tiếp tục tăng cường, mở rộng độ bao phủ và nâng cao chất lượng các dịch vụ khám chữa bệnh, can thiệp giảm tác hại, tư vấn xét nghiệm HIV, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS. Thực hiện tốt công tác liên thông trong khám chữa bệnh, bảo đảm mọi người dân đều được chăm sóc sức khỏe, đặc biệt tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân tiếp cận các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV; người có hành vi nguy cơ cao tiếp cận sớm dịch vụ xét nghiệm HIV; người nhiễm HIV được tiếp cận điều trị bằng thuốc kháng vi rút ARV sớm và tham gia bảo hiểm y tế. Làm tốt công tác truyền thông để mọi người dân hiểu được và không kỳ thị người mắc, nhiễm HIV/AIDS.

Đối với các tổ chức xã hội, cộng đồng, cần tham gia tích cực, mạnh mẽ hơn nữa vào các hoạt động phòng chống HIV/AIDS nhất là việc cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS cho các nhóm đích của mình. Các cơ quan Chính phủ thời gian tới cũng cần giúp Chính phủ nghiên cứu đề xuất tạo môi trường và cơ chế thuận lợi cho sự tham gia của các tổ chức xã hội trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng mong muốn và đề nghị Chính phủ các nước, các cá nhân và tổ chức quốc tế tiếp tục quan tâm ủng hộ cả về tài chính và kỹ thuật để giúp Việt Nam trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.

“Chúng ta cùng tin tưởng mạnh mẽ rằng Việt Nam sẽ thực hiện được mục tiêu chấm dứt cơ bản dịch AIDS vào năm 2030 góp phần cùng cộng đồng quốc tế kiểm soát thành công đại dịch này”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình bày tỏ.

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự Đại hội biểu dương các mô hình học tập tiêu biểu

Ngày 1/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự Đại hội biểu dương các mô hình học tập tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2016-2020.

Diễn ra trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực thực hiện mục tiêu kép vừa kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19, vừa phát triển kinh tế-xã hội, hạn chế tối đa ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch, thiên tai, Đại hội là hoạt động rất ý nghĩa nhằm biểu dương, khích lệ tinh thần học tập suốt đời của nhân dân. Đồng thời, thể hiện sự tiếp nối truyền thống hiếu học ngàn đời của dân tộc, đẩy mạnh phong trào thi đua “học đi đôi với hành”, “học không bao giờ cùng” theo lời dạy của Bác Hồ.

Các đại biểu đại diện cho các mô hình học tập của cả nước là những tấm gương sáng đẹp, tiêu biểu cho hàng triệu hội viên hội khuyến học trong cả nước, 16 triệu gia đình, 84.000 dòng họ, 89.000 cộng đồng, 48.000 đơn vị học tập được bầu chọn từ cơ sở…

Qua báo cáo, ý kiến phát biểu tại đại hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao và trân trọng các mô hình học tập sáng tạo, thiết thực, tâm huyết và trí tuệ của các điển hình, sự phát triển sâu rộng của phong trào học tập và đóng góp to lớn của Hội Khuyến học Việt Nam.Việc đẩy mạnh học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập là chủ trương lớn, đúng đắn của Đảng, Nhà nước, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân. “Khi ý Đảng, lòng Dân gặp nhau thì việc khó mấy cũng có thể làm tốt được”.

Phong trào học tập suốt đời đã trở thành một hoạt động văn hóa không thể thiếu của nhiều người dân, gia đình, chi tộc, thôn bản, tổ dân phố, các tổ chức, cơ quan, đoàn thể; gắn kết chặt chẽ với các phòng trào toàn dân đoàn  kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh… tạo sức lan tỏa rộng trong cộng đồng dân cư, góp phần phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, xây dựng môi trường sống an toàn, tràn ngập nghĩa tình của người Việt Nam.

Nhắc lại lời dạy của Bác Hồ “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, cùng với truyền thống anh hùng, văn hiến, hiếu học của dân tộc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định với những chỉ đạo của Bác Hồ, của Đảng, Nhà nước, giáo dục Việt Nam nói chung, công tác khuyến học nói riêng đã đạt đươc những thành tựu phát triển rất đáng tự hào.

Đặc biệt phải kể đến phong trào “Bình dân học vụ” ngay sau khi nước nhà giành được độc lập, chỉ trong một số năm ngắn toàn dân đã cùng nhau, giúp nhau học để từ chỗ hơn 90% mù chữ trở thành một dân tộc có hơn 90% người dân đọc thông , viết thạo. Đến ngày hôm nay, trình độ dân trí, đội ngũ khoa học, trí thức đã lớn mạnh rất nhiều.

“Vài chục năm trước nếu trong một dòng họ, một xã có một người học đại học là cả niềm vinh dự, hôm nay hầu hết con cháu các gia đình đều có thể học đại học, nếu vì lý do nào đó không thể đi học đại học ngay sau khi tốt nghiệp phổ thông thì trong quá trình đi học sau này vẫn có thể học đại học. Đó là kết qủa của cả quá trình phấn đấu không mệt mỏi với chủ trương, đường lối rất đúng đắn của Đảng, Nhà nước”, Phó Thủ tướng nói.

Là nước có tốc độ tăng trưởng liên tục cao thứ hai trên thế giới trong hơn 25 năm nhưng do trải qua một cuộc chiến tranh kéo dài, xuất phát điểm thấp nên đến thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam, tính theo sức mua, vẫn đứng ngoài 100 trên thế giới. Mặc dù vậy, Đảng, Nhà nước xác định tất cả lo cho người dân, đầu tiên là sức khỏe, ăn ở, học hành. Vì vậy, chúng ta đã đầu tư rất nhiều cho giáo dục. Dù chưa hài lòng nhưng có thể thấy định hướng phát triển giáo dục của Đảng, Nhà nước là rất đúng đắn, được thế giới đánh giá rất cao.

Phó Thủ tướng cho biết, Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN cũng diễn ra cùng thời điểm với Đại hội đã công bố kết quả đánh giá giáo dục tiểu học trong ASEAN. Theo đó, ngoại trừ Singapore, vốn là nước có thu nhập và nền giáo dục thuộc tốp hàng đầu thế giới, thì Việt Nam đứng vị trí thứ nhất ASEAN cách xa nước thứ hai là Malaysia ở nhiều chỉ số.

Giáo dục trung học cơ sở của Việt Nam đứng khoảng thứ 30 trên thế giới, tiệm cận các bước OECD, vượt xa các nước có cùng trình độ phát triển và trong khu vực ASEAN chỉ đứng sau Singapore.

Những chỉ số liên quan đến phát triển con người, đổi mới sáng tạo, năng lực của người Việt Nam được xếp ở vị trí cao.

Đây không chỉ là kết quả nỗ lực phấn đấu của ngành giáo dục, mà còn nhờ công tác khuyến học, khuyến tài, phong trào xây dựng xã hội học tập, gia đình, dòng họ, xã hội học tập. 21 triệu thành viên hội khuyến học Việt Nam đã lan tỏa tinh thần học tập đến từng ngõ ngách, thôn xóm. Ở nhiều vùng thôn quê, buổi tối vẫn còn những tiếng kẻng nhắc học vang lên. Đó cũng là hồng phúc của đất nước.

Quá trình thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, qua 5 năm đã đạt được những kết quả bước đầu cho thấy rõ đây là một quá trình liên tục, có tính kế thừa, từng bước chắc chắn.

“Nhìn từng năm một thì khó thấy những kết quả rõ rệt nhưng qua giai đoạn 5 năm, 10 năm, 20 năm thì chúng ta có quyền tự hào sự nghiệp giáo dục đang được Đảng lãnh đạo, Nhà nước tập trung chỉ đạo, điều hành, sự tham gia của hội khuyến học, các tổ chức, đoàn thể, cộng đồng DN và toàn dân”, Phó Thủ tướng nói.

Cùng với đó là sự đóng góp không thể thiếu của các cán bộ, hội viên hội khuyến học, nỗ lực của các gia đình, kế thừa với truyền thống hiếu học của cha ông.

Với xu thế giáo dục dành cho mọi người, mọi lứa tuổi ở trên thế giới, Phó Thủ tướng cho rằng phong trào khuyến học, khuyến tài không chỉ là một phần bổ trợ mà có mối liên hệ khăng khít với giáo dục trong nhà trường với sự tham gia của các bậc cha mẹ, phụ huynh học sinh.

Vì vậy, dù cần thiết duy trì áp lực nhất định cho trẻ em khi đi học nhưng nếu chúng ta có sự hướng dẫn đúng mực về liều lượng và phương pháp cho các bậc cha mẹ ở Việt Nam, vốn tự coi mình là giáo viên ở nhà, thì sẽ là có lợi cho giáo dục nước nhà.

Các phong trào tôn vinh, cấp học bổng hằng năm cho trẻ em, người lớn rất đáng quý, làm cho ranh giới giáo dục trong nhà trường và ngoài xã hội mờ hơn so với nhiều nước trên thế giới.

Phó Thủ tướng cũng mong muốn các cán bộ, hội viên hội khuyến học cùng suy nghĩ, phối hợp với ngành giáo dục để phát huy tinh thần thực học.

Theo Phó Thủ tướng, truyền thống hiếu học, khoa bảng của Việt Nam và một số nước Đông Á là rất đáng quý nhưng nếu không có sự điều chỉnh dễ thiên về chủ nghĩa hình thức, bằng cấp. Vì vậy, trong nhà trường, ngoài xã hội phải từng bước nâng cao thực học.

Học những gì thiết thực nhất trong cuộc sống, có tính nền tảng để chuẩn bị cho tương lai. Phong trào khuyến học, khuyến tài đã đưa ra rất nhiều mô hình sản xuất hay, thiết thực. Nhiều người không cần có bằng tiến sỹ, kỹ sư nhưng vẫn có nhiều sáng kiến đưa vào cuộc sống, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.

Bên cạnh đó, chúng ta cần khuyến khích người học dám hỏi, dám bày tỏ ý kiến của mình với thầy cô, trao đi đổi lại, phát huy năng lực cá nhân. Và so với giáo dục trong nhà trường thì giáo dục ngoài xã hội có điều kiện đi trước một bước, trên tinh thần mọi người dân đều tham gia học và dạy học.

Phó Thủ tướng cũng mong muốn các bậc phụ huynh, các phong trào khuyến học, toàn thể xã hội cùng ủng hộ, hỗ trợ ngành giáo dục trong công tác dạy người thông qua các hoạt động lao động, sinh hoạt tập thể, vệ sinh trường lớp…

Trong kỷ nguyên khoa học, công nghệ, cách mạng công nghiệp 4.0, Phó Thủ tướng cho rằng cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin không chỉ trong trường học mà cả các phong trào khuyến học, bắt đầu từ cơ sở. Có như vậy những kho tàng tri thức, học liệu mở càng thêm giá trị khi được chia sẻ không chỉ trong nhà trường mà cả ngoài xã hội. Qua đó trang bị cho người học, nhất là người lao động những năng lực mới nhằm thích ứng linh hoạt với yêu cầu công việc trong tương lai; có ý thức cộng đồng, công dân toàn cầu.

“Các vấn đề văn hóa, xã hội, giáo dục… trước mắt không làm ra tiền, phải tiêu rất nhiều tiền, phải rất kiên trì mới có được kết quả nhưng nếu không chú ý thì sau một thời gian sẽ không phát triển được kinh tế, dù có phát triển được thì tốn rất nhiều tiền để khắc phục các hậu quả để lại.

Các cấp ủy đảng, chính quyền dành sự quan tâm cho văn hóa, giáo dục, đặc biệt cho sự nghiệp khuyến học, không chỉ bằng văn bản, hội nghị mà dành thời gian chỉ đạo, dành nguồn lực cho công tác này. Quan trọng hơn cả là dành sự tôn trọng xứng đáng, tôn vinh cần thiết cho những cá nhân, điển hình đạt thành tích tốt trong học tập, cống hiến”, Phó Thủ tướng nói và mong muốn tinh thần “học không biết chán, dạy người không biết mỏi” của Bác Hồ sẽ thấm sâu vào tất cả những người làm công tác khuyến học, giáo dục.

 

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì Hội nghị về thúc đẩy sản xuất, chế biến và xuất khẩu lâm sản

Ngày 1/12, tại tỉnh Nghệ An, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì Hội nghị “Giải pháp thúc đẩy sản xuất, chế biến và xuất khẩu lâm sản năm 2021 và giai đoạn 2021-2025”.

Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ghi nhận, đánh giá cao ý kiến các đại biểu; đồng thời đề nghị Bộ NN&PTNT chủ trì tiếp thu đầy đủ để hoàn thiện các giải pháp, nhóm giải pháp, từ đó có kế hoạch triển khai cụ thể, hiệu quả trong thời gian tới.

Năm 2020, giá trị xuất khẩu lâm sản tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, ước đạt trên 12,6 tỷ USD, tăng 11,5% so với năm 2019, tiếp tục đứng trong 10 nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực của đất nước. Với kết quả này, Việt Nam tiếp tục đứng đầu khối ASEAN, thứ hai châu Á và thứ 5 thế giới về giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản. Các sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ của Việt Nam tiếp tục có mặt và giữ vững uy tín tại thị trường của trên 140 quốc gia và vùng lãnh thổ, đặc biệt là tại 5 thị trường lớn, thị trường truyền thống như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU và Trung Quốc. Công nghiệp chế biến gỗ phát triển đã tạo ra trên 500.000 việc làm trực tiếp tại các nhà máy, cơ sở sản xuất. Ngành cũng đã gián tiếp tạo ra hàng triệu việc làm cho người lao động ở khu vực nông thôn, miền núi tham gia trồng rừng nguyên liệu, qua đó góp phần quan trọng vào công tác xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới cho đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa.

Phó Thủ tướng đánh giá, có được kết quả trên là do ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản đã chủ động, kịp thời ứng phó, có nhiều giải pháp hay, cách làm mới phù hợp với diễn biến của thị trường và các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19. Các doanh nghiệp chế biến lâm sản tập trung nguồn lực, tăng cường đầu tư mở rộng mặt bằng, quy mô, nâng công suất, đổi mới dây chuyền công nghệ sản xuất; tăng cường quản trị doanh nghiệp, để nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh. Có nguồn nguyên liệu gỗ ổn định, hợp pháp, đáp ứng gần 80% nhu cầu nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ, đầu vào quan trọng của chuỗi cung ứng. 

“Việt Nam hiện đã có trên 300.000 ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế và sẽ tiếp tục được mở rộng trong thời gian tới. Đây là thành quả của công tác ứng dụng khoa học, công nghệ trong chọn tạo giống mới có năng suất, chất lượng cao; quyết liệt chỉ đạo triển khai các cơ chế, chính sách khuyến khích trồng rừng sản xuất bền vững trong thời gian vừa qua”, Phó Thủ tướng ghi nhận.

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả quan trọng nêu trên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng chỉ ra không ít khó khăn, thách thức trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu lâm sản.

Về phương hướng trong thời gian tới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, chế biến và xuất khẩu lâm sản năm 2021 và giai đoạn 2021-2025 để phát triển công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản trở thành một mũi nhọn trong sản xuất nông nghiệp, đóng góp quan trọng trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Phấn đấu để Việt Nam trở thành một trong những nước hàng đầu trên thế giới về sản xuất, chế biến, xuất khẩu lâm sản có thương hiệu uy tín trên thị trường thế giới và khu vực, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường trong nước và gia tăng xuất khẩu.

Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách liên quan. Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án kiểm kê rừng theo Nghị quyết 118/NQ-CP, Chiến lược và Quy hoạch phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045, các chương trình và đề án liên quan. Đây là những cơ sở quan trọng để phát triển công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến lâm nghiệp, nhất là chính sách đầu tư bảo vệ, phát triển rừng, chế biến, thương mại lâm sản. Cơ chế chính sách về thuế, đất đai, khoa học và công nghệ, đầu tư, tín dụng để khuyến khích các chủ rừng, doanh nghiệp mở rộng đầu tư, liên kết trồng rừng gỗ lớn, chế biến, thương mại lâm sản theo chuỗi giá trị, trong đó lưu ý cần có chính sách về tổ chức phát triển vùng nguyên liệu phù hợp, tránh tình trạng manh mún, chất lượng không cao như hiện nay. Cơ chế, chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp lớn, có quy mô, tiềm lực tài chính, công nghệ, thị trường tích cực, chủ động phát triển thành các doanh nghiệp đầu tàu, tham gia sâu vào chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất toàn cầu, từ đó tạo điều kiện để các doanh nghiệp nhỏ hơn trong ngành cùng phát triển.

Tập trung phát triển cơ sở hạ tầng ngành chế biến gỗ. Trong đó, xây dựng Trung tâm triển lãm thiết kế mẫu mã sản phẩm gỗ có tầm cỡ khu vực và thế giới; Xây dựng một số Khu Lâm nghiệp công nghệ cao để thu hút, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất, chế biến lâm sản phù hợp với lộ trình, mục tiêu tăng trưởng giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản giai đoạn 2021-2025.

Phát triển công nghiệp chế biến gỗ theo hướng liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm từ khâu trồng rừng tạo nguyên liệu gỗ lớn đến chế biến, thương mại lâm sản.

Đồng thời khuyến khích doanh nghiệp chế biến lâm sản liên kết chặt chẽ, có sự phân công chuyên môn hóa cao về sản xuất chủng loại, chi tiết sản phẩm để tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, quản trị doanh nghiệp.

Khuyến khích doanh nghiệp đa dạng hóa sản phẩm phù hợp nhu cầu thị trường; ưu tiên phát triển các sản phẩm chiến lược, có nhu cầu lớn, có độ ổn định, giá trị gia tăng cao, là thế mạnh của Việt Nam.

Tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng suất lao động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực đã qua đào tạo thông qua việc cải thiện chương trình đào tạo, tổ chức dạy nghề, đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu của doanh nghiệp, ưu tiên phát triển khâu thiết kế mẫu mã sản phẩm. Phấn đấu đưa nâng cao năng suất lao động năm 2025 tăng 20% so với năm 2020.

Khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, tiết kiệm nguyên liệu, thân thiện với môi trường vào ngành chế biến gỗ, giảm số lượng lao động trực tiếp, thay thế bằng công nghệ, máy móc tự động hóa dây chuyền sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và quốc tế.

Phát triển thị trường và xây dựng thương hiệu gỗ Việt. Trong đó, khuyến khích doanh nghiệp tham gia phát triển thị trường nội địa; duy trì, phát triển các thị trường xuất khẩu truyền thống, thị trường chính (như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc…); chủ động xúc tiến thương mại vào các thị trường mới, thị trường tiềm năng. Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng kênh phân phối sản phẩm gỗ Việt tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm, thị trường truyền thống, chuyển đổi phương thức bán hàng từ cách truyền thống (offline) sang hình thức bán hàng online. Bộ Công Thương chủ trì, hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển thương hiệu gỗ Việt và tập trung tháo gỡ rào cản kỹ thuật, thương mại, phòng chống gian lận thương mại trong hoạt động xuất nhập khẩu gỗ và lâm sản tạo cơ hội mở rộng thị phần xuất khẩu.

Bộ NN&PTNT tiếp tục chỉ đạo các địa phương tiếp tục quan tâm, phát triển nguồn nguyên liệu gỗ lớn thông qua cải thiện, chọn tạo giống cây trồng lâm nghiệp, trồng rừng thâm canh, công nghệ cao, nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ thành rừng trồng gỗ lớn.

Đến năm 2025, phấn đấu có ít nhất 1 triệu ha rừng trồng gỗ lớn và được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, đáp ứng trên 80% nguyên liệu trong nước cung cấp cho ngành chế biến gỗ.

Tại Diễn đàn Quốc hội vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu sáng kiến và cũng là yêu cầu từ nay đến năm 2025 trồng 1 tỷ cây xanh. Đây là thông điệp rất quan trọng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, vừa đáp ứng yêu cầu cho phát triển kinh tế đồng thời bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Yêu cầu Bộ NN&PTNT chủ trì sớm cụ thể hoá thông điệp này của Thủ tướng thành các kế hoạch, chương trình hành động để triển khai thực hiện.

Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc gỗ nhập khẩu; 100% doanh nghiệp chế biến cam kết nói không với gỗ bất hợp pháp. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về sử dụng nguyên liệu gỗ bất hợp pháp, gian lận thương mại, bảo vệ doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam trên thị trường trường quốc tế.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rà soát, nghiên cứu xây dựng chính sách tín dụng ưu đãi lãi suất để hỗ trợ các doanh nghiệp, chủ rừng liên kết trồng rừng sản xuất gỗ lớn, nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng có chu kỳ kinh doanh từ 10 năm tuổi trở lên tạo nguồn nguyên liệu có chất lượng cao và hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đổi mới công nghệ của ngành công nghiệp chế biến gỗ giai đoạn 2021-2030.

Các hiệp hội gỗ và lâm sản thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp với Nhà nước, có kế hoạch, động viên, khích lệ, hỗ trợ các doanh nghiệp trong xuất khẩu lâm sản.

Các doanh nghiệp giữ vững tinh thần làm việc sáng tạo, năng động để tiếp tục duy trì sự phát triển sản xuất, chế biến lâm sản, bảo đảm nhu cầu tiêu dùng các loại sản phẩm của thị trường trong nước và xuất khẩu, góp phần vào thành công chung của ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu trong năm 2021 và giai đoạn 2021-2025.

Nhiệm vụ đặt ra đối với ngành chế biến gỗ, lâm sản xuất khẩu giai đoạn 2021-2025 là rất nặng nề, đòi hỏi nỗ lực rất lớn của các bộ, ngành trung ương, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và mỗi người dân.

Phó Thủ tướng tin rằng với sự quyết tâm, khát vọng vươn lên, với tinh thần hội nhập quốc tế sâu rộng trong cộng đồng doanh nghiệp, ngành công nghiệp chế biến gỗ và xuất khẩu lâm sản sẽ hoàn thành nhiệm vụ năm 2021và giai đoạn 2021-2025 góp phần phát triển kinh tế đất nước, phát triển ngành lâm nghiệp bền vững, tương xứng với tiềm năng và thế mạnh./.

Print
790 Rate this article:
No rating

Thư viện ảnh

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ - VIỆN KHOA HỌC THỂ DỤC THỂ THAO - TỔNG CỤC THỂ DỤC THỂ THAO
Người chịu trách nhiệm chính: PGS.TS. Nguyễn Danh Hoàng Việt
Địa chỉ: 141 Nguyễn Thái Học - Ba Đình - Hà Nội * Điện thoại: (84-4) 733 0286 * FAX: (84-4) 733 4419
Website: vkhtdtt.vn; Email: banbientap.vkhtdtt@gmail.com

 

Close Copyright [2018] by TTTT
Back To Top