Responsive image

Hoạt động của các Phó Thủ tướng Chính phủ ngày 2/7

Thông cáo báo chí hoạt động của các Phó Thủ tướng Chính phủ ngày 2/7

THÔNG CÁO BÁO CHÍ

                         HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Phó Thủ tướng Thường trực dự kỷ niệm 25 năm Công đoàn Viên chức Việt Nam

Ngày 2/7, tại Hà Nội, Công đoàn Viên chức (CĐVC) Việt Nam tổ chức lễ kỷ niệm 25 năm thành lập (2/7/1994 - 2/7/2019) và tuyên dương những cán bộ, thủ lĩnh công đoàn tiêu biểu của CĐVC Việt Nam.

Dự buổi lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, cùng đông đảo các đoàn viên CĐVC Việt Nam.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, CĐVC Việt Nam là tổ chức công đoàn ngành có vị trí đặc biệt, nơi tập hợp đông đảo cán bộ, công chức, viên chức giữ vai trò tham mưu và tổ chức thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan Trung ương.

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Phó Thủ tướng ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những kết quả tích cực và những đóng góp quan trọng của các thế hệ cán bộ, đoàn viên, người lao động CĐVC Việt Nam trong công tác tuyên truyền, tham mưu xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách; cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí; phối hợp hướng dẫn, tổ chức các phong trào thi đua yêu nước và các hoạt động xã hội, xây dựng hình ảnh người cán bộ, công chức, viên chức “Trung thành, trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo” gắn với việc thực hiện “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Chính phủ đánh giá cao và ghi nhận những đóng góp quan trọng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong công tác tham mưu, nghiên cứu, hoạch định các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và hướng dẫn thực thi chính sách, pháp luật. Những thành tựu của đất nước đạt được trong thời gian qua có sự đóng góp rất đáng trân trọng của đoàn viên, người lao động thuộc CĐVC Việt Nam. Để đạt được kết quả như trên, Ban Chấp hành CĐVC Việt Nam đã đặc biệt quan tâm, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn.

Biểu dương và chúc mừng 90 cán bộ công đoàn tâm huyết, sáng tạo được lựa chọn để tôn vinh, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng đây là những thủ lĩnh công đoàn xuất sắc, gương mẫu đi đầu của CĐVC Việt Nam.

Trước yêu cầu nhiệm vụ chung của đất nước, của tổ chức công đoàn Việt Nam, CĐVC Việt Nam phải tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả, làm tốt hơn sứ mệnh của mình, Phó Thủ tướng Thường trực lưu ý một số nội dung.

Một là, tiếp tục tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn, lựa chọn những đồng chí thực sự tiêu biểu, có năng lực, tâm huyết, có uy tín cao. Những đồng chí sau thời gian cống hiến trong tổ chức công đoàn cần được ưu tiên bố trí, phân công nhiệm vụ chuyên môn phù hợp.

Đổi mới công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cả chính trị, nghiệp vụ, kỹ năng công tác cho cán bộ công đoàn. Công đoàn cũng cần tích cực tham gia với cơ quan chuyên môn trong vận động, khích lệ đoàn viên, người lao động học tập, nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Hai là, đổi mới công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục nâng cao nhận thức chính trị, giác ngộ giai cấp, ý thức chấp hành pháp luật, phục vụ nhân dân cho đoàn viên, người lao động. Lựa chọn các nội dung cụ thể, thiết thực, trọng tâm, trọng điểm; tìm kiếm các phương thức tuyên truyền, giáo dục mới, hiệu quả, nhất là sử dụng công nghệ thông tin, tích cực tham gia phản bác các luận điệu tuyên truyền bịa đặt, tiến hành diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch, phản động luôn tìm mọi cách chống phá cách mạng Việt Nam, kêu gọi biểu tình, bạo loạn, đặc biệt là trên các trang mạng xã hội xấu, độc hại. Việc tuyên truyền, vận động phải tiến hành thường xuyên, liên tục, từ đó làm thay đổi nhận thức, chuyển biến hành động của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, để thực sự là công bộc của nhân dân, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân.

Ba là, tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, thu hút đông đảo đoàn viên, người lao động hưởng ứng và làm theo như phong trào: “Đoàn kết, sáng tạo thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Tham mưu giỏi, phục vụ tốt”, “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, cuộc vận động “Cán bộ, công chức, viên chức nói không với tiêu cực”…

Bốn là, làm tốt hơn nữa công tác đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động. Tích cực tham gia xây dựng các quy chế, quy định, nội quy của cơ quan liên quan đến người lao động. Mạnh dạn lên tiếng bảo vệ đoàn viên, người lao động trong các diễn đàn, hội nghị liên quan đến việc đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật người lao động. Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, luôn bên cạnh, đồng hành khi đoàn viên, người lao động gặp khó khăn, cần đến tổ chức công đoàn.

Năm là, chủ động nghiên cứu, đề xuất, tham mưu với cấp có thẩm quyền có giải pháp khắc phục hạn chế, tồn tại nhằm thực hiện có hiệu quả Luật Viên chức 2010; tập trung vào những vấn đề cốt lõi như viên chức trong đổi mới cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập, vấn đề hợp đồng đối với viên chức, công tác quản lý viên chức, vấn đề kỷ luật đối với viên chức…

Sáu là, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục quan tâm hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của công đoàn, tạo mọi điều kiện thuận lợi để công đoàn hoạt động hiệu quả, đóng góp ngày càng thiết thực cho cơ quan, đơn vị, địa phương mình, góp phần vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước.

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình và lãnh đạo các ban, ngành Trung ương và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tuyên dương 90 cán bộ công đoàn xuất sắc của CĐVC Việt Nam.

 

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tiếp Phó Chủ tịch ADB

Chiều 2/7, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tiếp Phó Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Ahmed Saeed đang có chuyến thăm và làm việc đầu tiên tại Việt Nam sau khi được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch ADB.

Phó Thủ tướng khẳng định, Việt Nam coi trọng quan hệ với ADB, một trong những nhà tài trợ hàng đầu trong việc cung cấp nguồn vốn, hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn.

ADB đã tích cực trong các hoạt động tham vấn chính sách, xây dựng thể chế cho các cơ quan Chính phủ, trong đó có việc hỗ trợ Văn phòng Chính phủ triển khai hai hệ thống tham vấn chính sách (e-Consultation) và nội các điện tử (e-Cabinet).

Sự hỗ trợ của ADB đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tại Việt Nam, nhất là trên các lĩnh vực phát triển hạ tầng, y tế, đào tạo nguồn nhân lực, Phó Thủ tướng khẳng định.

Đến nay, ADB đã tài trợ 173 chương trình/dự án với tổng vốn vay lũy kế trên 16 tỷ USD và dành cho Việt Nam khoản viện trợ không hoàn lại với tổng trị giá trên 340 triệu USD.

Phó Thủ tướng đánh giá cao việc ADB đã tài trợ 7 chương trình trong năm tài khóa 2018 với tổng trị giá 676,96 triệu USD trước khi Việt Nam “tốt nghiệp” nguồn vốn vay ưu đãi của ADB kể từ ngày 1/1/2019.

Đề cập đến những nỗ lực gần đây của Chính phủ, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, mới đây ông đã có cuộc đối thoại trực tiếp với đại diện nhóm 6 nhà tài trợ tại Hà Nội để cùng thống nhất các biện pháp đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA trong thời gian tới.

Chính phủ cũng đã đề nghị và được Quốc hội chấp thuận việc đưa 7 dự án của năm 2018 vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; trình Quốc hội thông qua dự án Luật Đầu tư công và sẽ sửa các nghị định liên quan nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc giải ngân nguồn vốn ODA.

Trong bối cảnh Việt Nam đã "tốt nghiệp" nguồn vốn vay ưu đãi của nhóm các nhà tài trợ trong khi nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển còn rất lớn, Phó Thủ tướng đề nghị ADB tiếp tục dành cho Việt Nam sự linh hoạt trong tiếp cận các nguồn vốn kém ưu đãi hơn hoặc kết hợp giữa vốn vay với nguồn viện trợ nhằm giảm thiểu chi phí vay, bảo đảm an toàn nợ công.

Phó Chủ tịch ADB Ahmed Saeed đánh giá cao sự quan tâm, chỉ đạo, giám sát chặt chẽ của Chính phủ Việt Nam đối với các dự án sử dụng vốn ODA của nhóm 6 nhà tài trợ, trong đó có ADB, đặc biệt là kể từ sau khi Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia về vốn ODA, vốn vay ưu đãi.

Ban Chỉ đạo không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA mà còn tăng cường sự hiểu biết giữa Việt Nam với nhóm các nhà tài trợ, qua đó kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, Phó Chủ tịch  Ahmed Saeed nhấn mạnh.

Ông Ahmed Saeed cũng đánh giá cao và coi trọng kinh nghiệm của Việt Nam, cho rằng Việt Nam là một hình mẫu trong việc sử dụng nguồn vốn ODA để có thể chia sẻ với các nước khác.

Phó Chủ tịch ADB khẳng định sẽ tiếp tục sát cánh cùng Việt Nam để duy trì sự ổn định, phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam.

 

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia

Chiều 2/7, tại Trụ sở Ngân hàng Nhà nước, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đã chủ trì phiên họp thường kỳ quý II/2019 của Hội đồng.

Cuộc họp nhằm tham vấn ý kiến các chuyên gia kinh tế về chính sách kinh tế vĩ mô, phục vụ cho phiên họp Chính phủ với các địa phương sắp diễn ra.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các thành viên tập trung đánh giá tình hình trong nước và thế giới 6 tháng qua, dự báo từ nay tới cuối năm, tính tới các rủi ro liên quan tới các động thái quốc tế gần đây về thương mại, dịch bệnh, thiên tai...

“Thủ tướng đặt hàng cho Hội đồng kiến nghị tới Chính phủ có cần bổ sung hay điều chỉnh chính sách vĩ mô trong thời gian tới không? Trên tinh thần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và giữ được đà tăng trưởng”, Phó Thủ tướng nói.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, kinh tế thế giới trong 6 tháng đầu năm 2019 tăng chậm hơn dự kiến (riêng Hoa Kỳ tăng trưởng mạnh hơn 3%). Rủi ro và bất ổn gia tăng trong điều kiện xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn leo thang và tiến trình Brexit bế tắc. Thị trường tài chính, tiền tệ biến động phức tạp khi các ngân hàng trung ương có xu hướng giảm lãi suất vì rủi ro gia tăng.

Ở trong nước, tăng trưởng kinh tế 6,76%, thấp hơn năm 2018, nhưng vẫn phù hợp với mục tiêu điều hành. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước nhìn nhận xuất hiện một số động lực tăng trưởng mới trong lĩnh vực chế biến chế tạo như lọc hoá dầu Nghi Sơn, thép Formosa, xe có động cơ Vinfast,... Cả nước đã xuất siêu 1,64 tỷ USD.

Lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, khi bình quân 6 tháng tăng 2,64%, thấp hơn đáng kể so với mục tiêu dưới 4% của Chính phủ,...

Trong khi đó, Bộ Tài chính cho biết, thu ngân sách đạt khá với 53% kế hoạch, nhưng chi ngân sách chậm, trong đó có giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm khiến bội thu ngân sách Nhà nước, chứ không bị thâm hụt ngân sách Nhà nước như năm ngoái, góp phần giảm bội chi và nợ công. Nợ công ở mức 57-58% GDP, nợ Chính phủ khoảng 49% GDP và trái phiếu Chính phủ là công cụ tài khoá quan trọng khi thời hạn vay trung bình cao lên tới 13,7 năm với lãi suất thấp 4,6%/năm.

Còn Bộ Công Thương cho biết, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá đạt khá trong bối cảnh nhiều nước tăng trưởng âm ở lĩnh vực này. Đây là nỗ lực rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp. Thu hút và giải ngân vốn FDI tiếp tục tăng.

Trước việc Hoa Kỳ mở rộng danh sách các quốc gia cần giám sát từ 12 lên 21, trong đó có Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp làm việc với Bộ Tài chính Hoa Kỳ, khẳng định chính sách tiền tệ của Việt Nam nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng hợp lý, điều hành tỷ giá linh hoạt phù hợp với diễn biến thị trường và đặc thù của Việt Nam, chứ không tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước tích cực thực hiện truyền thông kịp thời để ổn định tình hình thị trường trong nước.

Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng cho rằng, tới thời điểm này, chưa có dấu hiệu rủi ro về ổn định kinh tế vĩ mô so với các giai đoạn trước đây; đánh giá cao kết quả đạt được về kinh tế-xã hội nhất là trong 6 tháng đầu năm 2019.

Tuy nhiên, thách thức với tăng trưởng GDP trong năm 2019 là không nhỏ khi các động lực tăng trưởng như nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ đều tăng chậm hơn năm 2018; xuất khẩu có xu hướng giảm; cán cân vãng lai tăng cao nhưng chủ yếu phụ thuộc từ kiều hối nên chưa bền vững; tốc độ tăng trưởng dịch vụ thấp hơn tăng trưởng GDP…

Các thành viên đề xuất Chính phủ tiếp tục theo dõi sát các diễn biến về thương mại, đầu tư trên thế giới để ổn định vĩ mô, đồng thời tăng cường nội lực để ứng phó với các tác động từ bên ngoài; một mặt tạo thuận lợi thương mại nhưng cũng phải kiểm soát chặt chẽ gian lận thương mại.

Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước quan tâm tới việc dự báo xuất hiện các đồng tiền ảo mới trên thế giới sẽ tác động mạnh mẽ tới chính sách tài khoá, tiền tệ của các nước, trong đó có Việt Nam; sớm ban hành các quy định pháp luật về thanh toán không dùng tiền mặt; hoàn thiện hệ thống luật pháp về đầu tư, doanh nghiệp, hợp tác công- tư, chứng khoán;

Nghiên cứu xây dựng chính sách tiền tệ, tài chính hiện đại hơn với các công cụ quyền chọn mua, chọn bán để giảm bớt công cụ can thiệp ngoại tệ; tranh thủ điều chỉnh giá dịch vụ công trong năm nay khi lạm phát đang kiểm soát thấp; đánh giá sát thực hơn thị trường bất động sản, tình hình huy động vốn của các doanh nghiệp cao hơn lãi suất ngân hàng có thể tác động tới vĩ mô.../.

Print
2018 Rate this article:
No rating

Thư viện ảnh

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ - VIỆN KHOA HỌC THỂ DỤC THỂ THAO - TỔNG CỤC THỂ DỤC THỂ THAO
Người chịu trách nhiệm chính: PGS.TS. Nguyễn Danh Hoàng Việt
Địa chỉ: 141 Nguyễn Thái Học - Ba Đình - Hà Nội * Điện thoại: (84-4) 733 0286 * FAX: (84-4) 733 4419
Website: vkhtdtt.vn; Email: banbientap.vkhtdtt@gmail.com

 

Close Copyright [2018] by TTTT
Back To Top