Responsive image

Thông tin báo chí chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 31/8

 

THÔNG TIN BÁO CHÍ

    THÔNG TIN CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH CỦA CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

 

Dần hình thành nếp sống, ứng xử phù hợp trong điều kiện có dịch bệnh

Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo 313/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 chiều ngày 27/8/2020.

Thông báo nêu rõ, trong thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã chỉ đạo công tác phòng, chống dịch với các giải pháp đồng bộ, phù hợp, kịp thời (như bắt buộc đeo khẩu trang, khoanh vùng và cách ly, truy vết và xét nghiệm trên diện rộng, xử lý các vi phạm…), đặc biệt đã thực hiện giãn cách xã hội quyết liệt ở phạm vi phù hợp.

Đến nay chúng ta đã kiểm soát tốt dịch bệnh trên phạm vi quốc gia, là kết quả đáng mừng, thể hiện đóng góp, cố gắng lớn và trách nhiệm cao của các ngành, các cấp và nhân dân, nhất là tại Thành phố Đà Nẵng, các tỉnh Quảng Nam, Hải Dương, Đăk Lắk, Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương có ca nhiễm trong cộng đồng. Trong đợt dịch bệnh vừa qua, ngành y tế đã lập lực lượng tiền phương, cử cán bộ y tế hỗ trợ dập dịch tại Thành phố Đà Nẵng và một số địa phương. Thủ tướng Chính phủ biểu dương, đánh giá cao, gửi lời thăm hỏi và cảm ơn các cán bộ, nhân viên y tế, chiến sỹ, nhất là những người ở tuyến đầu đã hoàn thành tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch vừa qua.

Trong bối cảnh phòng, chống dịch, mục tiêu kép cũng bước đầu được thực hiện tốt, tích cực thúc đẩy đầu tư công, xuất nhập khẩu, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, công nghiệp không để đình trệ, đứt gãy các hoạt động kinh tế - xã hội. Trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần quán triệt sâu sắc chủ trương lớn về thực hiện mục tiêu kép, vừa sẵn sàng phòng, chống dịch, không được chủ quan trong nhận thức và hành động, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện đầy đủ trách nhiệm, quyền hạn được giao, chủ động, linh hoạt quyết định các vấn đề đặt ra trong thực hiện mục tiêu kép trên địa bàn.

Tiếp tục đề cao cảnh giác, không chủ quan

Trong thời gian tới, nguy cơ dịch bệnh vẫn thường trực và sẽ tiếp tục có các ca mắc trong cộng đồng. Các ngành, các cấp phải tiếp tục đề cao cảnh giác, không chủ quan, coi thường dịch bệnh, xác định chống dịch trong thời gian dài và dần hình thành nếp sống, ứng xử phù hợp trong điều kiện có dịch bệnh.

Trong đó, tiếp tục áp dụng các biện pháp cơ bản phòng chống dịch trong trạng thái “bình thường mới” như: đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, tại các nơi công cộng và trên các phương tiện giao thông công cộng; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; hạn chế tụ tập đông người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành và hoàn thiện các chế tài xử phạt các trường hợp vi phạm trong công tác phòng, chống dịch.

Chủ động chuẩn bị các kịch bản, phương án ứng phó với các tình huống dịch bệnh tại cơ sở khám, chữa bệnh, tại cơ quan, các cơ sở sản xuất, nhà máy, xí nghiệp, nhất là nơi có lượng lao động lớn.

Trường hợp xuất hiện ca mắc bệnh, các quy trình phòng chống dịch phải được kích hoạt ngay để thần tốc, quyết liệt khoanh vùng gọn, dập dịch nhanh, không để lây lan rộng ra cộng đồng; mặt khác có phương án duy trì, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện đầy đủ trách nhiệm, quyền hạn, chủ động hơn, quyết liệt hơn, linh hoạt quyết định áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn, không trông chờ, phụ thuộc quyết định của các cơ quan Trung ương. Tiếp tục đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, phát huy vai trò tham mưu của ngành y tế các cấp trong xác định, quyết định biện pháp phòng, chống dịch bảo đảm phù hợp với mức nguy cơ dịch bệnh. Không áp dụng biện pháp dừng, đình chỉ hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khi không cần thiết; hạn chế đến mức thấp nhất tác động tiêu cực của các biện pháp phòng, chống dịch đối với các hoạt động kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhất là các tỉnh biên giới phối hợp với Bộ Quốc phòng quản lý chặt chẽ xuất nhập cảnh tại khu vực biên giới; không để nhập cảnh trái phép, nhập cảnh không đúng đối tượng.

Bộ Công an điều tra, khởi tố theo đúng pháp luật các trường hợp nhập cảnh trái phép, các cá nhân, tổ chức, đường dây, các cơ sở lưu trú đưa người hoặc tiếp nhận các trường hợp nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.

Ban hành ngay các hướng dẫn an toàn trong bệnh viện, trong trường học

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tập trung chỉ đạo khẩn trương cập nhật, hoàn thiện và ban hành ngay các hướng dẫn an toàn trong bệnh viện, trong trường học, nơi làm việc, phương tiện giao thông công cộng… với nội dung ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu để các cấp, các ngành, các địa phương và mọi người dân có thể dễ dàng thực hiện.

Tiếp tục thực hiện nghiêm việc phòng, chống dịch trong các cơ sở y tế; tổ chức phân luồng, phân tuyến điều trị hợp lý ngay từ khâu tiếp đón bệnh nhân, phòng ngừa lây nhiễm, tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện; xét nghiệm phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm trong số các bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, các trường hợp có biểu hiện ho, sốt trong cộng đồng.

Tăng tốc nghiên cứu vắc xin, thuốc điều trị, tăng cường hợp tác quốc tế nhất là với các quốc gia có kết quả nghiên cứu vắc xin ban đầu. Đầu tư nghiên cứu dịch tễ học, khả năng miễn dịch cá thể và cộng đồng. Củng cố năng lực giải mã gen COVID-19 nhằm phục vụ việc ngăn chặn và nghiên cứu thuốc điều trị. Lưu ý nghiên cứu những ca tái nhiễm và khả năng miễn dịch của con người.

Công tác thông tin, truyền thông phải tiếp tục làm tốt và hiệu quả hơn nữa, đúng mức, để người dân luôn đề phòng dịch bệnh nhưng không hoang mang. Chú trọng thông tin về kiến thức cơ bản phòng dịch, về các biện pháp nâng cao dinh dưỡng, các bài học về phát hiện ổ dịch, khoanh vùng dập dịch, điều trị; những kiến thức cơ bản về y tế dự phòng. Tiếp tục khuyến cáo mạnh mẽ việc cài đặt ứng dụng Bluezone phục vụ truy vết nhanh các trường hợp có nguy cơ mắc bệnh.

Các hình thức thông tin phải phong phú, đa dạng, như phát thanh, truyền hình, mạng xã hội, thậm chí dùng cả loa phường, loa tay ở những vùng xa. Cần có đánh giá, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của Tổng đài tư vấn, giải đáp thắc mắc của người dân liên quan đến dịch bệnh COVID-19, phổ biến trên truyền hình về hoạt động của Tổng đài này để mọi người dân biết và sử dụng.

Xử lý ngay vấn đề mở lại đường bay thương mại với Nhật Bản, Hàn Quốc

Thủ tướng Chính phủ giao Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh chủ trì với các Bộ: Ngoại giao, Công an, Quốc phòng, Y tế, Giao thông vận tải… giải quyết các việc sau: Tổ chức điều phối các chuyến bay đón công dân Việt Nam về nước và tạo thuận lợi đưa các chuyên gia, nhà đầu tư, lao động tay nghề cao nhập cảnh. Mỗi chuyến bay đều phải có phương án cụ thể bảo đảm an toàn kể cả phương án cách ly phù hợp đối với từng đối tượng nhập cảnh.

Rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, bảo đảm thuận lợi, chặt chẽ, giảm các khâu trung gian không cần thiết, giảm tối đa thời gian giải quyết thủ tục (kể cả các giấy tờ liên quan đến chuyến bay và giấy tờ xác nhận tình trạng bệnh tật…); Bộ Y tế ban hành ngay hướng dẫn quy trình, thủ tục kiểm tra, theo dõi y tế tạo thuận lợi và bảo đảm an toàn phòng, chống dịch đối với các trường hợp nhập cảnh thời gian ngắn (dưới 14 ngày), ban hành trước ngày 31/8/2020.

Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ: Ngoại giao, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội xử lý ngay vấn đề mở lại đường bay thương mại giữa Việt Nam với Nhật Bản, Hàn Quốc và các nơi có hệ số an toàn cao…, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/8/2020; trước hết, chỉ đạo thực hiện chuyến bay đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại các nước Nhật Bản, Hàn Quốc.

Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải bố trí các cơ sở cách ly đáp ứng yêu cầu của người nhập cảnh, không phân biệt người nước ngoài và người Việt Nam: Đồng ý mở rộng thực hiện việc cách ly tại cơ sở lưu trú có thu phí. Giao Bộ Công an, chính quyền các địa phương, nhất là ngành y tế thực hiện giám sát chặt chẽ việc cách ly tại cơ sở lưu trú, bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế khẩn trương hướng dẫn gấp để thực hiện: Từ ngày 01/9/2020 thu phí đối với tất cả các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam ở tất cả các nơi cách ly. Chi phí khám chữa bệnh tiếp tục do ngân sách nhà nước chi trả theo Khoản 2 Điều 48 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Nghiên cứu, đề xuất gói an sinh xã hội giai đoạn 2

Về hỗ trợ an sinh xã hội, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất gói an sinh xã hội giai đoạn 2 bảo đảm thuận lợi, chặt chẽ. Các địa phương chủ động các biện pháp hỗ trợ cần thiết cho doanh nghiệp, người nghèo, các đối tượng trợ giúp xã hội bị ảnh hưởng vì dịch bệnh COVID-19.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo thực hiện tốt đợt còn lại của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, bảo đảm an toàn.

Giao Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chú ý giải quyết ngay những vướng mắc về mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phòng, chống dịch; khẩn trương nghiên cứu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét việc mở lại các chuyến bay thương mại quốc tế trước hết là đến các nơi có hệ số an toàn cao.

Hơn ai hết, trong giai đoạn này, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cần thấu triệt “mục tiêu kép” của Chính phủ, không để dịch bệnh lây lan nhưng cũng không để đứt gãy các hoạt động kinh tế.

Bộ Tài chính cáo cáo Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2020 để quyết nghị xác định 2.000 máy thở Eliciae MV20 và chính sách thuế đối với hàng viện trợ nhân đạo; Bộ Y tế sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch, phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới; sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc phân bổ, quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí phòng, chống dịch COVID-19 để thực hiện quyết toán các khoản chi theo đúng quy định.

Quy chế hoạt động của Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định số 1318/QĐ-TTg ban hành Quy chế hoạt động của Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài.

Quy chế này quy định nguyên tắc, trách nhiệm, chế độ làm việc; cơ chế điều hành, chế độ báo cáo và điều kiện đảm bảo hoạt động của Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài (Tổ công tác) và Nhóm giúp việc của Tổ công tác (Nhóm giúp việc).

Theo Quy chế, Tổ trưởng, Tổ phó thường trực, Tổ phó và các thành viên Tổ công tác, Nhóm giúp việc làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Tổ công tác làm việc theo nguyên tắc tập trung thống nhất, các thành viên Tổ công tác chịu trách nhiệm về phần việc được phân công.

Tổ trưởng chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về mọi hoạt động của Tổ công tác. Tổ phó thường trực chủ động chỉ đạo thực hiện toàn bộ các hoạt động hằng ngày của Tổ công tác, nếu có vấn đề cần xin ý kiến sẽ làm văn bản hoặc xin ý kiến trực tiếp Tổ trưởng.

Tổ công tác họp khi cần thiết để trao đổi, quyết định những vấn đề lớn. Tổ công tác họp theo thông báo mời họp của lãnh đạo Tổ công tác.

Ý kiến tham gia của các thành viên Tổ công tác là ý kiến chính thức của cơ quan nơi thành viên Tổ công tác làm việc.

Các thành viên Tổ công tác chỉ định lãnh đạo cấp Vụ trong bộ, ngành mình làm đầu mối phối hợp với nhóm giúp việc đặt tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư để triển khai các nhiệm vụ của Tổ công tác. Đồng thời sử dụng kinh phí, bộ máy tổ chức của cơ quan mình để thực hiện các nhiệm vụ được phân công.

Tổ công tác được yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cung cấp các thông tin cần thiết; yêu cầu hỗ trợ, phối hợp trong quá trình hoạt động. Các cơ quan được yêu cầu có trách nhiệm cung cấp thông tin, hỗ trợ và phối hợp triển khai các nhiệm vụ của Tổ công tác trong thời hạn được yêu cầu.

Nhóm giúp việc đặt tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư; hỗ trợ phối hợp giữa các thành viên Tổ công tác kịp thời và hiệu quả; giúp Tổ công tác đôn đốc triển khai các nhiệm vụ thúc đẩy hợp tác đầu tư; dự thảo các báo cáo và tổng hợp các đề xuất giải pháp nhằm thực hiện các nhiệm vụ được giao. Tham mưu cho Tổ công tác xây dựng kế hoạch, theo dõi, kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp, xây dựng báo cáo định kỳ, đột xuất về tình hình, kết quả triển khai các nhiệm vụ của Tổ công tác...

Đối tượng, điều kiện mua hàng miễn thuế

Nghị định số 100/2020/NĐ-CP ngày 28/8/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh hàng miễn thuế đã quy định cụ thể về đối tượng và điều kiện mua hàng miễn thuế.

Theo đó, người xuất cảnh, quá cảnh sau khi hoàn thành thủ tục xuất cảnh, quá cảnh, hành khách trên các chuyến bay quốc tế xuất cảnh từ Việt Nam hoặc người chờ xuất cảnh được mua hàng miễn thuế.

Trong đó, người xuất cảnh, quá cảnh qua các cửa khẩu đường bộ quốc tế; cửa khẩu ga đường sắt liên vận quốc tế, cửa khẩu cảng biển loại 1, cửa khẩu cảng hàng không dân dụng quốc tế được mua hàng miễn thuế tại cửa hàng miễn thuế nằm trong khu vực cách ly.

Người chờ xuất cảnh được mua hàng miễn thuế tại cửa hàng miễn thuế trong nội địa. Hàng hoá miễn thuế được nhận tại quầy nhận hàng trong khu cách ly tại cửa khẩu quốc tế nơi hành khách xuất cảnh.

Khách du lịch là người nước ngoài theo đoàn bằng đường biển, có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế được mua hàng miễn thuế tại cửa khẩu cảng biển loại 1, cửa hàng miễn thuế trong nội địa. Trường hợp mua hàng miễn thuế trong nội địa thì khách du lịch được nhận hàng tại quầy nhận hàng trong khu cách ly tại cửa khẩu cảng biển loại 1 nơi khách du lịch xuất cảnh.

Ngoài địa điểm nhận hàng quy định ở trên, khách mua hàng quy định tại các trường hợp quy định ở trên (trừ khách mua hàng trên chuyến bay quốc tế xuất cảnh từ Việt Nam) được nhận hàng ở nước ngoài.

Đồng thời, Nghị định số 100/2020/NĐ-CP nêu rõ, hành khách trên các chuyến bay quốc tế xuất cảnh từ Việt Nam được mua hàng miễn thuế trên tàu bay xuất cảnh. Hành khách trên các chuyến bay quốc tế đến Việt Nam được mua hàng miễn thuế trên tàu bay đang thực hiện chuyến bay quốc tế đến Việt Nam.

Người nhập cảnh được mua hàng miễn thuế tại cửa hàng miễn thuế đặt tại khu vực hạn chế của cảng hàng không dân dụng quốc tế ngay sau khi hoàn thành thủ tục nhập cảnh, không được mua hàng miễn thuế sau khi đã ra khỏi khu vực hạn chế tại cảng hàng không dân dụng quốc tế.

Đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ tại Việt Nam được mua hàng miễn thuế tại cửa hàng miễn thuế trong nội địa. Khi mua hàng miễn thuế cho tổ chức phải xuất trình sổ định mức hàng miễn thuế. Khi mua hàng miễn thuế cho cá nhân phải xuất trình sổ định mức hàng miễn thuế kèm chứng minh thư do Bộ Ngoại giao cấp hoặc hộ chiếu.

Đối tượng mua hàng là thuyền viên làm việc trên tàu biển chạy tuyến quốc tế (bao gồm tàu biển có quốc tịch nước ngoài và tàu biển có quốc tịch Việt Nam chạy tuyến quốc tế) được mua hàng miễn thuế tại cảng biển loại 1, cửa hàng miễn thuế trong nội địa phục vụ cho nhu cầu cá nhân, nhu cầu sinh hoạt chung của thuyền viên để sử dụng trên tàu trong thời gian tàu neo đậu tại cảng biển Việt Nam và để sử dụng trên tàu ngoài lãnh hải Việt Nam sau khi tàu xuất cảnh.

Trong đó, trường hợp mua hàng miễn thuế phục vụ nhu cầu cá nhân thuyền viên phải xuất trình hộ chiếu hoặc thẻ đi bờ của thuyền viên.

Trường hợp mua hàng miễn thuế phục vụ nhu cầu sinh hoạt chung của thuyền viên trong thời gian tàu neo đậu tại cảng biển Việt Nam, thuyền trưởng hoặc người đại diện tàu có đơn đặt hàng kèm theo danh sách thuyền viên có thông tin về số hộ chiếu của từng thuyền viên, trên đơn phải ghi rõ thông tin về số hiệu tàu, ngày tàu nhập cảnh.

Trường hợp hàng miễn thuế phục vụ nhu cầu của thuyền viên cho hành trình tiếp theo ngoài lãnh hải Việt Nam, thuyền trưởng hoặc người đại điện tàu có đơn đặt hàng, trên đơn đặt hàng phải ghi rõ thông tin về số hiệu tàu, ngày tàu nhập cảnh, kèm theo danh sách thuyền viên có thông tin số hộ chiếu của từng thuyền viên. Hàng hóa phải được đưa vào kho chứa của tàu để cơ quan hải quan nơi tàu xuất cảnh niêm phong, xác nhận, giám sát cho đến khi tàu xuất cảnh.

Nghị định quy định rõ, chính sách đối với hàng hóa đưa bào bán tại cửa hàng miễn thuế, kho chứa hàng miễn thuế thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế, quản lý thuế có liên quan.

Đồng tiền dùng trong giao dịch ban hàng miễn thuế gồm: Đồng Việt Nam; đồng ngoại tệ đô la Mỹ (USD), euro (EUR); đồng tiền của nước có chung biên giới đất liền với địa điểm đặt cửa hàng miễn thuế tại khu vực biên giới; đồng tiền của quốc gia nơi các chuyến bay quốc tế của các hãng hàng không được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam thực hiện nhập cảnh, quá cảnh tại quốc gia đó.

Bảo đảm minh bạch, chất lượng 3 dự án giao thông

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc triển khai Nghị quyết của Quốc hội về chuyển đổi phương thức đầu tư một số dự án thành phần tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông.

Quốc hội đã quyết nghị chuyển đổi phương thức đầu tư một số dự án thành phần tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 tại Nghị quyết số 117/2020/QH14 ngày 19/6/2020. Vì vậy, việc đẩy nhanh tiến độ khởi công các dự án, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong bối cảnh đại dịch COVID-19; đây là trách nhiệm của ngành Giao thông vận tải, của Chính phủ và tất cả các cấp, các ngành với Đảng và Nhân dân.

Đại diện Ủy ban Kinh tế của Quốc hội có ý kiến: Nghị quyết số 52/2017/QH14 của Quốc hội đã quy định trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư căn cứ quy mô của từng dự án thành phần theo quy định của pháp luật về đầu tư công; 3 dự án chuyển đổi phương thức đầu tư phát sinh tiêu chí dự án quan trọng quốc gia, áp dụng khoản 3 Điều 43 Luật Đầu tư công năm 2019, Bộ Giao thông vận tải là cấp quyết định đầu tư, có thẩm quyền quyết định điều chỉnh dự án.

Lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng có ý kiến thống nhất quy định áp dụng Điều 43 Luật Đầu tư công và Điều 72 Luật Xây dựng về Thủ tướng Chính phủ được ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phê duyệt dự án điều chỉnh và hồ sơ mời thầu. Bộ trưởng Bộ Tư pháp thống nhất phương án Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đã được chuẩn bị kỹ, Hội đồng thẩm định nhà nước đã thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh; Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương; Quốc hội có Nghị quyết chuyển đổi phương án đầu tư. Do đó, cần quyết định lựa chọn phương án có lợi nhất cho phát triển kinh tế đất nước, nhất là trong giai đoạn khó khăn hiện nay do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, bảo đảm tiến độ khởi công vào cuối tháng 8/2020.

Trên tinh thần đó, Thường trực Chính phủ thống nhất giao Bộ Giao thông vận tải dự thảo Nghị quyết của Chính phủ, trình Thủ tướng Chính phủ theo hướng: Bộ Giao thông vận tải thực hiện thẩm quyền của người quyết định đầu tư được quy định tại khoản 3 Điều 43 Luật Đầu tư công quyết định phê duyệt điều chỉnh 03 dự án thành phần. Nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định điều chỉnh dự án được thực hiện theo quy định tại khoản 7 Điều 1 Nghị định số 02/2020/NĐ-CP ngày 01/1/2020 của Chính phủ; rà soát, xác định và chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp lý của tổng mức đầu tư điều chỉnh của 03 dự án thành phần chuyển đổi.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải huy động đội ngũ tham mưu trực thuộc để quyết định và chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thực hiện, bảo đảm minh bạch, chống tham nhũng, lãng phí, bảo đảm chất lượng công trình, tiến độ khởi công trong tháng 9/2020.

Tiêu chí thành lập chi cục, phòng

Chính phủ ban hành Nghị định 101/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ.

Trong đó, Nghị định bổ sung quy định tiêu chí thành lập chi cục và tương đương, số lượng cấp phó của người đứng đầu chi cục.

Cụ thể, chi cục thuộc cục thuộc bộ được thành lập khi đáp ứng đủ các tiêu chí sau:

1- Có đối tượng quản lý về chuyên ngành, lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của cục theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

2- Được phân cấp, ủy quyền của Cục trưởng để quyết định về các vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của Cục trưởng.

3- Khối lượng công việc yêu cầu phải bố trí từ 15 biên chế công chức trở lên.

Về số lượng cấp phó của người đứng đầu chi cục thuộc cục thuộc bộ, chi cục có từ 1-3 phòng được bố trí 1 cấp phó; có từ 4 phòng trở lên được bố trí không quá 2 cấp phó; chi cục không có phòng được bố trí không quá 2 cấp phó.

Tiêu chí thành lập phòng

Nghị định cũng bổ sung tiêu chí thành lập phòng và tổ chức tương đương phòng, số lượng cấp phó của người đứng đầu phòng.

Cụ thể, phòng thuộc cục thuộc bộ được thành lập khi đáp ứng đủ các tiêu chí:

1- Có chức năng, nhiệm vụ tham mưu về quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của cục hoặc được giao tham mưu về công tác quản trị nội bộ của cục.

2- Khối lượng công việc yêu cầu phải bố trí từ 7 biên chế công chức trở lên.

Phòng thuộc chi cục thuộc cục thuộc bộ được thành lập khi đáp ứng đủ các tiêu chí:

1- Có chức năng, nhiệm vụ tham mưu về quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của chi cục hoặc được giao tham mưu về công tác quản trị nội bộ của chi cục.

2- Khối lượng công việc yêu cầu phải bố trí từ 5 biên chế công chức trở lên.

Về số lượng cấp phó của người đứng đầu phòng, phòng thuộc cục thuộc bộ có từ 7-9  biên chế công chức được bố trí 1 cấp phó; có từ 10-15 biên chế công chức được bố trí không quá 2 cấp phó; có từ 16 biên chế công chức trở lên được bố trí không quá 3 cấp phó. Phòng thuộc chi cục thuộc cục thuộc bộ có từ 5 đến 7 biên chế công chức được bố trí 1 cấp phó; có từ 8 biên chế công chức trở lên được bố trí không quá 2 cấp phó.

Nghị định có hiệu lực từ 15/11/2020.

Điều chỉnh giảm diện tích KCN Đức Hòa III

Thủ tướng Chính phủ đồng ý điều chỉnh giảm diện tích khu công nghiệp Đức Hòa III 446,62 ha từ 1.738,55 ha xuống 1.291,93 ha.

Đối với các Khu công nghiệp khác nằm trong quy hoạch các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An đến năm 2020 được phê duyệt tại các công văn số 463/TTg-KTN ngày 28/3/2013, số 875/TTg-KTN ngày 27/5/2016, số 1797/TTg-KTN ngày 11/10/2016, số 968/TTg-CN ngày 7/7/2017, số 1748/TTg-CN ngày 7/12/2018 và số 427/TTg-CN ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ không thay đổi.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Long An chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu báo cáo; quy mô diện tích, vị trí đề xuất điều chỉnh quy hoạch khu công nghiệp Đức Hòa III; sự phù hợp, tính khả thi, liên kết, đồng bộ, kế thừa và khả năng tích hợp của phương án điều chỉnh quy hoạch trên địa bàn Tỉnh trong nội dung quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030 theo quy định của pháp luật về quy hoạch. Đảm bảo hài hòa quyền lợi của các bên có liên quan khi chuyển đổi đất khu công nghiệp đã đền bù, giải phóng mặt bằng để chuyển sang mục đích sử dụng khác. Không để xảy ra các tranh chấp, khiếu kiện trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch.

Đồng thời, tỉnh Long An tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành; chịu trách nhiệm về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất của khu công nghiệp, đảm bảo diện tích đưa ra khỏi quy hoạch khu công nghiệp được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả và không thất thoát ngân sách nhà nước. Tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu, đất đai, nhà ở, đầu tư và pháp luật có liên quan trong việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án tại diện tích đất đưa ra ngoài quy hoạch khu công nghiệp.

Thực hiện đồng bộ việc quy hoạch, phát triển khu công nghiệp với các công trình nhà ở công nhân, công trình xã hội và văn hóa thể thao cho người lao động trong khu công nghiệp. Đảm bảo việc cung cấp hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội ngoài hàng rào phục vụ cho hoạt động của khu công nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu tỉnh Long An đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng và thu hút các dự án thứ cấp đối với phần diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê còn lại; giám sát và có giải pháp đẩy nhanh đầu tư xây dựng phần còn lại của khu công nghiệp Đức Hòa III và các khu công nghiệp khác trên địa bàn; tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các dự án đầu tư phát triển hạ tầng chậm triển khai thực hiện hoặc gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Trường hợp dự án không có khả năng triển khai thực hiện, đề nghị thực hiện thủ tục đưa ra khỏi quy hoạch hoặc điều chỉnh giảm diện tích khu công nghiệp theo quy định tại Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ.

Xây dựng định hướng thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp còn lại trong khu công nghiệp Đức Hòa III thuận lợi cho việc phát triển, tăng cường các liên kết sản xuất trong khu công nghiệp; triển khai đầu tư xây dựng các khu công nghiệp đúng tiến độ, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, đảm bảo tính khả thi của quy hoạch phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn.

Chỉ đạo các cơ quan liên quan và chủ đầu tư xây dựng quy hoạch phân khu xây dựng, thực hiện thủ tục đầu tư, thành lập khu công nghiệp theo từng giai đoạn phù hợp với khả năng thu hút đầu tư và trên cơ sở tuân thủ chặt chẽ các điều kiện và trình tự quy định tại Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ và pháp luật về đầu tư. Tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong các khu công nghiệp. Có giải pháp ổn định đời sống và có phương án hỗ trợ việc làm, đào tạo nghề cho người dân bị thu hồi đất.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan có liên quan giám sát việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật; Bộ Tài chính giám sát việc thu tiền sử dụng đất trong trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo không gây thất thoát ngân sách nhà nước.

Nghiên cứu phản ánh về cơ chế hỗ trợ thúc đẩy sản xuất lâm nghiệp

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu phản ánh của báo chí về cơ chế, chính sách hỗ trợ thúc đẩy sản xuất lâm nghiệp.

Trước đó, ngày 21/8/2020, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) có phản ánh: Theo đánh giá của ngành Lâm nghiệp vừa qua việc giao khoán cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đã giúp quản lý bảo vệ, phát triển tốt hơn diện tích rừng. Tuy nhiên, mức khoán 300.000 đồng/ha và 30 ha trung bình diện tích rừng được giao cho một hộ thì một năm chỉ được 9 triệu đồng như vậy không đảm bảo thu nhập. Nhiều ý kiến cho rằng nhà nước cần có cơ chế, chính sách mới, hỗ trợ thúc đẩy sản xuất lâm nghiệp.

Về việc này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất./.

Print
809 Rate this article:
No rating

Thư viện ảnh

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ - VIỆN KHOA HỌC THỂ DỤC THỂ THAO - TỔNG CỤC THỂ DỤC THỂ THAO
Người chịu trách nhiệm chính: PGS.TS. Nguyễn Danh Hoàng Việt
Địa chỉ: 141 Nguyễn Thái Học - Ba Đình - Hà Nội * Điện thoại: (84-4) 733 0286 * FAX: (84-4) 733 4419
Website: vkhtdtt.vn; Email: banbientap.vkhtdtt@gmail.com

 

Close Copyright [2018] by TTTT
Back To Top