Responsive image

Thông tin báo chí Thông báo 143/TB-VPCP

hông tin báo chí Thông báo 143/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống COVID-19

THÔNG TIN BÁO CHÍ

THÔNG TIN CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH CỦA CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Tăng tốc sản xuất trang thiết bị y tế, máy thở

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tập huấn về điều trị, sàng lọc, chuẩn bị bệnh viện dã chiến; tăng tốc việc sản xuất các trang thiết bị y tế, trong đó có máy thở bảo đảm chất lượng và giá thành phù hợp.

Đây là nội dung tại Thông báo 143/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 ngày 3/4/2020.

Thông báo nêu rõ, công tác phòng, chống dịch COVID-19 ở nước ta đang trong giai đoạn cao điểm, có ý nghĩa quyết định. Các cấp, các ngành, địa phương, nhất là Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai quyết liệt, nghiêm túc, sáng tạo, rất có trách nhiệm các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, của Thủ tướng Chính phủ tại các Chỉ thị số 15/CT-TTg, số 16/CT-TTg đạt kết quả tích cực.

Đến nay ta đã và đang kiểm soát tốt dịch bệnh; việc khoanh vùng các ổ dịch, truy vết phát hiện, cách ly nguồn lây bệnh được thực hiện kịp thời, hạn chế lây nhiễm trong cộng đồng; đã điều trị khỏi 85 bệnh nhân, chưa để xảy ra tử vong, được nhân dân trong nước và quốc tế đánh giá cao.

Trong bối cảnh tập trung phòng, chống dịch, kinh tế nhiều nước tăng trưởng âm, nước ta vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng 3,82% trong quý I năm 2020 - mức cao nhất trong khu vực là kết quả đáng mừng. Các hoạt động như dự trữ, cung ứng các nhu yếu phẩm thiết yếu, chăm lo cải thiện đời sống nhân dân gặp khó khăn do dịch bệnh được thực hiện tốt. Nhân dân đồng tình, tin tưởng và tích cực ủng hộ công tác phòng, chống dịch.

Nước ta vẫn có nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh trên diện rộng, đòi hỏi các cấp, các ngành, đặc biệt là chính quyền các cấp, lực lượng trực tiếp phòng, chống dịch tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, chần chừ; tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương bảo vệ tốt nhất sức khỏe và tính mạng nhân dân, huy động tổng lực, phối hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch với tinh thần kiên quyết hơn, mạnh mẽ hơn, khẩn trương hơn, đặc biệt là thực hiện nghiêm các giải pháp cấp bách, không làm suy giảm mức độ và các yêu cầu của Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị toàn thể nhân dân tiếp tục đoàn kết, chung sức đồng lòng, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để thực hiện có hiệu quả các giải pháp cấp bách, nhất là về cách ly toàn xã hội, hạn chế đi lại, di chuyển, góp phần cùng cả nước đẩy lùi đại dịch.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia xây dựng đầy đủ kịch bản đối với mỗi trường hợp dịch lan rộng theo hướng chủ động hơn nữa, không để rơi vào tình trạng bị động, lúng túng; chỉ đạo xử lý triệt để các ổ dịch hiện có, hết sức lưu ý việc rà soát, sàng lọc để phát hiện và xử lý kịp thời các ca nhiễm, ổ dịch mới trong cộng đồng.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện phòng, chống dịch tại cơ sở bảo trợ xã hội, các nhà dưỡng lão, cơ sở cai nghiện ma túy, trại giam; phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để tiếp nhận nguồn tài trợ, đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân cho công tác phòng, chống dịch để sử dụng kịp thời, hiệu quả với kinh phí từ ngân sách nhà nước; tổ chức tiếp nhận, chuyển giao số máy thở được hỗ trợ, tài trợ từ một số tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Cung ứng đủ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho nhân dân

Thủ tướng yêu cầu các địa phương, nhất là các thành phố lớn đẩy mạnh dự trữ, bảo đảm sẵn sàng cho mọi tình huống và thực hiện tốt việc cung ứng đủ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho nhân dân với chất lượng, giá cả phù hợp; chú trọng quan tâm, chăm lo bảo đảm đời sống cho người nghèo.

Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về thực hiện cách ly toàn xã hội, nhất là về việc mọi người hạn chế tối đa ra ngoài và di chuyển, đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển sang làm việc tại nhà và các biện pháp cấp bách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; chú trọng thông tin về các tấm lòng nhân ái, tấm gương tốt tích cực hưởng ứng công tác phòng, chống dịch và lên án mạnh mẽ các hành vi vi phạm quy định về phòng, chống dịch.

Xử lý nghiêm, kể cả về hình sự các trường hợp không khai báo y tế, khai báo không trung thực, không chấp hành cách ly, không đeo khẩu trang, tụ tập đông người, chống người thi hành công vụ; đầu cơ, găm hàng, tăng giá, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng; xử lý nghiêm, trục xuất người nước ngoài vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế xử lý đề nghị của các nước về hợp tác phòng, chống dịch, phát huy vai trò, vị thế Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc của nước ta, kịp thời đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, tổ chức thực hiện việc viện trợ, hỗ trợ các nước Lào, Campuchia phòng, chống dịch trên cơ sở đề nghị, thống nhất với Bạn; xem xét việc hỗ trợ một số trang thiết bị, vật tư y tế cho các nước là đối tác chiến lược của Việt Nam như: Anh, Pháp, Đức, Ý và Tây Ban Nha.... Bộ Ngoại giao báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án xử lý đối với người nhập cảnh từ Campuchia sau khi hết thời hạn cách ly, bảo đảm chặt chẽ, không để phát sinh phức tạp.

Bộ Quốc phòng khẩn trương thành lập đoàn cán bộ quân y sẵn sàng cơ động sang giúp bạn Lào phòng, chống dịch COVID-19.

Các Bộ, ngành, địa phương cần thay đổi mạnh mẽ tư duy, phương pháp làm việc, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, làm việc trực tuyến, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính phủ điện tử, phát triển nền kinh tế số.

Lên phương án xây dựng bệnh viện dã chiến cho tình huống khẩn cấp

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo 142/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp bàn về phương án xây dựng bệnh viện dã chiến cho tình huống khẩn cấp dịch COVID-19.

Trong thời gian qua, dịch COVID-19 đã bùng phát mạnh trên toàn cầu và tại Việt Nam, gây ảnh hưởng rất lớn đến tình hình phát triển kinh tế xã hội và sức khỏe, tính mạng của người dân. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch bệnh COVID-19, các ngành, các cấp, các địa phương, cả hệ thống chính trị đã đoàn kết, thống nhất triển khai quyết liệt nhiều biện pháp đồng bộ, vừa ngăn chặn, hạn chế tốc độ lây lan của dịch bệnh, vừa đảm bảo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội; bước đầu thu được nhiều kết quả tích cực, thể hiện sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, được thế giới ghi nhận và đánh giá cao. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, nếu không kiểm soát tốt sẽ lây lan rộng, từ đó gây áp lực lớn lên hệ thống y tế, do vậy cần phải chuẩn bị tốt mọi phương án ứng phó, trong đó có việc chuẩn bị cho công tác xây dựng bệnh viện dã chiến khi cần thiết.

Để chủ động các phương án chuẩn bị xây dựng bệnh viện dã chiến khi có dịch bùng phát, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Xây dựng và các địa phương, cơ quan liên quan rà soát lại Kế hoạch của Ban Chỉ đạo về xây dựng, thiết lập bệnh viện dã chiến, trong đó đề xuất bổ sung các địa điểm phù hợp để bố trí xây dựng bệnh viện dã chiến trên địa bàn. Trước mắt tập trung các địa điểm, nhât là tại hai trung tâm đô thị lớn: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, để bảo đảm phòng chống dịch COVID-19 có hiệu quả, trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp nêu trên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10/4/2020.

Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng và Bộ Y tế lập thiết kế điển hình, lập dự toán xây dựng bệnh viện dã chiến có quy mô, hình thức khác nhau (xây dựng mới theo hình thức lắp ghép; lều bạt hay cải tạo các công trình sẵn có như sân vận động, nhà thi đấu, hội trường, cơ sở giáo dục…), đáp ứng công năng theo yêu cầu của Bộ Y tế. Đồng thời, xây dựng kế hoạch huy động các đơn vị có uy tín, kinh nghiệm để đảm bảo nhân lực, phương tiện, nguyên vật liệu… để có thể triển khai nhanh chóng ngay khi có yêu cầu, đảm bảo an toàn, tiết kiệm, đúng quy định.

Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng và cơ quan liên quan xây dựng cơ chế đặc thù để triển khai nhanh các bệnh viện dã chiến được thiết lập theo kế hoạch trên.

Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng rà soát lại số lượng giường bệnh, các loại vật tư, trang thiết bị y tế thiết yếu để có phương án sản xuất, mua sắm, đảm bảo đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch bệnh, tương ứng với các bệnh viện dã chiến khi được đầu tư xây dựng.

Trên cơ sở nhiệm vụ được giao, yêu cầu các Bộ: Quốc phòng, Y tế, Xây dựng chuẩn bị tốt các phương án, đề xuất cơ chế đầu tư xây dựng công trình theo lệnh khẩn cấp để có thể triển khai nhanh chóng, an toàn, tiết kiệm, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10/4/2020./.

 

 

Print
893 Rate this article:
No rating

Thư viện ảnh

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ - VIỆN KHOA HỌC THỂ DỤC THỂ THAO - TỔNG CỤC THỂ DỤC THỂ THAO
Người chịu trách nhiệm chính: PGS.TS. Nguyễn Danh Hoàng Việt
Địa chỉ: 141 Nguyễn Thái Học - Ba Đình - Hà Nội * Điện thoại: (84-4) 733 0286 * FAX: (84-4) 733 4419
Website: vkhtdtt.vn; Email: banbientap.vkhtdtt@gmail.com

 

Close Copyright [2018] by TTTT
Back To Top