Responsive image

Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 10/01

Thông tin báo chí chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 10/01

THÔNG TIN BÁO CHÍ

THÔNG TIN CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH CỦA CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất

Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất ở các vùng chứa nước ngọt thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Theo Nghị định, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất (vùng hạn chế) được phân loại bao gồm các vùng: Vùng hạn chế 1; Vùng hạn chế 2; Vùng hạn chế 3; Vùng hạn chế 4; Vùng hạn chế hỗn hợp.

Việc khoanh định Vùng hạn chế 1 được thực hiện đối với các khu vực: 1- Khu vực đã từng xảy ra sự cố sụt, lún đất, biến dạng địa hình; 2- Khu vực có biên mặn, có hàm lượng tổng chất rắn hòa tan (TDS) từ 1.500 mg/l trở lên; 3- Khu vực có bãi chôn lấp chất thải rắn tập trung theo quy định của pháp luật về quy hoạch, xây dựng và bảo vệ môi trường; 4- Khu vực có giếng khai thác nước dưới đất bị ô nhiễm, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người và sinh vật mà chưa có giải pháp công nghệ để xử lý bảo đảm đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt; 5- Khu vực có nghĩa trang tập trung hoặc các khu vực có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước dưới đất khác do Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định.

Biện pháp hạn chế khai thác đối với 5 khu vực trên là dừng toàn bộ mọi hoạt động khai thác nước dưới đất hiện có (nếu có) và thực hiện xử lý, trám lấp giếng theo quy định.

Việc khoanh định Vùng hạn chế 2 được thực hiện đối với các khu vực, tầng chứa nước sau: 1- Các tầng chứa nước lỗ hổng ở thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long; 2- Đối với các tầng chứa nước lỗ hổng ở các địa phương không quy định tại 1 thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ quy mô, mức độ khai thác nước dưới đất, mức độ hạ thấp mực nước dưới đất và yêu cầu về bảo vệ nguồn nước dưới đất trên địa bàn quyết định việc khoanh định; 3- Các tầng chứa nước trong đá bazan ở các địa phương thuộc khu vực Tây Nguyên.

Căn cứ hiện trạng sơ đồ hệ thống cấp nước tập trung hiện có, bao gồm cả các điểm đấu nối, nếu các khu dân cư, khu công nghiệp tập trung thuộc một trong các trường hợp sau đây thì được khoanh định vào Vùng hạn chế 3: Đã được đấu nối với hệ thống cấp nước tập trung, bảo đảm nhu cầu sử dụng nước cả về thời gian, lưu lượng và chất lượng nước phù hợp với mục đích sử dụng nước; chưa được đấu nối nhưng có điểm đấu nối liền kề của hệ thống cấp nước tập trung và sẵn sàng để cung cấp nước sạch, bảo đảm nhu cầu sử dụng nước cả về thời gian, lưu lượng và chất lượng nước phù hợp với mục đích sử dụng nước.

Các biện pháp hạn chế khai thác trong Vùng hạn chế 2, 3 là không cấp phép thăm dò, khai thác để xây dựng thêm công trình khai thác nước dưới đất mới.

Trên cơ sở kết quả khoanh định vùng hạn chế quy định tại khoản 2 Điều 8 của Nghị định này, trường hợp khu dân cư, khu công nghiệp tập trung không thuộc Vùng hạn chế 3 mà cách sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa (nguồn nước mặt) không vượt quá 1.000 m và nguồn nước mặt đó đáp ứng đủ các điều kiện sau đây, thì được khoanh định vào Vùng hạn chế 4: Có chức năng cấp nước sinh hoạt hoặc được quy hoạch để cấp nước sinh hoạt; có chế độ dòng chảy ổn định, dòng chảy tối thiểu từ 10 m3/s trở lên đối với sông, suối, kênh, rạch hoặc tổng dung tích từ 10 triệu m3 trở lên đối với hồ chứa; có chất lượng nước đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt cột A1 trở lên.

Để hạn chế khai thác trong Vùng hạn chế 4, Nhà nước không cấp phép thăm dò, khai thác để xây dựng thêm công trình khai thác nước dưới đất mới có quy mô khai thác từ 10.000 m3/ngày trở lên, trừ trường hợp công trình khai thác để cấp nước cho các mục đích sử dụng theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 3 của Nghị định này.

Trên cơ sở tổng hợp kết quả khoanh định các vùng, khu vực hạn chế theo quy định tại Vùng hạn chế 1, 2, 3, 4, trường hợp có các khu vực hạn chế bị chồng lấn nhau, thì phần diện tích chồng lấn được khoanh định vào Vùng hạn chế hỗn hợp.

Việc áp dụng các biện pháp hạn chế đối với Vùng hạn chế hỗn hợp được quyết định trên cơ sở các biện pháp hạn chế khai thác tương ứng với từng vùng quy định tại Vùng hạn chế 1, 2, 3, 4 theo thứ tự quy định.

 

Thay đổi chính sách giá điện mặt trời

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Trong đó, Quyết định sửa đổi quy định về giá điện đối với dự án điện mặt trời trên mái nhà.

Theo quy định mới, các dự án điện mặt trời trên mái nhà được thực hiện cơ chế mua bán điện theo chiều giao và chiều nhận riêng biệt của công tơ điện đo đếm hai chiều. Bên bán điện thực hiện thanh toán lượng điện năng nhận từ lưới điện theo quy định hiện hành. Bên mua điện thực hiện thanh toán lượng điện năng từ dự án trên mái nhà phát lên lưới điện với giá mua bán điện quy định như đối với dự án điện mặt trời nối lưới. Các bên có trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật hiện hành về thuế và phí.

Giá mua bán điện đối với dự án trên mái nhà cho năm tiếp theo được xác định trên cơ sở tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam so với đô la Mỹ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố vào ngày công bố tỷ giá cuối cùng của năm trước.

Trước đó, Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg quy định các dự án trên mái nhà được thực hiện cơ chế bù trừ điện năng (net-metering) sử dụng hệ thống công tơ hai chiều. Trong một chu kỳ thanh toán, lượng điện phát ra từ các dự án trên mái nhà lớn hơn lượng điện tiêu thụ sẽ được chuyển sang chu kỳ thanh toán kế tiếp. Khi kết thúc năm hoặc khi kết thúc hợp đồng mua bán điện, lượng điện phát dư sẽ được bán cho bên mua điện với giá bán điện theo quy định đối với dự án nối lưới.

Hằng năm, căn cứ vào tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam so với đô la Mỹ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố vào ngày công bố tỷ giá cuối cùng của năm trước, Bộ Công Thương ban hành giá mua bán điện mặt trời đối với dự án trên mái nhà cho năm tiếp theo.

 

Phân loại trang thiết bị y tế dựa trên mức độ rủi ro

Chính phủ ban hành Nghị định 169/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 36/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế, trong đó sửa đổi quy định về loại, nguyên tắc phân loại trang thiết bị y tế.

Cụ thể, trang thiết bị y tế gồm 2 nhóm được phân làm 4 loại dựa trên mức độ rủi ro tiềm ẩn liên quan đến thiết kế kỹ thuật và sản xuất các trang thiết bị y tế đó:
Nhóm 1 gồm trang thiết bị y tế thuộc loại A là trang thiết bị y tế có mức độ rủi ro thấp.
Nhóm 2 gồm trang thiết bị y tế thuộc loại B, C, D, trong đó, trang thiết bị y tế thuộc loại B là trang thiết bị y tế có mức độ rủi ro trung bình thấp; trang thiết bị y tế thuộc loại C là trang thiết bị y tế có mức độ rủi ro trung bình cao; trang thiết bị y tế thuộc loại D là trang thiết bị y tế có mức độ rủi ro cao.

Về nguyên tắc phân loại trang thiết bị y tế, việc phân loại trang thiết bị y tế phải dựa trên cơ sở quy tắc phân loại về mức độ rủi ro và phải được thực hiện bởi cơ sở đã công bố đủ điều kiện phân loại trang thiết bị y tế theo quy định.

Trang thiết bị y tế chỉ có một mục đích sử dụng nhưng mục đích sử dụng đó có thể được phân loại vào hai hoặc nhiều mức độ rủi ro khác nhau thì áp dụng việc phân loại theo mức độ rủi ro cao nhất; trang thiết bị y tế có nhiều mục đích sử dụng và mỗi mục đích sử dụng có mức độ rủi ro khác nhau thì áp dụng việc phân loại theo mức độ rủi ro cao nhất.

Trang thiết bị y tế được thiết kế để sử dụng kết hợp với một trang thiết bị y tế khác thì mỗi trang thiết bị y tế có thể được phân loại mức độ rủi ro riêng biệt nhưng kết quả phân loại phải căn cứ vào mức độ rủi ro cao nhất của mục đích sử dụng cuối cùng của tổng thể trang thiết bị y tế kết hợp đó.

Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết việc phân loại trang thiết bị y tế bảo đảm phù hợp với các điều ước quốc tế về phân loại trang thiết bị y tế của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á mà Việt Nam là thành viên.

Việc phân loại trang thiết bị y tế phải được thực hiện bởi cơ sở đủ điều kiện theo quy định. Cơ sở thực hiện phân loại trang thiết bị y tế phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả phân loại đối với trang thiết bị y tế mà mình đã thực hiện phân loại. Trường hợp có sự khác nhau về kết quả phân loại trang thiết bị y tế giữa các cơ sở phân loại thì Bộ Y tế quyết định việc phân loại trang thiết bị y tế.

 

Thay thành viên UBQG phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thay đổi thành viên Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm.

Theo đó, bà Hoàng Thúy Hạnh, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc làm thành viên Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm thay ông Nông Quốc Tuấn.

Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm là tổ chức liên ngành giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, phối hợp công tác phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm.

Ủy ban Quốc gia giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xây dựng chiến lược và kế hoạch, đôn đốc triển khai thực hiện, lồng ghép, phối hợp các chương trình và nguồn lực, đánh giá hoạt động của các Bộ, ngành, địa phương về công tác phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm; giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm; tổng hợp và định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện công tác phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm...

 

Chuyển 7 đơn vị sự nghiệp công lập thành cty cổ phần

Thủ tướng Chính phủ đồng ý chuyển 7 đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần thuộc UBND tỉnh Lạng Sơn theo quy định tại Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg ngày 22/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Trong đó, Nhà nước giữ trên 50% vốn điều lệ đối với Nhà khách A1, Nhà khách Tỉnh ủy. Nhà nước giữ dưới 50% vốn điều lệ hoặc không nắm giữ cổ phần tại Trung tâm Quy hoạch xây dựng, Trung tâm Kiểm định chất lượng công trình xây dựng, Ban Quản lý bảo trì đường bộ, Nhà khách UBND huyện Chi Lăng, Ban Quản lý chợ Giếng vuông.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo thực hiện việc rà soát, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các đơn vị sự nghiệp công lập nói trên trước khi thực hiện cổ phần hóa theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ; đồng thời, nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các Bộ để thực hiện việc chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần theo đúng quy định tại Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg ngày 22/6/2015, Quyết định số 31/2017/QĐ-TTg ngày 17/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản pháp luật có liên quan; tiếp tục rà soát để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép thực hiện chuyển thành công ty cổ phần đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc đủ điều kiện theo quy định.

 

Chuyển mục đích sử dụng đất tại 2 tỉnh

Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến về việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện Dự án trên địa bàn 2 tỉnh Nam Định và Bắc Giang.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đồng ý UBND tỉnh Nam Định quyết định chuyển mục đích sử dụng 44,35 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp; UBND tỉnh Bắc Giang quyết định chuyển mục đích sử dụng 157,2 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp.

UBND tỉnh Nam Định, Bắc Giang chỉ đạo thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nêu trên theo đúng mục đích của pháp luật về đất đai, Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ và ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường theo dõi và hướng dẫn thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nêu trên theo đúng quy định.

 

Nghiên cứu phản ánh liên quan đến vấn đề thoát nước đô thị

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Xây dựng nghiên cứu các nội dung phản ánh trên báo Công luận liên quan đến vấn đề thoát nước đô thị.

Trước đó, báo Công luận có phản ánh liên quan đến quy hoạch đô thị (các đô thị Hà Nội, Vinh, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ... đều hứng chịu lũ lụt, hết "đại hồng thủy" lại tới "lụt lịch sử", "ngập lịch sử". Chuyên gia đô thị cho rằng là lỗi quy hoạch. Cố TS Phạm Sỹ Liêm cho rằng, quy hoạch đang có xu hướng chạy theo các dự án để hợp thức hóa. Sự vỡ trận quy hoạch đô thị do sự chi phối bởi lợi ích nhóm và tư duy nhiệm kỳ).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Xây dựng nghiên cứu các nội dung trên, phân tích nguyên nhân, đề xuất giải pháp và chỉ đạo, xử lý các vấn đề thoát nước đô thị trong hoạt động quản lý nhà nước của Bộ về công tác quy hoạch đô thị.

 

An Giang tăng cường đổi mới công tác dân vận

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại buổi làm việc với tỉnh An Giang về kiểm tra thực hiện “Năm dân vận chính quyền” 2018.

Năm 2018, thực hiện các Nghị quyết của Đảng về công tác dân vận, Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang đã xây dựng “Đề án nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong tình hình mới”, “Kế hoạch thực hiện Năm dân vận chính quyền 2018 trong các cơ quan nhà nước” và Quy chế về “Xin lỗi cá nhân, tổ chức vì sai sót, quá hạn trong giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh An Giang” gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, quán triệt đến từng cơ quan, đơn vị, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức.

An Giang cũng thực hiện nghiêm túc Quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với cải cách thủ tục hành chính, xây dựng tác phong dân vận và phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo hiệu quả”. Qua đó, kỷ luật, kỷ cương hành chính đã được chấn chỉnh và đạt hiệu quả, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nhất là người đứng đầu đã nhận thức sâu sắc hơn nội dung cần phải thực hiện công tác dân vận của chính quyền; nhận thức của chính quyền các cấp về công tác dân vận được nâng lên rõ rệt.

Các phong trào thi đua yêu nước, thi đua “Dân vận khéo” tiếp tục được đẩy mạnh thực hiện ở địa phương. Năm 2018, toàn tỉnh đã xây dựng được 2.883 mô hình “Dân vận khéo” và “Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới”…

Phó Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới An Giang xác định công tác dân vận là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp phải thường xuyên quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận. Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của các cơ quan nhà nước. Thể chế hóa các quan điểm, chủ trương mới của Đảng về dân vận thành các văn bản pháp luật; chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác dân vận gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn để các cấp chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân thực hiện. Tăng cường xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, cán bộ; xây dựng nòng cốt trong dân tộc, tôn giáo, vận động nhân dân phát triển kinh tế-xã hội, an ninh trật tự; nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ Đảng, Nhà nước, Mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí công tác dân vận trong tình hình mới.

Đồng thời thực hiện tốt công tác tiếp dân, đối thoại, giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế giám sát của nhân dân đối với các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức. Tập trung rà soát, giải quyết kịp thời, dứt điểm những kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân, nhất là các vụ việc phức tạp, kéo dài; tập trung giải quyết kịp thời, có hiệu quả những bức xúc chính đáng của nhân dân; làm cho nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường mối quan hệ máu thịt của nhân dân với Đảng và Nhà nước.

Bên cạnh đó đổi mới công tác quản lý và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Thực hiện nghiêm việc sắp xếp, đổi mới hệ thống tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế. Đổi mới công tác đánh giá cán bộ, lấy kết quả phục vụ và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo. Tăng cường kiểm tra, thanh tra công vụ, xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức có hành vi cửa quyền, tham nhũng, lãng phí, gây phiền hà cho nhân dân và doanh nghiệp.

An Giang cũng cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo mọi thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Đơn giản hóa, công khai hóa, minh bạch hóa mọi thủ tục hành chính, cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch... liên quan đến người dân. Thực hiện xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập có đủ điều kiện; làm tốt cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Các cấp chính quyền, phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, thi đua “Dân vận khéo” gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị; tuyên truyền, nhân rộng, lan tỏa mô hình “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới, xây nhà đại đoàn kết...; tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

 

Xây dựng kế hoạch điều tra cơ bản tài nguyên nước

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về Đề án điều tra, đánh giá tổng thể nguồn nước, cảnh báo, dự báo phòng chống khô hạn, xâm nhập mặn ứng phó với biến đổi khí hậu khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long.

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường căn cứ Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc tổ chức xây dựng kế hoạch điều tra cơ bản tài nguyên nước và trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật về tài nguyên nước, pháp luật về quy hoạch và các quy định của pháp luật có liên quan./.

Print
967 Rate this article:
No rating

Thư viện ảnh

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ - VIỆN KHOA HỌC THỂ DỤC THỂ THAO - TỔNG CỤC THỂ DỤC THỂ THAO
Người chịu trách nhiệm chính: PGS.TS. Nguyễn Danh Hoàng Việt
Địa chỉ: 141 Nguyễn Thái Học - Ba Đình - Hà Nội * Điện thoại: (84-4) 733 0286 * FAX: (84-4) 733 4419
Website: vkhtdtt.vn; Email: banbientap.vkhtdtt@gmail.com

 

Close Copyright [2018] by TTTT
Back To Top