Responsive image

Thông tin báo chí chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 02/10

Nguồn: www.chinhphu.vn

 

THÔNG TIN BÁO CHÍ

    THÔNG TIN CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH CỦA CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Quy định về thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, đấu giá, cấp phép, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 88/2021/NĐ-CP ngày 1/10/2021 quy định về thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, đấu giá, cấp phép, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần.

Nghị định quy định rõ về mức thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện. Theo đó, mức thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện (sau đây gọi là mức thu) đối với trường hợp gia hạn giấy phép sử dụng băng tần được xác định như sau:

Trong đó: MTth là mức thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với thời gian gia hạn giấy phép sử dụng băng tần, đơn vị tính là Đồng Việt Nam;

MTCSMHz là mức thu cơ sở của băng tần được gia hạn giấy phép sử dụng, được xác định, quyết định theo Điều 3, Điều 4 và Điều 5 Nghị định này;

Bw là độ rộng băng tần được gia hạn giấy phép sử dụng, đơn vị tính là Mê-ga-héc (MHz); T là thời gian băng tần được gia hạn giấy phép sử dụng, đơn vị tính là tháng.

Mức thu đối với trường hợp băng tần được cấp thông qua đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện là số tiền trúng đấu giá.

Về phương thức thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện: Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) tổ chức thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện và nộp vào ngân sách nhà nước.

Đối với trường hợp gia hạn giấy phép, trước khi giấy phép hết hạn sử dụng ít nhất 06 tháng, Bộ TTTT thông báo bằng văn bản về số tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện phải nộp, thời hạn nộp và phương thức thanh toán để doanh nghiệp biết trước khi thực hiện thủ tục xin gia hạn giấy phép theo quy định của pháp luật về tần số vô tuyến điện. Ít nhất 60 ngày trước khi hết thời hạn hiệu lực của giấy phép, doanh nghiệp phải nộp một lần toàn bộ số tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện cho thời gian đề nghị gia hạn giấy phép sử dụng băng tần.

Đối với trường hợp đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, Bộ TTTT thông báo bằng văn bản về số tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện phải nộp, thời hạn nộp và phương thức thanh toán để doanh nghiệp nộp tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện. Trong thời hạn 04 tháng kể từ ngày thông báo, doanh nghiệp phải nộp một lần toàn bộ số tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, trừ trường hợp quy định khác.

Đấu giá, cấp phép quyền sử dụng tần số vô tuyến điện

Theo Nghị định, Bộ trưởng Bộ TTTT trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ra quyết định đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần có giá trị thương mại cao, có nhu cầu sử dụng vượt quá khả năng phân bổ xác định trong quy hoạch tần số vô tuyến điện, bao gồm: Băng tần lần đầu được cấp giấy phép sử dụng băng tần; băng tần đã được cấp giấy phép sử dụng băng tần.

Việc đấu giá thực hiện theo pháp luật về đấu giá tài sản và Nghị định này. Bộ trưởng Bộ TTTT phê duyệt phương án tổ chức đấu giá và tổ chức đấu giá. Phương án tổ chức đấu giá gồm các nội dung sau: Điều kiện tham gia đấu giá; thông tin về băng tần đấu giá và các khối băng tần đấu giá; giá khởi điểm, bước giá và tiền đặt trước; hình thức, phương thức tổ chức đấu giá...

Phương án tổ chức đấu giá phải được thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của Bộ TTTT không muộn hơn 5 ngày làm việc kể từ ngày phê duyệt.

Trong trường hợp trúng đấu giá nhiều khối băng tần, doanh nghiệp được cấp phép các khối băng tần liền kề theo Quy chế cuộc đấu giá.

 

Phê duyệt Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021 – 2025

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ký Quyết định số 1660/QĐ-TTg ngày 2/10/2021 phê duyệt Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021 – 2025.

Đối tượng thụ hưởng Chương trình là học sinh đang được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục tại trường học. Chương trình đề ra các chỉ tiêu trong chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khỏe học sinh trong trường học như: 80% trường học bảo đảm các điều kiện thực hiện công tác y tế trường học, chăm sóc sức khỏe học sinh theo quy định; 75% trường học cung cấp đủ nước uống và nước sạch cho sinh hoạt, hoạt động trong trường học bảo đảm chất lượng...

Các chỉ tiêu trong công tác giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong trường học gồm: 80% trường học bố trí ít nhất 01 khu vực bảo đảm các trang thiết bị, dụng cụ cần thiết dành cho giáo dục thể chất và hoạt động thể thao theo quy định; 100% trường học định kỳ tổ chức thi đấu thể thao theo quy định của pháp luật về thể dục, thể thao; 100% trường học có đủ giáo viên giáo dục thể chất và được tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ (đối với các trường học phổ thông)...

Về tổ chức bữa ăn học đường, bảo đảm dinh dưỡng hợp lý trong trường học, Chương trình đề ra các chỉ tiêu: 100% trường học có tổ chức bữa ăn học đường và căng tin trường học bảo đảm các điều kiện về vệ sinh, an toàn thực phẩm theo quy định; 60% trường học có tổ chức bữa ăn học đường sử dụng sữa và các sản phẩm từ sữa trong bữa ăn học đường đạt chuẩn theo quy định…

Về tuyên truyền, giáo dục sức khỏe học đường trong trường học gồm các chỉ tiêu sau đây: 100% học sinh được tuyên truyền, giáo dục về sức khỏe và nâng cao kiến thức phòng, chống bệnh, tật học đường, bệnh không lây nhiễm và sức khỏe tâm thần; được giáo dục về dinh dưỡng hợp lý, thực phẩm lành mạnh, an toàn; 50% học sinh phổ thông được phổ biến, tư vấn về sức khỏe tâm thần, tâm sinh lý lứa tuổi…

Bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị trong trường học

Quyết định cũng nêu rõ các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Chương trình. Theo đó, một trong các nhiệm vụ giải pháp quan trọng là bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị trong trường học.

Cụ thể, bố trí cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ, thuốc, vật tư y tế nhằm bảo đảm đủ điều kiện triển khai hiệu quả công tác sức khỏe học đường và đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh theo quy định; trong đó chú trọng mua sắm, sửa chữa bàn ghế phù hợp với các nhóm chiều cao của học sinh, nhất là học sinh khuyết tật; xây mới hoặc sửa chữa, nâng cấp công trình cung cấp nước sạch, nhà vệ sinh và bảo đảm các điều kiện khác về vệ sinh trong trường học đáp ứng yêu cầu chất lượng và vệ sinh theo quy định; bố trí cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ phục vụ công tác giáo dục thể chất, hoạt động thể thao trường học, tổ chức bữa ăn học đường chất lượng, an toàn, đúng quy định.

Ưu tiên và đẩy mạnh việc hoàn thiện cơ sở vật chất, bố trí trang thiết bị để bảo đảm điều kiện dạy và học, nâng cao chất lượng công tác sức khỏe học đường, nhất là y tế và bữa ăn học đường đối với các vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Một giải pháp chủ yếu nữa là tăng cường và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Bố trí cán bộ, giáo viên, nhân viên chuyên trách hoặc kiêm nhiệm, kể cả trường hợp không thuộc biên chế của trường học để triển khai công tác sức khỏe học đường phù hợp với điều kiện cụ thể từng địa phương, từng trường học. Khuyến khích các trường học ngoài công lập chủ động bố trí đầy đủ bộ máy, nhân lực phục vụ cho y tế trường học, bữa ăn học đường và không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động. Tăng cường đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên y tế trường học, y tế cơ sở; đội ngũ nhân viên xây dựng thực đơn, chế biến suất ăn sẵn cho trường học bảo đảm chất lượng bữa ăn học đường.

Bên cạnh đó, cần đổi mới công tác giáo dục thể chất, hoạt động thể thao trường học: Cải tiến nội dung và hình thức tổ chức tập thể dục buổi sáng, thể dục giữa giờ, khuyến khích phát triển môn bơi, môn bóng, các môn thể thao dân tộc phù hợp với đặc điểm vùng, miền và điều kiện cụ thể từng trường học. Triển khai hiệu quả hoạt động thể thao trường học phù hợp với năng khiếu, sở thích, lứa tuổi học sinh với hình thức đa dạng; tăng cường tổ chức các giải thể thao cấp trường, cụm trường, cấp toàn ngành và thành lập đội tuyển thể thao tham gia các giải thi đấu thể thao các cấp…

Quyết định cũng nêu rõ, kinh phí thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình từ nguồn ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách nhà nước; nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, nguồn thu hợp pháp của các trường học theo quy định pháp luật.

 

Nâng cao năng lực phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới

 

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Quyết định 1659/QĐ-TTg ngày 2/10/2021 phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”.

Phòng vệ thương mại (PVTM) là lĩnh vực có vai trò quan trọng trong chính sách thương mại, góp phần nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế. Do đó, quan điểm của Đề án là cần nâng cao năng lực về PVTM, xây dựng và củng cố cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, các ngành sản xuất, hiệp hội, doanh nghiệp và đội ngũ tư vấn pháp lý để bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp, thị trường, phát triển xuất nhập khẩu bền vững.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật và thể chế về PVTM để bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích của Việt Nam trong quá trình hội nhập, đặc biệt là tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Tăng cường năng lực thực thi PVTM để bảo vệ các ngành sản xuất trong nước phù hợp với cam kết quốc tế, từ đó từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Tăng cường năng lực thực thi phòng vệ thương mại

Đề án đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030 là sửa đổi Luật Quản lý ngoại thương và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trong lĩnh vực PVTM hoặc xây dựng Luật PVTM.

Đội ngũ cán bộ ở các bộ, ngành, địa phương được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng về việc sử dụng và ứng phó với các biện pháp PVTM. Đội ngũ chuyên gia, tư vấn pháp lý có kiến thức chuyên sâu về PVTM để hỗ trợ các ngành sản xuất nhằm đảm bảo quyền lợi của Việt Nam trong thương mại quốc tế.

Cơ chế phối hợp liên ngành trong lĩnh vực PVTM được xây dựng và củng cố nhằm đáp ứng yêu cầu về công tác PVTM trong bối cảnh mới, hỗ trợ xử lý các vụ việc nước ngoài điều tra PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Năng lực của Cơ quan điều tra PVTM của Việt Nam được tăng cường, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, tương xứng với kim ngạch xuất nhập khẩu, hỗ trợ hiệu quả các ngành sản xuất trong nước.

Nội dung PVTM được đưa vào các chương trình, chiến lược, chính sách phát triển các ngành sản xuất trọng điểm.

Tăng cường hợp tác quốc tế, chủ động tham gia đàm phán, xây dựng các quy định về PVTM, giải quyết tranh chấp về PVTM trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các hiệp định thương mại tự do.

Hoàn thiện mô hình cơ quan điều tra phòng vệ thương mại

Để đạt các mục tiêu trên, Đề án sẽ triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như: Nghiên cứu mô hình cơ quan điều tra PVTM của các nước và tổng kết thực tiễn hoạt động ở Việt Nam, từ đó đề xuất hoàn thiện mô hình cơ quan điều tra PVTM.

Lựa chọn một số ngành sản xuất nền tảng, có tác động quan trọng đến phát triển kinh tế - xã hội để tăng cường năng lực PVTM trong quá trình thực thi các hiệp định thương mại tự do. Xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ, cập nhật về tình hình đầu tư, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu trong các ngành này để kịp thời xem xét áp dụng biện pháp PVTM theo đúng quy định pháp luật.

Xây dựng cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, phần mềm phục vụ cho công tác điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM. Xây dựng, vận hành cổng thông tin điện tử để cập nhật diễn biến các vụ việc PVTM liên quan đến Việt Nam, tạo điều kiện để các bên liên quan nộp và tiếp cận tài liệu dưới dạng dữ liệu điện tử. Thực hiện trực tuyến việc tiếp nhận hồ sơ, tài liệu, bản trả lời trong quá trình điều tra các vụ việc PVTM.

Xây dựng cơ chế tư vấn, hỗ trợ và trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa để đánh giá khả năng áp dụng biện pháp PVTM, tác động của các vụ việc PVTM. Xây dựng, triển khai các chương trình cung cấp thông tin cho doanh nghiệp phục vụ công tác xử lý các vụ việc PVTM./.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Print
564 Rate this article:
No rating

Thư viện ảnh

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ - VIỆN KHOA HỌC THỂ DỤC THỂ THAO - TỔNG CỤC THỂ DỤC THỂ THAO
Người chịu trách nhiệm chính: PGS.TS. Nguyễn Danh Hoàng Việt
Địa chỉ: 141 Nguyễn Thái Học - Ba Đình - Hà Nội * Điện thoại: (84-4) 733 0286 * FAX: (84-4) 733 4419
Website: vkhtdtt.vn; Email: banbientap.vkhtdtt@gmail.com

 

Close Copyright [2018] by TTTT
Back To Top