Responsive image

Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 02/3

Thông tin báo chí chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 02/3

 

THÔNG TIN BÁO CHÍ

    THÔNG TIN CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH CỦA CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

 

Sửa quy định thu hút, trọng dụng nhà khoa học xuất sắc

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 27/2020/NĐ-CP trong đó sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2014/NĐ-CP ngày 12/5/2014 quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ (KHCN).

Đặc cách bổ nhiệm chức danh cao hơn không qua thi thăng hạng

Nghị định số 27/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 6 của Nghị định số 40/2014/NĐ-CP về đặc cách bổ nhiệm vào chức danh khoa học, chức danh công nghệ cao hơn không qua thi thăng hạng, không phụ thuộc năm công tác.

Theo đó, người đang giữ hạng chức danh khoa học, hạng chức danh công nghệ tại đơn vị sự nghiệp công lập có hoạt động KHCN, đáp ứng tiêu chuẩn của hạng chức danh cao hơn được xét đặc cách bổ nhiệm vào hạng chức danh khoa học, hạng chức danh công nghệ cao hơn không qua thi thăng hạng, không phụ thuộc vào năm công tác nếu trong thời gian giữ hạng chức danh tại thời điểm xét đặc cách thặng hạng đạt một trong các điều kiện sau:

a- Đạt giải thưởng quốc tế, giải thưởng uy tín trong nước về KHCN theo quy định của Bộ KHCN.

b- Chủ trì hoặc thực hiện chính nhiệm vụ KHCN đặc biệt hoặc nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia đặc biệt quan trọng được nghiệm thu ở mức đạt trở lên hoặc chủ trì nhiệm vụ KHCN cấp bộ, cấp tỉnh trở lên được ứng dụng mang lại hiệu quả cao về kinh tế-xã hội.

c- Được cấp bằng tiến sĩ và có thành tích vượt trội trong hoạt động KHCN.

d- Được cấp bằng tiến sĩ khoa học hoặc được bổ nhiệm chức danh phó giáo sư.

đ- Được bổ nhiệm chức danh giáo sư.

Mỗi thành tích, kết quả hoạt động KHCN chỉ được sử dụng 1 lần để xét đặc cách bổ nhiệm vào chức danh khoa học, chức danh công nghệ cao hơn không qua thi thăng hạng, không phụ thuộc vào năm công tác.


         Ưu đãi cá nhân hoạt động KHCN có chức danh giáo sư, phó giáo sư

Bên cạnh đó, Nghị định số 27/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 10 của Nghị định số 40/2014/NĐ-CP về ưu đãi cá nhân hoạt động KHCN có chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Cụ thể, cá nhân hoạt động KHCN có chức danh giáo sư, phó giáo sư trong tổ chức KHCN công lập, đáp ứng tiêu chuẩn chức danh theo quy định của Bộ KHCN được bổ nhiệm đặc cách vào chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ hạng I và được hưởng các chính sách, chế độ như người có chức danh tương đương trong cơ sở giáo dục đại học công lập nếu các chính sách, chế độ đó có lợi hơn.

Nghị định số 27/2020/NĐ-CP cũng sửa đổi khoản 1, bổ sung khoản 8 Điều 18 của Nghị định số 40/2014/NĐ-CP về chính sách trọng dụng nhà khoa học đầu ngành. Theo đó, nhà khoa học đầu ngành được cấp kinh phí để triển khai nhiệm vụ KHCN đã được phê duyệt theo Đề án định hướng phát triển chuyên ngành khoa học đã được Hội đồng xét chọn nhà khoa học đầu ngành do Bộ trưởng Bộ KHCN thành lập thông qua theo tiến độ hằng năm để thực hiện Đề án; được vinh danh, xem xét trao tặng các danh hiệu, giải thưởng về KHCN đối với các kết quả hoạt động KHCN xuất sắc theo quy định của pháp luật liên quan.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4/2020.

Phấn đấu 2025 cơ bản không còn tình trạng dân di cư tự do

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 22/NQ-CP về ổn định dân di cư tự do và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường.

Nghị quyết nêu rõ, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành và địa phương luôn quan tâm chỉ đạo, thực hiện công tác bố trí, sắp xếp ổn định dân di cư tự do và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh, trật tự an toàn xã hội góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy vậy, ở một số địa phương tình hình dân di cư tự do chưa chấm dứt, số hộ dân đã di cư tự do cần bố trí ổn định còn rất lớn, đời sống còn nhiều khó khăn; tình hình quản lý, sử dụng đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường chưa đảm bảo kỷ cương pháp luật hiệu quả thấp, tình trạng khiếu kiện, lấn chiếm, tranh chấp đất vẫn diễn biến phức tạp; hành vi phá rừng, lấn chiếm trái pháp luật diễn biến phức tạp. Vì vậy, cần một giải pháp căn cơ, quyết liệt tổ chức thực hiện hạn chế, chấm dứt tình trạng trên trong thời gian tới.

Nghị quyết đặt mục tiêu phấn đấu năm 2020 giảm thiểu tối đa tình trạng di dân tự do; ưu tiên thực hiện bố trí ổn định cho các hộ dân thực sự khó khăn, cấp bách vào các điểm dân cư theo quy hoạch; đồng thời, hoàn thành dứt điểm các dự án bố trí ổn định dân di cư tự do đang thực hiện dở dang...

Phấn đấu đến năm 2025, cơ bản không còn tình trạng dân di cư tự do; hoàn thành công tác bố trí toàn bộ số hộ dân đã di cư tự do (khoảng 24.800 hộ) vào các điểm dân cư theo quy hoạch; hoàn thành việc nhập hộ khẩu, hộ tịch cho các hộ dân di cư tự do đủ điều kiện theo quy định; tập trung hoàn thiện, phát triển hệ thống các công trình cơ sở hạ tầng và phát triển sản xuất bền vững tại vùng dự án bố trí ổn định dân di cư tự do.

Phấn đấu đến năm 2030, đảm bảo ổn định cuộc sống và phát triển sản xuất bền vững cho các hộ dân đã di cư tự do.

Phát triển sản xuất, thực hiện an sinh xã hội

Một trong những giải pháp thực hiện được Nghị quyết đưa ra là phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và thực hiện an sinh xã hội. Cụ thể, tổ chức lại sản xuất, phát triển các trang trại, tổ hợp tác và hợp tác xã tại các tỉnh có dân di cư tự do đến; khuyến khích và thu hút các doanh nghiệp liên kết với người dân để sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm và đầu tư phát triển hạ tầng vùng bố trí dân di cư tự do; mở rộng đối tượng nhận khoán bảo vệ và phát triển rừng đến các hộ dân di cư tự do tại những khu vực đã được bố trí dân cư, quy hoạch ổn định.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm, xây dựng các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, ứng dụng các biện pháp canh tác bền vững, thâm canh, tăng vụ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm tại các vùng bố trí dân di cư tự do. Đồng thời, tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn thuộc các hộ dân di cư tự do (ưu tiên đào tạo nghề với nhu cầu sản xuất của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn).

Vận dụng các cơ chế, chính sách hiện có để thực hiện đầu tư (như: xây dựng các nhà máy chế biến nông sản, chế biến gỗ, các khu công nghiệp,…), hỗ trợ vùng bố trí dân di cư tự do phát triển, góp phần phát triển sản xuất, từng bước nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống lâu dài cho người dân.

Các địa phương chủ động rà soát, điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để bố trí đất (đất ở, đất sản xuất) cho các hộ dân di cư tự do đủ điều kiện, sử dụng và phát triển rừng, lồng ghép với Chương trình bố trí dân cư. Tăng cường công tác quản lý đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường trả lại địa phương sau khi sắp xếp theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ; tập trung rà soát, đánh giá đúng thực trạng sử dụng đất và điều chỉnh diện tích đất sử dụng không hiệu quả; đồng thời, rà soát diện tích các loại đất rừng (nhưng thực tế không có rừng) để đề xuất chuyển đổi mục đích sử dụng.

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số và chăm lo sự nghiệp giáo dục đào tạo cho người dân tại các điểm bố trí ổn định dân di cư tự do.

Huy động, ưu tiên bố trí nguồn lực

Nghị quyết cũng nêu rõ giải pháp huy động, ưu tiên bố trí nguồn lực. Cụ thể, ưu tiên bố trí đủ nguồn vốn ngân sách nhà nước hàng năm và dự phòng ngân sách trung ương để thực hiện các dự án bố trí ổn định dân di cư tự do trong năm 2020 và giai đoạn 2021 - 2025; các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, hoàn thành các thủ tục đầu tư các dự án bố trí ổn định dân di cư tự do theo quy định; đảm bảo sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư. Đối với năm 2020, tiếp tục xem xét hỗ trợ từ nguồn vốn dự phòng ngân sách năm 2020 theo mức vốn đã được Thủ tướng Chính phủ có ý kiến tại Thông báo số 14/TB-VPCP ngày 08/1/2019 của Văn phòng Chính phủ để hỗ trợ địa phương thực hiện các dự án di dân cấp bách.

Huy động nguồn vốn lồng ghép từ các Chương trình, dự án trên địa bàn (như: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; khuyến nông; đào tạo nghề; bảo vệ và phát triển rừng,…), đặc biệt, đẩy mạnh xã hội hóa, kêu gọi, khuyến khích và huy động nguồn lực xã hội, đặc biệt là các nhà đầu tư, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư vào vùng bố trí dân di cư tự do để hỗ trợ phát triển sản xuất, liên kết với người dân xây dựng vùng nguyên liệu, bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản đạt hiệu quả cao, nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân di cư tự do và tăng cường quản lý, sử dụng đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường.

Chính phủ giao Bộ Tài chính và các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan liên quan rà soát, cân đối, bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách trung ương phù hợp với khả năng cân đối ngân sách hàng năm cho địa phương để thực hiện Đề án tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh hiện do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, ban quản lý rừng và các tổ chức sự nghiệp khác, hộ gia đình, cá nhân sử dụng.

Quy định giao, nhận tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 26/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước.

Nghị định này quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước về xác định bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước; sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước; giao, nhận tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước; mang tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước ra khỏi nơi lưu giữ; địa điểm tổ chức, phương án bảo vệ và sử dụng phương tiện, thiết bị tại hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước; chế độ báo cáo về công tác bảo vệ bí mật nhà nước và phân công người thực hiện nhiệm vụ bảo vệ bí mật nhà nước.

Trong đó, Nghị định quy định giao, nhận tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước.

Cụ thể, việc giao tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước được thực hiện như sau:

- Trước khi giao tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước phải đăng ký vào “Sổ đăng ký bí mật nhà nước đi”. Tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước độ “Tuyệt mật” chỉ ghi trích yếu khi người có thẩm quyền xác định bí mật nhà nước đồng ý.

 - Tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước phải làm bì hoặc đóng gói riêng. Giấy làm bì phải dùng loại giấy dai, bền, khó thấm nước, không nhìn thấu qua được; hồ dán phải dính, khó bóc.

Trường hợp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước thuộc độ “Tuyệt mật” phải được bảo vệ bằng hai lớp phong bì: Bì trong ghi số, ký hiệu của tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước, tên người nhận, đóng dấu “Tuyệt mật” và được niêm phong bằng dấu của cơ quan, tổ chức ở ngoài bì; trường hợp gửi đích danh người có trách nhiệm giải quyết thì đóng dấu “Chỉ người có tên mới được bóc bì”. Bì ngoài ghi như gửi tài liệu thường và đóng dấu ký hiệu chữ “A”.

Tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước độ “Tối mật” và “Mật” được bảo vệ bằng một lớp bì, ngoài bì đóng dấu chữ “B” và chữ “C” tương ứng với độ mật của tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước bên trong.

- Việc giao tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước phải được quản lý bằng “Sổ chuyển giao bí mật nhà nước”.

Việc nhận tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước được thực hiện như sau:

- Sau khi nhận, tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước phải đăng ký vào “Sổ đăng ký bí mật nhà nước đến”.

 - Trường hợp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước mà phong bì có dấu “Chỉ người có tên mới được bóc bì”, người nhận vào sổ theo ký hiệu ngoài bì, không được mở bì và phải chuyển ngay đến người có tên trên phong bì. Nếu người có tên trên phong bì đi vắng và trên phong bì có thêm dấu “Hỏa tốc” thì chuyển đến lãnh đạo cơ quan, tổ chức hoặc người được lãnh đạo cơ quan, tổ chức ủy quyền giải quyết.

- Trường hợp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước được gửi đến mà không thực hiện đúng quy định bảo vệ bí mật nhà nước thì chuyển đến lãnh đạo cơ quan, tổ chức nhận tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước hoặc người có tên trên phong bì (đối với trường hợp gửi đích danh) giải quyết, đồng thời phải thông báo nơi gửi biết để có biện pháp khắc phục. Nếu phát hiện tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước gửi đến có dấu hiệu bóc, mở bì hoặc bị tráo đổi, mất, hư hỏng thì người nhận phải báo cáo ngay người đứng đầu cơ quan, tổ chức để có biện pháp xử lý.

Nơi gửi và nơi nhận tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước phải đối chiếu về số lượng, kiểm tra việc đóng bì, đóng gói tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước. Trường hợp phát hiện thiếu số lượng, sai sót trong đóng bì, đóng gói thì nơi nhận yêu cầu nơi gửi bổ sung, xử lý trước khi vào sổ theo dõi và ký nhận.

Trường hợp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước có đóng dấu “Tài liệu thu hồi”, cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân đã nhận tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước phải gửi lại đúng thời hạn ghi trên văn bản; việc chuyển, nhận văn bản điện tử có nội dung bí mật nhà nước trên mạng Internet, mạng máy tính và mạng viễn thông được thực hiện theo quy định pháp luật về cơ yếu; việc vận chuyển, giao nhận sản phẩm mật mã thực hiện theo quy định pháp luật về cơ yếu.

Trường hợp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước đăng ký bằng cơ sở dữ liệu quản lý trên máy tính thì khi chuyển giao phải in ra giấy để ký nhận và đóng sổ để quản lý. Máy tính dùng để đăng ký tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước không được nối mạng Internet, mạng máy tính và mạng viễn thông, trừ trường hợp thực hiện theo quy định pháp luật về cơ yếu.

Bộ trưởng Bộ Công an quy định mẫu sổ đăng ký bí mật nhà nước đến, mẫu sổ đăng ký bí mật nhà nước đi và mẫu sổ chuyển giao bí mật nhà nước.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020.              

Nâng cao năng lực nghiên cứu về dân số và phát triển

Tăng cường tiềm lực nghiên cứu về dân số và phát triển, nâng cấp cơ sở vật chất, nâng cao năng lực trình độ nghiên cứu chuyên sâu, đẩy mạnh thực hiện nghiên cứu toàn diện về dân số và phát triển để cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ việc triển khai các giải pháp hướng tới mục tiêu đề ra trong chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030 góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Kế hoạch "Nâng cao năng lực nghiên cứu về dân số và phát triển đến năm 2030”.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 cả nước có từ 2 đến 5 tổ chức đủ năng lực nghiên cứu chuyên sâu về dân số và phát triển; đến năm 2030 có từ 5 đến 8 tổ chức đủ năng lực nghiên cứu chuyên sâu về dân số và phát triển; có ít nhất 5 công bố về dân số và phát triển trên các tạp chí khoa học quốc tế thuộc ISI hoặc Scopus; 30 công bố trên các tạp chí khoa học trong nước; 5 nghiên cứu sinh thực hiện luận án, 15 thạc sỹ được đào tạo trong khuôn khổ nhiệm vụ khoa học và công nghệ của Kế hoạch.

Đến năm 2030 các nghiên cứu khoa học công nghệ về dân số và phát triển được nghiên cứu, phát triển ngang tầm khu vực và thế giới; một số công nghệ Y - sinh học chuyên sâu phục vụ việc tầm soát, chẩn đoán, điều trị sớm bệnh tật trước sinh, sơ sinh, dự phòng, điều trị và phục hồi chức năng trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi được nghiên cứu, phát triển đạt trình độ ngang tầm thế giới được ứng dụng tại Việt Nam.

Có ít nhất 10 công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế thuộc ISI hoặc Scopus; 30 công bố trên các tạp chí khoa học trong nước; 10 nghiên cứu sinh thực hiện luận án, 30 thạc sỹ được đào tạo trong khuôn khổ nhiệm vụ khoa học và công nghệ của Kế hoạch.

Nhiệm vụ và giải pháp của Kế hoạch là nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học cho đội ngũ cán bộ nghiên cứu về dân số và phát triển; nâng cấp, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, trang thiết bị kỹ thuật cho các tổ chức nghiên cứu về dân số và phát triển; tổ chức triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ về dân số và phát triển; hình thành mạng lưới liên kết giữa cơ sở nghiên cứu và nhà khoa học về dân số và phát triển tại Việt Nam thông qua các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; tăng cường truyền thông về dân số và phát triển; tăng cường hội nhập quốc tế trong nghiên cứu về dân số và phát triển. Thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc tế song phương, đa phương, tăng cường trao đổi chia sẻ kinh nghiệm, kết quả hoạt động nghiên cứu về dân số và phát triển. 

Trong đó, về tổ chức triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ về dân số và phát triển, nghiên cứu toàn diện, đồng bộ các vấn đề dân số và quan hệ, tác động của dân số với phát triển kinh tế - xã hội, chú trọng về các mặt: duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hài hoà, hợp lý; lồng ghép yếu tố dân số vào kế hoạch phát triển của từng ngành, từng lĩnh vực; nâng cao chất lượng dân số.

Bên cạnh đó, ưu tiên triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước về dân số và phát triển. Tập trung nghiên cứu mối quan hệ giữa dân số và phát triển phục vụ xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển ngành, lĩnh vực; phát triển kinh tế - xã hội địa phương và quản lý điều hành công tác dân số. Phát triển công nghệ y - sinh học nhằm tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh, tật trước sinh, sơ sinh ngang tầm khu vực và thế giới; dự phòng, điều trị và phục hồi chức năng trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Đồng thời, hoàn thiện hệ thống thông tin, số liệu, cơ sở dữ liệu chuyên ngành dân số và phát triển kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia; bảo đảm cung cấp đủ các thông tin, số liệu phục vụ nghiên cứu và lồng ghép yếu tố dân số vào công tác lập kế hoạch phát triển ở các ngành, các cấp. 

2 địa phương hoàn thành xây dựng nông thôn mới

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký quyết định công nhận thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng và thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Cụ thể, Quyết định 317/QĐ-TTg nêu rõ:  Công nhận thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2019.

Trong giai đoạn 2011 đến tháng 7/2019, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng đã huy động trên 1.000 tỉ đồng từ các nguồn vốn như vốn xây dựng nông thôn mới, vốn lồng ghép, vốn tín dụng và đóng góp cộng đồng; qua đó đã đầu tư hạ tầng điện, đường, trường, trạm đem lại sự đổi mới ở các xã nông thôn hiện nay. Bên cạnh đó, địa phương thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và đã hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn. Giá trị sản xuất 1 ha hiện nay đạt 130 triệu đồng, góp phần tăng thu nhập cho người dân nông thôn.

Tại Quyết định 318/QĐ-TTg nêu rõ: Công nhận thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2018.

Thành phố Quy Nhơn có 16 phường nội thành, 5 xã; trong số này có 4 xã: Phước Mỹ, Nhơn Lý, Nhơn Hải, Nhơn Châu thuộc diện xây dựng nông thôn mới (riêng xã Nhơn Hội đang được quy hoạch thành phường nội thành). Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đến nay 4/4 xã: Phước Mỹ, Nhơn Lý, Nhơn Hải, Nhơn Châu đều đã đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao UBND các tỉnh Bình Định và Sóc Trăng có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định, chỉ đạo thành phố Quy Nhơn, thị xã Ngã Năm tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng tiêu chí về sản xuất và môi trường để đảm bảo tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới.

Phân công chuẩn bị phiên họp 43 của UBTVQH

Thủ tướng Chính phủ phân công các bộ, ngành liên quan chuẩn bị những nội dung thuộc trách nhiệm để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 43 (từ ngày 10-13/3/2020).

Cụ thể, về các dự án luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, Thủ tướng Chính phủ phân công Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chuẩn bị dự án Luật Biên phòng Việt Nam; Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chuẩn bị dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

Về các dự án luật còn ý kiến khác nhau, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị nội dung, ý kiến về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi); Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuẩn bị nội dung, ý kiến về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.

Bộ Xây dựng chuẩn bị nội dung, ý kiến về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.

Bộ Nội vụ chuẩn bị nội dung, ý kiến về dự án Luật Thanh niên (sửa đổi).

Bộ Tư pháp chuẩn bị nội dung, ý kiến dự án Luật sử đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Thủ tướng Chính phủ cũng phân công Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với UBND thành phố Đã Nẵng và các cơ quan liên quan khẩn trương chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, tài liệu về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 theo quy định và gửi đến các cơ quan của Quốc hội để tiến hành thẩm tra.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện đầy đủ hồ sơ tài liệu dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc tăng vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn ngân sách nhà nước tại kỳ họp thứ 9 theo quy định để gửi các cơ quan của Quốc hội cho ý kiến chậm nhất tại phiên họp tháng 4/2020.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan liên quan chuẩn bị nội dung, ý kiến về việc điều chỉnh tỷ lệ khoán kinh phí bảo đảm hoạt động đối với Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan giai đoạn 2016 - 2020; phối hợp với các cơ quan liên quan chuẩn bị nội dung, ý kiến về cơ chế quản lý tài chính và thu nhập gắn với đặc thù của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước...

Cụ thể, về các dự án luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, Thủ tướng Chính phủ phân công Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chuẩn bị dự án Luật Biên phòng Việt Nam; Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chuẩn bị dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

Về các dự án luật còn ý kiến khác nhau, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị nội dung, ý kiến về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi); Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuẩn bị nội dung, ý kiến về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.

Bộ Xây dựng chuẩn bị nội dung, ý kiến về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.

Bộ Nội vụ chuẩn bị nội dung, ý kiến về dự án Luật Thanh niên (sửa đổi).

Bộ Tư pháp chuẩn bị nội dung, ý kiến dự án Luật sử đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Thủ tướng Chính phủ cũng phân công Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với UBND thành phố Đã Nẵng và các cơ quan liên quan khẩn trương chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, tài liệu về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 theo quy định và gửi đến các cơ quan của Quốc hội để tiến hành thẩm tra.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện đầy đủ hồ sơ tài liệu dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc tăng vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn ngân sách nhà nước tại kỳ họp thứ 9 theo quy định để gửi các cơ quan của Quốc hội cho ý kiến chậm nhất tại phiên họp tháng 4/2020.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan liên quan chuẩn bị nội dung, ý kiến về việc điều chỉnh tỷ lệ khoán kinh phí bảo đảm hoạt động đối với Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan giai đoạn 2016 - 2020; phối hợp với các cơ quan liên quan chuẩn bị nội dung, ý kiến về cơ chế quản lý tài chính và thu nhập gắn với đặc thù của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước...

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu ý kiến của chuyên gia ADB: Việt Nam cần 110 tỷ USD đầu tư hạ tầng.

Chuyển mục đích sử dụng đất tại tỉnh Nam Định

Thủ tướng Chính phủ đồng ý UBND tỉnh Nam Định quyết định chuyển mục đích sử dụng 92,10 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp.

UBND tỉnh Nam Định chỉ đạo thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật về đất đai, Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015, số 62/2019/NĐ-CP ngày 11/7/2019 của Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường theo dõi và hướng dẫn thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nêu trên theo đúng quy định.

Nghiên cứu ý kiến chuyên gia ADB về đầu tư hạ tầng

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu ý kiến của chuyên gia ADB: Việt Nam cần 110 tỷ USD đầu tư hạ tầng.

Điều chỉnh chính sách xây dựng cụm dân cư vùng ngập lũ ĐBSCL

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký Quyết định số 319/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 714/QĐ-TTg ngày 14/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt, điều chỉnh, bổ sung một số cơ chế, chính sách thuộc Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2018 - 2020.

Doanh nghiệp được đầu tư xây dựng cụm, tuyến dân cư vùng ngập lũ

Quyết định 714/QĐ-TTg nêu rõ: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc diện thực hiện Chương trình (bao gồm các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và thành phố Cần Thơ) chủ động cân đối, bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư xây dựng bổ sung các cụm, tuyến dân cư, đắp bờ bao khu dân cư có sẵn; cấp 50% nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho các hộ dân vay làm nhà ở; cấp bù lãi suất cho Ngân hàng Chính sách xã hội đối với phần vốn mà Ngân hàng tự huy động.

Quyết định số 319/QĐ-TTg bổ sung thêm: Trường hợp địa phương không có nguồn vốn từ ngân sách để đầu tư xây dựng cụm, tuyến dân cư thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy định (nếu có) và lựa chọn doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có đủ năng lực để thực hiện đầu tư xây dựng cụm, tuyến dân cư. Doanh nghiệp được lựa chọn để đầu tư xây dựng cụm, tuyến dân cư được miễn tiền sử dụng đất đối với diện tích đất xây dựng cụm, tuyến và được hưởng các ưu đãi về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp như đối với trường hợp xây dựng nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở. Sau khi hoàn thành việc xây dựng cụm, tuyến dân cư, doanh nghiệp được sử dụng phần diện tích đất ở trong cụm, tuyến dân cư tương ứng với chi phí đầu tư xây dựng cụm, tuyến và kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng (nếu có) nhưng không vượt quá phần diện tích lô nền sinh lợi mà địa phương được dành để bán đấu giá để kinh doanh nhằm bù đắp kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng và chi phí đầu tư xây dựng cụm, tuyến dân cư.

Việc lựa chọn chủ đầu tư, triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng cụm, tuyến dân cư và việc quyết toán, chuyển giao công trình dự án này được thực hiện theo quy định của pháp luật về nhà ở, pháp luật về đầu tư theo hình thức đối tác công tư và pháp luật khác có liên quan.

Thanh toán tiền mua lô nền tối đa bằng 50% giá trị suất đầu tư

Theo Quyết định 714/QĐ-TTg, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc diện thực hiện Chương trình quyết định suất đầu tư tôn nền cụm, tuyến dân cư, đắp bờ bao khu dân cư có sẵn và các công trình hạ tầng kỹ thuật của cụm, tuyến thuộc Chương trình giai đoạn 2 kéo dài trên cơ sở quy định của pháp luật hiện hành và bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Quyết định 319/QĐ-TTg bổ sung quy định: Hộ gia đình vào ở trong cụm, tuyến dân cư được xây dựng trong giai đoạn 2 kéo dài phải thanh toán tiền mua lô nền tối đa bằng 50% giá trị suất đầu tư xây dựng 01 lô nền trong cụm, tuyến dân cư này. Giá trị suất đầu tư xây dựng lô nền này do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt, được xác định bao gồm kinh phí tôn nền và xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật thiết yếu của cụm, tuyến dân cư đó.

Đối với các lô nền còn trống trong cụm, tuyến dân cư được đầu tư xây dựng trong giai đoạn 1 và giai đoạn 2 mà nay hộ gia đình được bố trí vào ở thì phải nộp tiền mua lô nền theo Quyết định số 105/2002/QĐ-TTg ngày 02 tháng 8 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách cho các hộ dân vùng ngập lũ mua trả chậm nền nhà và nhà ở trong các cụm, tuyến dân cư ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (nếu là lô nền được đầu tư xây dựng trong giai đoạn 1), theo Quyết định số 1998/QĐ-TTg ngày 03 tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về  điều chỉnh cơ chế, chính sách thực hiện các dự án đầu tư thuộc Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long (nếu là lô nền được đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2).

Được chuyển nhượng lô nền khi chưa đủ 10 năm

Một nội dung mới nữa của Quyết định 319/QĐ-TTg là cho phép các hộ gia đình đã được nhận lô nền trong cụm, tuyến dân cư trước ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành khi chưa đủ thời gian 10 năm theo quy định tại Quyết định số 48/2012/QĐ-TTg, nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn, không thể xây dựng nhà ở được để lại thừa kế cho cha, mẹ, vợ (chồng), con hoặc được chuyển nhượng cho các hộ gia đình nghèo, cận nghèo trên địa bàn khu vực có cụm, tuyến dân cư để xây dựng nhà ở.

Thủ tướng quyết định kéo dài thời gian thực hiện Quyết định 714/QĐ-TTg và Quyết định 319/QĐ-TTg đến hết năm 2025.

Quyết định 319/QĐ-TTg cũng nêu rõ: Tỉnh Cà Mau được bổ sung vào danh sách địa phương được thực hiện Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2 kéo dài./.

Print
737 Rate this article:
No rating

Thư viện ảnh

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ - VIỆN KHOA HỌC THỂ DỤC THỂ THAO - TỔNG CỤC THỂ DỤC THỂ THAO
Người chịu trách nhiệm chính: PGS.TS. Nguyễn Danh Hoàng Việt
Địa chỉ: 141 Nguyễn Thái Học - Ba Đình - Hà Nội * Điện thoại: (84-4) 733 0286 * FAX: (84-4) 733 4419
Website: vkhtdtt.vn; Email: banbientap.vkhtdtt@gmail.com

 

Close Copyright [2018] by TTTT
Back To Top