Responsive image

Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 11/01/2021

Thông tin báo chí chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 11/01/2021

THÔNG TIN BÁO CHÍ

THÔNG TIN CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH CỦA CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Thủ tướng Chính phủ vừa bổ nhiệm lại Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, phê chuẩn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang.

Cụ thể, tại Quyết định 26/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm lại ông Võ Tuấn Nhân giữ chức vụ  Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Thời hạn bổ nhiệm lại tính từ ngày 27/1/2021.

Ông Võ Tuấn Nhân sinh năm 1963, quê quán tỉnh Quảng Nam. Hiện nay, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân được giao nhiệm vụ chỉ đạo, giải quyết công việc thuộc các lĩnh vực chuyên ngành: Môi trường, xử lý hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam; các công tác: Khoa học và công nghệ, đào tạo của các Trường Đại học trực thuộc Bộ;...

Tại Quyết định 22/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu bổ sung chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Nguyễn Lưu Trung, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Kiên Giang.

Ông Nguyễn Lưu Trung sinh năm 1970, quê quán tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ông Nguyễn Lưu Trung từng giữ các chức vụ: Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Tiên, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Kiên Giang, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Kiên Giang, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Kiên Giang.

Thận trọng trong đưa người nhập cảnh vào Việt Nam

Do xuất hiện chủng mới của virus COVID-19 lây lan nhanh hơn ở nhiều nước, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo từ nay đến Tết Nguyên Đán, trường hợp thực sự cần thiết, từng chuyến bay đón người về nước phải được các Bộ: Y tế, Ngoại giao, Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải thống nhất báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước giai đoạn Quý I năm 2021.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: Do xuất hiện chủng mới của virus COVID-19 lây lan nhanh hơn ở nhiều nước, hạn chế tối đa các chuyến bay đưa người nhập cảnh vào Việt Nam từ nay đến Tết Nguyên Đán. Trường hợp thực sự cần thiết, từng chuyến bay đón người về phải được các Bộ: Y tế, Ngoại giao, Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải thống nhất báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với Bộ Y tế chuẩn bị kỹ lưỡng các cơ sở cách ly để thực hiện cách ly người Việt Nam nhập cảnh tập trung. Thời hạn, quy trình cách ly cần được rà soát, xem xét phù hợp với yêu cầu phòng chống lây lan của chủng virus mới, đảm bảo tuyệt đối an toàn.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra các cơ sở cách ly (ngoài các khu do Quân đội quản lý) đảm bảo tuân thủ nghiêm các quy định về phòng chống dịch. Các trường hợp nhập cảnh theo diện cách ly ngắn ngày đều phải thực hiện cách ly tập trung 14 ngày, trừ các trường hợp đặc biệt do Bộ Ngoại giao xem xét, quyết định.

Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm ngặt việc tiếp nhận, vận chuyển, theo dõi y tế đối với người đã hết hạn cách ly tập trung. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tăng cường quản lý xuất nhập cảnh qua biên giới đường bộ, đường thủy, đường biển. Bộ Công an, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo chính quyền cơ sở tăng cường tuyên truyền, vận động các gia đình có người thân đang ở nước ngoài muốn về nước tuyệt đối không nhập cảnh trái phép. Các trường hợp về nước bằng đường bộ có hoàn cảnh thực sự khó khăn được Nhà nước xem xét, hỗ trợ kinh phí cách ly.

Sau dịp Tết Nguyên Đán, Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, thúc đẩy việc nối lại chuyến bay thương mại thường lệ tới các nước theo chỉ đạo của  Thủ tướng Chính phủ nhằm phục vụ “mục tiêu kép” và đáp ứng nhu cầu đi lại cơ bản, thiết yếu của công dân.

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí thông tin chính xác với liều lượng phù hợp về tình hình dịch bệnh trong và ngoài nước, tránh gây xáo trộn dư luận và ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam.

Các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 01/CT-TTg ngày 05 tháng 01 năm 2021 và các văn bản liên quan về tăng cường phòng, chống dịch bệnh COVID-19.  

 

Xây dựng một nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có

Hội Nông dân Việt Nam phấn đấu thực hiện mục tiêu xây dựng một nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại.

Trong 10 năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sát sao, trách nhiệm của Ban Chỉ đạo Trung ương, trực tiếp là đồng chí Trưởng ban Dân vận Trung ương, sự tham mưu kịp thời của Ban Thuờng vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, sự phối hợp của các Bộ, ngành Trung ương, các cấp chính quyền với Hội Nông dân Việt Nam các cấp có hiệu quả làm cho những nội dung cơ bản của Kết luận số 61-KL/TW và Quyết định số 673/QĐ-TTg đã nhanh chóng đi vào cuộc sống và đạt được những kết quả rất tích cực, góp phần mang đến thành công vượt bậc của Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới.

Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục đặt ra những yêu cầu mới, nhiệm vụ mới khó khăn hơn, ở mức cao hơn. Với quan điểm xuyên suốt: Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược lâu dài và là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 23-NQ/TW và Kết luận số 54-KL/TW ngày 07 tháng 8 năm 2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Thủ tướng yêu cầu Hội Nông dân Việt Nam cần tiếp tục phát huy tốt hơn nữa vai trò trung tâm và nòng cốt trong phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Đồng thời, phối hợp với các Bộ, Ban, ngành, cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả hơn nữa Kết luận số 61-KL/TW ngày 03 tháng 12 năm 2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định số 673/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ gắn với việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Các cấp Hội Nông dân Việt Nam cần xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức tốt, có tư duy sáng tạo, nhiệt tình, tâm huyết với công tác Hội và phong trào nông dân; có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, có kỹ năng vận động nông dân đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để phát huy mạnh mẽ vai trò, vị thế của giai cấp nông dân trong giai đoạn mới.

Tiếp tục sử dụng có hiệu quả các nguồn lực mà Đảng và Nhà nước đã giao cho Hội, nhất là việc khai thác Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân cấp tỉnh; đồng thời cần huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực của giai cấp nông dân và các thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài để giúp cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta có bước phát triển nhanh và bền vững hơn nữa. Phấn đấu thực hiện mục tiêu xây dựng một nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại.

Trí thức hóa nông dân

Đồng thời, Hội Nông dân tiếp tục phát động và nâng cao hiệu quả phong trào thi đua “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Tăng cường đào tạo nghề, nâng cao trình độ cho nông dân Việt Nam để tiếp tục thực hiện chủ trương “Trí thức hóa nông dân” xây dựng một giai cấp nông dân Việt Nam tự cường, sáng tạo trong giai đoạn mới, một lớp nông dân mới trung thành với Tổ quốc, có kiến thức về khoa học công nghệ, nắm chắc kinh tế số, đổi mới tư duy, cách làm vươn lên mạnh mẽ, có khát vọng để xây dựng đất nước phồn vinh, thịnh vượng, để người nông dân Việt Nam trong thời đại mới không chỉ là lực lượng mạnh về kinh tế mà còn là lực lượng mạnh về chính trị, văn hóa, xã hội, thực sự là trụ đỡ của xã hội chỗ dựa tin cậy của Đảng, Nhà nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Các cấp Hội cần chú trọng, làm tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội để kịp thời kiến nghị, đề xuất, bổ sung, sửa đổi những điểm chưa hợp lý, chồng chéo về cơ chế, chính sách nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên, nông dân.

 

Trả lời chất vấn về thang bảng lương, tuổi nghỉ hưu nghệ sỹ

Thủ tướng Chính phủ trả lời chất chất vấn của Đại biểu Quốc hội về thang bảng lương, tuổi nghỉ hưu cho nghệ sỹ, diễn viên nói chung đặc biệt là các nghệ sỹ, diễn viên múa và xiếc nói riêng.

Cụ thể, đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tại Kỳ họp Quốc hội thứ 10, Quốc hội Khoá XIV chất vấn Thủ tướng Chính phủ:

"Cử tri có ý kiến: Hiện nay việc áp thang bảng lương cho nghệ sỹ, diễn viên nói chung đặc biệt là các nghệ sỹ, diễn viên múa và xiếc nói riêng đang có nhiều bất cập, chưa hợp lý bởi thời gian học tập của họ rất dài (phải học từ nhỏ, học 6 năm, 7 năm, 9 năm tốt nghiệp trung cấp; 3-4 năm tốt nghiệp Đại học) nhưng thời gian cống hiến của họ thì rất ngắn. Ngoài 30 tuổi trở đi rất ít người có thể tiếp tục cống hiến theo nghề dẫn đến gây khó khăn cho người sử dụng lao động. Do vậy cần phải nghiên cứu để điều chỉnh lại thang bảng lương, tuổi nghỉ hưu đối với các nghệ sỹ, diễn viên nói chung và các nghệ sỹ, diễn viên múa, xiếc nói riêng.

Đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết quan điểm của Thủ tướng về vấn đề này".

Về nội dung chất vấn trên, Thủ tướng trả lời như sau:

Về chính sách tiền lương, triển khai Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, tại Nghị quyết số 107/NQ-CP ngày 16/8/2018 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, Chính phủ đã giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất và phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan xây dựng bảng lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo và phụ cấp theo nghề (nếu có) đối với viên chức chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý.

Trên cơ sở đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về thang, bảng lương mới của viên chức ngành văn hóa, thể thao và du lịch (trong đó có các nghệ sỹ, diễn viên múa, diễn viên xiếc), Chính phủ giao Bộ Nội vụ tổng hợp, cân đối chung, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Từ nay cho đến khi triển khai thực hiện chế độ tiền lương mới theo Nghị quyết số 27-NQ/TW (ngày 01/7/2022), thực hiện Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 09/10/2020 của Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chế độ tiền lương mới, bảo đảm phù hợp với tình hình kinh tế, khả năng ngân sách và theo đúng quan điểm, định hướng của Nghị quyết số 27-NQ/TW.

Tuổi nghỉ hưu

Về tuổi nghỉ hưu, theo quy định của pháp luật thì diễn viên xiếc uốn dẻo, đế trụ, nhào lộn và xiếc khác trên cao; diễn viên xiếc; dạy thú và biểu diễn xiếc thú, múa balle, múa cổ truyền và hát tuồng; diễn viên chèo, cải lương, dân ca, kịch, điện ảnh và ca sĩ chuyên nghiệp… thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Như vậy, các nghệ sĩ, diễn viên múa, xiếc có thể được nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với tuổi nghỉ hưu chung. Riêng đối với các trường hợp có đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì sẽ được hưởng lương hưu khi có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên (không kể tuổi đời).

Trong thực tế, có những ngành, nghề có tuổi nghề rất thấp như vận động viên, diễn viên xiếc như ý kiến Đại biểu nêu và một số ngành, nghề khác (tuổi nghề chỉ khoảng 30 – 35 tuổi hoặc thấp hơn) nên không thể quy định tuổi nghỉ hưu theo tuổi nghề do phải đảm bảo tương quan trong tổng thể chính sách bảo hiểm xã hội nói chung. Vì vậy, đối với các ngành, nghề này, ngoài các chính sách ưu đãi về tiền lương, tuổi nghỉ hưu,… cần có chính sách chuyển đổi vị trí việc làm, đào tạo lại, chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp để người lao động tiếp tục phát huy kinh nghiệm, kỹ năng đã có.

Thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội và căn cứ quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 135/2020/NĐ-CP ngày 18/11/2020 quy định về tuổi nghỉ hưu.

 

Điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật KCN Nam Sơn - Hạp Lĩnh (Bắc Ninh)

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh phát triển hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp Nam Sơn - Hạp Lĩnh, tỉnh Bắc Ninh.

Theo đó, quy mô sử dụng đất của Dự án là 300 ha tại phường Hạp Lĩnh, phường Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh và xã Lạc Vệ, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.

Tổng vốn đầu tư của Dự án là gần 2.917 tỷ đồng, trong đó vốn góp của Nhà đầu tư là gần 883 tỷ đồng. Thời hạn hoạt động của dự án 50 năm kể từ ngày 26/5/2010.

Phó Thủ tướng giao UBND tỉnh Bắc Ninh căn cứ tình hình thực tế triển khai Dự án để xem xét việc xác nhận thời gian chậm bàn giao đất để thực hiện Dự án và thời gian chậm bàn giao đất sẽ không được tính vào thời hạn hoạt động của Dự án.

Bên cạnh đó, chỉ đạo Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh xem xét điều chỉnh các nội dung có liên quan của Giấy chứng nhận đầu tư theo đề nghị của Nhà đầu tư theo thẩm quyền, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật và phù hợp với quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ; thu hút đầu tư vào khu công nghiệp phải phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt, ưu tiên các Dự án đầu tư thuộc các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, thân thiện với môi trường; phối hợp các cơ quan liên quan và Nhà đầu tư xây dựng phương án đảm bảo nhà ở và các công trình công cộng cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp.

Đồng thời, quản lý, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án đầu tư tại diện tích điều chỉnh đưa ra khỏi khu công nghiệp phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai, đấu thầu, xây dựng, nhà ở, đô thị, kinh doanh bất động sản và pháp luật có liên quan; bảo đảm điều kiện, trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật, không làm thất thoát tài sản nhà nước./.

 

 

 

Print
614 Rate this article:
No rating

Thư viện ảnh

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ - VIỆN KHOA HỌC THỂ DỤC THỂ THAO - TỔNG CỤC THỂ DỤC THỂ THAO
Người chịu trách nhiệm chính: PGS.TS. Nguyễn Danh Hoàng Việt
Địa chỉ: 141 Nguyễn Thái Học - Ba Đình - Hà Nội * Điện thoại: (84-4) 733 0286 * FAX: (84-4) 733 4419
Website: vkhtdtt.vn; Email: banbientap.vkhtdtt@gmail.com

 

Close Copyright [2018] by TTTT
Back To Top