Responsive image

Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 03/1

Thông tin báo chí chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 03/1

THÔNG TIN BÁO CHÍ

    THÔNG TIN CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH CỦA CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Công tác quốc phòng ở Bộ, ngành trung ương, địa phương

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 168/2018/NĐ-CP về công tác quốc phòng ở Bộ, ngành trung ương, địa phương.

Nghị định này quy định chi tiết Điều 16 Luật Quốc phòng năm 2018 về nội dung công tác quốc phòng ở Bộ, ngành trung ương, địa phương; Ban chỉ huy quân sự Bộ, ngành trung ương, cơ quan thường trực công tác quốc phòng của địa phương; trách nhiệm, mối quan hệ của Bộ, ngành trung ương, địa phương và kinh phí bảo đảm công tác quốc phòng.

Nội dung cơ bản công tác quốc phòng ở Bộ, ngành trung ương, địa phương bao gồm: Ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn về quốc phòng theo thẩm quyền; lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện các hoạt động quốc phòng theo quy định của pháp luật; xây dựng và tổ chức thực hiện các quy hoạch, kế hoạch, đề án, dự án về quốc phòng theo quy định của pháp luật; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 35, Điều 36, Điều 37, Điều 38, Điều 39 Luật Quốc phòng, Nghị định này và quy định khác của pháp luật có liên quan; kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý liên quan đến quốc phòng theo quy định của pháp luật; báo cáo, giao ban, sơ kết, tổng kết, thi đua, khen thưởng về công tác quốc phòng.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban chỉ huy quân sự Bộ, ngành trung ương

Trong đó, về thành phần, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban chỉ huy quân sự; chức trách nhiệm vụ của các chức vụ Ban chỉ huy quân sự Bộ, ngành trung ương, Nghị định quy định: Ban chỉ huy quân sự Bộ, ngành trung ương (trừ Bộ Công an) làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, gồm Chỉ huy trưởng là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu Bộ, ngành trung ương; Chính trị viên là Bí thư hoặc Phó bí thư ban cán sự Đảng, Đảng đoàn hoặc cấp ủy Đảng cùng cấp; Phó chỉ huy trưởng là lãnh đạo cấp vụ hoặc tương đương trở lên, Chính trị viên phó là lãnh đạo cấp vụ có chuyên môn phù hợp.

Căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng, quân sự liên quan đến lĩnh vực quản lý, Bộ, ngành trung ương được bố trí không quá 3 Phó chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự.

Ban chỉ huy quân sự Bộ, ngành trung ương tham mưu cho Bộ, ngành trung ương lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, hướng dẫn và tổ chức thực hiện nhiệm vụ quốc phòng theo quy định của Luật Quốc phòng, Nghị định này, quy định khác của pháp luật có liên quan, cấp có thẩm quyền giao và có nhiệm vụ chủ trì tham mưu ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, kế hoạch, hướng dẫn thực hiện công tác quốc phòng; chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức liên quan tuyên truyền, phổ biến đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về quốc phòng; thực hiện giáo dục quốc phòng và an ninh.

Bên cạnh đó, chỉ đạo, hướng dẫn Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức thuộc Bộ, ngành quản lý thực hiện công tác dân quân tự vệ; công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ; tham mưu xây dựng kế hoạch và huy động lực lượng dự bị động viên; động viên nguồn lực của Bộ, ngành trung ương bảo đảm cho quốc phòng...

Cơ quan thường trực công tác quốc phòng ở địa phương

Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ Tư lệnh thành phố Hồ Chí Minh, Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh, Ban chỉ huy quân sự cấp huyện, Ban chỉ huy quân sự cấp xã (cơ quan quân sự địa phương) là cơ quan thường trực công tác quốc phòng ở địa phương cùng cấp.

Cơ quan thường trực công tác quốc phòng của địa phương có chức năng tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cùng cấp và tổ chức thực hiện công tác quốc phòng ở địa phương theo quy định của pháp luật và cấp có thẩm quyền giao.

Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thường trực công tác quốc phòng ở cấp xã thực hiện theo quy định của pháp luật về Dân quân tự vệ. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thường trực quốc phòng ở cấp tỉnh, cấp huyện.

Nhân sự 2 địa phương

Thủ tướng Chính phủ vừa phê chuẩn kết quả bầu bổ sung và miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An và thành phố Cần Thơ.

Cụ thể, tại Quyết định số 1855/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu bổ sung chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Lê Hồng Vinh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Nghệ An.

Tại Quyết định 1853/QĐ-TTg, Thủ tướng phê chuẩn kết quả miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Lê Xuân Đại, để nghỉ hưu theo chế độ.

Tại Quyết định số 1854/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Lê Văn Tâm, để nghỉ hưu theo chế độ.

Phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ

Nâng cao văn hóa công vụ, góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đảm bảo tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động thực thi nhiệm vụ, công vụ; đáp ứng nhu cầu phục vụ nhân dân, xã hội.

Đó là mục tiêu của Đề án Văn hóa công vụ vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo Đề án này, văn hóa công vụ gồm 4 nội dung.

Thứ nhất, về tinh thần, thái độ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức: Cán bộ, công chức, viên chức phải trung thành với nhà nước; bảo vệ danh dự Tổ quốc và lợi ích quốc gia; tôn trọng và tận tụy phục vụ nhân dân. Khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ, cán bộ, công chức, viên chức phải ý thức rõ về chức trách, bổn phẩn của bản thân.

Phải sẵn sàng nhận và nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được phân công; không kén chọn vị trí công tác, chọn việc dễ, bỏ việc khó. Tâm huyết, tận tụy, gương mẫu làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao; không vướng vào "tư duy nhiệm kỳ"; phải có ý thức tổ chức kỷ luật; sử dụng có hiệu quả thời giờ làm việc; tránh hiện tượng trung bình chủ nghĩa; nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức; không được gây khó khăn, phiền hà, vòi vĩnh, kéo dài thời gian xử lý công việc của cơ quan, tổ chức và người dân; không thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc của người dân.

Thứ hai, về chuẩn mực giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức: Trong giao tiếp với người dân, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng, lắng nghe, tận tình hướng dẫn về quy trình xử lý công việc và giải thích cặn kẽ những thắc mắc của người dân. Thực hiện "4 xin, 4 luôn": xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ.

Đối với đồng nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức phải có tinh thần hợp tác, tương trợ trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ; không bè phái gây mất đoàn kết nội bộ của cơ quan, tổ chức.

Đối với lãnh đạo cấp trên, cán bộ, công chức, viên chức phải tuân thủ thứ bậc hành chính, phục tùng sự chỉ đạo, điều  hành, phân công công việc của cấp trên; không trốn tránh, thoái thác nhiệm vụ, không nịnh bợ, lấy lòng vì động cơ không trong sáng.

Thứ ba, chuẩn mực về đạo đức, lối sống của cán bộ, công chức, viên chức: Cán bộ, công chức, viên chức phải không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức, lối sống. Thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; trung thực, giản dị, thẳng thắn, chân thành; không có biểu hiện cơ hội, sống ích kỷ, ganh ghét, đố kỵ.

Thứ tư, về trang phục của cán bộ, công chức, viên chức: Khi thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, công chức, viên chức phải ăn mặc gọn gàng, lịch sự, đi giày hoặc đi dép có quai hậu. Trang phục phải phù hợp với tính chất công việc, đặc thù trang phục của ngành và thuần phong, mỹ tục của dân tộc. Đối với những ngành có trang phục riêng thì phải thực hiện theo quy định của ngành.

Ngăn chặn tệ "tham nhũng vặt"

Đề án cũng đưa ra các giải pháp thực hiện văn hóa công vụ. Một trong các giải pháp đầu tiên phải kể đến là nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện quy định về văn hóa công vụ trong Luật cán bộ, công chức, Luật viên chức và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Đồng thời, tổ chức thực hiện các quy định về văn hóa công vụ góp phần tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực hiệu quả của nền công vụ. Trong đó, cần ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong hoạt động nội bộ của cơ quan, tổ chức, hướng tới nâng cao năng suất lao động, giảm hội họp, giấy tờ hành chính và chế độ báo cáo, tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử.

Bên cạnh đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện văn hóa công vụ theo chương trình, kế hoạch hàng năm của Thanh tra Bộ Nội vụ và Thanh tra Sở Nội vụ. Cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm quy định về văn hóa công vụ tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu hình thức kỷ luật theo quy định của pháp luật. Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, ngăn chặn tệ "tham nhũng vặt", biểu hiện nhũng nhiễu phiền hà trong giải quyết công việc đối với người dân và doanh nghiệp; xử lý nghiêm việc chậm trễ trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Những giải pháp trọng tâm phát triển ngành du lịch

Trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh), Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra nhiều định hướng, giải pháp trọng tâm, đột phá để đưa ngành du lịch nước ta trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã chỉ rõ những giải pháp lớn. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 6/10/2017 về Chương trình Hành động thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế, kết nối và nâng cao giá trị dịch vụ du lịch. Trong thời gian tới, Chính phủ tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp đột phá sau: Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện tốt Luật Du lịch 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Du lịch; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và các chế độ, chính sách, bảo đảm hành lang pháp lý thuận lợi cho sự phát triển du lịch.

Đồng thời, đổi mới, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, của toàn xã hội về du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, mang nội dung văn hóa sâu sắc; có khả năng đóng góp lớn vào phát triển kinh tế, tạo nhiều việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo động lực thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác phát triển, đem lại hiệu quả nhiều mặt về xã hội, chính trị, đối ngoại và an ninh quốc phòng. Đổi mới tư duy phát triển du lịch một cách nhất quán từ quan điểm, mục tiêu, chương trình hành động của các cấp, các ngành; ý thức của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng tham gia vào quá trình phát triển du lịch.

Triển khai hiệu quả việc cơ cấu lại ngành du lịch, bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững theo quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Trong đó, tập trung vào việc cơ cấu lại thị trường khách du lịch, củng cố phát triển hệ thống sản phẩm và điểm đến du lịch, phát triển nguồn nhân lực du lịch và cơ cấu lại nguồn lực phát triển du lịch; tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách theo hướng đột phá để du lịch phát triển, đáp ứng yêu cầu, tính chất của ngành kinh tế tổng hợp, hoạt động theo cơ chế thị trường. Cụ thể như các chính sách về đầu tư, thuế, thủ tục về thị thực nhập cảnh.

Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch. Đặc biệt là các kết cấu hạ tầng đường không, đường biển, đường sắt, tăng cường kết nối giao thông tới các khu, điểm du lịch; tăng cường công tác xúc tiến quảng bá du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại từ nội dung đến phương thức, phát huy nguồn lực nhà nước và toàn xã hội trong hoạt động xúc tiến quảng bá của các cơ quan ngoại giao, cộng đồng người Việt ở nước ngoài và các cơ quan truyền thông.

Cùng với đó là tạo môi trường thuận lợi, cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng để các doanh nghiệp và cộng động phát triển du lịch; hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trong kinh doanh du lịch, nhất là du lịch thông minh; có chính sách hỗ trợ cho cộng đồng tham gia hoạt động du lịch đồng thời phát huy vai trò của các tổ chức xã hội nghề nghiệp liên quan.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số hỗ trợ khách du lịch trước, trong và sau chuyến đi; chú trọng phát triển các ứng dụng hỗ trợ du khách xây dựng chương trình, đặt và thanh toán dịch vụ du lịch trực tuyến theo nhu cầu cá nhân; tiếp nhận phản hồi và xử lý phản hồi của khách du lịch; có khả năng theo sát hành trình, chủ động cung cấp thông tin phù hợp đáp ứng nhu cầu của du khách trong suốt hành trình du lịch; ứng dụng thuyết minh du lịch tự động và hỗ trợ thanh toán thuận lợi trên thiết bị di động thông minh.

Tăng cường phát triển nguồn nhân lực du lịch trên cơ sở tăng cường năng lực cho các cơ sở đào tạo và giảng viên; đa dạng hóa các hình thức đào tạo, đẩy mạnh xã hội hóa và hợp tác quốc tế về đào tạo nhân lực; nâng cao kỹ năng nghề qua hoàn thiện và áp dụng các bộ tiêu chuẩn nghề. Từng bước vận động, hướng dẫn, đào tạo, bồi dưỡng cho cộng đồng, người dân bản địa tham gia vào lực lượng lao động, trở thành đội ngũ tuyền truyền, quảng bá du lịch, đại diện cho hình ảnh và nét đẹp của từng địa phương, từng vùng miền và của đất nước.

Tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch thông qua việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn trong lĩnh vực du lịch; kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về du lịch, mô hình tổ chức quản lý ngành đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trong tình hình mới; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, bảo đảm môi trường du lịch.

Bộ Xây dựng thẩm định đồ án Quy hoạch Khu DLQG Tam Chúc

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng thực hiện việc lập, thẩm định nhiệm vụ và đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Tam Chúc, tỉnh Hà Nam.

UBND tỉnh Hà Nam thực hiện việc lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng trong phạm vi Khu du lịch quốc gia Tam Chúc, tỉnh Hà Nam theo quy định pháp luật về quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị.

Ý kiến của Thủ tướng về Quy hoạch TP Hải Phòng

Thủ tướng Chính phủ đồng ý đề nghị của UBND thành phố Hải Phòng và ý kiến của Bộ Xây dựng về việc điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng và Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải.

UBND thành phố Hải Phòng tiếp tục thực hiện Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1448/QĐ-TTg ngày 16/9/2009 bảo đảm đồng bộ, thống nhất đúng quy định pháp luật về quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND thành phố Hải Phòng nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Bộ Xây dựng và ý kiến của bộ, ngành tại cuộc họp ngày 20/12/2018 để cập nhật và thể hiện các nội dung điều chỉnh cục bộ quy hoạch các khu vực trên vào đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 đang thực hiện và Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải; tổ chức công bố công khai theo quy định của pháp luật.

Chỉ đạo của Phó Thủ tướng về vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng tại Long An

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia về vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng tại tỉnh Long An.

Vào lúc 15h ngày 2/1/2019 đã xảy ra vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng tại ngã tư Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An do xe container biển kiểm soát 62C-043.48 từ tỉnh Long An đi thành phố Hồ Chí Minh đâm nhiều phương tiện đang dừng chờ đèn đỏ. Hậu quả làm 4 người chết và nhiều người bị thương. Ngay khi tai nạn xảy ra, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã gửi  lời chia buồn sâu sắc tới gia đình các nạn nhân tử vong; động viên, thăm hỏi các nạn nhân bị thương.

Phó Thủ tướng đã chỉ đạo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ trực tiếp đến hiện trường phối hợp với UBND tỉnh Long An xử lý, khắc phục hậu quả vụ tai nạn; thăm hỏi, hỗ trợ động viên gia đình các nạn nhân tử vong và nạn nhân bị thương trong vụ tai nạn.

Để tránh xảy ra các vụ việc tương tự trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải khẩn trương nghiên cứu đầu tư, nâng cấp hệ thống thiết bị giám sát hành trình, bảo đảm chức năng giám sát trực tuyến, phát hiện ngay các hành vi vi phạm (đi sai làn đường, quá tốc độ, ngắt thiết bị giám sát hành trình trong thời gian vận hành phương tiện...) để cảnh báo cho chủ xe và lái xe; đồng thời xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật nhằm khắc phục triệt để các lỗi chủ quan của lái xe, chủ xe; hằng quý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tiến độ thực hiện.

Bộ Giao thông vận tải tiếp tục chỉ đạo rà soát và có biện pháp xử lý triệt để các điểm đen có nguy cơ cao về tai nạn giao thông trên các tuyến quốc lộ, đường dân sinh, lối đi tự mở, đường ngang đường sắt. Rà soát, kiểm tra, siết chặt công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe; có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các cơ sở vi phạm.

Đồng thời, chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông vận tải phối hợp với các lực lượng chức năng của ngành Công an tăng cường tuần tra,  kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của lái xe, chủ xe kinh doanh vận tải; chấn chỉnh và có biện pháp xử lý nghiêm đối với các vi phạm trong thực thi công vụ (nếu có) của các tổ chức, cá nhân trong lực lượng Thanh tra giao thông vận tải.

Khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật giao thông đường bộ; trong đó lưu ý nghiên cứu bổ sung các quy định về điều kiện hành nghề lái xe kinh doanh vận tải (theo hướng lái xe kinh doanh vận tải phải có giấy phép hành nghề).

Phó Thủ tướng giao Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng của Bộ phối hợp với Công an tỉnh chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt; đặc biệt là các phương tiện kinh doanh vận tải đường bộ khối lượng lớn, xe chở hàng hóa dễ cháy nổ, xe container...

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp chỉ đạo các lực lượng chức năng của địa phương thực hiện kiểm tra toàn diện về việc chấp hành các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đối với các doanh nghiệp, các chủ phương tiện kinh doanh vận tải đường bộ đã xảy ra tai nạn trong những năm vừa qua; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật nếu  phát hiện vi phạm. Tiếp tục chỉ đạo rà soát và có biện pháp xử lý triệt để các điểm đen có nguy cơ cao về tai nạn giao thông, đường dân sinh, lối đi tự mở, đường ngang đường sắt mất an toàn giao thông trên địa bàn; vận động các đoàn thể tại địa phương tham gia cảnh giới, tuyệt đối không để xảy ra tai nạn giao thông tại các vị trí này.

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông và văn hóa giao thông đến mọi tầng lớp nhân dân; đặc biệt nhấn mạnh tuyên truyền đến các chủ xe, lái xe kinh doanh vận tải.

Ủy ban An toàn giao thông quốc gia khẩn trương tổng hợp các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trong thời gian vừa qua (từ năm 2016 đến nay), phân tích, đánh giá nguyên nhân tai nạn, đề xuất giải pháp nhằm ngăn chặn các vụ việc tương tự, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 1/2019.

Phú Yên cần tăng cường giải quyết kịp thời kiến nghị của nhân dân

Thời gian tới, Phú Yên cần thực hiện tốt công tác tiếp dân, tăng cường đối thoại, giải quyết kịp thời những kiến nghị, nguyện vọng, bức xúc chính đáng của nhân dân, nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Đó là nội dung tại Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại buổi làm việc với tỉnh Phú Yên về kiểm tra thực hiện "Năm dân vận chính quyền" 2018.

Thông báo nêu rõ, Phú Yên xác định công tác dân vận là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp phải thường xuyên quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận; đổi mới công tác dân vận của các cơ quan nhà nước. Thể chế hóa các quan điểm, chủ trương mới của Đảng về dân vận thành các văn bản pháp luật; chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác dân vận gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn để các cấp chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân thực hiện.

Phú Yên cần thực hiện tốt công tác tiếp dân, tăng cường đối thoại, giải quyết kịp thời những kiến nghị, nguyện vọng, bức xúc chính đáng của nhân dân, nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo. Thực hiện tốt chế độ công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước. Phát huy vai trò giám sát của nhân dân đối với các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức. Kiểm tra, rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài; củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Đồng thời, tăng cường xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, cán bộ. Đổi mới công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức. Thực hiện nghiêm việc sắp xếp, đổi mới hệ thống tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế. Đổi mới công tác đánh giá cán bộ, lấy kết quả phục vụ và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo. Tăng cường kiểm tra, thanh tra công vụ, xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức có hành vi cửa quyền, tham nhũng, lãng phí, gây phiền hà cho nhân dân và doanh nghiệp.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Phát huy tối đa mọi nguồn lực xã hội; giải quyết tốt các mâu thuẫn trong quá trình phát triển. Công khai, minh bạch, đơn giản hóa, mọi thủ tục hành chính, cơ chế, chính sách, quy hoach, kế hoạch... liên quan đến người dân; làm tốt cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Bên cạnh đó, Phú Yên cần đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, giữ vững độc lập chủ quyền, an ninh chính trị.

Nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ Đảng, Nhà nước, Mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí công tác dân vận trong tình hình mới. Quan tâm xây dựng, kiện toàn, củng cố tổ chức, bộ máy và đội ngũ cán bộ Ban Dân vận, Mặt trận, đoàn thể nhân dân các cấp theo chủ trương của Trung ương. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, các hội quần chúng để tập hợp nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra và giám sát việc thực hiện công tác dân vận.

Các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Phú Yên tập trung chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi sắp tới; quan tâm, chăm lo cho nhân dân đón Tết vui tươi, đầm ấm, nhất là đối với các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng bị ảnh hưởng của thiên tai, đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, để mọi nhà đều có Tết.

Chủ trương tái cơ cấu VSTV

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp về chủ trương thoái vốn và Đề án tái cơ cấu Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam (VSTV).

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ kết luận tái cơ cấu VSTV là cần thiết và cấp bách. Tuy nhiên, VSTV là doanh nghiệp liên doanh với doanh nghiệp nước ngoài, hoạt động của Công ty liên quan đến lĩnh vực báo chí, tư tưởng văn hóa nên vấn đề cần được xem xét khẩn trương xử lý nhưng phải thận trọng, đúng chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì với Bộ Tư pháp thẩm tra Hồ sơ liên quan đến Hợp động liên doanh và Điều lệ của VSTV, có ý kiến đánh giá độc lập, đề xuất phương án xử lý bảo đảm tối đa lợi ích của phía Việt Nam, trong đó có hướng dẫn đàm phán lại với phía nước ngoài, gửi VTV và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

VTV mời kiểm toán Nhà nước Việt Nam làm rõ thực trạng tài chính, tình hình kinh doanh, chi phí hoạt động của VSTV; tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến liên quan bằng văn bản và ý kiến phát biểu tại cuộc họp, cập nhật tình hình sản xuất kinh doanh của VSTV để hoàn thiện báo cáo đến năm 2018 để trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 1/2019; trong đó, làm rõ khía cạnh pháp lý, xem xét khả năng điều chỉnh hợp đồng liên doanh và điều lệ Công ty để có phương án xử lý phù hợp với pháp luật, tính toán rủi ro pháp lý và đề xuất chọn phương án lựa chọn để xử lý, dự kiến triển vọng tương lai của Công ty./.

 

Print
838 Rate this article:
No rating

Thư viện ảnh

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ - VIỆN KHOA HỌC THỂ DỤC THỂ THAO - TỔNG CỤC THỂ DỤC THỂ THAO
Người chịu trách nhiệm chính: PGS.TS. Nguyễn Danh Hoàng Việt
Địa chỉ: 141 Nguyễn Thái Học - Ba Đình - Hà Nội * Điện thoại: (84-4) 733 0286 * FAX: (84-4) 733 4419
Website: vkhtdtt.vn; Email: banbientap.vkhtdtt@gmail.com

 

Close Copyright [2018] by TTTT
Back To Top